;
Trong khi tư tưởng thiền học Trúc Lâm là cả một giai đoạn triết học và lịch sử hào hùng của dân tộc. Không chỉ ba lần lãnh đạo nhân dân chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông, mà đức Vua Trần Nhân Tông là vị tổ đầu tiên khai sáng ra một dòng thiền đất Việt, thuần túy, cũng là một vị vua anh minh duy nhất đi tu, giác ngộ thành Phật. Đó không chỉ là niềm tự hào riêng của Phật Giáo mà là một nét son vĩ đại cho đất nước Việt Nam. Vậy mà hậu lai lại dửng dưng trước sự hy sinh của tiền nhân, không một khẩu hiệu, băng rôn, bài giảng hay một hoạt động nào về Đức Phật Hoàng được các trường học tuyên truyền.
Trái lại, nhiều trường học từ mẫu giáo cho đến đại học đều bắt đầu rộn rã có các hoạt động mừng đón Noel, mừng Chúa giáng sinh được hợp thức thông qua giờ học ngoại ngữ, hoặc các hoạt động sinh hoạt tập thể. Trong khi đó là dấu ấn văn hóa của quân xâm lược còn sót lại. Hầu như không ai dạy các trẻ nhỏ mặc Quốc phục vào các ngày lễ tết Nguyên Đán của dân tộc Việt. Phải chăng bây giờ cứ ăn theo tây, ở theo tây, sống theo tây là thời thượng?
Cách đây vài ngày, người dân Tây Tạng sống lưu vong tại Ấn Độ đã tổ chức lễ tưởng niệm 599 năm kể từ ngày Tổ Je Tsongkhapa nhập Niết Bàn, bậc thầy tâm linh cao quý của họ đã thành Phật trong cõi Trung Ấm. Tất cả nô nức kéo ra đường bắn pháo hoa chào mừng, bằng lòng tin sắt đá. Dù bị mất nước, nhưng người Tây Tạng không hề quên nguồn gốc tâm linh và phát huy văn hóa của mình. Nhờ vậy, Phật Giáo Tây Tạng đã được lan rộng ra toàn thế giới.
Còn ta? Thử nghĩ sẽ ra sao, khi những trẻ thơ lớn lên sẽ ra sao và những người hiện tại đang đứng trên quê hương mình đã vô tình quay lưng lại với quá khứ, tổ tiên và gốc rễ tâm linh của mình. Tuổi trẻ không hề biết Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông là ai? Kỷ niệm vào ngày nào? Chỉ biết chạy theo các hoạt động mừng giáng sinh ở trường. Nghĩa là giáo dục từ gia đình đến nhà trường đã làm cho con em mình mất gốc rễ. Khác với người Tây Tạng, dù chúng đang đứng trên quê hương mình.
Cho đến bao giờ, lịch sử được chú trọng, văn hóa dân tộc được đề cao, thay vì những phong trào ngoại lai thời vụ? Phật giáo còn là văn hóa còn; Văn hóa còn là đất nước còn. Vậy mà đến ngày nhập Niết Bàn của Đức Phật hoàng trước Noel hơn nữa tháng mà các chùa vẫn cứ thờ ơ, thì làm sao trách được Phật tử? Nhiệm vụ Đạo Pháp - Dân Tộc ở đâu, khi đó đây vẫn còn một số thầy, sư cô và Phật tử ăn mừng lễ giáng sinh? Vì hòa đồng tôn giáo không nhất định phải hòa tan. Hơn nữa Đạo Phật lấy cái vui tịch diệt làm cứu cánh, chớ đâu thể chạy theo sự rộn rã thanh trần của ngoại đạo. Nếu có thì đó chỉ là si mê vậy.
Ngay cả trên đất mẹ mình, ngay cả là người Phật tử mang sứ mạng hoằng pháp lợi sanh mà chúng ta vẫn còn lúng túng, thì làm sao đem đạo và đời? Thử hỏi, người Phật tử có nên phản đối nhà trường tổ chức bắt con mình tham dự, hoặc buộc trẻ đội mũ Noel không? Trong khi nước ta có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo? Nếu không dạy trẻ ngay từ nhỏ, nuôi lớn tâm linh chúng bằng dòng sữa Pháp, tránh xa những vụ lợi thông thường, thì mai này còn ai giữ bình hương, bát nước của ông cha? Còn ai biết cội, nhớ nguồn? Hay sẵn sàng dâng hiến nước mẹ cho giặc ngoại xâm?
Một hạt giống cỏ dại được gieo vào lòng đất sẽ âm ỉ tăng trưởng. Vui đón Noel là huân tập chủng tử ngoại đạo, thì sau khi chết các vị sẽ đi về đâu? Đừng quen miệng nguyện về Tây Phương mà chân cứ bước đằng đông nữa. Làm tốt trách nhiệm Phật Giáo Hóa Gia Đình là trách nhiệm của người cư sĩ Phật tử, từ đó mới giúp chư Tăng hoàn thành sứ mạng Tịnh độ hóa nhân gian. Riêng đối với giáo dục mà không gieo vào lòng trẻ nhỏ niềm tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước và hướng ngoại thì có lẽ chỉ đào tạo nên những tâm hồn mục ruỗng.
Hãy nhìn người Tây Tạng, hãy nhìn lại chính mình, những cây Noel, những hang đá mọc lên khắp phố phường, mọc lên trong trường học hiện nay và thực trạng lễ tưởng niệm Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông Nhập Niết Bàn, rồi tự hỏi lòng mình về tương lai của đất nước, của dân tộc và Phật giáo sẽ đi về đâu?
Thích Như Dũng