;
Buổi lễ dưới sự chứng minh của Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự - Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh - Đường chủ hạ trường; với sự tham dự của Chư tôn đức Ban Trị Sự (BTS) Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh: Thượng toạ Thích Hạnh Nhẫn - Phó ban kiêm trưởng ban Kiểm soát; Thượng tọa Thích Chánh Thành - Trưởng ban Văn hóa Phật giáo; Thượng tọa Thích Thiện Nhơn; Đại đức Thích Quảng Nguyên – UV HĐTS - Phó Trưởng ban Trị sự; Đại đức Thích Viên Như, UV HĐTS – Trưởng ban Pháp chế Phật giáo tỉnh; Đại đức Thích Chúc Cường - Chánh thư ký; Chư tôn đức Phật giáo tỉnh Nghệ An có, Đại đức Thích Minh Hải - Chánh Văn phòng BTS Phật giáo tỉnh; Đại đức Thích Tuệ Minh - Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử; Chư tôn đức Tăng Ni trong Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh.
Đại diện các cấp chính quyền Hà Tĩnh có, Ông Hoàng Trung Dũng - Ủy viên ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy; Ông Nguyễn Đình Dũng - Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ông Nguyễn Như Ngọc - Phó Chánh VP Tỉnh ủy; Ông Trần Minh Kỳ - Nguyên Phó chủ tịch trường trực UBND tỉnh; ông Hà Văn Thạch - Nguyên Trưởng BTC Tỉnh ủy; Ông Phan Quốc Khánh - Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Hà Tĩnh; Ông Nguyễn Trung Hiếu - Tỉnh ủy viên – Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh; Nguyễn Thế Hoàn - Bí thư huyện Lộc Hà, đại diện lãnh đạo ban ngành Huyện Lộc Hà; đại diện Đảng ủy, UBND, UBMTTQ xã Hộ Độ; cùng sự tham dự của gần 2000 nghìn Phật tử, nhân dân địa phương trong buổi lễ trọng đại này.
Những ngày đầu tháng 7 âm lịch, tháng vu lan, mùa của tình thương, sự hiếu hạnh và lòng từ bi trong mỗi con người được lan tỏa, chia sẻ đến nhau đầy thành tâm và kính trọng, trong tinh thần đó, tổ chức lễ vu lan báo hiếu - ngày hội tình người, bông hồng cài áo, đêm hội hoa đăng nhằm khơi dậy truyền thống văn hóa hiếu kính từ ngàn xưa của dân tộc.
Mở đầu buổi lễ, các thanh thiếu niên Phật tử dâng lên những đóa hoa tươi thắm cúng dường Tam bảo, hiện tiền Chư tôn đức Tăng ni tri ân những vị thầy gần gũi trong đời sống tu học Phật pháp, gửi gắm đến mọi người tình thương và lòng tri ân trong dịp lễ vu lan báo hiếu.
Tiếp đó, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm trang nghiêm niêm hương bạch Phật, cúng dường tri ân lịch đại Chư vị Tổ sư đồng thời cầu nguyện Chư anh linh anh hùng liệt sĩ, bách gia trăm họ, vạn loại chúng sinh được nương nhờ Phật lực, oai lực của hiện tiền Tăng trong trong tiết mùa vu lan, ngày Phật hoan hỷ mà được siêu sanh về cảnh giới an lành. Cầu nguyện cầu Tổ quốc vinh quang, Đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc và âm siêu dương thái.
Trong niềm hoài cảm sâu sắc hướng về hai đấng sinh thành, đại chúng đã cùng lắng đọng tâm tư nghe lời cảm niệm từ Sư cô Thích Anh Nghiêm, trong tiếng đàn bầu du dương sâu lắng của Nghệ sĩ Văn Tuyển.
Đại diện chính quyền các cấp tặng hoa chúc mừng tới Chư Tôn đức BTS Phật giáo tỉnh nhà nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu.
Lời cảm niệm như những giọt nước tưới tẩm vào những mảnh đất khô cằn sau bao ngày thiếu nước, những tâm hồn sau tháng ngày bôn ba mưu sinh ngược xuôi mà xao nhãng, và có những lúc quên đi hình ảnh của hai đấng sinh thành, bậc ân nhân vô thượng, những hy sinh lặng thầm của những người làm cha, làm mẹ dành cả cuộc đời cho chính mỗi chúng ta có được như ngày hôm nay. Lời cảm niệm như nhắc nhở cho các bậc làm con cháu khi cha mẹ còn trên thế gian, làm được gì để cha mẹ mỉm cười hạnh phúc thì nên làm. Đừng đợi đến khi cha mẹ mất rồi mới tìm cách báo hiếu.
Nhân mùa vu lan cũng là dịp an cư kiết hạ kết thúc, Chư tôn đức Tăng ni thêm một tuổi đạo, là lúc các học trò đệ tử dâng lên tấm lòng hiếu đạo đối với bậc tôn sư trong việc nỗ lực tinh tấn tu hành. Thầy tổ là bậc hướng đạo của chúng đệ tử, đã thay Đức Thế Tôn dạy dỗ, giúp hàng đệ tử không chỉ xuất gia mà cả tại gia được khai tâm mở trí, tiến tu đạo hạnh. Nhờ công đức giáo hoá của bậc tôn sư, chúng đệ tử biết đường tà nẻo chánh, để nghiêm thân tu học.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cử hành nghi thức dâng trá cúng Tổ
Tại đây, Chư Tăng pháp tử, pháp tôn và đại diện Phật tử đã đối trước Tam bảo, đối trước Hòa thượng thành kính dâng hoa, dâng chén trà thơm thảo cúng dàng lên Hòa thượng tôn sư thể hiện lòng hiếu kính với bậc Thầy mô phạm, đồng thời kính mừng Ngài thêm 1 tuổi đạo mới.
Dịp này, trong niềm tri ân và báo ân mùa vu lan, thanh thiếu niên trẻ tuổi - những chủ nhân tương lai của đất nước cũng đã thành kính dâng lên hai đấng sinh thành và các bà, các bác, các chú – là những người đáng tuổi cha, tuổi mẹ bằng những chén trà ấm nóng với trọn vẹn tấm lòng tri ân sâu sắc nhất.
Tinh thần hiếu đạo biết tri ân và báo ân sẽ không chỉ được phát khởi vào ngày Vu lan báo hiếu hay trong tháng 7 âm lịch mà cần được phát huy trong suốt cả cuộc đời của mỗi con người. Đó mới chính là tinh thần của người Việt, tinh thần của Phật giáo.
Tại buổi lễ, toàn thể đại chúng đã lắng lòng với đạo từ của Hòa thượng Chứng minh.
Hòa thượng cho biết, trong tam tạng thánh giáo đã ghi lại rất nhiều câu chuyện về gương hiếu đạo của Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni trong nhiều kiếp quá khứ và hiện tại làm nhiều thân khác nhau. Vì vậy trong suốt 45 năm thuyết pháp Đức Phật nhắc tới công lao của cha mẹ rất lớn không những cha mẹ sinh ra ta mà còn cha mẹ trong đắp đổi của nhiều đời.
Trong đoạn Kinh Đại Phương Tiện Báo Phật Ân ghi lại câu chuyện Đức Phật và chúng tăng trên đường đi khất thực đi qua đống xương khô, hình ảnh Đức Thế tôn quỳ xuống lạy để rồi tôn giả A nan thị giả Đức Phật thắc mắc tại sao đấng Thế tôn bậc cha lành của bốn loại bậc đại đạo sư của ba cõi mà lại quỳ lạy đông xương khô.
Và Đức Phật đã cặn kẽ chỉ dạy đống xương khô có thể là bà con cha mẹ của ta trong nhiều kiếp hình ảnh đó đã nói lên quan điểm của Đức Phật đúng như Ngài đã dạy trong kinh Đại Tập. Một người nào đó khi sinh ra đời không được gặp Phật nhưng người đó biết nghe lời, biết phụng dưỡng, biết chăm sóc tất cả tình thương của người con với cha mẹ đó là đã được gặp Phật.
Hòa thượng nhấn mạnh, trăm điều phúc không phúc nào lớn bằng phúc hiếu kính với cha mẹ, ngược lại trong những điều xấu xa tội lỗi không tội nào nặng hơn tồi bất kính với cha mẹ. Làm người con phải hết lòng phụng dưỡng cha mẹ khi xưa mình còn nhỏ cha mẹ nuôi thương mình bằng tất cả mồ hôi nước mắt thậm chí cả bằng máu để ta khôn lớn, ngày nay ta phải biết trân quý tình cảm đó và để báo đáp lại cha mẹ trong lúc tuổi già.
Vu lan với tinh thần hiếu đạo đã được đưa vào Việt Nam trở thành lễ hội tình người lễ hội của sự biết ơn và báo ơn tổ tiên. Có câu, cúng cả năm không bằng rằm tháng 7 đó là quan điểm tất cả hương linh ông bà cha mẹ tổ tiên được về nhận sự hiếu kính của con cháu.
Nghi lễ bông hồng cài áo đưa đến một nét văn hóa đẹp quy mô và có không gian truyền tải được tinh thần đó của người đệ tử Phật ơn Tam bảo, ơn Quốc gia xã hội tổ quốc, ơn cha mẹ thầy cô, chúng sanh đồng bào Hòa thượng mong muốn từ nhân rộng các tự viện tất cả chúng ta không ai là không nhớ công ơn của cha mẹ
Trong đạo từ Hòa thượng đã nhắc lại câu chuyện hiếu kính chăm sóc mẹ bị bệnh của Thiền sư Nhất Định người đã khai sáng tên ngôi Tổ đình Từ Hiếu vẫn còn vang vọng mãi trong trang sử vàng của Phật giáo Việt Nam.
Sự kiện ghi lại, thiền sư Nhất Định nổi tiếng là người con có hiếu, tương truyền có lần mẹ già bị bệnh rất nặng, hàng ngày ngài lo thuốc thang nhưng bà vẫn không khỏi. Có người ái ngại khuyên ông nên mua thêm thịt cá để tẩm bổ cho mẹ, có làm được điều đó mới mong bà chóng hồi sức.
Nghe xong, mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, thiền sư vẫn chống gậy băng rừng lội bộ xuống chợ cách đó hơn 5 km để mua cá mang về nấu cháo cho mẹ già ăn. Câu chuyện vang đến tai Tự Đức vốn là vị vua rất hiếu thảo với mẹ, vua rất cảm phục trước tấm lòng của sư Nhất Định nên ban cho "Sắc tứ Từ Hiếu tự". Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó.
Hòa thượng Chứng minh ban đạo từ
Hòa thượng cũng kể lại câu chuyện về tinh thần hiếu đạo của Đức cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tâm An là vị Giáo thụ sư của Hòa thượng khi chăm sóc thân mẫu bị bệnh. Hiện bút tích vẫn còn lưu tại chùa Bằng. Ngài viết Biên niên sử trong đó ngài ghi bằng chữ hán “Tâm An hoàn tục dưỡng mẫu” Tâm An tức tên ngài là Tâm An trở về không xuất gia nữa, nuôi mẹ, và ba năm sau ngài nói “Tâm An thân mẫu từ trần”, rồi một đoạn nữa lại viết, “Tâm An tiếp tục xuất xuất gia”. Ngài hy sinh cuộc đời xuất gia của mình không nỡ để cho mẹ ở nhà đau khổ, không người trông nom, không người phụng dưỡng, dù thân đang ở chùa mà vẫn dùng từ “hoàn tục”..
Hay tấm gương vua Tự Đức vị vua nổi tiếng hiếu thảo trong lịch sử, dù rất bận với công việc triều chính, nhưng cứ ngày lẻ thì nhà vua thiết triều, còn ngày chẵn thì vào chầu cung thăm Thái hậu Từ Dụ, không khi nào chểnh mảng. Suốt 36 năm làm vua, cứ một ngày thượng triều, một ngày ông lại đến cung Diên Thọ vấn an sức khỏe mẹ.
Qua các câu chuyện trong đạo từ, Hòa thượng mong muốn Chư tăng ni đại chúng hãy soi gương của Chư tổ, quý vị khách quý, đồng bào Phật tử soi gương của các vị hoàng đế và đặc biệt là Đức Phật, để chúng ta tinh thần vu lan đạo hiếu dân tộc Việt, một nghi lễ văn hóa truyền thống phải được trân trọng nâng niu và nhân rộng để tất cả mọi người đừng ai quên công ơn cha mẹ sinh thành. Mong những ai có bông hồng đỏ trên ngực “Đêm đêm con thắp đèn trời Cầu cho cha mẹ sống đời với con”.
Phần cuối buổi lễ là ngọn nến hoa đăng được thắp lên để tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh của lễ Vu lan báo hiếu, hay lễ hội tình người, không chỉ tượng trưng cho lòng tưởng nhớ và cầu siêu mà còn gợi lên những tình cảm xúc động về công ơn của cha mẹ đồng thời cầu nguyện cho cha mẹ được sống lâu sống khỏe bên mình.
Ban TTTT Phật giáo Hà Tĩnh
Một số hình ảnh ghi nhận