;
4.GIỚI NÓI DỐI
Kinh Phân Biệt Thiện Ác Báo Ứng Phật dạy:
Lại nữa, vọng ngữ quả báo có mười thứ. Những gì là mười?
1. Hơi trong miệng thường hôi thối.
2. Kẻ ngay thẳng xa lánh.
3. Người nịnh nọt quanh co ngày càng nhiều.
4. Gần gũi kẻ phi nhân.
5. Dù có nói thật cũng không ai tin.
6. Trí huệ ít dần.
7. Tiếng tăm không thật.
8. Không nói lời thành thật.
9. Ưa nói chuyện thị phi.
10. Thân chết sanh vào ác đạo. (Kinh phân biệt thiệc ác báo ứng).
Kinh Tội Phước Báo Ứng Phật thuyết như sau: "Ai ưa thích vọng ngữ, nói xấu người, chết bị đọa địa ngục, bị rót nước đồng sôi vào miệng, rồi rút lưỡi ra cho trâu cày trên đó. Ra khỏi địa ngục, sinh trong loài chim cú mèo, kên kên, tiếng kêu rất ghê sợ, ai nghe cũng đều kinh hãi, đều cho là quái lạ, nên trù rủa cho nó chết". (Kinh Tội Phước Báo Ứng)
Nói dối còn gọi là vọng ngữ là một giới trong 4 giới của khẩu nghiệp và cũng là một trong 5 giới của người Phật tử tại gia, bao gồm: Không nói lời lưỡng thiệt, không nói lời đâm thọc, không nói dối và không nói lời sân hận. Đây là giới khó giữ và dễ phạm nhất.
Cổ Đức nói: Hoạ tùng khẩu xuất! Ý nói tai hoạ vốn từ miệng mà ra, trong đạo gọi là mở miệng ra là tạo nghiệp. Nghiệp có thiện, có ác. Thiện hay ác vốn phụ thuộc vào sự tác ý của mỗi người. Cũng vì lẽ đó trong Kinh Pháp Cú Đức Phật nói :
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo
Muốn biết khẩu nghiệp là hoạ hay phước chúng ta cùng tìm hiểu qua một vài ví dụ sau đây.
Ví dụ 1
Đối tượng A thường ngày có rất nhiều tật xấu : Nóng nảy, ngã mạn, thường khiến ta (chúng ta) bị tổn thương và gây xung đột với những người xung quanh…nhưng ngày qua ngày, khi được nhiều người góp ý thì đối tượng A đã dần dần thay đổi và tính khí đã trở nên hiền hoà, khiêm tốn và biết kính trên, nhường dưới hơn. Tuy là vậy, nhưng với ta (chúng ta) đối tượng A vẫn bị liệt vào dạng "sổ đen", đơn giản ta (chúng ta) cho rằng: thế cuộc có thể thay đổi, nhưng bản tính khó đổi dời.
Cũng vì lẽ đó, dẫu cho đối tượng A có làm được nhiều việc thiện ích chăng nữa, thậm chí đối tượng A còn quay sang giúp đỡ ta (chúng ta) khi chúng ta gặp khó, nhưng ta (chúng ta) vẫn đơn phương không hề ghi nhận sự chuyển hoá tích cực đó và vẫn tìm cách để nói nhiếc móc, nói bóng gió, hay nói lời đưa đẩy (lưỡng thiệt) nhằm mọi người xa lánh đối tượng nọ.
Với người thế gian, hành vi "đưa đẩy" trên đã là điều thiếu lành mạnh, thiếu trong sáng, và thiếu công bằng, nhưng với người tu đạo đó là hành vi phân biệt, chấp trước, không minh bạch thiện-ác và không tự soi rọi tâm của chính mình.
Chấp trước: là níu giữ sai quấy của người, định vị nó chặt trong tâm mình, và lấy đó làm nhân tố, xúc tác, tạo nên sự đối kháng, phân biệt ta-người: ta thiện-người ác, ta tốt-người xấu, ta phải-họ quấy, ta cao thượng-họ chẳng cao thượng… khi đối diện với đối tượng A hay khi đề cập tới đối tượng A trước mọi người.
Không biết soi rọi tâm: là không biết lấy cái xấu của đối tượng A để cảnh tình mình, giúp mình không phạm phải, trái lại, lại dùng những sai quấy của đối tượng, hun đúc chúng trong tâm của mình và biến chúng thành cái sai quấy của bản thân.
Hơn thế việc ta (chúng ta) hàng ngày thường diễn nói về những hành vi xấu, bất thiện của người khác, gây sự chú ý cho mọi người về đối tượng nào đó, thực tế thì chính chúng ta cũng đang rất tệ, rất xấu, bởi khi nói xấu và thường nói xấu về người khác vô hình chung ta (chúng ta) đang muốn chứng tỏ, hướng sự chú ý của mọi người về phía mình, nhằm chứng minh ta là người tốt, chỉ có ta tốt, còn người kia mới xấu, luôn xấu tệ.
Đây là điều khi mới bước vào tu đạo chúng ta vốn rất dễ mắc, phạm phải nhưng sở dĩ chúng ta khó, không nhận biết ra được, bởi đó là vi tế niệm, đơn giản là: ta (chúng ta) là người tu đạo nên vốn chẳng có, ít sai quấy, chỉ có người không tu mới phạm, luôn phạm và nhiều sai quấy.
Lấy sai quấy của người biến chúng thành của mình vậy là quấy trong quấy! Trong đạo gọi là điên đảo tưởng.
Ví dụ 2:
Nhân có chuyện phải đi xa, người B bèn gọi Taxi. Trung tâm cho biết nửa tiếng sau Taxi sẽ tới. Ngồi chờ ít phút thì đứa trẻ hàng xóm chạy tới hét toáng lên bảo: Taxi tới! Nói rồi nó bỏ chạy mất dạng.
Người B nghe vậy vội vàng nhào ra cửa, nhưng chỉ thấy bóng chú bé hàng xóm khuất dần phía xa. Ngồi chờ một lát sau, thằng bé nọ lại xuất hiện, lần này nó tỏ thái độ rất chân thành, nói: Xe Taxi đến thật rồi, cháu không nói dối đâu! Người B lại vội nhào ra và cũng chỉ kịp nhìn theo thằng bé hàng xóm vút bóng phía xa.
Chừng một lát lâu sau, thằng bé nọ đã xuất hiện, lần này nó biểu tỏ sự chân thành và xác thực của lời nói: Taxi lần này đến thật rồi! Nói xong nó đứng im chứ không bỏ chạy như mọi lần.
Vì hai lần bị mắc lừa, nên lần này người B đã không còn tin vào lời của chú bé nữa, và tiếp tục yên vị ngồi chờ. Khi thấy chiếc Taxi hiện ra trước cửa, người B mới kịp định hình về thông tin của cậu bé, nhưng hai lần nói dối đã khiến lời nói của cậu bé không còn giá trị, cho dù đó là lời nói thật.
Một lần bất tín vạn lần bất tin.
Ví dụ 1
Người A ra đường, chợt nhìn thấy chồng (vợ) người bạn thân là B đang du hí và dẫn bồ nhí vào quán bar. Quá bất bình, khi trở về nhà, người A bèn đem ngay chuyện mắt thấy, tai nghe thuật lại cho vợ (chồng) người bạn thân tên B biết.
Quá bất ngờ, người vợ (chồng) tên B đã không kìm chế được uất hận vì bị chồng (vợ) mình phản bội, vì thế, khi chồng (vợ) mình vừa về tới nhà, ngay lập tức bà vợ (chồng) B nổi cơn thịnh nộ và chút hết lửa thù hận lên ông chồng (vợ) của mình. Hậu quả gia đình B đã xảy ra hỗn chiến rồi lục đục và tan nát…
Khi mọi sự đã không thể vãn hồi, mọi người tìm hiểu nguyên nhân và được biết, nguyên do là từ nơi người A và mọi người đã trách cứ A không biết giữ mồm giữ miệng nên đã khiến gia đình bạn mình tan nát. Khi bị chỉ trích A khảng khái nói: Những gì tôi nói đều là sự thật, chẳng hề thêm bớt. Chuyện xấu xa như thế chẳng lẽ tôi làm ngơ?
Ngoài đời, sự thật vốn dễ mếch lòng, bởi không phải ai cũng vui vẻ, sáng suốt để đón nhận và xử lý uyển chuyển sự thật đó.
Trong đạo vốn luôn nói tới nhân duyên. Khi duyên chưa chín mùi mà chúng ta vội vã gieo duyên, cho dù là thiện duyên cũng sẽ khiến cho người khác bị tổn hại. Lúc đó thiện duyên đã biến thành ác duyên cho cả mình và người.
Trong Kinh Đại Niết Bàn Phật nói: "Đại Bồ tát quyết không nói lỗi của chúng sanh vì sẽ khiến cho chúng sanh ấy bị đoạ".
Không nói lỗi không có nghĩa chúng ta tán thán, bao che hay biến đen thành trắng để cho họ tiếp tục phạm lỗi, trái lại phải chọn nhân duyên thích hợp mới có thể khai duyên. Đó cũng gọi là thiên thời,địa lợi,nhân hoà.
Tuỳ cơ nói pháp! Mà Chư tổ thường dạy hàm nghĩa này.
(Còn nữa)
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nguyện có ai thấy nghe
Đều phát tâm bồ đề
Khi mãn báo thân này
Đồng sanh Cực lạc quốc.
Nam Mô A Di Đà Phật!