;
Chùa Hòa Lạc Nhật Bản, thư mời dự Đại lễ khánh thành
Chùa Hòa Lạc vùng Kansai Nhật Bản an vị tôn tượng Phật
Lễ hằng thuận tại chùa Nisshinkutsu, Nhật Bản
Bàn về danh xưng trong Phật giáo Việt Nam
Phù tang những ngày hạ sang nắng rọi vàng hoe đôi mắt. Những chuyến tàu vẫn chở khách xuôi ngược mọi nẻo đường. Đất nước mặt trời mọc, đất nước của văn minh, sự tiến bộ, cũng là đất nước của sự nhộn nhịp và bận rộn lao động của những con người mang tinh thần võ sĩ đạo.
Nơi chốn ấy những người con Việt xa quê biết tìm đâu sự nương tựa về tinh thần để hướng về Tổ quốc, nhất là những người con Phật, khi những ngày hạ tuần tháng tư qua, tranh thủ lướt web trên những chuyến tàu đi học, đi làm, giờ ra chơi, mà thấy được những hình ảnh cờ hoa rực rỡ trang hoàng nơi quê nhà, không khí rộn ràng từ kinh đô Phật giáo Huế, tới lễ rước Phật từ Ấn Quang tới Việt Nam Quốc Tự, tới những cuộc diễu hành xe hoa khắp các tỉnh thành, lòng không khỏi bùi ngùi khi vesak này không được hòa trong không khí trời người chào đón Như Lai ấy để dự lễ tắm Phật như năm nào. Nhưng rồi được biết chùa Hòa Lạc của cộng đồng người Việt sẽ tổ chức làm lễ, bỗng dưng niềm vui dâng lên và mong chờ tới ngày tham dự.
Phật đản ở đây không có những chuyến xe hoa, thuyền hoa, không có lễ đài to rộng, không có hàng trăm ngàn người chen nhau tắm Phật, nhưng thật vô cùng ấm ấp và đầy ý nghĩa đọng lại trong tâm của những người con Phật xa quê.
Sáng chủ Nhật, những chuyến tàu đưa mấy anh em tới ga Karumo, thật ngạc nhiên khi vừa bước ra khỏi cửa ga đã thấy có những anh chị cầm trên tay lá cờ ngũ sắc Phật giáo hướng dẫn chỉ đường, thật chu đáo biết nhường nào. Hòa Lạc Tự thành lập tới nay đã được 5 năm, là ngôi chùa được sửa sang lại từ căn nhà nhỏ 2 tầng của người Nhật, tầng một làm nơi tiếp khách, bếp núc sinh hoạt, tầng 2 là chánh điện thờ Phật và thánh chúng được bài trí theo lối truyền thống của ngôi chùa Việt đơn thuần. Ở đây chùa có chuẩn bị sẵn áo tràng lam cho tất cả mọi người đến dự lễ, khoác lên một màu lam hiền đại chúng cùng vân tập lên chánh điện lễ Phật và an tọa.
Bảy đóa sen vàng nâng gót ngọc
Ba ngàn thế giới đón Như Lai!
Giọng của người dẫn chương trình cất lên, buổi lễ được bắt đầu với sự tham dự chứng minh của Đại đức Thích Phước Điền, chủ tịch hội PGVN vùng Kansai, Tiến sỹ Phật học đại học Aichigakuin, Đại đức Thích Tường Nghiêm cùng Đại đức trú trì Thích Nhuân Phổ và hội chúng bà con kiều bào, du học sinh, tu nghiệp sinh cùng tham dự.
Những lời huấn dụ về ý nghĩa ngày đản sanh của Đại đức chứng minh, điệu múa dâng hoa của những em oanh vũ, những tiết mục văn nghệ ca ngợi hồng ân tam bảo, rồi những tiếng pháp khí vang lên hòa cùng giọng quý thầy tán tụng, thật xúc động biết nhường nào hồn Việt giữa đất nước muôn vàn bận rộn này. Tiếng Niệm đức Bổn sư cứ thế vang rền, giữa chánh điện chưa tròn trăm mét vuông,không ai bảo ai mỗi người tự xếp hàng và tắm tôn tượng Như Lai đản sanh trong trật tự và tiếng niệm Phật trầm hùng. Không khí thiêng liêng ấm cúng ấy khiến cho cơn mệt mỏi của người bạn đi cùng sau một đêm dài làm việc không ngủ bỗng tiêu tan, chỉ còn biết chú tâm vào Phật hiệu cầu gia hộ. Cuối cùng là buổi thọ trai ngay tại chánh điện. Các cô bác Kiều bào rất chu đáo , lo thức ăn tới tận mỗi người và dặn dò ăn uống đầy đủ.
Buổi lễ kết thúc ra về cũng là lúc nhiều cảm xúc đọng lại. Quả thực quá đỗi bất ngờ khi nơi xứ sở Phù Tang này có được một chốn tâm linh như vậy. Từ những bé oanh vũ, tới những cô cậu thanh niên đi học đi làm, tới những cô chú lớn tuổi, trung niên, và những cụ già tóc bạc. Tứ chúng đầy đủ vẹn toàn hòa hợp tu dưỡng, mới hiểu được hai câu thơ:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, đã hơn hai ngàn năm trôi qua. Có được ngôi chùa và quý thầy hưỡng dẫn tu tập là giữ gìn và bảo vệ được truyền thống và bản sắc dân tộc, ngưỡng mong hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Đại đức trú trì cùng toàn thể hội chúng được sức khỏe miên trường,thật nhiều thuận duyên để có thể mang lại nhiều lợi ích nhất có thể cho cộng đồng người Việt ta nơi xứ sở anh đào này.
Tán rằng:
Hòa hợp dưỡng đạo tâm, Đoàn kết dựng xây mái chùa,Chở che hồn dân tộc.
Lạc vui bồi Thánh Trí, Đồng tu tìm về nẻo giác,Vượt thoát khỏi bờ mê.