;
>>Bệnh nhân đau đến ngất, bác sĩ vẫn... nhậu
>>Đừng học thói trọc phú để ăn thú hoang dã
>>Dân mạng choáng với clip ‘chém lợn’ rùng rợn
>>Tội ác lớn nhất của con người là sát sanh ăn thịt,uống máu chúng sinh
Một ngày tháng 11 bình thường như mọi ngày, Nguyễn Văn Bảo sinh năm 1985, ở quận 10, TP HCM, đang làm việc thì nghe một người chú kể có một con chim sẻ "sơ sinh" bị thương vì rớt từ trên tổ xuống đất. Lập tức Bảo bỏ hết công việc và phóng xe đến nhà chú. Nhìn con chim non nhỏ xíu bụng đang trương lên, hơi thở thoi thóp run rẩy, Bảo cẩn thận bế se sẻ lên đặt vào lòng bàn tay rồi đưa về nhà sưởi ấm và chữa trị bệnh.
Vốn làm nghề nuôi sinh vật cảnh và với kiến thức học chuyên ngành thủy sinh trường Đại học Nông Lâm, Bảo cố gắng tìm mọi cách để cứu chú chim. Đầu tiên anh chẩn đoán có thể do rớt từ trên cao xuống nên xương sườn của se sẻ đã bị dập hoặc gãy và chọc thủng phổi, khí từ trong phổi thoát ra nên gây phình da.
Bảo mua dụng cụ y tế, nào là băng, gạc, kim tiêm, thuốc kháng sinh, ôxy già... để tiến hành sơ cấp cứu chim. Sau khi được tiêm thuốc kháng sinh, sức khỏe se sẻ đã dần hồi phục, nhịp thở ổn định hơn. Một tuần sau chú chim đã khỏe lại, chàng thanh niên mới tiến hành phẫu thuật để nắn lại xương sườn cho "bệnh nhân".
Chú chim sẻ bị thương được Bảo đưa về chữa trị. Ảnh: Nguyễn Văn Bảo |
Nhiều người trong gia đình Bảo cũng phụ chăm sóc chú chim nhỏ, túc trực thay nhau cứ 15 phút lại mớm thức ăn cho nó. Rồi từ đó se sẻ được đặt tên là "Tèo Út", vì mọi người xem sinh linh bé nhỏ ấy như một thành viên trong nhà. Chỉ 10 ngày sau "Tèo Út" đã khỏe và dạn dĩ hẳn lên. Nó tự nhiên bay nhảy hay sà vào lòng bàn tay của Bảo và mọi người trong nhà hay hàng xóm đến thăm, những lúc đói lại bay vào phòng của chàng trai đã cứu mình hoặc nằm ngủ ngay trên ngực của ân nhân.
Thương "Tèo Út" nhưng Bảo không muốn sinh linh bé nhỏ ấy lạc lõng. Rất yêu động vật nên chàng trai hiểu chim chóc cần được tung bay, trở về với thiên nhiên và sải cánh cùng đồng loại. Ít ngày sau chàng trai đã mang "Tèo Út" ra công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TP HCM) để thả về với tự nhiên.
Khi chú chim cất cánh bay đi, Bảo cảm thấy lòng buồn bã và trống trải như khi không còn sự hiện diện của một người thân, song anh luôn xem đó là một cái "duyên". "Hy vọng 'Tèo Út' vẫn nhớ và một ngày nào đó rủ bầy đàn về thăm mình", Bảo tâm sự.
Câu chuyện có thật 100% về "cuộc giải cứu chim sẻ" được đăng trên diễn đàn Aquabird làm cảm động đông đảo bao cư dân mạng. Nhiều người cho rằng hành động của chàng trai ấy tuy nhỏ nhưng thể hiện tấm lòng yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường lớn lao và có ý nghĩa nhất.
"Đời vẫn còn những tấm lòng lương thiện", bạn QuangMinh, bình luận trên diễn đàn pcxclubvietnam sau khi theo dõi từ đầu đến cuối thông tin về cuộc giải cứu chim sẻ.
Trên diễn đàn hoibongsen, thành viên nick name Hoằng Thừa kể nhìn chú chim sẻ nhỏ bé ấy, bạn chợt nhớ đến một chú se sẻ khác khi được một phật tử phóng sinh ngày 15/10 âm lịch vừa rồi tại chùa Linh Hòa. Hoằng Thừa viết: "Có 76 con chim được phóng sinh nhưng 75 con bay đi, một con ở lại trong lồng. Không phải nó lưu luyến cái lồng mà vì nó đã quá kiệt sức, vì đường xa tới chùa, vì những vết thương của đồng loại gây ra, vì đói, khát... Tội lắm".
"Đặt nhẹ chú chim sẻ lên cành cây sứ trước chùa, cuối cùng mình cũng không biết chú chim ấy đã như thế nào (vì quên trở lại thăm nom). Một sự thiếu sót quá lớn. Hổ thẹn lắm khi nhìn vào tấm guơng của anh Bảo và các thành viên trên diễn đàn chuyên về các sinh vật, chợt nhớ nó quá", Hoằng Thừa cho biết.
Thi Trân Theo: VNE