;
Ở phần một, ta thấy Đức Quán Tự tại Bồ tát quán soi “Năm uẩn” đều không. Trí huệ “Bát nhã” đã soi thấu tướng của năm uẩn đều không, không có thật tướng luôn do duyên hợp cả.
Chữ không ở đây là do vạn sự, vạn vật, do duyên hợp cả. Do nhiều thứ, nhiều chi tiết, nhiều sự vật duyên hợp (Tu hợp với nhau mà thành hình). Một chiếc bình do công thợ, đất, nước, gió, lửa, trí thức của con người tu hợp lại, duyên hợp lại mà thành. Nhưng thật tế, chiếc bình kia không có thật thể của nó nên gọi là “Không”. Vào phần hai này, sẽ thấy không với sắc không khác luôn cả Thọ, tưởng, hành, thức cũng không khác không.
“Xá lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị” – “Xá lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế”.
Như đoạn phần trên, ta đã nhìn thấy tất cả sự vật, vạn vật đều do duyên hợp cả. Nó không có thật tướng, giả hợp, duyên hợp. Khi thấy như vậy rồi ta sẽ bớt đi sự khổ. Vì khổ và vui cũng do duyên hợp mà có cả. Cái vui cũng do căn tiếp với Trần, tiếp với Thức. Rồi phân biệt những sự, pháp nào thọ cảm thấy tốt., thấy đẹp thì chấp giữ vào đó vui vẻ. Đó là một chuỗi duyên hợp những sự kiện chi tiết. Khi căn mắt nhìn thấy cánh hoa, đóa hoa (Là Trần) khởi phân biệt tốt xấu (Thức). Rồi sanh ra khổ, vui. Thuận được là vui, nghịch lại là buồn. Và sự vui trên, nó cũng do so sánh với sự buồn mà có cả. Nếu không có những giọt nước mắt, những cơn đau nhói tim, khóc la thì nó sẽ không sanh ra những nụ cười, những cảm xúc khoái lạc. Nhưng khi chúng ta đã tạo thành những cảnh vui, cảm xúc khoái lạc thì ngay lúc đó nó là nhân cho sự khổ. Bởi vì, nếu không có những nụ cười, những cảm xúc khoái lạc thì không bao giờ có những giọt nước mắt cùng cảm xúc đau khổ la hét. Khi cái vui đến, nó đã mang sẵn những giọt nước mắt buồn ở bên trong Pháp vui đó rồi. Như vậy, rồi nó trùng trùng duyên khởi, duyên hợp, cảnh sanh tử luân hồi tiếp no61iu không bao giờ dứt. Nhưng ở đây, cũng những cảnh bi ai, vui lạc đó, Bồ tát đã quán soi nhìn thấy nó chỉ là những cảnh, những cảm xúc, các pháp khổ vui chỉ do duyên hợp lại thôi. Lúc đó, cũng không thấy ai thọ khổ, vui cả.
“Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. “Sắc tức thị không” là tại vì các duyên không thật thể, không thật tướng. Ví như cái đồng hồ, khi chúng ta tháo nó ra từng bộ phận một thì cái đồng hồ không còn là đồng hồ nữa. Nhưng cũng trong cái không kia ráp lại (Cho các duyên tu hợp lại) thì thành cái đồng hồ tức “Không tức thị sắc”, không tức là sắc là vậy đó. Chiếu kiến (thấy) như thế đó là thấy thật tướng biết các pháp duyên hợp lại tạm bợ, hư dối. Đó là thấy với nghĩa Trung đạo, vô chấp. Trung đạo là thật.
Hôm nay, chúng ta tu theo Phật Đạo tức là từ Trí huệ của Phật thắp sáng trí huệ của mình. Khi trong ta có trí huệ Phật rồi thì muôn khổ trên kia sẽ không còn khổ nữa, thấy đúng lẻ thật. Như vậy, thì ta không tham luyến. Thí dụ, khi thấy một chiếc bình hoa là do duyên hợp giả có, hay bất kỳ vật gì dù cho đẹp đẽ thế nào đi nữa cũng chỉ là do sự duyên hợp mà thôi. Khi biết như vậy rồi, dù có ai cắp lấy nó hay bẻ đổ nó, mất hoại ta cũng không buồn. Vì cái buồn cũng do duyên hợp, giả có luôn. Khi biết như vậy, ta sẽ không khổ. Duyên thì hợp, hết duyên thì tan. Còn nếu chúng ta không biết như vậy thì khi bị đánh cắp, mất, tan, hoại ta sẽ rất khổ, đau buồn. Từ đó, sân hận sẽ thể hiện lên. Rồi trợ duyên sanh ra các tội lỗi.
Chúng ta phải chuyên tu thật tướng như trên, quán soi như trên.
Kinh Kim cang nói “Phàm hữu tướng giai như thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến như lai” nghĩa là “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như lai”.
Tại sao vậy? Vì các tướng duyên hợp, giả có, không thật. Chúng ta không chấp vào đó, nhìn thấy chơn thật như vậy tất thấy như lai – tánh giác.
Trong bước đường tu tập của người hành giả Mật tông, chúng ta phải thật sự thấy hiểu như thế, thể nghiệm qua phương pháp tu trì, Thiền quán mật chú Chuẩn đề. Người hành giả Mật chú Chuẩn đề, họ đem “úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” trong đi, đứng, nằm, ngồi thiền quán, nghe thấy âm thanh, tướng niệm Thần chú trong vạn sự, vạn vật.
Khi mắt (căn) họ chạm đến “sắc trần” thì chính ngay chỗ căn mắt đó nó đã được chứa nhóm Thần chú Chuẩn đề trong những cái thấy của mắt. Cho nên, khi khởi nhìn thì cái tánh thấy đó nó đã biết “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”. Nó đã thể hiện theo tánh thấy đó. Vì khi đó, các âm thanh sắc tướng người hành giả đã từng nghe thấy âm thanh tướng niệm, tướng Thần chú Chuẩn đề trong sắc tướng đó. Rồi thì khi Tướng thấy có Thần chú Chuẩn đề, sắc tướng đó có Thần chú Chuẩn đề. Đâu đâu cũng là tánh thấy, biết Thần chú Chuẩn đề trong đó. Người hành giả huân tập, quán soi, thiền quán như thế thì đâu còn khổ nữa. Sắc cũng là Thần chú Chuẩn đề, mắt cũng là Thần chú Chuẩn đề. Tướng thấy nghe Thần chú Chuẩn đề đó, nó đều thể hiện trong sâu thẳm của nội tâm. Thì ở đó, ta cũng không biết ai đang niệm đó, không ta, không người. Thì “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Luôn cả cảm thọ, tưởng, hành, thức đều không như trên. Nó không có người, không ta nhưng có Thần chú ở đó (Biết hiểu “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”) Thì ta nói là “không tức thị sắc”, thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy.
Vì trong căn, tàng thức đã chứa nhóm những chủng loại, chủng nghiệp đều có tính biết thấy Thần chú Chuẩn đề trong đó. Thì khi Lục căn, lục trần, lục thức duyên hợp với nhau nó đều có tánh biết, thấy “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”.
Người hành giả huân tập như thế đó, khi một động tác nhìn cũng phát khởi Thần chú. Một động dụng cũng phát khởi Thần chú, một cảm giác, cảm xúc cũng phát khởi Thần chú, sự tưởng tượng quay lại của quá khứ. Thì trong hình ảnh sắc tướng đó, nó hiện hữu lên. Nó cũng phát khởi “Úm Chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”.
Khi họ tưởng đến những điều tương lai thì mỗi niệm tưởng cùng cảnh trí trong tâm (sắc tâm) cũng đều thể hiện Thần chú Chuẩn đề. Hiện tại, khi họ thấy vậy, thấy cảnh, mỗi mỗi sự kiện, chi tiết, giác niệm đều thể hiện lên Thần chú. Như vậy, các duyên, các niệm đều mang “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” thì nó sinh diệt trùng trùng duyên khởi “hiện hành”, tiếp nối (hành) đều thể hiện ra Thần chú Chuẩn đề. Và đến những sự biết, hiểu nó cũng thể hiện nên Thần chú Chuẩn đề. Đây là một chuỗi hòa nhập, thể nhập Thần chú Chuẩn đề trong sắc, Thọ, tưởng, hành, thức. Khi những giác niệm có “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”, những tướng của nó thuộc về không tướng. Vì ngay đó không có người, không có ta thì nó bằng không “Không tức thị sắc”. Mặc dù, không nhưng thể hiện Thần chú Chuẩn đề “Không tức là sắc”.
Khi người hành giả huân tập, tu trì như thế, tâm sẽ không còn phân biệt. Mọi thứ đều là Thần chú, vạn pháp đều là Thần chú. Và ngay đó, Thần chú vạn pháp là một. Cái một đó không ai biết nó ở đâu và đi về đâu. Lúc đó, giác tánh cái biết không tướng “Trí huệ bát nhã ba la mật”.