;
>Thái độ sai lầm của Phật tử Việt Nam hiện nay
Phần lớn khuôn đúc chuông bây giờ ít chú trọng đến chi tiết vì các chùa đều muốn có chuông to.
(Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Thời nhà Nguyễn, nghề đúc đồng xê dịch dần vào phương Nam và để lại những làng đúc khá nổi tiếng ở Huế và Quảng Nam. Mãi cho đến hôm nay, mặc dù đã mai một rất nhiều, nhưng làng nghề Phước Kiều vẫn nổi lửa mỗi ngày.
Thời công nghiệp, hơn nữa, trong thời đại mà con người ít quan tâm đến chiều sâu, sự tỉ mỉ, những người thợ làng đúc Phước Kiều ngày càng thêm thưa vắng, chỉ còn vài nhóm. Sự hoạt động không ngưng nghỉ của những nhóm thợ này trở nên quí hiếm.
Ông Tiến, một nghệ nhân của làng đúc cho biết: “Gia đình tôi có nhiều đời làm nghề này, tôi là thế hệ sinh sau đẻ muộn nối nghiệp cha ông. Nghề này, nếu chịu khó làm việc, yêu nghề và chịu học hỏi, nâng cao tay nghề thì cũng đủ sống và để lại một chút gì đó cho mai hậu.”nguoiphattu.com
“Trước đây tôi chuyên vẽ, thiết kế các kiểu khuôn đúc, từ chiếc nồi đồng cho đến chiếc lư hương. Nhưng dần dần về sau, tôi chuyên về đúc các chiếc chuông lớn ở các chùa, làng nghề bây giờ cũng không còn đúc những chiếc nồi đồng, lư hương thì cũng đúc theo khuôn cũ.”
“Dường như bây giờ người ta không chuộng chi tiết, không chuộng tỉ mỉ mà chuộng những thứ gì to tát, ngay cả đúc chuông, nhiều chùa nhỏ thôi, lẽ ra đúc chuông vài trăm ký thì lại đúc vài tấn, nên chi tiết ít được để ý hơn, vì muốn có chi tiết, chi phí phải cao, thay vì dùng khoản đó cho chi tiết, người ta lại bỏ vào số lượng, khối lượng.”
Thở cùng tác phẩm
Ông K., một thợ đúc cao niên, buồn rầu kể: “Thời tụi tôi làm nghề, chi tiết, hoa văn và độ chuẩn bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu, một người thợ đúc giỏi không chỉ biết nấu đồng cho chảy ra rồi đổ vào khuôn mà quan trọng hơn hết là phải thở cùng với tác phẩm mình làm ra.”
“Thời đó, một chiếc chiêng đồng bán cho anh em dân tộc thiểu số, giá thấp nhất là hai con trâu, mắc vậy nhưng khi cầm chiếc chiêng, họ rất vui, mỹ mãn. Vì công phu của mình bỏ trong đó rất nhiều, nội việc nấu đồng cho tới nước đã tốn hơn một tuần, sau đó làm khuôn đất sét, tốn hết ba ngày, ngày thứ mười mới cho đồng vào khuôn đúc, thêm một ngày sau mới gỡ khuôn.”
“Bây giờ người ta đúc nhanh lắm, tốn chừng hai ngày là xong tất tần tật, chính vì vậy mà chất lượng không thể bằng ngày xưa. Ðó là chưa nói đến âm thanh của chiếc chiêng ngày xưa được cân rất chuẩn, dựa trên ngũ âm: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. Còn bây giờ thì loạn xạ!”
“Mỗi khi xem các lễ hội trên ti vi, thấy người ta giới thiệu mấy chiếc chiêng của anh em dân tộc thiểu số là của làng nghề mình đúc, nghe họ đánh, tôi thấy quê chẳng biết trốn vào đâu!”nguoiphattu.com
Ông T., một người thợ cao niên khác cho biết thêm: “Kể từ khi làng nghề này được nhà nước công nhận làng nghề, nhúng tay vào thì nó chỉ còn hình thức, tay nghề của thợ mỗi lúc mỗi tệ, còn vài ba người giỏi nhưng họ cũng làm chiếu lệ, không máu lửa như thời xưa.”
“Phần lớn đồ đồng của làng đúc Phước Kiều bán là của làng đúc Gò Vấp, Sài Gòn bỏ mối, làng nghề này chỉ còn cái tên thôi. Những người thợ giỏi còn không mấy ai, hơn nữa cơ chế quản lý của nhà nước làm sao ấy, họ không còn ham muốn làm nghề nữa!”
Những ray rứt nghề nghiệp
Ông Cả, năm nay 93 tuổi cho biết thêm: “Ngày xưa, đúc chuông chùa, bọn tôi cũng ăn chay, niệm Phật, giữ mình thanh tịnh trong suốt ba tháng trước khi đúc. Còn bây giờ thì khác. Hồi đó, cũng có chuyện bỏ vàng vào chuông của các Phật tử, nhưng không loạn xạ như bây giờ, tôi mới ngẫm ra chuyện này.”
“Cài trò bỏ vàng vào chuông cho tiếng kêu hay là vô bổ nhất, nếu chịu khó để ý thì hiểu ra ngay. Vì chiếc chuông chỉ phát ra âm thanh hay khi toàn bộ là một khối đồng chất, có như vậy âm truyền đi trong nó mới tròn trịa, không bị gãy. Còn có vàng vào, nó sẽ bị gãy âm.”
“Ngày xưa, bọn tôi vì sợ những Phật tử họ buồn, để họ bỏ vào, thời trước 1975 vàng cũng không là gì, nên chưa có ai nghĩ đến chuyện mờ ám. Còn bây giờ, Phật tử bỏ càng nhiều vàng vào chuông, thợ đúc càng mừng, vì thật ra, về mặt nghề nghiệp, số vàng đó tuyệt đối không được vào thân chuông.”
“Chính vì vậy mà khi đổ đồng vào khuôn đã đầy, chờ ít nhất 10 phút, người thợ cả mới cho phép các Phật tử bỏ vàng vào khuôn đúc, lúc này, vàng nằm bên trên, ngoài mép quai chuông, khi gỡ khuôn, phần này sẽ thuộc về người thợ. Anh ta mang về lò, tách ra. Bỏ vào bao nhiêu, tách ra bấy nhiêu.”nguoiphattu.com
Ông V., người thợ già chuyên làm khuôn và chỉnh âm thanh của làng nghề, tâm sự: “Buồn, vì trước đây, lương tâm người thợ đúc thanh thản hơn, lúc đó mình chưa phải xạo hay lừa ai, bây giờ thì...!”
Làng đúc Phước Kiều, nơi từng có một thời vàng son của nghề đúc. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
“Không hiểu sao thời đại bây giờ người Phật tử lại mê tín quá vậy, vàng mà mình bỏ vào chuông đó thì để chia sẻ cho người nghèo, cái này xuất phát từ chuyện bỏ vàng vào chuông thì tích đức, thì làm ăn mau giàu, chính vì thế mà lần nào đúc chuông, tôi cũng thấy cả vài cây vàng dư ra. Do mê tín cả thôi!”
“Thời đại bây giờ, con người mê tín và ích kỷ, ngay cả làng nghề như chúng tôi cũng lắm kẻ lừa mị người khác để làm giàu, lương tri người thợ bị mối ăn cả rồi!”
Lời than thở của ông V. cũng là nỗi niềm chung cho làng nghề trong cơ chế hiện tại. Vấn đề tinh hoa nghề nghiệp ngày càng mất dấu, thay vào đó là sự ăn xổi và nhiều ray rứt.
Phi Khanh
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/
*Tựa đề do BBT đặt lại
Nguyễn Thị Hợi
Bài viết này cần được phổ biến rộng trong các chùa đặc biệt một sô tăng ni ,các sư trụ trì.Chúng tôi chính mắt trông thấy khi đúc chuông một vị trụ trì một ngôi chùa tư tay nhận vàng tư tay của phật tử bỏ vào khuôn đúc.Vị này cũng cho biết như vậy phước sẽ lớn gấp bội so với việc làm khác.Thiết nhĩ mê tín ở đâu ra.
Thích 5 Trả lời 10/16/2014 10:17:59 AM