;
Tôi biết lạy Phật và cầu xin chở che từ lúc còn nhỏ. Nếp tẻ này đã ăn sâu vào ký ức, cứ nghĩ hễ đi chùa thì mình sẽ cầu xin đức Phật chuyện gì đấy. Nhưng từ khi gặp bạn thì tôi bắt đầu thay đổi suy nghĩ này.
Giống như tôi, bạn cũng không có kiến thức Phật pháp, nhưng bạn luôn tôn kính Ngài như một triết gia lỗi lạc của mọi thời đại. Bạn chỉ thắp một vài cây nhang và quỳ lạy thành kính. Trong khi đó, những người chung quanh đốt cả bó nhang và chăm chỉ quỳ lạy hết tất cả các vị Phật. Bạn thắc mắc rằng nếu không vào chùa và bái kiến tượng Phật thì họ có lạy Phật trong tâm hay không? Bạn cũng hỏi rằng mình phải đốt cả trăm cây nhang thì Phật mới chứng nhận lòng thành sao?
Nếu cúng dường xa xỉ để cầu mong ý nguyện đạt thành, thì chẳng khác nào chúng ta hạ thấp lòng tin vào đức Phật như một người quyền thế thích ăn hối lộ! Nếu vậy thì e rằng chúng ta không có lòng tôn kính đức Phật, bởi vì Phật luôn hiện thân muôn phương. Nếu Phật ở trong tâm thì ở đâu và lúc nào mình cũng có thể đảnh lễ trước Ngài. Nếu chỉ vào chùa mới thấy được Phật thì lòng tin của chúng ta lại bị giới hạn. Một khi lòng tin bị giới hạn thì nhất thiết không nên tin tưởng. Nếu không tin thì không nên vào chùa, lại càng không nên luôn miệng nói tin vào Phật. Nhưng tại sao nhiều người vẫn vào chùa lạy Phật và cầu xin bình an?
Như nhiều người khác, bạn cũng cầu nguyện cho những ước muốn của bạn trở thành sự thật. Có hai loại ước muốn: ảo tưởng và thực tế. Ham muốn ảo tưởng thì không đáng nói làm chi, bởi vì nó thể hiện sự sân si vốn phần nào thấm sâu vào bản chất một số người dưới sự tác động của môi trường. Trong ước muốn thực tế, lại có ước muốn cần thiết cho cuộc sống, ví dụ như mong muốn cha mẹ đặng bình an hay học hành tấn tới; hay loại ham muốn trần tục cho riêng bản thân, ví dụ như có nhiều tiền để đi du lịch nước ngoài cho thỏa thích.
Bạn cũng có những khao khát trần tục. Bạn cho rằng chúng ta không cần tiết kiệm ước mơ, nhưng nên biết cách điều tiết chúng. Như một cách dự phóng về tương lai mà ai cũng vậy, bạn luôn có ước mơ về viễn cảnh to lớn, ví dụ như việc có nhiều tiền để mua biệt thự. Để được như vậy thì trước tiên bạn cần phải có công việc. Để có công việc tốt thì bạn phải có bằng cấp tốt. Để có bằng cấp tốt thì bạn cần phải đi du học. Để được đi du học thì bạn phải xin học bổng. Ngoài năng lực học thuật và khả năng ngoại ngữ của bạn, việc xin học bổng còn bao gồm yếu tố may mắn mà bản thân bạn không thể nào quyết định được. Do đó, bạn cũng cầu xin đức Phật ban cho may mắn trong quá trình nộp đơn dự tuyển. Không phải tất cả ham muốn đều là xấu xa, bởi vì có nhiều ước muốn xuất phát từ nhu cầu thực tế và mưu cầu vươn lên sống tốt cho bản thân và xã hội.
Trong quá trình dự phóng về tương lai bằng những ước mơ, có thể bạn không đạt được một cách trọn vẹn. Có lẽ bạn cũng chỉ mua được một căn nhà cũ mèm, nhỏ xíu ở ngoại thành. Nhưng trên con đường đi đến ước mơ thì chắc rằng bạn sẽ đạt được những thành tựu khác. Đón nhận thành tựu nhỏ nhoi cũng là một cách thực thi ước mơ lớn hơn của mình. Quan trọng hơn, đằng sau việc mua sắm biệt thự không chỉ nhằm bản thân hưởng thụ, mà bạn mong mỏi được chăm lo cho những người thân có được cuộc sống bình an. Chỉ khi họ bình an thì bạn mới cảm thấy bình an.
Như vậy, ước mơ của bạn gắn chặt vào những người xung quanh và lòng tin vào đức Phật. Sự hiện diện lòng tin về đức Phật của bạn không bị giới hạn về thời gian hay không gian. Theo tâm niệm của bạn, đức Phật có khắp mọi nơi và hiển linh để che chở chúng ta. Như vậy, bạn vẫn lạy Phật để nguyện cầu về những ham muốn sân si.
Xin được lặp lại rằng chúng tôi đều không có kiến thức về Phật pháp. Bởi vì cả hai chúng tôi đều là kẻ sân si, ham muốn lúc nào cũng có, nên đi chùa để cầu bình an. Bình an không nhất thiết bắt nguồn từ mưu cầu đạt được ham muốn, bởi vì ham muốn tồn tại trong một chuỗi biến thiên. Ví dụ, ham muốn có được xe hơi luôn gắn liền với tiền bạc, tiền bạc gắn liền với công việc, năng lực, quan hệ xã hội. Muốn có xe hơi thì phải có tiền, muốn có tiền thì phải… Một chuỗi biến thiên với cụm từ thì “thì phải…”
Ngoài ra, có xe hơi thì chưa chắc được an toàn và hạnh phúc, vì chúng ta lại phải đối mặt với nguy cơ tai nạn, chi phí phát sinh, hay phiền hà từ những ganh ghét xã hội. Nói cách khác, chuỗi biến thiên ham muốn có hai mặt: hệ lụy từ ham muốn và lòng tham về ham muốn khác. Nhưng điều này cũng không có nghĩa rằng chúng ta không cần có ước muốn khi dự phóng vào tương lai.
Trong chuỗi biến thiên ham muốn này, để một ham muốn trở thành hiện thực thì chúng ta phải đồng thời thực hiện nhiều ham muốn khác. Tức là bản thân lại tiếp tục mong chờ vào những điều kỳ diệu có thể xảy ra cho bản thân. Đối với loại ham muốn ảo tưởng, sự ham muốn đó sẽ tiếp tục giày vò suy nghĩ, khiến bản thân xao động không yên.
Trước khi cầu nguyện, chúng ta đã có ham muốn. Sau khi cầu nguyện, có lẽ ham muốn ấy còn lớn hơn gấp bội. Do chúng ta không thực hiện được ham muốn của mình, nên phải cầu viện đến bậc siêu nhiên với một phép màu giúp ta thực hiện được ham muốn. Hóa ra chúng ta cầu nguyện là vì muốn lợi dụng lòng tin vào Phật để thỏa mãn ham muốn riêng mình. Vậy lạy Phật có còn ý nghĩa tôn kính nữa chăng?
Thông thường khi cầu viện đến thế lực siêu nhiên giúp đỡ, chúng ta có những ham muốn mà bản thân không thể một mình đạt được hay suy nghĩ ra cách đạt được. Theo đó, ham muốn vừa phi thực tế, vừa phù du. Phù du bởi vì cuối cùng nếu may mắn đạt được ham muốn đó, thì sự thỏa mãn có tồn tại vĩnh viễn với chúng ta hay không, hay nó lại là khởi sinh của một chuỗi ham muốn khác? Đó là chưa nói đến những ham muốn phi thực tế và cuồng vọng mà có khi bản thân bị phạm pháp bởi vì hành động ngông cuồng nhằm đạt được những ham muốn đó. Vậy bản thân chẳng được bình an. Cầu nguyện bình an từ ham muốn lại trở nên vô nghĩa.
Như những người phàm, chúng tôi không thể sống rời ước muốn vật chất và tinh thần. Có thể ước muốn của một số người rất vĩ đại, đại loại như cầu cho thế giới được hòa bình. Nhưng chúng tôi chỉ nguyện cầu sống bình an trong thế giới xung quanh mà thôi.
Thế giới xung quanh là do chính chúng tôi tạo nên. Mặc dù tất cả thực thể đều tồn tại ở dạng vật lý, song ý nghĩa của từng vật thể và thế giới là do chính sự tương tác của chúng ta với thế giới đó tạo nên. Cho dù vật thể và thế giới tồn tại khách quan, nhưng chúng ta tạo cho chúng ý nghĩa chủ quan thông qua hành động và lời nói của chính mình. Bởi vì là những người phàm phu còn trong vòng luẩn quẩn sân si, nên một khi càng vướng vào sự nhũng nhiễu trong tương tác với người khác thì chúng ta càng gặp rắc rối chẳng được bình an.
Nói như vậy thì không có nghĩa là chúng ta đoạn tuyệt với thế giới, vì không một ai trên cõi đời này, thậm chí cả đức Phật, có thể tồn tại mà không tương tác trực tiếp và gián tiếp với bất kỳ một ai. Nhưng sự tương tác của chúng ta phải được tập luyện về hướng “sắc tức thị không”. Một mặt, chúng ta vẫn nhận thấy sự tồn tại của sự vật và người khác thông qua các giác quan. Mặt khác, sự tác động của họ lên chúng ta bị giảm thiểu ngoài vòng phức tạp của cõi ta bà.
Đấy là khi giác quan vẫn hoạt động, nhưng trong lòng chúng ta giảm thiểu tạp niệm, tham, ái, sân, si. Chúng ta xem thế giới xung quanh bằng một tấm lòng cảm thông, không sa ngã. Trong tương tác với người khác, chúng ta cần cảm thông với hoàn cảnh của họ, lắng nghe và trợ giúp họ khi cần thiết.
Chúng ta cũng không cần mưu cầu người ta sẽ đền đáp lại, vì như vậy chẳng khác nào chúng ta mắc nợ vào vòng luẩn quẩn ham muốn được trả ơn. Tách rời bản thân ra khỏi những ham muốn có thể gây phiền lụy chính là một trong những cách mà kẻ sân si chúng tôi cố gắng tu tập để đạt được sự trống rỗng trong tâm hồn.
Sự trống rỗng trong tâm hồn là lúc chúng ta không gán ghép bất cứ ý nghĩa nào cho thế giới xung quanh với chủ đích đạt được ham muốn cuồng si. Đó là trạng thái lý tưởng mà chỉ có bậc chân tu mới giác ngộ và thực hành. Chúng tôi chỉ là kẻ sân si nên quá trình này lại có nhiều khó khăn.
Là kẻ phàm phu, những gì mà chúng tôi có thể làm là niệm Phật lúc thật tĩnh tâm và không mưu cầu bất cứ việc gì từ việc niệm Phật. Khi niệm A-di-đà, chúng tôi chỉ thấy thân xác và linh hồn mình đang đảnh lễ trước Phật. Sự tương tác ý niệm thông qua những hành động vật lý như quỳ lạy, nhắm mắt tập trung, hoặc mở miệng khẽ niệm, đều là sự tương tác trực tiếp với lòng tin của chúng tôi vào Phật. Lòng tin này giúp chúng tôi dẹp bỏ tạp niệm và ham muốn để đạt đến độ trống rỗng như không trong một khoảnh khắc thời gian.
Dẫu là một khắc thời gian nhỏ nhoi, nhưng ngày qua ngày, chúng tôi tu tập thói quen hạn chế sự suy nghĩ về những ham muốn ngông cuồng, mà chỉ đơn thuần tĩnh tâm không lo nghĩ. Sự tĩnh tâm này giúp chúng tôi có thêm tính kiên nhẫn, sự can đảm đối mặt với khó khăn, và lòng cảm thông đối với những hoạn nạn của những người xung quanh. Bình an, ở chừng mực nào đó, lại xuất phát ra từ chính ý niệm rỗng không, không tạp niệm ta bà.
Tôi luôn cảm thấy bình an khi cùng bạn vào chùa lễ Phật. Được lễ Phật cùng bạn, dù cả hai không có kiến thức Phật học, đã phần nào giúp tôi tự ngộ ra một số vấn đề gắn kết giữa hiểu biết sơ đẳng về Phật pháp, lòng tin và cuộc sống của riêng tôi.