;
Thập niên 1955 của thế kỷ 20, cộng đồng Phật giáo đã biết và nghe tên anh qua nhiều nhạc phẩm mang đậm tư tưởng Phật giáo. Hiện nay số lượng tác phẩm do anh sáng tác và phổ thơ đã trên 500 bản, là một trong những cội sen già trong làng âm nhạc Phật giáo.
Nhạc sĩ Hằng Vang thầm lặng cuộc đời để dòng nhạc Phật giáo bay xa
Nhạc sĩ Hằng Vang - Gia Tài Của Ba
Trong dòng thế sự
Thế là nhạc sĩ Hằng Vang (1936 – 2021), người anh cả còn lại trong làng nhạc Phật giáo, đã thật sự buông bỏ tất cả, an nhiên nằm xuôi tay theo hướng ngã của chiếc bóng Phật đà mà suốt cuộc đời của ông đã tận tụy, âm thầm, hy sinh cống hiến !
Nhạc sĩ Hằng Vang đáng tuổi Cha- Chú nhưng ông chỉ muốn được gọi theo cách văn nghệ và gần gũi nhất là Anh. Vì vậy trong bài viết này cũng xin được gọi như thế lần cuối cùng, để rồi từ đây sẽ không còn ai để mình được thân tình gọi như vậy nữa.
Tôi nhận được tin này vào lúc 15 giờ ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý (nhằm ngày 01/02/2021), chỉ sau một giờ Anh ra đi! Cả ngày này, ngay từ sáng bản thân tôi có nhiều tâm trạng vui buồn, lo âu lẫn lộn, nhưng từ đó về sau khi ngồi trước một số tư liệu, thư từ nhiều năm qua Anh luôn tin tưởng gởi cho tôi mà không khỏi bần thần xa vắng! Vậng, có lẽ vì sự tin tưởng đó mà tôi đã sở hữu rất nhiều tài liệu, thủ bút của Anh.
Dường như đó cũng là trách nhiệm do Anh trao gởi như chính lời Anh hay thủ thỉ rằng “Thành ráng gìn giữ cho Anh mai sau”, cho nên suốt đêm dài trằn trọc mãi với nhiều suy tư khắc khoải, cho đến hôm nay khi gia đình sắp tiễn đưa Anh vào lòng đất tôi mới có quyết định viết đôi dòng kính nhớ về Anh, người Anh đã ưu ái dành tặng cho tôi câu điệp ngữ trong nhiều bức thư:Người em Phương Nam thân thiết!, xem như một vòng hoa có tên mình kính viếng.
Không vội vàng vì trước hết mình không phải là một nhà báo Phật giáo có tiếng tăm, chỉ hạ bút viết về những gì mình có, mình hiểu và mình biết chứ không xiêu vẹo ngả nghiêng theo xu thời, cảm tính. Hơn nữa, từ lúc nhận được tin báo của gia đình, tôi cố gắng liên lạc, gọi điện và dùng tất cả các phương tiện mình hiện có để liên lạc nhau, nhưng rất tiếc tất cả đều lặng thinh một cách dễ thương! Phải chăng đó cũng là một cách hững hờ!
Thôi đành viết vài dòng thông báo lên faceebook của mình, xem như một hành động kịp thời để tiếng đời không trách lẽ vô tình tệ bạc. Dẫu biết rằng Anh ra đi trong tình hình nhiều tỉnh thành cả nước đều có dịch Covid-19 trong cộng đồng, nhiều dự tính sẽ khó qua được bước đầu phòng chống dịch triệt để. Nhưng đó không phải là lý do mà những con tim còn biết nghĩ đến nhau đem ra để trang trí cho sự lặng im của mình.
Như vậy sẽ buồn biết bao !
Một động thái nữa đã góp phần thôi thúc là tối hôm qua, lúc 20 giờ ngày 21 tháng Chạp năm Canh Tý (02/02/2021) nhạc sĩ Giác An với giọng nói mệt nhọc, thều thào trên gường bệnh 175, vì đang bị tai biến, qua điện thoại với tôi rằng “Anh Thành ơi, nghe tin bác hằng Vang mất, Anh có dự tình gì không?” . Vừa hoảng hốt lo lắng nhưng cũng kịp trần tình với vị nhạc sĩ này rằng “Thôi Giác An cứ yên tâm nằm điều trị, để ngay đêm nay hoặc sáng mai tôi viết đôi dòng tưởng nhớ Anh Hằng Vang sẽ gởi gấm tấm lòng của Giác An đến với gia đình họ. Phần tôi thì chưa nghe bất cứ ai liên lạc hay hỏi thăm nào, ngoài Giác An bây giờ”
Sự nghiệp, gia tài của nhạc sĩ Hằng Vang
Có đâu! Sự nghiệp của Anh cũng chính là gia tài hiện hữu qua quá trình cần cù, tận lực dành hết cho âm nhạc Phật giáo. Sự nghiệp đó còn chính là gia tài đồ sộ nhất Anh để lại cho các con mình qua tuyển tập mang cùng tên “Gia Tài Của Ba”, NXB Thuận Hóa 2012. Mà ở trong đó, các con của Anh đã thuật lại câu nói thấm đậm nghĩa tình và xác thực của mẹ mình – Bà Bùi Thị Hồng, PD Nguyên Hoa (đã mất ngày 27/02/2015). Xin xem thêm bài “Bóng mát phía sau cuộc đời dấn thân của NS Hằng Vang đã không còn”) như một dấu ấn chứng nhận một gia tài quý báu rằng “Tội nghiệp Ba mi, sự nghiệp cả đời của ông”.
Cái gia tài đó cũng lại chính là những chất tinh túy Anh cống hiến cho vườn hoa ca nhạc Phật giáo, từ thuở thiếu niên cho nến lúc tuổi xế chiều. Tôi đã không kềm được cảm xúc khi nhạc sĩ GĐPT Đức Quảng đã kịp thời hạ bút viết lên những dòng nhạc tôn vinh Anh qua bài hát “Triều Âm Pháp Vũ” , trong đó sự nghiệp và ngay cả nghệ danh Hằng Vang cũng được nhắc đến một cách trân trọng, hướng tới cho hương linh Anh bằng cảnh giới Tây phương của Phật A Di Đà.
Phải chi anh Đức Quảng hòa âm kịp và đưa lên công chúng mấy ngày này thì sẽ tăng thêm ý nghĩa lẫn giá trị một sự tôn vinh xứng đáng. Tác giả viết bài này bằng cảm xúc thật sự, cảm xúc của một huynh đệ đồng môn trong đại GĐPT, đã thấy và biết những gì nhạc sĩ Hằng Vang cống hiến. Cho nên nhạc của Đức Quảng không phổ thơ cứng ngắt mà là bằng chính ý thơ chân thật của chính mình.
Cũng vậy, nhớ trước đây, một trong những số báo đầu tiên của tạp chí Đạo Phật Ngày Nay do Thượng tọa Thích Nhật Từ chủ biên, đã ưu ái dành sự trân trọng này dành cho Anh qua bài viết mang tên “Gặp gỡ Nhạc sĩ Hằng Vang”, một trong những bài viết khi đó Thượng tọa đều tin tưởng giao phó cho tôi chịu trách nhiệm.
Mai sau còn lại những gì ?
Lâu nay, bằng trách nhiệm và khả năng của mình, tôi đã viết, đã nói những gì cần viết cần nói trên lãnh vực Văn hóa Văn nghệ Phật giáo, cho nên còn rất nhiều điều trong bài viết ngắn ngủi này hoàn toàn không muốn lặp lại, để dành mai sau cho hậu thế xét soi.
Ở trong đó, nỗi lòng của Anh còn đó nhiều khúc khuỷu, ưu tư lẫn lo lắng mà đôi khi anh chị em trong giới cảm thấy bực mình khi Anh liên tục nhắc đi nhắc lại mãi hoài những điều đã nói, đã ưu tư. Cứ trách đi, cứ giận hờn đi để rồi từ nay, chúng ta sẽ không còn bóng dáng một người Anh Cả đáng kính, dù chì đứng đó là bóng mát cho hàng hậu tấn núp tựa khi nắng hạ chói chang, khi bão táp dập dồn.
Nhiều khi tâm sự với anh em, tôi nói rằng hãy thương yêu và tiếp tục quý trọng Anh, Anh lớn tuổi rồi; hãy chấp nhận những bực bội, nếu có, xuất phát từ Anh vì đó cũng; là một phần khúc chiếc, nỗi lòng trong suốt quảng đời của Anh mà chính chúng ta chưa giúp gì được để cho Anh được cởi mở nỗi lòng mình.
Nhiều lần tâm sự, tôi nói với Anh rằng hãy an tâm sống và làm những gì mình làm được, thôi đừng mơ ước chức vụ nhỏ to hay cấp bậc thấp cao, vì chỉ riêng quá trình trưởng thành trong màu áo lam GĐPT Anh xứng đáng trên cả danh xưng Cấp Dũng nhiều vị đeo hãnh diện trên vai áo; cái vai áo đó mình đã gánh trách nhiệm với dân tộc và đạo pháp vốn dĩ quá to lớn rồi (ý nghĩa hai cầu vai). Tôi đã từng bức xúc trước nhiều tài năng, đa dạng nghệ thuật ngoài đời lẫn trong đạo mà các huynh trưởng đoàn sinh GĐPT đều có, vậy mà tại sao không đem ra phát huy hết để khẳng định mình? Cho đến khi va chạm nhiều vấn đề, mình mới hiểu hết sự việc vì sao như thế.
Chúng ta, GĐPT, Anh và em hằng mấy mươi năm qua sinh hoạt, lăn lộn vì màu áo mà có thèm mơ chức vụ Trung ương hay địa phương chi đâu, thế mà vẫn tồn tại; nhường những chiếc ghế danh vọng, ham hố ấy cho những tân binh còn sức lực tràn trề đấu tranh, giành giật thấy mà chán ngán! Và Anh đã đồng ý với tôi rằng bây giờ làm việc, mang tiếng là "phụng sự" nhưng không bằng tài năng hay tâm lực mà chỉ bằng thương ghét, bè nhóm trần cấu! Bằng thực trạng đó, người ta nhìn những anh em văn nghệ sĩ Phật giáo thật sự, dù có tài năng, tiếng vang hay công lao đến đâu cũng chỉ là văn nghệ nghiệp dư ! Chỉ đáng để hát cho nhau nghe ?
Vậy thì mình mong cầu danh vị, chức vụ chi vậy Anh? Rồi bây giờ Anh nằm xuống, Anh cũng lựa nhằm thời điểm để hạn chế người ta đến gọi là viếng và thương tiếc Anh?
Phải chăng đó cũng là câu trả lời cho thế nhân cõi thương ghét này bằng hình thái vô ngôn? Nhiều vị Tôn Đức viên tịch vừa qua cũng đã có nhiều cách này hay cách khác tương tự như thế để lâu dần, tự nằm ngẫm nghĩ mới giật mình nghĩ ra và phải bật dậy quỳ lên hướng vọng đảnh lễ giác linh quý Ngài một cách muộn màng mà lòng tự thẹn một góc trầm luân.
Nguyện cầu mười phương chư Phật tiếp độ hương linh anh Như Niên – Nguyễn Đình Vang hoa khai kiến Phật.
Xin cảm ơn nhân duyên nhiều đời tích tụ đã gặp và kết nghĩa đạo hữu anh em với một tượng đài Ánh Đạo Vàng của âm nhạc Phật giáo. Với tôi là như thế !
Kính viếng hương linh anh Như Niên - Nhạc sĩ Hằng Vang
Vĩnh biệt Anh !
Người em Phương Nam thân thiết
Giáo Đạo – Dương Kinh Thành