;
HIỆN TƯỚNG
Âm thanh thuần thuộc ấy vang lên trong tâm
tôi. Nó đã hóa độ, xua tan đi “Hiện Tướng”….Đó là âm thanh của Lục Tự Đại Minh
Chơn Ngôn, Thần chú Chuẩn đề “Úm ma ni pap mê hum. Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn
đề, ta bà ha. Bộ lâm”. Hằng ngày như thế, nó luôn vang lên trong tâm tôi. Đôi
lúc xao lãng, tôi đã quên đi, không hằng nhớ nghĩ đến nó, để chen vào đó là
những tạp niệm, ý niệm tốt xấu, buồn vui, được mất, là chủng duyên cho “Hiện
tướng” hiện hữu.
Khoảng khắc Hiện tướng hiện hữu là khi hành giả không tự làm chủ cảm xúc, tâm
tư, để cho chúng lệch nghiêng về một phía hoặc quá buồn, hoặc quá vui v..v…v..
Buồn, vui là hai mặt của Âm và Dương. Âm thì trì trệ, ì ạch, chùng xuống, chán
nản. Dương thì khí thế, xung mãn, phấn chấn, vui tươi. Âm dương cân bằng, hòa
hợp thì vạn vật an trụ. Cả hai mặt đều không thể thiếu. Cái nọ kéo cái kia, cái
nọ làm cho cái kia phát triển, nương nhau mà phát triển. Tương tự như vậy, buồn
là điều kiện của vui rồi thì ngược lại. Vui quá thì dễ phóng tâm, quá đà, mất
lý trí, mất tự chủ. Buồn quá thì chán nản, chùng xuống, mất lý trí, mất tự chủ.
Cho nên, khoảng khắc của hiện tướng đều mang kết quả của nó là làm chúng ta mất
lý trí, mất tự chủ, rồi phóng ra những lời nói, hành động, cảm xúc đôi khi quá
đà, quá lố tạo tác khổ đau, nghiệp lực.
Trong vòng tròn tâm của con người có vô lượng, vô biên chủng tử thiện, ác,
buồn, vui v.v..v…..tự tánh của nó vốn như như, vô ngã nhưng do sự chấp ngã,
chấp pháp của con người mà hình thành nên ý niệm là tốt, là xấu. Khi một giả
duyên tác động (bên ngoài ) đến phù hợp với chủng tử (bên trong) đó tức thì nó
sẽ trổi dậy thoát ly ra khỏi vòng tròn tâm đó (Phóng tâm) hiện tướng là tham,
sân, si, giận, hờn, tà kiến đều là chủng duyên của khổ ải, đọa lạc. Khi chúng
vừa phóng ra khỏi tâm thức thì bị dẫn đi bởi sự chấp ngã, chấp pháp của chúng
ta hình thành nên ý niệm tốt, xấu. Từ đó có những lời nói, hành động, cư xử tạo
tác ra tội lỗi, nghiệp lực. Thấy vậy, tức thì chúng ta làm sao để cho những
chủng tử ấy hoặc không phóng ra ngoài tâm, hoặc phá vỡ, đập nát đi sự chấp ngã,
chấp pháp kia? Vậy thì chúng ta có hai công việc phải làm. Thứ nhất, là nhốt
chủng tử thiện ác, buồn vui kia trong tâm. Việc nhốt đó tựa như chúng ta là một
ông chủ biết cách điều khiển sắp xếp ổn thỏa công việc cho các nhân viên thiện,
ác, buồn, vui của mình, ngăn nắp trật tự đi vào nề nếp. Thứ hai, phá vỡ ngã
chấp kia bằng Tâm kinh bát nhã, lấy lẻ sống bằng Tâm Kinh Bát Nhã.
Để trở thành ông chủ kia, tôi đã dùng phương tiện chơn ngôn “Úm ma ni pap mê
hum, úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” để sắp xếp chúng, nhốt
chúng lại trong tâm của mình. Vì Chơn ngôn kia là chơn thật tự tánh thanh tịnh
của vô lượng, vô biên Chư Cố Phật, chư vị bố tát, hiền thánh tăng, cho nên khi
một chủng tử thiện, ác nổi lên gặp chơn ngôn kia liền được hóa độ để đưa chúng
về an trong bản tánh chân như thanh tịnh.
Thông hiểu, sống, hành với Tâm Kinh Bát Nhã để phá vỡ đi sự chấp ngã, chấp pháp
. Nhỡ khi xao lãng, quên đi, không nhớ nghĩ, niệm chơn ngôn thì chủng tử thiện,
ác có trỗi dậy, phóng ra ngoài tâm cũng không bị dẫn đi bởi sự chấp ngã, chấp
pháp. Mặc dù, chúng có trỗi dậy nhưng không đủ duyên để tạo tác tội lỗi, nghiệp
lực.
Trong vòng tròn Tâm ấy, hãy để chơn ngôn “Úm ma ni pap mê hum, úm chiết lệ, chủ
lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” luôn xoay tròn, chạy mãi để hóa độ cho vô
lượng, vô biên chúng sanh kia, là những chủng tử thiện, ác, buồn, vui, để :
“Hóa độ vô lượng, vô biên chúng sanh mà không có chúng sanh nào diệt độ”.
Quá trình hóa độ đó diễn ra nhiều đời nhiều kiếp cho đến khi hành giả thật sự
chơn thật “Hóa độ vô lượng vô biên chúng sanh mà không có chúng sanh nào diệt
độ” tức thì hành giả đã thật sự là một ông chủ, bước lên địa vị hàng Bồ tát
giác ngộ. Khi đó, mặc tình “Hiện tướng” là thiện, là ác, là từ bi, là phẫn nộ,
là buồn, là vui đều là tướng của phương tiện hóa độ chúng sanh, hộ trì, bảo vệ
Phật Pháp, đều là Bồ tát Đạo.
“Vạn pháp vốn vô ngã.
Hãy đưa Tâm về nhà”.
Tami