;
Tham dự và chứng minh buổi lễ có: Đại đức Thích Chúc Giác, Phó ban kiêm Chánh thư ký BTS Phật giáo huyện Thạch Hà; Đại đức Thích Chúc Huy, Chư Tăng chùa Hương Tích; Đại đức Thích Tâm Nguyện, trụ trì chùa Giai Lam; Đại đức Thích Hữu Từ; Ni sư Thích nữ Thiền Lâm, Chư ni Thiền viện Phổ Chiếu, tỉnh BRVT; Ni sư Thích nữ Thiền Luận, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Bảo Sơn, tỉnh Bà rịa - Vũng Tàu.
Đại diện quý cấp chính quyền tham dự và tặng hoa chúc mừng có bà Bùi Thị Loan, Trưởng phòng Phật giáo, Ban Tôn giáo tỉnh; Bà Nguyễn Thị Nga, Chánh văn phòng Ban Tôn giáo tỉnh; Ông Nguyễn Văn Long, Phó ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An; ông Nguyễn Quốc Hương – PCT UBND huyện Thạch Hà; ông Nguyễn Văn Ngọc – Phòng Nội vụ huyện Thạch Hà. Ông Nguyễn Đình Kiều, Chủ tịch UBND xã Thạch Hương các ông bà đại diện các Hội, đoàn xã Thạch Hương, trưởng các thôn trên xã nhà; hơn 100 Phật tử nhân dân cùng tham dự buổi lễ.
Mở đầu buổi lễ, đạo tràng thành kính bái vọng Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – PCT HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hà Tĩnh; Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp (TPHCM) nhị vị đạo sư chứng minh cho đạo tràng cư sĩ chùa Vĩnh Phúc.
Tại buổi lễ, Chư tôn đức quang lâm niêm hương bạch Phật tụng bài sám Vu Lan, cầu nguyện âm siêu dương thới, chánh pháp trường tồn, nhân dân Phật tử an lạc, đạo tràng ngày càng phát triển.
Thanh niên Phật tử chùa Vĩnh Phúc có chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” dâng cúng dường chư Phật và Chư tôn đức Tăng Ni, nội dung ca ngợi công ơn sinh thành của cha mẹ nhân mùa vu lan báo hiếu PL 2563.
Hoa hồng là một loài hoa biểu hiện tình yêu thương, và tình yêu thương đó trước hết chúng ta phải dành cho cha mẹ vì cha mẹ là người đã sinh ta ra, nuôi nấng thành người như ngày hôm nay. Ai còn cha mẹ sẽ được cài bông hồng màu đỏ và những ai mất cha mẹ rồi thì sẽ được cài lên ngực áo của mình một bông hồng trắng.
Nhân dịp này, Đại đức Thích Chúc Giác chia sẻ về ý nghĩa ngày lễ vu lan cũng như nói lên công sinh thành dưỡng dục của 2 đấng sinh thành. Thầy nhấn mạnh về tinh thần hiếu hạnh của đạo Phật được ứng dụng và mang lại lợi ích trong đời sống nhân sinh ngày nay.
Theo thầy Chúc Giác, “ngoài việc lo cho cha mẹ miếng ăn giấc ngủ, làm cho cha mẹ sống vui vẻ hạnh phúc, người con cần phải biết hướng cha mẹ quy y Tam bảo, hướng về Phật pháp, hướng dẫn cha mẹ sống đời sống chơn chánh để hiện tại được an lạc, đồng thời làm nhân an vui hạnh phúc trong đời sống vị lai…”.
Trước đó, ngày 2.7.Kỷ Hợi, đạo tràng chùa Vĩnh Phúc đã tổ chức lễ húy kỵ Hòa thượng thượng Tinh hạ Cần trong tinh thần tri ân và biết ơn vô hạn với bậc tôn sư xả thân vì đạo pháp, vì Phật giáo Hà Tĩnh trong lúc quê hương xứ sở vô vàn khó khăn mang nặng thành kiến về Phật giáo.
Trong ngày “Tri ân” này, đạo tràng Phật tử Vĩnh Phúc được sự quang lâm động viên tinh thần của Đại đức Thích Quảng Duyên và đạo tràng chùa Gia Mỹ, chùa Xuân Đài.
Tại đây, Thầy Quảng Duyên có lời tâm huyết nhắc nhở Phật tử luôn biết ơn, tri ơn, đặc biệt là luôn tinh tấn để “Tiếp nối” trong trách nhiệm bổn phận của người tại gia với các bậc tiền nhân.., đồng thời, qua lịch sử và các nhân chứng thầy đã ôn lại hạnh nguyện cao cả của bậc đạo sư – Hòa thượng thượng Tinh hạ Cần trong thời thế Phật giáo tỉnh nhà đang nguy nan.
Theo dòng lịch sử, Hòa thượng thượng Nhật hạ Sách pháp hiệu Thích Tinh Cần, thế danh Hà Thế Hanh – Sinh năm: 1902, nguyên quán, xã Vĩnh Ninh – Huyện Quảng Ninh – tỉnh Quảng Bình.
Năm 1916 mới 14 tuổi xuất gia vào Cố đô Huế để tu học, bổn tính thông minh nhanh nhẹn, siêng năng cần cù của chú tiểu đất Quảng Bình, nên được các bậc tôn túc Hòa thượng yêu quý, đặc biệt là vị thầy Bổn sư đã kèm cặp tu hành sớm trở thành một vị Tỳ kheo trẻ, tinh thông giáo lý Đức Phật lại có phẩm hạnh.
Năm Ất Hợi, Tỳ kheo Thích Tinh Cần được bổ xứ ra Hà Tĩnh để hoằng truyền giáo pháp và xây dựng Phật pháp trên đất Hà Tĩnh. Lúc Ngài mới 33 tuổi. Tại đây Ngài đã xây dựng đạo tràng, xây dựng Chùa tháp, trụ trì chính là ngôi Cổ Lam Tự (cạnh Nhà Văn hóa tỉnh bây giờ, còn sót lại cây ngô đồng), chùa Phật Học (sân vận động hiện nay).Từ đó Ngài đã đặt chân đến hầu hết các chùa trên đất Hà Tĩnh, Ngài còn liên lạc chặt chẽ với Phật giáo miền Bắc để thỉnh mời các vị tôn túc vào bồi dưỡng, tăng thêm kiến thức Phật pháp cho các vị xuất gia và Phật tử hiện hữu nhân dân.
Mới đã hoàn thành tâm nguyện bước đầu, nhưng quê hương đất nước đang trong cảnh thực dân đô hộ, nhân dân Phật tử đói khát lầm than, nạn đói năm Ất Dậu 1945 đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người dân, trong đó có cha mẹ và 2 người anh chị của Hòa thượng để lại người cháu đích tôn duy nhất là Hà Thế Nhơn, nên năm 1945 Đại đức Thích Tinh Cần phải về quê để phần nào đền ơn báo hiếu, Ngài đã đưa đứa cháu ruột là Hà Thế Nhơn (sinh 1930) ra nương nhờ cửa Phật để tiếp bước theo Ngài, nhưng duyên lành xuất gia chưa đủ nên người cháu lập gia đình tiếp nối tổ tiên.
Sau năm 1945 Ngài phụ trách tỉnh Hội Phật giáo Hà Tĩnh. Cách mạng thành công năm 1954 thực dân pháp rút quân khỏi Đông Dương, Phật giáo miền Bắc kiện toàn, Ngài được tấn phong Hòa Thượng và phụ trách Phật giáo Tỉnh Hội Hà Tĩnh. Lấy Chùa Phật học làm trụ sở của TỉnhHội.
- Ngày 3 tháng 7 năm Ất Mùi vào ngày 20/8/1955 Ngài đã viên tịch, nay ninh phần và tháp mộ của Hòa thượng Giác linh Thích Tinh Cần tọa lạc tại nghĩa trang xã Thạch Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Một số hình ảnh tại buổi lễ.