;
Cụ là Hoàng Thị Mưu (SN 1905) hiện đang ở với con rể tại xóm 6, xã Diễn Thành (huyện Diễn Châu, Nghệ An)
Người đàn bà bị kiếp nghèo ép làm ôsin gần 1 thế kỷ
Cụ Mưu kể, những năm đầu tiên của thế kỷ XX, đất nước nghèo khó, chiến tranh loạn lạc, cơm không đủ ăn, túp lều tranh không có để ở. Những bà mẹ vô tội bị lính Pháp “xâm hại” sinh ra con cái đành nuốt nỗi đau vứt bỏ giọt máu của mình ở chợ cho những gia đình không có con, nhà giàu có mang về làm ôsin, hay nhà địa chủ giàu có mang về làm đầy tớ. Cũng nằm trong số hàng ngàn đứa bé bất hạnh, bị bố mẹ nhắm mắt vứt bỏ ở chợ, cô bé Mưu may mắn thoát chết nhờ được một đôi vợ chồng không có con mang về làm con nuôi.
Sống trong xã hội túng thiếu trăm bề, cô bé Mưu cũng sớm ý thức được số phận của một đứa bé bị bỏ rơi. Lên 7 tuổi, cô bé Mưu phải cáng đáng mọi việc trong gia đình bởi dịch bệnh hoành hành, đã khiến bố mẹ nuôi qua đời.
Gần 1 tháng sau, Mưu may mắn lại được một người đàn bà góa chồng, mang về nuôi. Hàng ngày, hai mẹ con đi mò cua, bắt tép và sống với nhau rất hạnh phúc suốt 3 năm trời. Cứ tưởng, người đàn bà bạc phận và cô bé bất hạnh sẽ an phận giữa cuộc đời với muôn vàn sóng gió của kiếp nghèo. Nhưng vào một đêm, khi giấc mơ của 2 mẹ con chưa trọn vẹn thì một người đàn ông say rượu đã ghé thăm và làm nhục người đàn bà góa chồng cho đến khi bà chết. Không dừng lại ở đó, khi mà nỗi đau người mẹ nuôi bị hiếp chết chưa lâu, cô bé Mưu bị một người đàn ông bắt về làm con nuôi.
Nói là con nuôi nhưng hàng ngày cô bị đánh đập và ép buộc làm mọi chuyện nặng nhọc, thậm chí còn bị người cha nuôi ép buộc “phục vụ nhu cầu sinh lý” suốt một thời gian dài. Không thể chịu nổi, cô bé trốn đi, làm thuê, làm mướn kiếm củ khoai, củ sắn sống qua ngày với khát vọng tìm lại cha mẹ đẻ của mình, mặc nhiều lần cô tuyệt vọng nghĩ đến cái chết vĩnh biệt cõi đời. Sóng gió cuốn theo sóng gió.
Năm 1918, Mưu bị một nhà địa chủ ở Diễn Châu bắt về làm đầy tớ. Ở được 2 năm do bị đối xử bạc bẽo, cô bé tìm đường bỏ đi nhưng vẫn không thoát khỏi sự truy sát của đội quân tay sai máu lạnh. Sau khi bị người địa chủ bắt về, đánh đập, Mưu lại bị bán cho một đia chủ khác trong huyện.
Tại nhà địa chủ ông Cao Xuân Dục, Mưu vẫn không thoát khỏi bi kịch, hàng ngày cô bé làm việc quần quật hơn con trâu, con ngựa. Mãi đến sau Cách mạng tháng 8 (năm tròn 40 tuổi), thấy Mưu làm việc chăm chỉ, tốt tính nên con gái nhà địa chủ đã xin cha mai mối kết duyên cho Mưu với một anh thợ cày tên Hoàng Công Đệ (chồng cụ bây giờ).
Những tưởng sau ngày lập gia đình, “hai trái tim vàng” vợ chồng ông Mưu sẽ sống an phận, hạnh phúc dưới túp lều tranh, cùng nhau làm ăn và nghĩ đến những đứa con ngoan. Ai ngờ, cuộc sống khốn khó vẫn không cho ông bà ngẩng đầu, đau lòng hơn khi 2 đứa con đầu tiên lại bị đói nghèo cướp đi. Cụ Mưu đẫm lệ: “Lấy nhau về hơn 5 năm, hai vợ chồng mới sinh được con, sinh đôi 2 thằng rất kháu khỉnh, nên hai vợ chồng tôi thầm nhủ lòng, dù đói nghèo đến đâu vợ chồng cũng quyết chăm con nên người. Nhưng không được bao lâu, dịch bệnh kéo đến đã cướp đi 2 đứa con.
Từ đấy, cuộc sống của hai vợ chồng tôi lại càng quay quắt, khốn khó hơn”. Dẫu biết số mình bất hạnh, cuộc đời bị vùi dập đủ bề nhưng vợ chồng bà Mưu vẫn rất khát khao sống. Với bà, sống không phải là để tiếp tục chấp nhận đau khổ, tang thương mà sống là để theo đuổi hi vọng tìm kiếm “giọt máu” đã thất lạc. Sống để chứng tỏ với bố mẹ, với xã hội rằng sức sống của một đứa trẻ bị bỏ rơi, một người đàn bà mang thân phận ôsin, bị hành xử tàn nhẫn, bị vùi dập trong túng quẫn vẫn khát khao sống và cố xoay chuyển số phận bằng sự kiên trì và đức hạnh của mình.
Với tâm niệm trên, bà Mưu cùng ông Đệ, bất chấp nghèo đói, vượt qua mọi đau thương, quyết tâm sinh hạ đứa con để mai này nương tựa. Và rồi lần lượt 3 người (2 gái, một trai) ra đời. Để trang trải cuộc sống, hàng ngày, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ ngậm đắng nuốt cay đi làm ôsin, làm đầy tớ cho các nhà giàu, nhà địa chủ để kiếm miếng cơm manh áo nuôi con nên người.
Nỗi đau kế tiếp nỗi đau. 20 năm sau, khi trên đầu tóc đã điểm bạc, vợ chồng bà Mưu lại nghẹn ngào tiễn con lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau ngày con ra trận, hàng đêm ông bà thức trắng, chắp tay khấn lạy tổ tiên và thần phật cho con trai tai qua nạn khỏi, hòa bình lập lại, con sống sót trở về.
Thế nhưng, số phận đã an bài, vào một buổi chiều năm 1972, trời mưa tầm tã, tiếng sấm chớp hòa lẫn tiếng bom đạn ầm ĩ, một anh lính đã mang đến cho người ông bà hung tin: “Liệt sĩ Hoàng Công Tuân đã hi sinh tại chiến trường miền Nam”. Sau khi nghe hung tin, bà Mưu đã xỉu xuống, tỉnh dậy bà xem như không, bà nuôi niềm tin rằng con mình vẫn còn sống và sẽ trở về. Còn ông Đệ, vì quá đau đớn khi nghe hung tin con trai chết nên đã phát bệnh kéo dài. Vất vả giờ lại đè nặng gấp bội trên đôi vai người đàn bà bất hạnh.
Hàng ngày bà Mưu lầm lũi làm việc đồng áng, chăm nom chồng. Ít năm sau, bệnh tình quá nặng ông Đệ lại bỏ bà Mưu về nơi suối vàng. Hai cô con gái duy nhất cũng lần lượt đi lấy chồng. Một mình neo đơn, bà Mưu lại theo con gái đến ở nhờ nhà con rể suốt gần 30 năm qua. Đề cập đến chuyện sống ở nhờ nhà con rể, cụ Mưu rầu rĩ: “Là người sống lâu năm nhất nhì trên khắp đất nước, nhưng cuộc đời tôi chưa một lần được thảnh thơi. Tuổi thơ nghiệt ngã, bị bố mẹ vứt ở chợ, không có ai thân thích.
Lớn lên đi làm đầy tớ, làm ôsin, bị đày đọa hơn con trâu con ngựa phục vụ nhà giàu. Đến khi được làm mẹ, lần lượt phải tiễn chồng, con cái “đi”.
Lúc về già, con gái lấy chồng, sống neo đơn, buồn bã nên tui đành ngậm ngùi đi ở nhờ nhà con rể!”
Hai thế kỷ không ăn thịt, cá
Năm nay đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm (106 tuổi), nhưng cụ Mưu vẫn còn rất khỏe mạnh, mắt tinh, tai thính, da dẻ hồng hào. Tuy nhiên có một điều đặc biệt là từ lúc sinh ra đến nay, cụ Mưu chưa một lần ăn cơm thịt, cá… mà chỉ ăn cơm với rau cỏ, muối vừng. Lý giải về điều thú vị trên, cụ Mưu chia sẻ: “Ngày xưa nghèo khó, tui bị bắt đi làm đầy tớ, phải làm lụng tối ngày còn khốn khổ hơn con vật thì lấy đâu cơm mà ăn, huống chi là cá, thịt. Ở với bố mẹ nuôi tốt tính thì không có mà ăn; ở với nhà giàu, nhà địa chủ thì bị đánh đập, ép buộc làm việc quần quật suốt ngày nên không được ăn uống cũng thành quen. Cứ lúc nào đói, tôi lại vặt tạm mấy cọng rau, bới củ khoai ăn lót dạ. Cho đến khi đến ở nhờ nhà con rể, lúc đói cũng như lúc sang, không để con cái bận lòng, tui vẫn chỉ ăn cơm với rau cỏ và muối lạc, muối vừng ăn cho đến bây giờ”.
Cụ Mưu cũng cho biết rằng, cụ là một con người nhưng tuổi thơ bị hành xử không khác gì là con vật. Có lần, sơ ý làm vỡ cái bát cơm, nhà địa chủ đã cho người lôi cụ ra đánh đập rồi nhốt cụ vào một chuồng lợn ở 2 ngày mới tha. Nhiều lần cụ ngồi thu mình lại, khóc và tự hỏi rằng: “Mình là con người hay là con vật? Mình cũng như nó?”. Vì vậy, với cụ sát sinh con vật là sát sinh mình. Hơn thế, cụ là một người tín ngưỡng Phật, hay đi lễ chùa và sống có đức hạnh.
Hàng đêm, cụ thường chắp tay lậy Phật cho linh hồn chồng, con được siêu thoát. Cụ luôn tâm niệm không bao giờ được sát sinh, phải ăn chay, tìm đến cửa Phật và làm thật nhiều điều phúc hậu cho cuộc đời. Nói về người mẹ đáng kính của mình, chị Tư, con gái cụ Mưu bộc bạch: “Chắc ông trời cảm động trước những nỗi đau của cụ, nên mới cho cụ sống thượng thọ được tới bây giờ. Điều đặc biệt, hơn 100 năm nay cụ không hề động một miếng thịt, miếng cá mà chỉ ăn cơm rau với muối lạc vừng do chính tay cụ làm là một điều rất đặc biệt”.
Như để chứng minh cho tôi thấy, chị Tư cúi khom người xuống dưới gầm giường nơi cự Mưu ngủ, lấy ra một hộp muối vừng xay nhỏ, được bọc kỹ càng 2 túi nilon và bảo: “Ngoài rau cỏ, thức ăn chính của cụ chỉ có duy nhất cái lọ muối vừng này”. Chia tay cụ Mưu ra về, tôi vẫn nhớ như in trong đầu câu nói quả quyết của cụ: “Tui đã trải qua một cuộc đời quá khổ nên tui mong muốn mọi người dân chưa thoát cảnh cơ cực sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Riêng tui còn sống ngày nào, tui vẫn sẽ còn làm việc thiện giúp đỡ bà con làng xóm đến khi mô chết mới thôi”.
Mạnh Hùng
Theo Cảnh sát toàn cầu
http://news.zing.vn/Cu-ba-106-tuoi-chua-tung-an-thit-ca-post124208.html