;
Vẫn biết rằng: hiểu sâu giáo lý của Phật, hiểu rõ lý nhân quả, thông đạt mọi ẩn ước của kinh kệ thời không lễ Phật cũng là lễ Phật, không tụng king mà chẳng khác đã thuộc làu kinh. Nhưng , hỏi ai dám tự cho mình là được như vậy?_Vả, nếu đã tự cho mình là đầy đủ cả, không cần lễ Phật tức là đã có một sự ngã mạn, cống cao. Người đã ngã mạn là khó thâm nhập được Phật lý, và những sự suy xét chẳng qua chỉ là lấy ma thuyết tự biện mà thôi.
Trong các pháp môn lạy Phật, tụng kinh và niệm Phật, người cư sĩ cần có quan niệm chính xác:
_Lạy Phật là biểu lộ sự tôn kính đấng Giác Ngộ và tự ta tĩnh tâm thức giác ngộ sẵn có của ta, và đồng thời dẹp bớt lòng kêu căng, tự đại, cúi mình đi theo chánh đạo.
_Tụng kinh là đọc những lời vàng mà đấng Giác Ngộ đã trãi bao kiếp tu tập, di giáo lại cho ta, dạy bảo cho ta biết cách làm cho tâm thanh thái, diệt trừ được mọi phiền não ràng buộc.
_Niệm Phật là nghĩ nhớ đến đấng Ðại Giác để được theo Ngài, trở về cõi nước thanh tịnh của ngài, mà cõi nước ấy đâu phải xa xuôi, chính tự tâm mình, mình niệm Phật thì tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh tức là Cực Lạc.
Khi đã có được những quan niệm chân xác như vậy rồi cần phải thực hành để gặt hái được kết quả của sự:”Phúc tuệ song tu”tức là trao luyện cả phần làm phúc làm duyên, huân tu trí tuệ cho thêm sáng suốt, như thế ta phải cố thực hiện ba quan điểm Văn, Tư, Tu tức là nghe thì phải suy ngẫm, suy ngẫm rồi cố làm theo để có thể thóat bến mê sang bờ giác ngộ.
Cũng có người cho rằng mỗi khi tổ chức tụng niệm ở nhà là rất phiền phức vì phải sắm hoa quả, hương nến.v.v...nếu cứ hàng ngày tụng niệm sắm sửa như thế sẽ rất tốn kém, chỉ ai giàu có mới theo được mà thôi, còn như người ở trong mức sống trung lưu hoặc nghèo nàn thì hoàn cảnh gia đình không cho phép, nên dù có đạo tâm cũng đành xao lãng, do đó không tổ chức lễ tụng ở nhà mà chỉ để ngày Rầm, Mồng một ra chùa lễ Phật, tự cho thế là quá đủ.
Ðiều e ngại trên, xét về thực tế không phải không có lý, nhưng thực ra chỉ là một ý niệm “trở đạo”,vì như ta đã biết: Lễ Phật là tự tâm, dù không có hương hoa, trà quả, tâm thành Phật vẫn chứng minh. Nếu biện nhiều lễ vật mà tâm còn e ngại về sự tốn phí, thảng hoặc trong gia đình có người thấy phí tổn nhiều mà khởi nên ý niệm không thành, như vậy thì lễ vật kia cũng chỉ là thức vật thừa dư, tâm đã không thành mà mua thức vật thật nhiều cúng Phật có ích gì đâu?
Cho nên, chỉ một nén hương thơm, toàn gia nhất hướng kính tin thì công đức vô cùng, vô lượng.
Tóm lại, người cư sĩ phải nên chăm lo lễ tụng ở nhà và nên tổ chức càng giản dị bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, phải nên lưu ý những điểm sau đây:
-Chọn thì giờ không xúc duyên đối với gia đình.
_Tự mình thanh tịnh: thân, khẩu, ý nghiệp.
_Bàn thờ giản dị, chỉ cần thắp lên nén hương thơm ngát, biểu lộ lòng thành
_Khi lạy Phật, tụng kinh phải nên giữ cho được hoàn toàn yên tĩnh, không nên để con cái, người nhà chạy đi chạy lại lao xao.
_Cần tập luyện để laỵ Phật, tụng kinh, niệm Phật cho đúng phương pháp và cần huấn giáo để toàn thể mọi người trong nhà cùng có ý niệm tin thành.
Niệm nghĩa là nhớ đến, nghĩ đến, đọc nhỏ, đọc lẩm nhẩm. Niệm Phật tức là nghĩ đến, nhớ đến đức từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hay bất cứ danh hiệu nào của mười phương chư Phật, chư Bồ Tát.
Trong kinh lăng nghiêm, thiên Thế Chí Niệm Phật dạy rằng:”thập phương Như Lai lân niệm chúng sanh như mẫu ức tử, nhược tử đào thệ, tuy ức hà vi. Tử nhược ức mẩu như mẫu ức thời, mẫu tử lịch sinh bất tương vi viễn” nghĩa là:chư Phật mười phương, thương yêu nghĩ nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con bỏ chạy, thì thương nhớ đâu có ích gì? Nhưng nếu con cũng nhớ mẹ như mẹ nhớ con, mẹ con thương nhớ lẫn nhau thì có khi nào lại xa nhau được
Phật chính là tâm, chúng ta xa Phật tức tự tâm dễ bị rơi vào vô minh vì hoàn cảnh tạo nên, nếu chúng ta vứt bỏ phiền não, quay đầu để nhớ đến Phật, tức là trở về với tự tâm, thì chúng ta đã gần được Phật.
Niệm Phật có nhiều cách, và phương pháp hành trì của mỗi cách cũng có khác nhau, trong phạm vi bài nầy chúng ta chỉ bàn đến pháp môn Luân Quán (còn gọi là lần tràng hạt hay chuỗi hột) mà thôi. Thông thường khi nói đến niệm Phật là chúng ta nghĩ ngay đến Lục Tự Di Ðà tức là:”Nam Mô A Di Ðà Phật” vì trong kinh Di Ðà đức Giáo Chủ cõi Cực Lạc đã dạy:”Trì một ngày cho đến bảy ngày, ai giữ được tâm tư trong lặng không hề tán loạn, khi sắp chết sẽ có đức Phật A Di Ðà cùng các vị Bồ Tát, Thánh chúng hiện đến ngay trước mặt mà hộ trì, khi người đó chết, nếu tâm không điên đảo thì liền được vãng sanh sang cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Ðà.
Trong 48 nguyện của đức A Di Ðà có nói rằng:”Nhược hữu chúng sanh, dục sanh ngã quốc, chi tâm tín nhạo, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giã, bất thủ chánh giác”nghĩa là: nếu có chúng sanh nào muốn sanh sang cõi nước ta, chí tâm tin tưởng, ưa thích, niệm danh hiệu của ta đến niệm thứ mười, nếu không được sanh ở cõi nước ta, ta không thành Phật.
Tổ Thảo Ðường cũng dạy:”Duy hữu niệm Phật nhất môn tối vi tiệp kính, tự cổ chí kim, ngu trí đồng tu, nam nữ cọng xu, vạn vô nhất thất”,tức là: chỉ có pháp môn niệm Phật là một pháp môn tiến tới thành Phật nhanh nhất, từ ngàn xưa cho đến ngày nay, kẻ trí người ngu đều tu, nam nữ đều có chung một xu hướng niệm Phật thì vạn người không ai chẳng đắc pháp.
Như vậy, niệm Phật cũng là một pháp môn rất thông dụng và tiện lợi, phù hợp với mọi căn cơ, mọi giới, mọi tầng lớp của Phật tử chúng ta, nếu tinh tấn tu hành thì cũng dễ dàng đi đến thành đạo. Ðiều cốt yếu của niệm Phật là để diệt trừ phiền não, mà phiền não lại do tâm của chính mình tạo nên từng sát na một, nếu niệm Phật từ cuốn họng trở ra, nghĩa là miệng niệm Phật mà tâm thì cứ suy nghĩ lung tung, chuyện nầy chuyện nọ.v.v...niệm Phật như vậy dù niệm một triệu câu cũng như chưa niệm câu nào. Sở dĩ khi còn sơ cơ không có chỗ nương tựa nên tâm dễ tán loạn do đó phải có chuông, mõ hòa nhịp để giữ tâm bớt tán loạn, lại có thêm chuỗi hột, để qua một hạt là phát nguyện trừ đi một phiền não, và hết một tràng hạt là đã diệt trừ được khá nhiều phiền não rồi.
Ðại cương phiền não có 108 món, do đó tràng hạt thông thường cũng có 108 hột. Chuỗi hột của Phật giáo Việt nam thường dùng có 3 loại: dài= 108 hột; trung= 54 hột và ngắn= 18 hột Vậy 108 phiền não là gì?
Phiền não là do 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý nhiễm trước 6 trần của thế gian là: Sắc, âm thanh, mùi, vị nếm, sự đụng chạm và sự liên hợp linh ứng với mọi sự vật. Khi 6 căn nhiễm 6 trần thì phân biệt thành ba trạng huống khác nhau là: Tốt - Xấu – Không tốt, không xấu.
Tất cả căn, trần và trạng huống luân lưu trong 3 thời: quá khứ, hiện tại, vị lai không bao giờ ngừng nghỉ.
Chúng ta có kết quả phiền não phát sanh theo sơ đồ sau:
Căn Trần Cảnh
1 - Mắt Sắc Ðẹp - xấu - trung binh
2 - Tai Thanh Hay-dở-không hay,không dở
3 - Mũi Hương Thơm - thối - không mùi
4 - Lưỡi Vị Ngon-không ngon-trung bình
5 - Thân Xúc Thích-không thích-bình thương
6 - Ý Pháp Tốt - Xấu – Bình thường
________________________________________________
6 căn 6 trần 3 cảnh
________________________________________________
6 căn + 6 trần x 3 cảnh = 36
36 x 3 thờI (Quá khứ,hiện tại,vị lai) =108
________________________________________________
.Trong pháp môn luân quán, kinh lần tràng hạt còn chia số 108 thành 108 Tôn vị như sau:
-5 vị Phật trong Kim Cang giới là: Ðại Nhật, A Súc, Bảo Sinh, Vô Lượng Thọ và Bất Không Thành Tựu Như Lai.
-4 vị Ba La Mật Bồ Tát là: Kim Cang Ba La Mật, Bảo Ba La Mật, Pháp Ba La Mật và Nghiệp Ba La Mật
-16 vị Ðại Bồ Tát: Di Lặc, Bất Không, Trừ Ưu, Trừ Ác, Hương Tượng , Ðại Tinh Tấn, Hư Không Tạng, Trí Tràng, Vô Lượng Quang, Hiền Hộ, Võng Minh , Nguyệt Quang, Vô Lượng Ý, Biện Tích, Kim Cang Yạng, Phổ Hiền Bồ Tát.
-12 cúng dường pháp là: Hy Hý , Mạn Ðà La, Ca, Vũ, Hương, Hoa, Ðăng, Ðồ hương và tứ nhiếp là: Kim Cang câu, Kim Cang Sách, Kim Cang tỏa, Kim Cang linh.
-16 vị Bồ Tát đời Hiền kiếp (theo hiển giáo là: Bạt Ðà Bà La, Bảo Tích, Tinh Ðức, Ðế Thiên, Thủy thiên, Thiện Lực, Ðại Ý, Thù Thắng Ý, Tăng Ý, Thiện Phát Ý, Bất Hư Kiến, Bất HưuTức, Bất Thiểu Ý, Ðạo Sư, Nhật Tạng và Trì Ðịa Bồ Tát .
-20 Thiên vị là: Ðại Phạm, Ðế Thích, Ða Văn, Trì Quốc, Tăng Trưởng, Quãng Mục, Kim Cang Mật Tích, Ma Hê Thủ La, Tán Chỉ Ðại Tướng, Ðại Biện Tài, Ðại Công Ðức, Vi Ðà, Thiên Thần, Kiên Lao Ðịa Thần, Bồ Ðề Thụ Thần, Quỷ Tử Mẩu Thần, Mạ Lỵ Chi Thiên, Nhật Cung Thiên Tử, Nguyệt Cung Thiên Tử, Sa Kiệt La Long Vương và Diêm La Ma Vương.
-5 vị Ðính Luân Vương là: Bạch Tản Cái Phật Ðính, Thắng Phật Ðính, Nhất Tự Tối Thắng Phật Ðính, Hỏa Quang Phật Ðính và Xã Trừ Phật Ðính Luân Vương.
-16 vị Chấp Kim Cang Thần là: Hư Không Vô Cấu Kim Cang, Kim Cang Luân, Kim Cang Nha, Diệu Trụ Kim Cang, Danh Xưng Kim Cang, Ðại Phận Kim Cang, Kim Cang Lợi, Tịch Nhiên Kim Cang, Ðại Kim Cang, Thanh Kim Cang, Liên Hòa Kim Cang, Quãng Nhãn Kim Cang, Chấp Diệu Kim Cang, Kim Cang Kim Cương, Trụ Vô Hý Luận Kim Cang, Hư Khônh Vô Biên Du Bộ Kim Cang.
-10 Ba La Mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ, Phương tiện, Nguyện lực, Trí ba la mật.
-4 Ðại: Ðất, Nước, Gió, Lửa.
Ngoài ra, Số 108 còn gọi là 108 kết tập hoặc 108 kết nghiệp như sau:
88 sử của kiến hoặc là:
a/ Cỏi Dục giới có 32 được chia ra:
-10 Khổ đế là: tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến,kiến thủ, giới cấm thủ
-7 Tập đế là: tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, và kiến thủ.
-7 Diệt đế là: tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, và kiến thủ (như Tập đế).
-8 Ðạo đế là: tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, kiến thủ, và giới cấm thủ.
b/ Cỏi Sắc giới và Vô sắc giới mỗi cỏi đều có 28 sử, cọng lại thành 56 là:
-9 Khổ đế là: tham, sân, si, mạn, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, thân kiến, và giới cấm thủ.
-6 Tập đế là: tham, sân, si, mạn, tà kiến, kiến thủ.
-6 Diệt đế là: tham, sân, si, mạn, tà kiến, kiến thủ.
-7 Ðạo đế là: tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ.
10 sử của Tư Hoặc (Tiểu Thừa) là:
a/ Cỏi Dục giới có 4 là: tham, sân, si, mạn.
b/ Cỏi Sắc giới có 3 là: tham, sân, si.
c/ Cỏi Vô Sắc giới có 3 là: tham, sân, si.
10 Triền là:
Không hổ, không thẹn, ganh ghét, keo xẻn, hờn, ham ngủ, lòng bất an, hôn trầm, giận dữ, tráo trở.
Trên đây là ý nghĩa con số 108 của chuổi hột, và chúng ta chỉ cần nhớ rằng: Niệm Phật là để diệt trừ phiền não, chú tâm vào việc niệm Phật để làm thanh tịnh lục căn, hầu đi đến chỗ thanh tịnh hoàn toàn để gặt hái được kết quả của sự tu hành là đi dần đến chỗ liên niệm không ngừng nghỉ, được như thế là người cư sĩ Phật tử chúng ta đã tiến một bước khá dài trên đoạn đường tu học của một kiếp người ngắn ngủi.
I/ Ý nghĩa: Theo Phật học Tự Ðiển định nghĩa: Tụng là đọc ra tiếng, đọc thuộc lòng hoặc đọc nương theo bản, đọc cho hiểu, cho nhớ để tu hành, đọc kinh, đọc kệ, đọc chú để cầu nguyện cho phần âm và phần dương .
Trong kinh A Di Ðà, Phật dạy:”Nhược hửu thiện nam tử, thiện nữ nhơn giai vi nhất thiết chư Phật chi sở hộ niệm giai đắc bất thối chuyển ư A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề (nếu có người thiện nam hay thiện nử nghe kinh mà thọ trì hoặc nghe danh hiệu Phật mà niệm thì người thiện nam, thiện nử ấy đều được các đức Phật hộ niệm cho, đều đến được nơi chánh đẳng, chánh giác không bao giờ thối chuyển). Như vậy tụng kinh, niệm Phật chính là phần việc của những người muốn tu thật sự, dù là cư sĩ Phật tử tụng kinh, niệm Phật cũng được công đức như chư Tăng, Ni.
Ngoài ra trong kinh Nghiệp báo Sai biệt có dạy rằng:”Ai cao tiếng tụng kinh, lạy Phật được hưởng mười thứ lợi ích như sau:
1/ Bỏ được sự buồn ngủ.
2/ Các loài Thiên ma nghe thấy đều phải kinh sợ.
3/ Tiếng sẽ trong và vang ra khắp mười phương.
4/ Ba đường (Ðịa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh) đều được thoát khổ.
5/ Các thứ âm thanh bên ngoài khong xen lộn vào được.
6/ Tâm thức không bị tán loạn.
7/ Thân tâm càng thêm dũng mãnh, tinh tiến.
8/ Chư Phật nghe tiếng thảy đều hoan hỹ.
9/ Mau tiến tới chánh định.
10/ Nhất định sẽ về nơi tĩnh lặng hoàn toàn.
Tất cả mọi khổ não đều do vọng tâm mà ra, nay tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật thân tâm dần dần tĩnh lặng thì phiền não tự nhiên bị tiêu diệt hết.
II/ Phương pháp tụng kinh: Mặc dù tụng có nghĩa là đọc to lên, nhưng không có nghĩa là tiếng nói oang oang thô bạo như thét vào tai kẻ khác. Chúng ta biết rằng mỗi người có một giọng riêng biệt, khác nhau. Nhưng dù tiếng trong, đục,thô, thanh, trầm, bỗng, kim, thổ...nếu chăm chú luyện tập thường xuyên trong việc tụng kinh thì tiếng nói sẽ trở thành êm dịu, dẽ nghe khiến mọi người ưa thích. Phật dạy:”Nhũng ai tụng kinh, lạy Phật nhiều thì tiếng vang xa ra khắp mười phương, ai nghe thấy cũng đều thích thú.”Do đó người cư sĩ Phật tử chúng ta cần biết đến cách tụng kinh và cách đánh chuông mõ.
a/ Cách tụng kinh: Tụng kinh có hai cách theo tập tục của từng địa phương như : Ngồi thẳng xuống chiếu, hoặc quỳ hay ngồi trên ghế tuỳ theo sự trang trí bàn kinh cao hay án kinh thấp. Nếu ngồi trên ghế hay dưới chiếu đều là y theo phép toạ thiền, chỉ khác nhau ở chỗ một bên nhập định im lặng, một bên phải chăm chú vào việc tụng niệm, ngồi mà tụng thì thoải mái và thời gian lâu dài, còn quỳ hay đứng chỉ làm những lễ ngắn mà thôi. Do đó các vị Tổ Sư ngày xưa thường ngồi mà tụng kinh suốt ngày mới đứng dậy.
Tụng kinh cũng giống như người chơi đàn, tụng to mà cao, gắt tiếng như người gảy đàn căng dây, tụng nhỏ mà trầm, hoặc rờ rạc như người gảy đàn chùng dây. Dây đàn căng thì mau đứt, người tụng dễ bị lạc tiếng hoặc mất tiếng, mau mệt. Dây đàn chùng thì không thành tiếng, người tụng cũng như người nghe dễ chán nản và hôn trầm. Cho nên tụng kinh là phải giữ cho tiếng vừa phải, không to quá, không nhỏ quá, không cao mà cũng không thấp, không nhanh, không chậm, được như vậy mới đúng là:”Hải hội tất dao văn” tức là khắp chốn đạo tràng ai cũng nghe và khi nghe ai cũng sanh lòng ưa thích.
Khi tụng kinh , người tụng cần phải hiểu nghĩa, phải suy luận nghĩa kinh, phải biết ngắt câu, ngắt đoạn, tụng có mạch lạc, không được mang chũ của câu nầy nhập sang câu khác, hoặc tụng nhảy hàng, bỏ trang, hoặc thấy dài quá lại bỏ bớt.v.v... Ðúng phép tụng kinh là “khẩu tụng tâm suy” tức miệng tụng trí phải suy nghĩ lời kinh, hiểu thấu đáo nghĩa kinh để đạt được “tâm khẩu tương ưng” tức là tâm cùng lời ứng hợp với nhau.
Khi ngồi, đứng, quỳ để tụng kinh đều phải tuyệt đối trang nghiêm, không quạt tay, không nói chuyện, không nhìn qua nhìn lại, không ăn trầu, không nhai kẹo cao su hay nhổ nước bọt.v.v...nếu cảm thấy có “trở duyên” như ho quá, chảy nước miếng, hoặc khô cổ thì phải nghỉ không nên quá cố gắng, gượng gạo mà mất sự tôn nghiêm, trở nên thất kính.
b/ Cách đánh chuông mõ: Chuông mõ là hai loại pháp bảo để trợ duyên cho việc tụng kinh. Ðánh chuông để điểm câu, để bộc lộ sự hiểu biết mạch lạc của bài kinh mình đang tụng. Ðánh mõ là để giữ nhịp tụng cho đều, bộc lộ âm thanh hòa điệu và tính tình của người tụng.
Cho nên chuông là biểu hiện đại quan vắng lặng, trí lự của người tụng nương theo, mõ là biểu hiện rung động của cảnh giới tâm thức của người tụng hòa theo.
Người đánh chuông phải biết chọn chỗ có âm thanh siêu thoát, trong quả chuông có chỗ tiếng thô, tiếng thanh, tiếng gắt, tiếng trầm...phải lựa chỗ có tiếng hay nhất để đánh, và khi đánh phải tế nhận, nương tay, đừng mạnh quá và cũng đừng nhẹ quá, mạnh quá thì tiếng gắt chói tai, nhẹ quá thì không thành tiếng.
Người đánh mõ là phải tìm huyệt , trong cái mõ có chỗ kêu nhất và ấm nhất chỗ đó gọi là huyệt, khác với những chỗ khác kêu tiếng gỗ. Nếu là mõ ở chùa thường có một chỗ hơi lõm xuống và láng bóng, chính chỗ nầy là huyệt vì quý thầy đã tìm thấy và đánh hoài nên đã bị mòn và lõm xuống. Ðánh mõ phảỉ đúng với nhịp tụng kinh, không nên đánh quá mạnh mà cũng đừng quá nhẹ. Tưởng cũng nên lưu ý khi cầm dùi mõ, phải cầm bằng năm ngón tay, nhẹ nhàng không quá chặt, cùi chỏ kẹp sát nách, không thụt lùi hoặc tới quá mà phải ngang với lưng, khi đánh chỉ bàn tay cử động qua cườm tay chứ không được cử động cả cánh tay, đánh như vậy thì tiếng mõ được thanh tao mà thoát tiếng tức là không bị sức cả cánh tay dằn hảm quá mạnh làm lạc mất tiếng của mõ.
Tụng kinh là yếu tố tiến tới hiểu đạo nhưng cách đánh chuông mõ lại chính là yếu tố quan trọng trợ duyên và biểu lộ tâm tình của người tụng kinh. Một người đứng ngoài nghe tụng kinh có thể biết được tánh tình của người đang tụng vui vẽ hay u sầu, khi ta nghe tiếng mõ không đều, khi gắt gỏng, khi dồn dập, khi rời rạc; điều đó chứng tỏ rằng người tụng có điều gì bực tức, chán nãn. Có tiếng mõ nghe vui vẽ, có tiếng mõ nghe buồn thảm, có tiếng mõ nghe như thúc dục, cũng có tiếng mõ nghe như quyện lấy tâm hồn; có một âm điệu lâng lâng giải thoát.
Tóm lại, tụng kinh, đánh chuông mõ là cả một nghệ thuật, hết sức nhịp nhàng như hơi thở điều hòa của một thân thể và tâm hồn không bệnh hoạn, khai chuông mõ đúng cách, chuyển chuông mõ đúng phép, dứt chuông mõ đúng nhịp là biểu thị tâm cảnh và thức quan hòa hợp với nhau, như vậy mới gây được phúc duyên và đem lại sự an lạc cho chính mình và cho mọi người, khắp cùng pháp giới nghe kinh mà được giải thoát.
III/ Trì kinh: Trong việc tụng kinh có một điều gọi là “trì tụng” nghĩa là chuyên tâm chỉ tụng một thứ kinh nào mà tụng thật đúng thời khóa.
Tỷ như có vị chỉ chuyên trì chú Lăng Nghiêm, có vị chuyên trì kinh A Di Ðà, kinh Phổ Môn, kinh Dược Sư hay Kim Cương.v.v... đó là tùy theo căn hạnh của mình có duyên với kinh nào thì nên chuyên trì kinh ấy, mà nếu ta chuyên trì được thì “trì tụng” kinh nào cũng đều công đức như nhau.
Phải có ý niệm chân xác là: nếu tụng kinh mà chỉ cốt cho mọi người biết rằng ta đây cũng là tín đồ Phật giáo, ta đây cũng là người tu,ta đây cũng biết tụng kinh, niệm Phật,, mà đối với cách cư xử, hành động thường ngày không theo được một ly một tý nào so với đức hạnh của người cư sĩ thì sự tụng kinh ấy hoàn toàn coi như không có công đức gì vậy.
Cho nên người cư sĩ đối trước hoàn cảnh gia đình phải nên tùy duyên, tùy phương tiện mà tụng niệm, không cần phải bầy biện tụng kinh thật dài hàng năm bảy ngày như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Lương Hoàng mà chỉ cần tụng một biến kinh Bát Nhã, niệm Phật lấy một tràng, để hết tâm trí vào việc tụng niệm mỗi ngày chừng nửa giờ hay mười lăm phút cũng được khá nhiều công đức.
Còn như muốn biết cần tụng kinh nào cho đúng với hoàn cảnh thì thiết tưởng cứ theo phần ý nghĩa của kinh mà thực dụng tức là gây được công đức vậy.
Tóm lại, người cư sĩ phải nên tụng niệm cho thật thành thuộc, và nên coi việc tụng kinh niệm Phật là một món ăn cần thiết cho mình, bởi chư Phật đã dạy: “Phải tự thắp đuốc mà đi”.Ta thỉnh chư Tăng về tụng niệm đấy là trượng vào tha duyên, tha lực. Tu hành cũng như người ta ăn cơm, chư Tăng cũng như người chỉ dạy cho mình biết cách cầm đũa, biết cách gấp món ăn. mình có ăn mới no, cũng như chính chư Tăng, vị nào có tu mới có chứng. Vì vậy mà Cư sĩ phải lo việc tự tu, tự chứng mới là điều kiện thiết yếu tạo lập “tư lương” cho đời mình vậy.
IV/ Thì giờ tụng kinh: Người Cư sĩ thường phải lo toan về sự sinh sống hàng ngày cho gia đình nên không thể nhất thiết: Lễ Phật tụng kinh, niệm Phật cả ngày như chư Tăng được. Dù người rỗi rãi tới đâu cũng còn bị hoàn cảnh chi phối. Hoàn cảnh đây là chỉ vào nơi mình cư ngụ, nếu là nhà rộng rãi theo kiểu biệt thự thì còn có vợ, có con ràng buộc không thể mỗi lúc làm xúc duyên cho gia đình; nếu lại ở vào cảnh phố phường đông đúc, nhà cửa chật hẹp thì không những xúc duyên đối với vợ con mà còn làm xúc duyên đối với cảm xóm giềng nữa.
Do vậy, người Cư sĩ cần phải chia định thời giờ sao cho thuận tiện, chọn lúc nào rảnh rỗi nhất, vắng lặng nhất mà không làm phiền ai, đấy là lúc thực hiện tụng kinh.
Thường thường ta phải thực hiện việc tụng kinh vào buổi sáng, khoảng 6 giờ, vì khi ấy mọi người đều yên lặng mọi sự mọi vật đều chưa dao động; đấy chính là lúc tụng kinh tốt nhất.
Tụng kinh chọn lúc sáng ngày,
Dương kia chưa động, âm nầy chưa tan.
Lòng còn khoan chưa hề ẩm thực,
Khí huyết điều, thanh, trọc hòa quân,
An nhiên lắng mọi cảnh trần,
Tụng kinh đúng lúc, thiện nhân vê tròn.