;
1. Ngã mạn lễ:
Sao gọi là ngã mạn lễ? Chính là thấy người khác lễ bái, mình cũng lễ, nhưng tướng ngã hoàn toàn chưa bỏ, lạy Phật mà chẳng chút tự nhiên, và luôn tự hỏi: Tôi lạy Phật để làm gì? Tôi đâu cần phải lạy ông ta? Do vậy nên lạy một cách không hoan hỷ, rất miễn cưỡng.
Hoặc có người thấy người khác lễ Phật, ai cũng lạy mà mình không lạy thì mình nổi bật quá, cảm thấy ngượng nên lạy theo. Tuy lễ Phật nhưng tướng ngã không mất, ngã mạn vẫn còn. Thấy người khác lạy nên họ cũng lạy, nhưng trong lòng lại nghĩ: “Mình thật là mê tín, lễ Phật có tác dụng gì chứ? Thật quá mê tín!”.
2. Cầu danh lễ:
Sao gọi là cầu danh lễ? Nghe nhiều người khen ngợi rằng: “Người kia lạy Phật rất nhiều, vừa lạy Phật, vừa lạy kinh, vừa sám hối, thật là dụng công tu hành!”. Nghe mọi người khen ngợi người kia như thế, người này cũng muốn được được tiếng tu hành, nên bắt chước bái Phật và tùy hỷ sám hối.
Người này tuy cũng tùy hỷ nhưng chẳng phải lễ Phật một cách chân thật, đó là vì muốn được tiếng tu hành mà lễ nên gọi là cầu danh lễ. Người này không phải tin, mà cũng chẳng phải không tin mà lễ, chẳng qua là thấy người lễ Phật được mọi người cúng dường, cung kính, khen ngợi là người tu đạo chân chính nên cũng muốn được như vậy mà lễ Phật.
3.Thân tâm xướng hòa lễ:
Sao gọi là thân tâm hòa xướng lễ? Chính là khi thấy người khác lễ, mình cũng lễ; mọi người lạy, mình cũng lạy, thân và tâm vọng hướng theo người—người khác như thế nào thì mình cũng như thế ấy, bất luận là lễ Phật có lợi ích hay không, cũng chẳng cần biết lễ Phật là chính tín hay mê tín, cũng chẳng có tâm cầu danh, chỉ là làm theo người khác mà thôi. Cách lễ bái này chẳng có công đức gì, cũng chẳng có lỗi gì, song là một việc bình thường.
4. Trí tịnh lễ:
Sao gọi là trí tịnh lễ? Trí là trí tuệ, tịnh là thanh tịnh; dùng trí tuệ chân chính, thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình để lễ Phật. Đó là cách lễ Phật của người có trí tuệ. Quý vị lễ Phật như thế thì sẽ không phạm sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Đó là thân nghiệp thanh tịnh.
Lúc quý vị lễ Phật không có tâm tham, tâm si, tâm sân mà chỉ có tâm cung kính để lễ Phật, nên ý nghiệp cũng được thanh tịnh. Khi quý vị lễ Phật, miệng niệm Phật hoặc trì tụng kinh chú, như thế khẩu nghiệp cũng chẳng phạm vào ỷ ngữ, vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt. Đó là khẩu nghiệp thanh tịnh. Ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, tức là dùng trí tuệ chân chính để lễ Phật, nên gọi là trí tịnh lễ.
5. Biến nhập pháp giới lễ:
Sao gọi là biến nhập pháp giới lễ? Lúc lễ Phật quán tưởng: Thân ta tuy chưa thành Phật, nhưng tâm tính của ta thì có mặt khắp cả pháp giới. Nay ta đối trước một vị Phật lễ Phật, song đồng thời cũng kính lễ Chư Phật khắp pháp giới; chẳng phải chỉ lễ riêng một vị Phật mà đối trước mỗi vị Phật đều có hóa thân của ta đang cung kính hướng về đảnh lễ và cúng dường Chư Phật Bồ-tát. Nên có câu rằng: “nhất thiết duy tâm tạo”.
Tâm của quý vị biến khắp pháp giới, nên thân cũng đầy khắp pháp giới. Quý vị lễ Phật với tâm niệm như thế thì mỗi lạy của quý vị cũng cùng khắp pháp giới. “Thế nào là pháp giới? Con đã nghe Kinh mấy ngày mà chẳng biết pháp giới là gì?”.
Tất cả tam thiên đại thiên thế giới đều bao hàm trong pháp giới, ở bên trong pháp giới, không có gì bên ngoài pháp giới. Tâm của quý vị là tận cùng hư không, trùm khắp pháp giới, nên sự kính lễ của quý vị cũng tận cùng hư không, trùm khắp pháp giới và công đức mà quý vị đạt được cũng như thế. Đó gọi là biến nhập pháp giới lễ.
6. Chính quán tu hành chí thành lễ:
Chính quán là chuyên tâm quán tưởng lễ Phật. Quán tưởng: Chúng ta lễ bái một vị Phật cũng chính là lễ bái cả pháp giới Chư Phật; lễ bái cả pháp giới Chư Phật cũng chính là lễ bái một vị Phật. Bởi vì Chư Phật trong mười phương ba đời đồng một Pháp thân, nên có câu rằng: “Phật Phật đạo đồng”.
Chúng ta phải vận tâm chuyên nhất quán tưởng lễ Phật, không để vọng tưởng xen vào, không nên thân thì đang bái Phật mà tâm lại chạy đến rạp chiếu phim, hoặc chạy đến trường đua ngựa, vũ trường, quán rượu hay quán cơm.
Tóm lại, như người lữ hành đến khắp các nơi mà không cần mua vé, thoắt lên trên trời, thoắt xuống dưới đất, lúc thì chạy qua New York, lúc thì chạy về San Francisco, song cũng chẳng biết vì sao, lại còn cho rằng mình có thần thông, kỳ thật ngay đến quỷ thông cũng chẳng có. Không nên nói là thần thông mà đó chính là vọng tưởng, còn gọi là tà quán, không có chính quán.
Tu hành chính quán là không khởi vọng tưởng, bái Phật thì phải nhất tâm lễ bái, tâm không thể làm hai việc cùng một lúc, không thể đang bái Phật ở đây mà tâm vọng hướng về nơi khác.
Lễ Phật có sự chính quán như thế thì quý vị lễ một vị Phật còn hơn lễ trăm, nghìn, vạn vị Phật; một lạy vượt xa hơn cả người lễ cả trăm, nghìn, vạn lạy mà bị vọng tưởng xen vào. Vì thế tu hành cần phải từ nơi cửa nhất tâm mà vào.
Quý vị cần phải biết pháp môn, nếu quý vị không biết pháp môn thì tuy là cũng lễ Phật như những người khác, nhưng người ta lễ Phật chỉ thuần lễ Phật còn quý vị lễ Phật mà tâm khởi lên vọng tưởng: “Đợi lễ Phật xong mình sẽ đi uống một ly cà phê, hay là uống một ít rượu”.
Quý vị vọng tưởng như thế thì chẳng phải chính quán tu hành chí thành lễ, đó là tà quán. Lúc lễ Phật chẳng chịu nhất tâm, lại toàn khởi vọng tưởng, lễ bái như thế chẳng có công đức gì cả.
7. Thật tướng bình đẳng lễ:
Thật tướng lễ là lễ mà chẳng lễ, chẳng lễ mà lễ. Có người nói: “Ồ, lễ mà chẳng lễ, chẳng lễ mà lễ, thế thì tôi không lễ Phật chính là lễ Phật rồi!” Chẳng phải lý giải như thế. Nghĩa là tuy quý vị lễ Phật mà chẳng chấp vào tướng lễ Phật chứ chẳng phải quý vị không lễ Phật rồi cho là mình đã lễ Phật, nói thế chính là cuồng điên.
Giống như có người đến đây nói với tôi là ông đã từng đi vào trong hư không. Nói như thế thật là ngu si quá đỗi! Loại người như thế quả không có thuốc chữa, không có cách nào cứu được. Vì sao như vậy? Vì tính chấp trước của họ quá nặng nề khiến họ trở thành ngu si quá đỗi.
Thật tướng bình đẳng lễ chính là bình đẳng lễ bái Tam Bảo, không chấp trước vào tướng, cung kính Phật, cung kính Pháp, cung kính Tăng, không có phân biệt đối tượng lễ bái, một niệm cũng chẳng sinh, một niệm cũng chẳng diệt. Đây chính là pháp thật tướng bình đẳng bất sinh bất diệt. Nên nói: “Một niệm không sinh toàn thể hiện”.
Quý vị thật có thể lễ Phật đạt đến một niệm không sinh thì lúc ấy mười phương thế giới liền hiện toàn thân. Thân này của quý vị tuy ở đây, nhưng lại lớn đồng pháp giới, đó chính là thật tướng, thật tướng vô tướng (thật tướng thì vô tướng, song không có chỗ nào mà không có mặt của thật tướng [thật tướng vô tướng, vô sở hữu tướng]).
Quý vị lễ bái mà không có tướng nhân, ngã, chúng sinh và thọ giả, cùng với pháp giới hợp thành một thể thì khi ấy thân của quý vị cũng chính là pháp giới, pháp giới cũng chính là thân này của quý vị. Quý vị xem, như thế có vi diệu không chứ! Trước đây thân của quý vị chỉ là một điểm nhỏ của núi Tu-di, núi Tu-di ở trong pháp giới giống như một hạt vi trần mà thôi.
Quý vị không nên cho rằng núi Tu-di là to lớn. Hiện tại, núi Tu-di ở trong Pháp thân của quý vị, Pháp thân của quý vị bao trọn lấy núi Tu-di, quý vị xem như thế có vi diệu không! Hết thảy vạn vật ở trong vũ trụ, không có vật nào mà chẳng được bao trùm bởi Pháp tính của quý vị, cho nên chẳng có gì mà quý vị không thấu biết.
Thật tướng bình đẳng lễ là một cảnh giới bất khả tư nghì, nếu quý vị có thể lễ Phật đạt đến cảnh giới ấy, quý vị nói xem, sự vi diệu ấy có thể nói hết đặng chăng? Nói không hết được.
Ở trên nói sơ lược có bảy cách lễ bái Tam Bảo. Nếu nói rộng ra thì lễ nghi có ba trăm, oai nghi có tới ba nghìn, cho nên phép lễ có rất nhiều. Ở Trung Hoa có một bộ kinh lễ gọi là “Lễ Ký” (một trong “Tứ Thư” của Nho giáo), chuyên viết về các cách lễ nghi.
Trong “Lễ Ký” nói mỗi người ngồi ở chỗ nào đều có quy định, người lớn có chỗ ngồi của người lớn, trẻ em có chỗ ngồi của trẻ em, người nam có chỗ ngồi của người nam, người nữ có chỗ ngồi của người nữ, người già có chỗ ngồi của người già, không thể ngồi lộn xộn. Tôi xin đơn cử, như: Trẻ em phải ngồi chỗ nào? “Lễ Ký” nói: “Em bé ngồi ở góc” (Đồng tử ngung tọa). Trẻ em phải ngồi ở bên góc, không được ngồi chính diện.
Giảng đến “lễ”, nhớ khi nhỏ lúc 12 tuổi tôi rất chú trọng lễ phép. Chú trọng lễ phép như thế nào? Tôi rất thích người khác cung kính mình. Cung kính như thế nào? Khi nhỏ tôi thích làm hoàng đế, thông thường những đứa bé trong thôn, khi thì năm mươi, lúc thì một trăm đứa, tất cả đều nghe theo sự chỉ huy của tôi. Tôi bảo chúng đấp lên một ụ đất khá lớn, rồi tôi ngồi chễm chệ trên đống đất đó và bảo chúng lạy tôi. Thật lạ, những đứa trẻ ấy không hề phản đối, hướng về phía tôi mà lạy, đều nghe theo lệnh của tôi.
Đến năm mười hai tuổi, tôi thấy một đứa bé chết, lúc ấy tôi mới biết là con người rồi sẽ chết, thế là từ đó về sau tôi cải đổi thói quen xấu ấy, không bắt các đứa bé lạy tôi nữa, trái lại tôi hướng đến người khác để lạy.
Trước tiên bắt đầu từ ai? Bắt đầu từ cha mẹ tôi. Sáng sớm đến lạy cha mẹ, chiều tối cũng lạy cha mẹ. Lạy cha ba lạy, lạy mẹ ba lạy, như thế sáng lạy sáu lạy, tối lạy sáu lạy. Về sau tôi nghĩ trên thế giới này không chỉ riêng có cha mẹ của mình mà còn có trời, có đất, có vua và cả thầy nữa. Thế rồi tôi lại lạy trời, lạy đất, lạy vua, và lạy thầy. Bấy giờ tôi còn chưa biết thầy của mình là ai, do vì chưa gặp được thầy nhưng trong lòng tôi đã nghĩ thế này: “Tương lai mình nhất định sẽ có một vị thầy, tuy hiện tại mình chưa gặp được thầy song cần phải lạy thầy trước”.
Vì thế mà tôi mới lạy trời, lạy đất, lạy vua, lạy cha mẹ và lạy thầy như thế. Nếu y theo cách nhìn của của nhiều người thì điều tôi làm là hết sức mê tín. Về sau tôi lại nghĩ thế gian này còn có thánh nhân, cho nên tôi lại lạy thánh nhân; nghĩ rằng có hiền nhân nên tôi lạy hiền nhân. Sau nữa tôi còn biết trên thế gian này có Phật cho nên hướng lạy Phật; lạy Bồ-tát, lạy Thanh văn, Duyên giác. Tiếp đến tôi lại nghĩ thế gian này còn có những người thật tốt, tôi lại lạy người tốt; thế gian này có người thiện, tôi lại lạy người thiện.
Tôi lại nghĩ những vị ấy thường làm việc thiện giúp đỡ người khốn cùng, vì thế tôi thay mặt người khốn cùng lạy tạ những vị ấy. Tôi lại nghĩ những người ác cũng thật đáng thương, tôi lại đại diện cho những người ác này khấu đầu lạy Phật, xin Phật tha thứ xá miễn những lỗi lầm cho họ, giúp họ cải ác làm lành.
Tôi lại thay mặt tất cả những người có tội trên thế gian này khấu đầu lạy Phật, hướng về Phật sám hối; thay mặt những người không hiếu thảo với cha mẹ trên đời sám hối với Phật. Tôi lại cho rằng mình là kẻ xấu nhất trong những người xấu, tôi nên lạy Phật thay cho tất cả bọn họ.
Cứ như thế sau này mỗi lần lễ lạy, tôi đều lạy đúng tám trăm ba mươi lạy. Tôi lễ lạy vào thời gian nào? mách nhỏ với quý vị: sự tu hành của tôi rất kỳ quái! Sáng sớm khi mọi người còn chưa tỉnh giấc, tôi đã dậy mặc áo sạch, rửa mặt, ra bên ngoài thắp một cây hương và bắt đầu lạy. Bất kể là gió bão, mưa đổ, tuyết rơi, tôi cũng phải lạy, thậm chí tuyết rơi tôi cũng không để ý là lạnh đóng băng hay lạnh mát, tôi úp tay trên tuyết để lạy
Lạy tám trăm ba mươi lạy cứ quỳ xuống, đứng lên; đứng lên,quỳ xuống, thời gian ước tính khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Buổi tối đợi sau khi mọi người đều đi ngủ, tôi lại ra ngoài để lạy. Cứ như thế, tôi đã lạy trong nhiều năm cho đến sau khi tôi ở nơi mộ mẹ thủ hiếu mới giảm bớt số lần lạy, mỗi ngày chỉ lạy chín lạy. Không lạy nhiều như trước nữa, như vậy sẽ đỡ mất thời gian rất nhiều. Tôi nghĩ mọi người đều muốn biết quá khứ tôi đã lễ Phật như thế nào, nên mới nói sơ qua như thế.
Kính lễ Chư Phật: chữ “kính” chính là vâng giữ quy củ, căn cứ vào quy củ mà làm. Những việc quý vị làm đều hợp với lễ, đó chính là kính. Nếu quý vị không giữ lễ, đó là bất kính. Thí như quý vị cung kính một người thì sẽ giữ khuôn phép trước mặt người đó, còn như không cung kính người đó thì quý vị sẽ cẩu thả, tùy tiện làm theo ý thích của mình.
Nay chúng ta nên lễ kính Chư Phật, chính là kính lễ hết thảy Chư Phật trong mười phương ba đời. Phật là một bậc đại giác, là một người đạt được sự giác ngộ lớn. Phàm phu chúng ta sống say chết mộng, chẳng biết ba cõi này là khổ, cũng chẳng muốn ra khỏi ba cõi, đó gọi là bất giác
Nhị thừa ở trong phàm phu là người đã giác ngộ, Nhị thừa giác ngộ cái gì? Giác ngộ sinh tử vô thường, vô cùng nguy hiểm, vì thế họ tu hành đạt được lý thiên không[[2]], đạt ngộ pháp Tứ đế, pháp Mười hai nhân duyên, đó gọi là La-hán cũng gọi là Duyên Giác.
Trung thừa còn gọi là Duyên Giác. Những vị này ở trong phàm phu có thể xem là một người giác ngộ, nhưng chưa thể đem sự giác ngộ của mình để giác ngộ cho người, họ chỉ biết tự lợi mà không biết lợi tha, vì thể họ chỉ có thể tự mình giác ngộ.
Bồ-tát và La-hán không giống nhau, Bồ-tát đã có thể tự giác lại còn có thể giác tha, đã có thể tự lợi lại còn lợi tha. Phật và Bồ-tát cũng khác. Bồ-tát tuy có thể tự giác, giác tha nhưng chưa được viên mãn. Phật thì giác hạnh viên mãn, nghĩa là giác cũng viên mãn, hạnh tu cũng tròn đầy; tự giác đã viên mãn mà giác tha cũng trọn vẹn. Sở dĩ Phật thành một bậc đại giác ngộ là vì cả ba loại giác ngộ của Ngài đều viên mãn, vô số công đức đều đầy đủ, nên gọi là Phật.
Giáo lý Tiểu thừa cho rằng chỉ có một Đức Phật là Phật Thích-ca-mâu-ni, không chấp nhận có những vị Phật khác. Pháp Tiểu thừa chính là pháp mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết cho năm vị Tỳ-kheo nghe lần đầu tiên tại Lộc Giả Uyển, cho nên những người tu theo Tiểu thừa chỉ biết có mỗi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, không biết ở thế giới khác có vô lượng Chư Phật.
Do vì chẳng biết nên họ nói không có Phật trong mười phương, chỉ có Phật Thích Ca Mâu Ni. Thế mười phương Phật phải chăng không có? Không phải như thế! Dù họ có thừa nhận có mười phương Phật thì cũng đã có mười phương Phật, nếu họ không thừa nhận thì vẫn có mười phương Phật. Phật trong mười phương và Phật Thích-ca-mâu-ni là một, nên nói: “Mười phương ba đời Phật, đồng cùng một Pháp thân” (Thập phương tam thế Phật đồng cộng nhất Pháp thân ).
(Trích từ MƯỜI ĐẠI HẠNH NGUYỆN CỦA BỒ TÁT PHỔ HIỀN Trong ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM KINH LƯỢC GIẢNG).