;
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ KINH GIẢN CHÚ DỊCH GIẢI
LỜI GIỚI THIỆU
Kinh Vô Lượng Thọ (Sukkhàvati-Vyùha) là một trong 3 bộ Thánh điển chủ yếu của tông Tịnh độ. Kinh kể chuyện vị Quốc vương Pháp Tạng xuất gia, nguyện nếu thành Phật, Ngài sẽ đưa những ai tin tưởng trì niệm danh hiệu Ngài đến quốc độ Cực lạc của ngài.
Ngài đã thành Chánh quả, tức Đức Phật A-di-đà, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Công Đức đang chờ đón hết thảy chúng sanh đến cõi Tây phương Cực lạc của Ngài.
Ở Trung Quốc, từ đời Hán đến đời Tống tương truyền có 12 bản Hán dịch: sau đời Tống Nguyên, người ta xác định có 5 bản là:
- Vô Lượng Thọ Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh do Chi-lâu-ca-sấm đời hậu Hán dịch.
- A-di-đà Kinh do Chi Khiêm đời Ngô (thời Tam Quốc) dịch.
- Vô Lượng Thọ Kinh do Khương Tăng Khải đời Tào Ngụy dịch.
- Vô Lượng Thọ Như Lai Hội do Bồ-đề Lưu Chi đời Đường dịch và
- Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh do Pháp Hiền đời Triệu Tống dịch.
Các bản Hán dịch trên có nội dung chủ yếu giống nhau nhưng cũng có nhiều chi tiét khác biệt nhau như cách chia chương đoạn, số mục, danh xưng chư Bồ-tát, Đại Tỳ-kheo, chúng nhân dự hội, vị trí, độ dài ngắn của các kệ tụng…Điều này chứng tỏ các bản Hán dịch không phải chỉ dựa vào một bản tiếng Phạn duy nhất và có nhiều bản tiếng Phạn cũng không biết bản nào là bản nguyên gốc.
Năm 1883, Max Muller (người Đức) và Nam Điền Văn Hùng (người Nhật) cho xuất bản một Phạn bản Kinh Vô Lượng Thọ và Max Muller dịch ra Anh ngữ, năm 1908 Nam Điền Văn Hùng dịch ra Nhật ngữ. Năm 1917 Địch Nguyên Vân Lai dựa theo một Phạn bản khác và một bản Tạng dịch của Kinh được tìm thấy ở Nepal, đính chính Phạn bản đã công bố trước đó rồi dịch ra Anh ngữ và Nhật ngữ.
Trước kia đã có 3 bản Kinh Vô Lượng Thọ do 3 vị cư sĩ ở 3 thời khác nhau tập hợp các bản Hán dịch mà biên soạn lại thành một bản riêng; khởi đầu là năm 1160, cư sĩ Vương Nhật Hưu, sau đó là cư sĩ Bành Nhị Lâm, rồi đến cư sĩ Ngụy Mặc Thâm. Đến năm 1932, tức sau khi hai Phạn bản được công bố và dịch ra Anh ngữ và Nhật ngữ, cư sĩ Hạ Liên Cư tập hợp các bản Hán dịch, nghiên cứu, so sánh đối chiếu giữa các dịch phẩm và Phạn bản Kinh Vô Lượng Thọ đã có từ trước đến nay, soạn thành một bản Kinh, lấy tên là “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh” và cho xuất bản lần đầu vào năm 1936 tại Đài Loan.
“Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giản Chú Dịch Giải” là một công trình diễn giải bằng văn Bạch Thoại, rất trong sáng, gãy gọn và căn bản về “Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh” của cư sĩ Hạ Liên Cư do Pháp sư Tịnh Không thực hiện, được đem giảng dạy cho Hội chúng cư sĩ tại Singapore và sau đó được phổ biến rộng rãi, được quần chúng Phật tử hân hoan đón nhận và tán thán.
Tại Việt Nam, “Thiền Tịnh song tu” đã từ lâu trở thành một truyền thdống thực hiện giải thoát của Tăng Ni Phật tử. Nói cho cùng, tự lực hay tha lực chỉ có ranh giới rất mong manh trong ý niệm. Hướng đến Đức Phật A-di-đà là sự thể hiện, sự đáp ứng lời nguyện vô luộng từ bi, vô lượng quang minh; hướng đến Cực lạc quốc là tiến trình đi dến cảnh giới của Pháp thân thanh tịnh mà tận cùng rốt ráo chính là cái tâm giải thoát vậy.
Cư sĩ Nguyên Trừng là một Huynh trưởng Gia đình Phật tử, suốt 50 năm gắn bó với các sinh hoạt của thanh thiếu niên Phật tử cũng như giới thiệu nghiên cứu, tu tập Phật pháp. Ngoài các bài dịch thuật, thơ, truyện ngắn… đã được in trên các tập san Phật giáo từ nhiều chục năm nay, cư sĩ còn có một vài công trình dài hơn nhưng chưa có dịp công bố, trong đó có bản Việt dịch “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giản Chú Dịch Giải” của Pháp sư Tịnh Không mà cư sĩ dự định sẽ xuất bản. Đây là một bản dịch nghiêm túc, sáng sủa về một nột dung phù hợp và cần thiết cho đông đảo người tu học Phật ở Việt Nam, yếu chỉ của tông Tịnh độ.
Tôi cảm kích sự tận tâm tận lực của cư sĩ Nguyên Trừng đối với Phật giáo, cũng như tình cảm mà cư sĩ dành cho tôi, nên khi cư sĩ đề nghị tôi viết lời giới thiệu về dịch phẩm này, tôi đã không ngại ý tứ, lời văn thô thiển, xin có đôi dòng trình bày cùng chư độc giả.
Tịnh xá Trung Tâm, Trọng Xuân Nhâm Ngọ 2002
TT. Thích Giác Toàn