;
Mấy năm gần đây, đến một số ngôi chùa sẽ thấy những tượng Phật nho nhỏ được gắn hoặc khắc trên tường mà dưới mỗi tượng đều có khắc dòng chữ mang tên những vị Phật tử, chẳng hạn Nguyễn Thị A, Trần Văn B, Diệu X, Thiện Y v.v… Cả một bức tường lớn dày đặc các tượng như thế, khiến có người ngạc nhiên hỏi: “Đó là cái gì?”.
Thực tế, đó là tên hoặc pháp danh của các vị mạnh thường quân đã chung tay đóng góp để xây dựng ngôi chùa hay hỷ cúng chính pho tượng đó. Đã và đang rộ lên “phong trào” các ngôi chùa khi cần xây dựng hoặc trùng tu đã nghĩ ra cách vận động kinh phí như thế. Cứ mỗi tượng Phật quy ra giá trị, thí dụ 500.000 đồng, thì Phật tử góp 500.000 đồng sẽ được khắc tên dưới chân một tượng, nếu góp 1.000.000 đồng thì được khắc tên dưới hai tượng. Có thể khắc tên cha mẹ ông bà anh chị em con cháu đều được, gọi là hồi hướng công đức cho họ. Có chùa khắc hơn cả ngàn tượng Phật thì mới đủ kinh phí xây dựng. Xem ra cách này khá hiệu quả hơn vận động suông.
Tôi cũng có lần được mời đóng góp xây chùa như thế. Nhưng tôi nói: “Thôi ạ, con vẫn đóng góp vì con yêu kính ngôi Tam bảo, muốn Tam bảo được khang trang, nhưng đến tờ giấy ghi danh công đức con còn ngại lấy, huống chi ghi tên lên tượng Phật”. Thầy bảo, thế thì con ghi tên má của con để hồi hướng cho bà. Tôi bảo, dạ thôi, khi con quỳ lạy Phật, con đã nguyện hồi hướng rồi. Một niệm của mình khởi lên là chư Phật và thánh hiền đã biết. Và tôi vẫn đóng góp cúng chùa, nhưng nhất quyết không để lại chữ nào trên tường.
Thật sự, tôi có cảm giác khi người ta nhìn vào tượng Phật không thấy đó là Phật Thích Ca Mâu Ni mà cứ “thấy” đó là Diệu Kim (thì cái tên của tôi ghi rõ ràng, đập vào mắt người ta, bảo sao không thấy). Và tôi rất sợ cảm giác đó. Sợ mình tổn phước khi lấy tên mình “che” đi Đức Phật cao cả. Người ta đi chùa, hãy để người ta hướng Phật, hãy để người ta ngắm Phật và nghĩ đến Phật. Mình có đóng góp thì đứng sau lưng. Mình “đứng” đúng ngay vị trí của Phật thì tổn phước quá. Các vị đại đệ tử còn chưa dám như thế, các vị đại thí chủ cỡ ngài Cấp Cô Độc cũng chưa dám khắc tên ngay vị trí Phật ngồi như thế, thì mình có vài trăm ngàn đã chễm chệ cạnh Phật cho thiên hạ chiêm ngưỡng, có phải là đáng sợ hay không? Làm có chút phước mà đã vô tình hao hụt đi rồi.
Còn một lý do nữa. Tờ giấy ghi danh công đức đã là rất ngại, nhưng giấy còn dễ rách, nếu mình muốn ba-la-mật thì mình có thể đốt đi để “quên”. Chứ đằng này lại khắc tên trên tường thì đến 50 năm sau vẫn còn rành rạnh, và cái ngã của mình cứ rành rạnh y như vậy, bao giờ cho đến vô ngã mà giải thoát. Tu miệt mài mà cái ngã vẫn còn to đùng, huống chi lại gia tăng nó thêm bằng cách khắc tên lên xi-măng, lên đá, lên đồng, toàn vật liệu kiên cố. Chưa biết chừng lại sanh tâm kiêu mạn khi chỉ lên tường mà khoe đây là tên của cả gia đình tôi, cả dòng họ tôi. Mình có sẵn chủng tử kiêu mạn trong tâm thức rồi, ráng đè nó xuống đã khó, giờ lại có dịp làm cho nó hiển lộ. Ôi, đường xa thăm thẳm, đi hoài không tới…
Nói như thế không phải là tuyệt đối không ghi lại phương danh của các vị mạnh thường quân. Bởi vì thực tế không phải mạnh thường quân nào cũng biết Phật pháp, có khi họ sẵn sàng cúng dường nhưng với điều kiện có ghi tên cho họ như thế thì họ rất vui. Suy cho cùng, người ta vẫn còn cái ngã kia mà. Ai còn thì mình chiều một tí cũng chẳng sao. Nhưng nhà chùa vẫn có cách làm dễ chịu hơn. Thí dụ sơn hoặc khắc trên bảng, treo ở một góc nào đó thuận tiện để nhìn. Như vậy không làm họ tổn phước mà vẫn giúp họ thỏa mãn niềm vui khi thấy tên mình nơi Tam bảo.
Diệu Kim
Nguồn giacngo.vn