;
Các bài giảng liên quan đến thế giới
(bài 8)
[…]
Tiếp theo dưới đây là một bài giảng trong Majjhima Nikāya/ Trung Bộ Kinh, mang tựa :
Bài giảng về sáu lần sáu thành phần
Chachakka Sutta - MN 148
(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Bodhi, Bikkhu Sujato, Piya Tan và bản dịch tiếng Pháp của Môhan Wijayaratna)
Chachakka tựa của bài giảng là một từ ghép (Cha+chakka), ‘cha’ có nghĩa là ‘sáu’, ‘chakka’ có nghĩa là ‘sáu lần’. Sáu ở đây có nghĩa là sáu cơ quan giác cảm : thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và tâm thần, sáu lần sáu có nghĩa là mỗi cơ quan giác cảm sẽ gồm có sáu yếu tố vận hành. Khái niệm về sáu cơ quan giác cảm (lục giác) rất quan trọng trong Phật giáo, ngoài năm cơ quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể còn có thêm một cơ quan khác rất quan trọng đó là não bộ. Não bộ là một cơ quan giác cảm như tất cả các cơ quan giác cảm khác. Nếu đối tượng cảm nhận của mắt là hình tướng, màu sắc, sự chuyển động…, thì đối tượng cảm nhận của não bộ là ý nghĩ, xúc cảm, ý định, sự suy nghĩ…
Nếu nghĩ rằng nào bộ là nơi cất chứa cá tính của mình, cái Tôi của mình, linh hồn của mình, thì đấy là một sự hiểu biết sai lầm, bởi vì đấy chỉ là một sự cảm nhận, tương tự như tất cả các cảm nhận khác, tạo ra bởi sự vận hành của cơ quan giác cảm tâm thần mà thôi.
Sự vận hành của lục giác nói chung đòi hỏi phải hội đủ ba yếu tố cần thiết. Chẳng hạn như mắt phải tinh tường, nếu mù lòa thì không trông thấy gì cả, đối tượng của mắt là hình tướng thì phải có ánh sáng phản chiếu từ đối tượng đưa vào mắt.
Nếu hình tướng ở chỗ tối thì mắt không trông thấy gì cả, tóm lại giữa mắt và hình tướng phải có sự tiếp xúc qua trung gian của ánh sáng thì mới tạo ra được các cảm nhận thị giác. Đối với não bộ cũng vậy, phải nhờ vào các tín hiệu của ngũ giác đưa lên não bộ, tiếp xúc với não bộ, thì mới tạo ra được các cảm nhận tâm thần, đưa đến các ý nghĩ, các sự hình dung, tưởng tượng, nói chung là các sự tạo dựng trong tâm thần.
Ngũ giác chỉ đưa vào não bộ các tín hiệu mà nó nhận biết được, nhưng không diễn đạt gì cả. Chính não bộ là cơ quan giác cảm thứ sáu, tiếp nhận các tín hiệu đó để diễn đạt để tạo ra các ý nghĩ, xúc cảm, tác ý, các sự hình dung, v.v.
Tóm lại sự vận hành của mỗi cơ quan giác cảm gồm có ba thành phần : cơ quan giác cảm, đối tượng cảm nhận của chúng và sự tiếp xúc giữa hai thứ ấy, chẳng hạn như đối với thị giác thì ba thành phần là : mắt, hình tướng (đối tượng của mắt), sự tiếp xúc giữa mắt và hình tướng ; đối với cơ quan tâm thần thì ba thành phần là : tri thức, ý nghĩ và sự tiếp xúc giữa tri thức và ý nghĩ.
‘Ngũ giác’ qua sự ‘tiếp xúc’ tạo ra các tín hiệu đưa lên não bộ. Não bộ ghi nhận các tín hiệu đó của lục giác, đồng thời diễn đạt các tín hiệu đó bằng cách liên kết và tương tác với các tín hiệu tồn lưu từ trước, đưa đến sự nhận biết các cảm nhận của lục giác.
Khả năng nhận biết các cảm nhận ấy gọi là trí năng (intellect), và sự nhận thức, ý thức và ghi nhận các sự nhận biết ấy của trí năng thì gọi là tri thức (consciousness). Tóm lại đối với tri thức cũng có sáu thể loại : tri-thức-thị-giác, tri-thức-thính-giác, tri-thức-khứu-giác, tri-thức-vị-giác, tri-thức-xúc-giác, tri-thức-tâm-thần.
Sáu thể loại tri thức đó hướng vào môi trường chung quanh làm hiện ra cho từng mỗi cá thể một thế giới riêng liên quan đến các yếu tố vật lý bên ngoài, đồng thời cũng hướng vào bên trong, phối hợp và tác động với các cảm nhận tồn lưu trong tâm thần, tạo ra một thế giới nội tâm cả cho cá thể ấy. Khả năng phối hợp và tương tác giữa sáu thể loại tri thức tạo ra hai thế giới đó, biểu trưng cho trí thông minh của một cá thể. Dù trí thông minh đó thuộc cấp bậc sáng suốt và minh bạch nào thì nhất thiết cũng đều làm hiển hiện ra ba thể loại xúc cảm : thích thú, đớn đau, không-thích-thú cũng không-đớn-đau.
Các xúc cảm đó ‘ám ảnh’ và ‘thúc đẩy’ một cá thể bám víu vào các cảm nhận thích thú , chống lại các cảm nhận đớn đau, hoặc dửng dưng, không hay biết gì cả, đối với các cảm nhận không-thích-thú cũng không-đớn-đau.
Thoát ra khỏi cả ba thể loại cảm nhận ấy là sự Giải thoát, một sự bình lặng thật sâu xa, một sự thanh thản tuyệt đối của tâm thức. Đấy là nội dung của bài giảng rất sâu sắc này của Đức Phật. Bài giảng này như sau :
Tôi từng được nghe như vầy. Lúc đó Đấng thế Tôn đang ngụ gần thị trấn Sāvatthi nơi khu rừng thưa Jeta (Kỳ Thọ) trong tịnh xá của vị Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc, biệt danh của một vị phú hộ rất hào hiệp ‘cấp dưỡng cho những người đơn chiếc’). Ngài gọi các tỳ-kheo : « Này các tỳ-kheo ! ». Các tỳ-kheo đáp lại : « Vâng, thưa Thế Tôn ! »
Đấng Thế Tôn nói tiếp : « Này các tỳ-kheo, ta sẽ giảng cho các tỳ-kheo Dhamma, tuyệt vời từ đoạn đầu, tuyệt vời nơi đoạn giữa, tuyệt vời trong đoạn cuối.
Ta sẽ nêu lên một cuộc sống thánh thiện qua các khía cạnh cá biệt và cả phần tinh anh trong cuộc sống đó, một cuộc sống trọn vẹn, tinh khiết một cách khác thường – nói một cách khác thì đấy là [cuộc sống khắc phục được] sáu-lần-sáu [thành phần]. Vậy các tỳ-kheo hãy chăm chú lắng nghe. Ta sẽ giảng ».
Các tỳ-kheo đáp lại : « Vâng, thưa Thế Tôn ».
Đấng Thế Tôn nói tiếp : « Phải thấu triệt được sáu lãnh vực giác cảm bên trong. Phải thấu triệt được sáu lãnh vực giác cảm bên ngoài. Phải thấu triệt được sáu thể loại tri thức (six classes of conciouness). Phải thấu triệt được sáu thể loại tiếp xúc (six classes of contact). Phải thấu triệt được sáu thể loại cảm nhận (six classes of feeling). Phải thấu triệt được sáu thể loại bám víu (six classes of craving).
« Ta bảo rằng : ‘Phải thấu triệt được sáu lãnh vực giác cảm bên trong. Vậy sáu lãnh vực [bên trong] ấy là gì ? Đấy là lãnh vực của mắt (eye-medium / thị giác), đấy là lãnh vực của tai (ear-medium / thính giác) ; đấy là lãnh vực của mũi (nose-medium / khứu giác) ; đấy là lãnh vực của lưỡi (tongue-medium / vị giác) ; đấy là lãnh vực của thân thể (body-medium / xúc giác) ; đấy là lãnh vực tâm thần (intellect-medium / trí năng). Khi ta nói lên : ‘Phải thấu triệt được sáu lãnh vực giác cảm bên trong’, thì đấy là những gì mà ta vừa nêu lên. (có nghĩa là phải hiểu thế nào là sáu thứ cảm nhận của lục giác nơi con người của mình). Và đấy là sáu thứ thuộc tổng hợp thứ nhất (the first sextet).
« Ta bảo rằng : ‘Phải thấu triệt được sáu lãnh vực giác cảm bên ngoài. Vậy sáu lãnh vực [bên ngoài] ấy là gì ? Đấy là lãnh vực hình tướng (form-medium / những gì trông thấy) ; đấy là lãnh vực âm thanh (sound-medium / những gì nghe thấy) ; đấy là lãnh vực của mùi (aroma-medium / những gì ngửi thấy), đấy là lãnh vực của vị (flavor-medium / các vị nhận biết bởi lưỡi) ; đấy là lãnh vực của các cảm giác trên thân thể (tactile-medium / các cảm nhận trên da thịt, xúc giác) ; đấy là lãnh vực của ý nghĩ (idea-medium / các cảm nhận trong tâm thần). Khi ta nói lên : ‘Phải thấu triệt được sáu lãnh vực giác cảm bên ngoài’, thì đấy là những gì mà ta vừa nêu lên (các đối tượng cảm nhận của lục giác hướng vào môi trường bên ngoài). Đấy là sáu thứ thuộc tổng hợp thứ hai (second sextet).
« Ta bảo rằng : ‘Phải thấu triệt được sáu thể loại tri thức’ (conciousness). Vậy sáu thể loại tri thức ấy là gì ? Đấy là tri thức thị giác, hiển hiện lệ thuộc vào mắt và hình tướng ; đấy là tri thức thính giác, hiển hiện lệ thuộc vào tai và âm thanh ; đấy là tri thức khứu giác, hiển hiện lệ thuộc vào mũi và mùi ; đấy là tri thức vị giác, hiển hiện lệ thuộc vào lưỡi và vị ; đấy là tri thức xúc giác, hiển hiện lệ thuộc vào thân thể và sự đụng chạm (tactile sensation) ; đấy là tri thức tâm thần, hiển hiện lệ thuộc vào trí năng (intellect / khả năng nhận biết của tâm thần) và ý nghĩ (idea). Khi ta nói lên : ‘Phải thấu triệt được sáu thể loại tri thức’, thì đấy là những gì mà ta vừa nêu lên. Đấy là sáu thứ thuộc tổng hợp thứ ba (third sextet).
« Ta bảo rằng : ‘Phải thấu triệt được sáu thể loại tiếp xúc’(contact). Vậy sáu thể loại tiếp xúc là gì ? Tri thức thị giác hiển hiện lệ thuộc vào mắt và hình tướng, sự gặp gỡ (meeting / giao tiếp) giữa ba thứ ấy (mắt, hình tướng và tri thức thị giác) gọi là sự tiếp xúc (contact) ; tri thức thính giác hiển hiện lệ thuộc vào tai và âm thanh, sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy (tai, âm thanh và tri thức thính giác) gọi là sự tiếp xúc ; tri thức khứu giác hiển hiện lệ thuộc vào mũi và mùi, sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc; tri thức vị giác hiển hiện lệ thuộc vào lưỡi và vị, sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc ; tri thức xúc giác hiển hiện lệ thuộc vào thân thể và sự đụng chạm, sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc ; tri thức tâm thần hiển hiện lệ thuộc vào trí năng (intellect) và ý nghĩ (idea), sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc. Khi ta nói lên : ‘Phải thấu triệt được sáu thể loại tiếp xúc’, thì đấy là những gì mà ta vừa nêu lên. Đấy là sáu thứ thuộc tổng hợp thứ tư (fourth sextet).
« Ta bảo rằng : ‘Phải thấu triệt được sáu thể loại cảm nhận (feeling). Vậy sáu thể loại cảm nhận là gì ? Tri thức thị giác hiển hiện lệ thuộc vào mắt và hình tướng, sự gặp gỡ (giao tiếp) giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc, từ sự tiếp xúc ấy hiện ra sự cảm nhận.
Tri thức thính giác hiển hiện lệ thuộc vào tai và âm thanh, sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc, từ sự tiếp xúc ấy hiện ra sự cảm nhận. Tri thức khứu giác hiển hiện lệ thuộc vào mũi và mùi. Sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc, từ sự tiếp xúc ấy hiện ra sự cảm nhận. Tri thức vị giác hiển hiện lệ thuộc vào lưỡi và vị, sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc, từ sự tiếp xúc ấy hiện ra sự cảm nhận.
Tri thức xúc giác hiển hiện lệ thuộc vào thân thể và sự đụng chạm, sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc, từ sự tiếp xúc ấy hiện ra sự cảm nhận. Tri thức trí năng hiển hiện lệ thuộc vào trí năng và ý nghĩ ? Sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc, từ sự tiếp xúc ấy hiện ra sự cảm nhận. Khi ta nói lên : ‘Phải thấu triệt được sáu thể loại cảm nhận’, thì đấy là những gì mà ta vừa nêu lên. Đấy là sáu thứ thuộc tổng hợp thứ năm (fifth sextet).
« Ta bảo rằng : ‘Phải thấu triệt được sáu thể loại bám víu (craving / thèm khát). Vậy sáu thể loại bám víu là gì ? Tri thức thị giác hiển hiện lệ thuộc vào mắt và hình tướng, sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc, từ sự tiếp xúc ấy hiện ra sự cảm nhận, từ sự cảm nhận hiện ra sự bám víu (thèm khát, đam mê, ám ảnh).
Tri thức thính giác hiển hiện lệ thuộc vào tai và âm thanh, sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc, từ sự tiếp xúc hiện ra sự cảm nhận, từ sự cảm nhận hiện ra sự bám víu. Tri thức khứu giác hiển hiện lệ thuộc vào mũi và mùi, sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc, từ sự tiếp xúc hiện ra sự cảm nhận, từ sự cảm nhận hiện ra sự bám víu. Tri thức vị giác hiển hiện lệ thuộc vào lưỡi và vị, sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc, từ sự tiếp xúc ấy hiện ra sự cảm nhận, từ sự cảm nhận hiện ra sự bám víu.
Tri thức xúc giác hiển hiện lệ thuộc vào thân thể và sự đụng chạm, sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc, từ sự tiếp xúc hiện ra sự cảm nhận, từ sự cảm nhận hiện ra sự bám víu. Tri-thức-trí-năng hiển hiện lệ thuộc vào trí năng và ý nghĩ, sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy gọi là sự tiếp xúc, từ sự tiếp xúc hiện ra sự cảm nhận, từ sự cảm nhận hiện ra sự bám víu (thèm khát, đam mê, ám ảnh). Khi ta nói lên : ‘Phải thấu triệt được sáu thể loại bám víu’, thì đấy là những gì mà ta vừa nêu lên. Đấy là sáu thứ thuộc tổng hợp thứ sáu (sixth sextet).
« Nếu một người nào đó nói lên : ‘Mắt là cái Tôi’ (cái Ngã, cái Tôi của tôi) thì điều ấy không thể đứng vững được. Sự hiển hiện (sự tinh tường) hoặc tan biến của mắt có thể nhận biết được (có thể xảy ra được, chẳng hạn như một người có mắt giúp mình trông thấy nhưng cũng có thể bị khiếm thị, hoàn toàn mù lòa, không trông thấy gì cả, và trong trường hợp đó thì hình tướng, màu sắc, sự chuyển động… không mang một ý nghĩa nào cả đối với người ấy).
Nếu mắt có thể hiển hiện (tinh tường) hay tan biến (mù lòa) thì cũng có thể nghĩ rằng ‘Cái tôi của Tôi cũng có thể hiển hiện hay tan biến’ (cái Tôi, ‘cái ngã’ của mình hay sự nhận diện chính mình cũng chỉ là các sự cảm nhận của lục giác, các cảm nhận ấy chỉ có thể hiện ra với một người tạo được cho mình sự vận hành bình thường của lục giác, trái lại đối với những người mất trí, điên loạn hay hôn mê thì các cảm nhận về cái Tôi không hề hiện ra với họ). Vì vậy, nếu một người nào đó nói lên ‘Mắt (thị giác) là cái Tôi’ (cái ngã) thì điều đó không thể đứng vững được. Vì thế mắt (thị giác) không phải là cái Tôi (not-self). Nếu một người nào đó nói lên ‘Hình tướng là cái Tôi’ thì điều đó không thể đứng vững được… Do vậy, [không những] mắt không phải là cái Tôi mà hình tướng cũng không phải là cái Tôi,... Nếu một người nào đó nói lên ‘Tri thức của mắt (conciousness at the eye / tri thức thị giác) là cái Tôi, thì điều đó không đứng vững được…
Do vậy mắt không phải là cái Tôi, hình tướng không phải là cái Tôi, [mà cả] tri thức thị giác cũng không phải là cái Tôi (đấy chỉ là sự nhận biết của mắt. Nhìn vào một tấm gương trông thấy bóng dáng của mình thì đấy chỉ là kết quả tạo ra bởi sự cảm nhận của mắt. Dù có tấm gương, thế nhưng nếu mù lòa, thì sẽ không trông thấy hình tướng của mình. Hình tướng không phải là cái Tôi là như vậy).
Nếu một người nào đó nói lên ‘Sự tiếp xúc của mắt là cái Tôi (cái ngã), thì điều ấy không đứng vững được… [lập lại như trên đây]… Do vậy, [không những] mắt không phải là cái Tôi, hình tướng không phải là cái Tôi, tri thức thị giác không phải là cái Tôi, [mà cả] sự tiếp xúc của mắt cũng không phải là cái Tôi. Nếu một người nào đó nói lên ‘Sự tiếp xúc là cái Tôi’, thì điều ấy không thể đứng vững được…
Do vậy, [không những] mắt không phải là cái Tôi’, hình tướng không phải là cái Tôi, tri thức thị giác không phải là cái Tôi, sự tiếp xúc không phải là cái Tôi, [mà cả] sự cảm nhận cũng không phải là cái Tôi. Nếu một người nào đó nói lên ‘Sự bám víu là cái Tôi’, thì điều ấy không thể đứng vững được. Sự hiển hiện hoặc tan biến của sự bám víu có thể nhận biết được. Do vậy, [không những] mắt (eye) không phải là cái Tôi’, hình tướng (form) không phải là cái Tôi, tri thức thị giác (conciousness at the eye) không phải là cái Tôi, sự tiếp xúc (contact) không phải là cái Tôi, sự cảm nhận (feeling) không phải là cái Tôi [mà cả] sự bám víu (craving) cũng không phải là cái Tôi.
(Các câu trên đây được lập lại với các trường hợp của tai, mũi, lưỡi…, nhưng đã được cắt bớt nhằm tránh sự dài dòng)
« Nếu một người nào đó nói lên, ‘Tai (thính giác) là cái Tôi’ (cái Ngã), thì điều ấy không đứng vững được…
« Nếu một người nào đó nói lên, ‘Mũi (khứu giác) là cái Tôi’ (cái Ngã), thì điều ấy không đứng vững được…
« Nếu một người nào đó nói lên, ‘Lưỡi (vị giác) là cái Tôi’ (cái Ngã), thì điều ấy không đứng vững được…
« Nếu một người nào đó nói lên, ‘Thân thể (xúc giác) là cái Tôi’ (cái Ngã), thì điều ấy không đứng vững được…
Nếu một người nào đó nói lên ‘Trí năng’ ( Intellect / khả năng nhận biết của tâm thức) là cái Tôi’ (cái Ngã), thì điều ấy không đứng vững được. Sự hiển hiện hoặc tan biến của trí năng có thể nhận biết được (có thể xảy ra được, chẳng hạn như một người nào đó tỉnh táo nhận biết được mọi sự vật và nhận diện được chính mình, thế nhưng người ấy cũng có thể rơi vào tình trạng hôn mê và hoang mang không nhận biết được bối cảnh chung quanh, cũng không nhận diện được chính mình). Nếu trí năng có thể hiển hiện (tỉnh táo) hoặc tan biến (hôn mê, bất tỉnh) thì cũng có thể nghĩ rằng ‘Cái tôi của Tôi cũng có thể hiển hiện hay tan biến’. Do vậy, trí năng không phải là cái Tôi (not-self / vô ngã).
Nếu một người nào đó nói lên ‘Tri thức của trí năng (conciousness at intellect / tri thức hiển hiện từ trí năng, tức là từ khả năng nhạn biết của tâm thần) là cái Tôi’, thì điều đó không đứng vững được… Do vậy, [không những] trí năng không phải là cái Tôi, ý nghĩ không phải là cái Tôi, [mà cả] tri thức [của] trí năng cũng không phải là cái Tôi.
Nếu một người nào đó nói lên ‘Sự tiếp xúc của trí năng (của khả năng nhận biết) là cái Tôi’ thì điều ấy không đứng vững được… Do vậy, [không những] trí năng (intellect) không phải là cái Tôi, ý nghĩ không phải là cái Tôi, tri thức [của] trí năng không phải là cái Tôi, [mà cả] sự tiếp xúc cũng không phải là cái Tôi.
Nếu một người nào đó nói lên ‘Sự cảm nhận (feeling) là cái Tôi’ thì điều ấy không đứng vững được… Do vậy, [không những] trí năng không phải là cái Tôi, ý nghĩ không phải là cái Tôi, tri thức [của] trí năng không phải là cái Tôi, sự tiếp xúc không phải là cái Tôi, [mà cả] sự cảm nhận cũng không phải là cái Tôi.
Nếu một người nào đó nói lên ‘Sự bám víu (craving) là cái Tôi’ thì điều ấy không đứng vững được… Do vậy, [không những] trí năng không phải là cái Tôi, ý nghĩ không phải là cái Tôi, tri thức [của] trí năng không phải là cái Tôi, sự tiếp xúc không phải là cái Tôi, sự cảm nhận không phải là cái Tôi, [mà cả] sự bám víu cũng không phải là cái ‘Tôi’ (tóm lại Đức Phật cho biết là đối với tất cả mọi hình thức hay thể dạng vận hành của lúc giác thì không có một thể dạng nào có thể gọi là tôi, là cái Tôi, là cái ‘Ngã’ của tôi cả, bởi vì sự cảm nhận về cái Tôi cũng tương tự như các cảm nhận khác, tất cả đều có thể hiển hiện hay tan biến. Đức Phật tách rời và phá tan các thành phần – từ thân xác đến tâm thần – tạo ra một cá thể với chủ đích nêu lên cho chúng ta trông thấy trong số tất cả các thành phần đó (sáu lần sáu) không có thành phần nào là tôi là cái Tôi cả).
«Này các tỳ-kheo, dưới đây là con đường (là phương cách) đưa đến sự nhận-định-cái-Tôi (self-identification / sự xác định về cái Tôi). Đối với mắt (khả năng thị giác), thì một người nào đó [có thể] cho rằng ‘Đấy là tôi, đấy là cái Tôi của tôi, đấy là những gì là tôi’. Đối với hình tướng (thân thể), thì người ấy cho rằng ‘Đấy là tôi, đấy là cái Tôi của tôi, đấy là những gì là tôi’. Đối với tri thức thị giác, thì người ấy cho rằng ‘Đấy là tôi, đấy là cái Tôi của tôi, đấy là những gì là tôi’… Đối với sự tiếp xúc của mắt, thì người ấy cho rằng ‘Đấy là tôi, đấy là cái Tôi của tôi, đấy là những gì là tôi’.
Đối với sự cảm nhận, thì người ấy cho rằng ‘Đấy là tôi, đấy là cái Tôi của tôi, đấy là những gì là tôi’. Đối với sự bám víu, thì người ấy cho rằng ‘Đấy là tôi, đấy là cái Tôi của tôi, đấy là những gì là tôi’ (tóm lại đấy là cách tự nhận diện chính mình xuyên qua các sự cảm nhận của lục giác và cho đấy là cái Tôi của mình, cái ‘Ngã’ của mình, là chính mình).
(Câu trên đây được lập lại với các trường hợp của tai, mũi, lưỡi, thân thể, nhưng đã được cắt bớt nhằm tránh sự dài dòng)
« Đối với tai, thì người ấy cho rằng…
« Đối với mũi, thì người ấy cho rằng…
« Đối với lưỡi, thì người ấy cho rằng…
« Đối với thân thể, thì người ấy cho rằng…
« Đối với trí năng (khả năng nhận biết của tri thức), thì một người nào đó cho rằng ‘Đấy là tôi, đấy là cái Tôi của tôi, đấy là những gì là tôỉ’. Đối với ý nghĩ, thì một người nào đó cho rằng… Đối với tri thức trí năng (consciousness at intellect), thì một người nào đó cho rằng…
Đối với sự tiếp xúc của trí năng, thì một người nào đó cho rằng… Đối với sự cảm nhận, thì một người nào đó cho rằng… Đối với sự bám víu, thì một người nào đó cho rằng ‘Đấy là tôi, đấy là cái Tôi của tôi, đấy là những gì là tôi (tôi là như thế, là như vậy)’.
« Và [tiếp theo dưới] đây là con đường (phương pháp) luyện tập làm chấm dứt sự nhận-định-cái-Tôi (self-identification / tự nhận diện về con người của mình, về cái Tôi của mình).
« Đối với mắt (khả năng thị giác), thì một người nào đó nghĩ rằng ‘Đấy không phải là tôi, đấy không phải là cái Tôi của tôi, tôi không phải là như thế’. Đối với hình tướng, thì một người nào đó nghĩ rằng ‘Đấy không phải là tôi, đấy không phải là cái Tôi của tôi, tôi không phải là như thế’. Đối với tri thức thị giác, thì một người nào đó nghĩ rằng ‘Đấy không phải là tôi, đấy không phải là cái Tôi của tôi, tôi không phải là như thế’.
Đối với sự tiếp xúc của mắt, thì một người nào đó nghĩ rằng ‘Đấy không phải là tôi, đấy không phải là cái Tôi của tôi, tôi không phải là như thế’. Đối với sự cảm nhận, thì một người nào đó nghĩ rằng ‘Đấy không phải là tôi, đấy không phải là cái Tôi của tôi, tôi không phải là như thế’. Đối với sự bám víu, thì một người nào đó nghĩ rằng ‘Đấy không phải là tôi, đấy không phải là cái Tôi của tôi, tôi không phải là như thế’.
(Câu trên đây được lập lại với các trường hợp của tai, mũi, lưỡi, thân thể, nhưng đã được cắt bớt nhằm tránh sự dài dòng)
« Đối với tai, thì một người nào đó nghĩ rằng… »
« Đối với mũi, thì một người nào đó nghĩ rằng…
« Đối với lưỡi, thì một người nào đó nghĩ rằng …
« Đối với thân thể, thì một người nào đó nghĩ rằng…
« Đối với tri thức, thì một người nào đó nghĩ rằng ‘Đấy không phải là tôi, đấy không phải là cái Tôi của tôi, tôi không phải là như thế’.
Đối với ý nghĩ, thì một người nào đó nghĩ rằng… Đối với tri thức trí năng (intellect / khả năng nhận biết của tâm thần), thì một người nào đó nghĩ rằng… Đối với sự tiếp xúc, thì một người nào đó nghĩ rằng… Đối với sự cảm nhận, thì môt người nào đó nghĩ rằng… Đối với sự bám víu thì một người nào đó nghĩ rằng ‘Đấy không phải là tôi, đấy không phải là cái Tôi của tôi, tôi không phải là như thế’.
« Tri-thức-thị-giác (cơ quan tâm thần ghi nhận khả năng nhận biết các tín hiệu của mắt) hiển hiện lệ thuộc vào mắt và hình tướng. Sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy (mắt, hình tướng, tri thức thị giác) gọi là sự tiếp xúc. Sự tiếp xúc tạo điều kiện cần thiết làm hiển hiện các sự thích thú, đớn đau, hoặc không-thích-thú cũng không-đớn-đau (trung hòa). [Trong trường hợp] nếu sự cảm nhận mang tính cách thích thú thì một người nào đó sẽ tận hưởng (vui sướng với) sự thích thú đó, đón nhận nó và bám víu vào nó, và sự ám-ảnh-say-mê (passion-obsession / sự ám ảnh mang tính cách đam mê, ao ước đạt được sự vui thích) [sâu kín] nơi người ấy sẽ trở thành một sự ám-ảnh [cụ thể] (sự ám ảnh mang tính cách thích thú mà mình vừa cảm nhận được).
[Trong trường hợp] nếu sự cảm nhận mang tính cách đớn đau, thì một người nào đó sẽ lo buồn, đấm ngực, tuyệt vọng, và sự ám-ảnh-đề-kháng (resistance-obsession / sự ám ảnh chống lại sự đớn đau) [sâu kín] nơi người ấy sẽ trở thành một sự ám-ảnh [cụ thể]. Nếu là một sự cảm nhận không-thích-thú cũng không-đớn-đau, thì người ấy sẽ không tìm cách xác định nó, không tìm hiểu xem nó hiển hiện như thế nào, bắt nguồn từ đâu, tan biến như thế nào, hấp dẫn (lôi cuốn mình) như thế nào, [cũng không nghĩ đến] sự bất lợi của nó, hoặc phải làm như thế nào để thoát ra khỏi sự cảm nhận [không-thích-thú cũng không-đớn-đau] đó, và sự ám-ảnh-phi-cảm-nhận (ignorance-obsession / sự ám ảnh không cảm nhận, tạo ra bỏi sự thản nhiên, không quan tâm) [sâu kín] nơi người ấy sẽ trở thành một sự ám-ảnh [cụ thể] (ước ao ‘không cảm nhận’gì cả, hầu mang lại cho mình sự thanh thản).
Người ấy – không cần buông bỏ sự ám-ảnh-say-mê-đối với các sự cảm nhận thích thú, không cần hủy diệt sự ám-ảnh-đề-kháng (resistance-obsession) đối với các sự cảm nhận khổ đau, không cần làm bật rễ sự ám-ảnh-phi-cảm-nhận đối với các sự cảm nhận không-thích-thú cũng không-đớn-đau, mang lại cho mình một sự hiểu biết trong sáng –làm chấm dứt khổ đau và lo buồn tại nơi này và ngay trong lúc này. Điều ấy có thể thực hiện được.
(Câu trên đây được lập lại với các trường hợp của tai, mũi, lưỡi, thân thể, nhưng đã được cắt bớt nhằm tránh sự dài dòng)
« Tri-thức-thính-giác hiển hiện lệ thuộc vào tai và âm thanh…
« Tri-thức-khứu-giác hiển hiện lệ thuộc vào mũi và mùi…
« Tri-thức-vị-giác hiển hiện lệ thuộc vào lưỡi và vị…
« Tri-thức-xúc-giác hiển hiện lệ thuộc vào thân thể và các sự đụng chạm…
« Tri-thức-trí-năng (conciousness at the intellect / tri thức tâm thần ghi nhận các sự nhận biết tạo ra bởi trí năng) hiển hiện lệ thuộc vào tri thức (consciousness) và ý nghĩ (idea). Sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy (ý nghĩ, trí năng và tri thức ) gọi là sự tiếp xúc (contact). Sự tiếp xúc tạo điều kiện cần thiết làm hiển hiện sự thích thú, đớn đau, hoặc không-thích-thú cũng không-đớn-đau (trung hòa).
[Trong trường hợp] nếu sự cảm nhận mang tính cách thích thú thì một người nào đó sẽ tận hưởng (vui sướng với) sự thích thú đó, đón nhận nó và bám víu vào nó, và sự ám-ảnh-say-mê (passion-obsession) [sâu kín] nơi người ấy sẽ trở thành một sự ám ảnh [cụ thể] (sự ám ảnh về sự thích thú mà mình vừa cảm nhận được). [Trong trường hợp] nếu sự cảm nhận mang mang tính cách đớn đau, thì một người nào đó sẽ lo buồn, đấm ngực , tuyệt vọng, và sự ám-ảnh-đề-kháng (resistance-obsession) [sâu kín] nơi người ấy sẽ trở thành một sự ám-ảnh [cụ thể nhằm chống lại khổ đau].
Nếu là một sự cảm nhận không-thích-thú cũng không-đớn-đau, thì người ấy sẽ không tìm cách xác định nó, không tìm hiểu xem nó hiển hiện như thế nào, bắt nguồn từ đâu, tan biến như thế nào, hấp dẫn (lôi cuốn mình) như thế nào, [cũng không nghĩ đến] sự bất lợi của nó, hoặc phải làm như thế nào để thoát ra khỏi sự cảm nhận [không-thích-thú cũng không-đớn-đau] đó, và sự ám-ảnh-phi-cảm-nhận (ignorance-obsession / thản nhiên) [sâu kín] nơi người ấy sẽ trở thành một sự ám ảnh [cụ thể]. Người ấy – không cần phải buông bỏ sự say-mê-ám-ảnh đối với các cảm nhận thích thú, không cần phải hủy diệt sự ám-ảnh-[mang tính cách]-đề-kháng đối với các cảm nhận khổ đau, không cần phải làm bật rễ sự ám-ảnh-phi-cảm-nhận đối với các cảm nhận không-thích-thú cũng không-đớn-đau, mang lại cho mình một sự hiểu biết trong sáng – làm chấm dứt được khổ đau và lo buồn tại nơi này và ngay trong lúc này (thực hiện được sự giải thoát tại nơi này và ngay trong lúc này, không cần phải chờ đợi rồi đây sẽ được tiếp dẫn vào cõi cực lạc hay thiên đường…). Điều ấy có thể thực hiện được.
« Tri thức thị giác (conciousness at the eye / tri thức liên quan đến sự nhận biết của mắt) hiển hiện lệ thuộc vào mắt (eye) hình tướng (forms). Sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy (mắt, hình tướng, tri thức thị giác) gọi là sự tiếp xúc (contact). Sự tiếp xúc tạo điều kiện cần thiết làm hiển hiện sự thích thú, đớn đau, hoặc không-thích-thú cũng không-đớn-đau (trung hòa). [Trong trường hợp] nếu sự cảm nhận mang tính cách thích thú thì một người nào đó sẽ không tận hưởng (vui sướng với) sự thích thú đó, không đón nhận nó và bám víu vào nó, và sự ám-ảnh-say-mê (passion-obsession / sự ám-ảnh mang tính cách đam mê các sự thích thú) [sâu kín] nơi người ấy sẽ không trở thành một sự ám-ảnh [say mê sự thích thú] (sự thích thú mà mình vừa cảm nhận được). [Trong trường hợp] nếu sự cảm nhận mang tính cách đớn đau, thì một người nào đó sẽ không lo buồn, không đấm ngực, không tuyệt vọng, và sự ám-ảnh-[mang tính cách]-đề-kháng (resistance-obsession) [sâu kín]nơi người ấy sẽ không trở thành một sự ám-ảnh [chống lại khổ đau].
Trong trường hợp] nếu sự cảm nhận mang tính cách không-thích-thú cũng không-đớn-đau, thì người ấy sẽ không tìm cách xác định nó, không tìm hiểu xem nó hiển hiện như thế nào, bắt nguồn từ đâu, tan biến như thế nào, hấp dẫn (lôi cuốn mình) như thế nào, [cũng không nghĩ đến] sự bất lợi của nó, hoặc phải làm như thế nào để thoát ra khỏi sự cảm nhận [không-thích-thú cũng không-đớn-đau], và sự ám-ảnh-phi-cảm-nhận (ignorance-obsession / tự tại, thản nhiên, không-hay-biết-gì-cả) [sâu kín] nơi người ấy sẽ tạo được một sự ám-ảnh-phi-cảm-nhận [mang tính cách tự tại, không-hay-biết gì cả]. Người ấy – không cần phải buông bỏ sự ám-ảnh-say-mê đối với các sự cảm nhận thích thú, không cần phải hủy diệt sự ám-ảnh-đề-kháng đối với các sự cảm nhận khổ đau, không cần phải làm bật rễ sự ám-ảnh-phi-cảm-nhận đối với các cảm nhận không-thích-thú cũng không-đớn-đau mang lại cho mình một sự hiểu biết trong sáng – có thể làm chấm dứt được khổ đau và lo buồn tại nơi này và ngay trong lúc này. Điều ấy có thể thực hiện được.
(Câu trên đây được lập lại với các trường hợp của tai, mũi, lưỡi, thân thể, nhưng đã được cắt bớt nhằm tránh sự dài dòng)
« Tri thức thính giác hiển hiện lệ thuộc vào tai và âm thanh…
« Tri thức khứu giác hiển hiện lệ thuộc vào mũi và mùi…
«Tri thức vị giác hiển hiện lệ thuộc vào lưỡi và vị…
« Tri thức xúc giác hiển hiện lệ thuộc vào thân thể và sự đụng chạm…
« Tri-thức-trí-năng (Tri thức tâm thần) hiển hiện lệ thuộc vào tri thức (conciousness) và ý nghĩ (idea). Sự gặp gỡ giữa ba thứ ấy (ý nghĩ, trí năng và tri thức) gọi là sự tiếp xúc. Sự tiếp xúc tạo điều kiện cần thiết làm hiển hiện sự thích thú, đớn đau, hoặc không-thích-thú cũng không-đớn-đau. [Trong trường hợp] nếu sự cảm nhận mang tính cách thích thú thì một người nào đó sẽ không tận hưởng (vui sướng với) sự thích thú đó, không đón nhận nó và bám víu vào nó, và sự ám-ảnh-say-mê (passion-obsession / sự ám-ảnh mang tính cách say-mê) nơi người ấy sẽ không trở thành một sự ám-ảnh [say mê sự thích thú] (sự thích thú mà mình vừa cảm nhận được).
[Trong trường hợp] nếu sự cảm nhận mang tính cách đớn đau, thì một người nào đó sẽ không lo buồn, không đấm ngực, không tuyệt vọng, và sự ám-ảnh-[mang tính cách]-đề-kháng (resistance-obsession) [sâu kín] nơi người ấy sẽ không trở thành một sự ám-ảnh [chống lại khổ đau]. [Trong trường hợp] nếu sự cảm nhận mang tính cách không-thích-thú cũng không-đớn-đau, thì người ấy sẽ không tìm cách xác định nó, không tìm hiểu xem nó hiển hiện như thế nào, bắt nguồn từ đâu, tan biến như thế nào, hấp dẫn (lôi cuốn mình) như thế nào, [cũng không nghĩ đến] sự bất lợi của nó, hoặc phải làm như thế nào để thoát ra khỏi cảm nhận [không-thích-thú cũng không-đớn-đau], và sự ám-ảnh-phi-cảm-nhận (ignorance-obsession / tự tại, thản nhiên không-hay-biết-gì-cả) [sâu kín] nơi người ấy sẽ tạo được một sự ám ảnh [mang tính cách tự tại, thư thái, thản nhiên].
Người ấy – không cần phải buông bỏ sự ám-ảnh [mang tính cách] say-mê đối với sự cảm nhận thích thú, không cần phải hủy diệt sự ám-ảnh [mang tính cách]đề-kháng đối với các sự cảm nhận khổ đau, không cần phải làm bật rễ sự ám-ảnh-phi-cảm-nhận [không-hay-biết-gì-cả] đối với cảm nhận không-thích-thú cũng không-đớn-đau, mang lại cho mình một sự hiểu biết trong sáng – làm chấm dứt được khổ đau và lo buồn tại nơi này và ngay trong lúc này. Điều ấy có thể thực hiện được.
« Khi trông thấy (thấu hiểu) được điều đó thì một môn đệ cao quý được học hỏi sẽ không còn đam mê đối với mắt (các cảm nhận tạo ra bởi mắt), không còn đam mê đối với hình tướng, không còn đam mê đối với tri thức thị giác, không còn đam mê đối với sự tiếp xúc của mắt, không còn đam mê đối với sự cảm nhận, không còn đam mê đối với sự bám víu.
(Câu trên đây được lập lại với các trường hợp của tai, mũi, lưỡi, thân thể, nhưng đã được cắt bớt nhằm tránh sự dài dòng)
« Người ấy không còn đam mê đối với tai (những gì nghe thấy)…
« Người ấy không còn đam mê đối với mũi (những gì ngửi thấy)…
« Người ấy không còn đam mê đối với lưỡi (những gì nếm thấy)…
« Người ấy không còn đam mê đối với thân thể (các cảm nhận xúc giác)…
« Người ấy không còn đam mê đối với trí năng, không còn đam mê đối với ý nghĩ, không còn đam mê đối với tri thức trí năng, không còn đam mê đối với sự tiếp xúc, không còn đam mê đối với sự cảm nhận, không còn đam mê đối với sự bám víu. Khi đã không có đam mê thì người ấy sẽ trở thành một người không đam mê. Không đam mê, người ấy đạt được sự giải thoát. Khi đã đạt được giải thoát, thì người ấy sẽ hiểu được sự Giải thoát là gì : ‘Sự sinh đã chấm dứt [với mình], cuộc sống thánh thiện đã tròn đầy, những gì phải làm đã hoàn tất, không còn bất cứ một thứ gì để mà hiển hiện trở lại trong thế giới này’ ».
Đấy là những lời Đấng Thế Tôn nói lên. Các tỳ-kheo cảm thấy mãn nguyện và hân hoan trước những lời thuyết giảng của Đấng Thế Tôn. Trong khi những lời thuyết giảng ấy được nêu lên, thì các sự ô nhiễm nơi con tim của sáu-mươi vị tỳ-kheo đang ngồi nghe đều được tẩy uế.
Vài lời ghi chú
Bài giảng nêu lên sự vận hành của sáu cơ quan giác cảm qua ba yếu tố : thế giới bên ngoài, thế giới nội tâm và sự tiếp xúc giữa hai thế giới ấy. Sự vận hành của ba yếu tố đó đưa đến ba thể loại cảm nhận : thích thú, đớn đau, không-thích-thú cũng không-đớn-đau.
Ba thể loại cảm nhận này đưa đến ba thể loại ám ảnh : ám ảnh bởi sự mong cầu sẽ cảm nhận được sự thích thú, ám ảnh bởi sự đề kháng chống lại các cảm nhận đớn đau, ám ảnh bởi sự ước mong tạo được sự thanh thản bằng cách vô cảm trước các cảm nhận nhận không-thích-thú cũng không-đớn-đau. Thoát ra khỏi cả ba sự ám ảnh ấy là sự Giải thoát.
Những gì trên đây không phải là quá khó hiểu, thế nhưng chủ đích của bài giảng không phải là chỉ nêu lên sự vận hành đó của sáu cơ quan giác cảm, làm phát sinh ra ba thứ cảm nhận thích thú, đớn đau, không-thích-thú cũng không-đớn-đau, mà còn đi xa hơn như thế rất nhiều, đó là cách mượn sự vận hành của lục giác để chứng minh sự hiện hữu hay không hiện hữu của những gì được hình dung và tạo dựng bởi lục giác là cái ‘Tôi’, cái ‘Tôi’ của tôi.
Tất cả các cảm nhận của lục giác đều có thể hiện ra hay tan biến, nói một cách khác thì các cảm nhận đó của lục giác có thể xảy ra hay không xảy ra, tất cả tùy thuộc vào sự bén nhậy của các cơ quan giác cảm, đối tượng của chúng và sự tiếp xúc giữa chúng và các đối tượng của chúng.
Những gì ‘là tôi’, những gì là ‘cái Tôi của tôi’ (cái Ngã của tôi) là các sự cảm nhận, tương tự như các sự cảm nhận khác phát sinh từ lục giác, do đó những gì là ‘Tôi’, những gì là ‘cái Tôi của tôi’, tất cả có thể xảy ra hay không xảy ra.
Lục giác tạo ra sự cảm nhận, nhưng cũng không tạo ra một sự cảm nhận nào cả, dù có tạo ra sự cảm nhận đi nữa thì nó cũng sẽ tan biến sau đó. Điều đó cho thấy không có một thứ cảm nhận nào trường tồn và bất biến để có thể gọi đấy là ‘Tôi’, là ‘cái Tôi của tôi’. Đấy chỉ là các hình thức ám ảnh sâu kín hiện lên hoặc không hiện lên trong tâm thức của một cá thể.
Thế nhưng bài giảng không dừng lại ở đó mà còn nêu lên một chủ đích thiết thực và cụ thể đối với việc tu tập : đó là cách loại bỏ tất cả các thứ ám ảnh đó để tạo ra cho mình một tâm thức tinh khiết, sáng suốt hầu mang lại cho mình sự Giải thoát.
Dưới đây, xin trích dẫn bài giảng này trong Đại Tạng Kinh giúp các độc giả quen thuộc với các thuật ngữ tiếng Hán tìm hiểu thêm nếu cần :
Trung Bộ Kinh
148. Kinh Sáu sáu
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà lâm) tại tinh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).
Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”.
“Thưa vâng, Bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau
—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng pháp cho các Ông, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ta sẽ nói lên Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh, tức là sáu sáu. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.
—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
(Tóm lược)
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau
—Sáu nội xứ cần phải được biết. Sáu ngoại xứ cần phải được biết. Sáu thức thân cần phải được biết. Sáu xúc thân cần phải được biết. Sáu thọ thân cần phải được biết. Sáu ái thân cần phải được biết.
(Liệt kê)
Khi được nói đến: “Sáu nội xứ cần phải được biết”, do duyên gì được nói đến như vậy? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Khi được nói đến: “Sáu nội xứ cần phải được biết ”, chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ nhất.
Khi được nói đến: “Sáu ngoại xứ cần phải được biết”, do duyên gì được nói đến như vậy? Sắc xứ, thanh xứ, hương xứ, vị xứ, xúc xứ, pháp xứ. Khi được nói đến: “Sáu ngoại xứ cần phải được biết”, chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ hai.
Khi được nói đến: “Sáu thức thân cần phải được biết”, do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức. Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức. Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức.
Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức. Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Khi được nói đến: “Sáu thức thân cần phải được biết”, chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ ba.
Khi được nói đến: “Sáu xúc thân cần phải được biết”, do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức.
Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Khi được nói đến: “Sáu xúc thân cần phải được biết”, chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ tư.
Khi được nói đến: “Sáu thọ thân cần phải được biết”, do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc.
Do duyên xúc là thọ. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức … Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức … Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức … Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức … Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Khi được nói đến: “Sáu thọ thân cần phải được biết”, chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ năm.
Khi được nói đến: “Sáu ái thân cần phải được biết”, do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức … Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức … Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức …
Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức … Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Khi được nói đến: “Sáu ái thân cần phải được biết”, chính do duyên này được nói đến như vậy. Ðây là sáu sáu thứ sáu.
(Giảng về vô ngã)
Nếu ai nói rằng: “Mắt là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của mắt đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt củ mắt đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Mắt là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã.
Nếu ai nói rằng: “Các sắc là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của các sắc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của các sắc đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Các sắc là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã.
Nếu ai nói rằng: “Nhãn thức là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của nhãn thức đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của nhãn thức đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Nhãn thức là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: “Nhãn xúc là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của nhãn xúc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của nhãn xúc đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Nhãn xúc là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã, nhãn xúc là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: “Thọ là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của thọ đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của thọ đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Thọ là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã, nhãn xúc là vô ngã, thọ là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: “Ái là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ái đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của ái đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Ái là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, con mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã, nhãn thức là vô ngã, nhãn xúc là vô ngã, thọ là vô ngã, ái là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: “Tai là tự ngã” …; nếu có ai nói rằng: “” Mũi là tự ngã” …; nếu có ai nói rằng: “Lưỡi là tự ngã” …; nếu có ai nói rằng: “Thân là tự ngã” …; nếu có ai nói rằng: “Ý là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ý đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của ý đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Ý là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: “Các pháp là tự ngã”, như vậy, là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của các pháp đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của các pháp đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”.
Do vậy, nếu ai nói rằng: “Các pháp là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã. Nếu có ai nói rằng: “Ý thức là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ý thức đã được thấy.
Vì rằng sự sanh và sự diệt của ý thức đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu ai nói rằng: “Ý thức là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: “Ý xúc là tự ngã ”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ý xúc đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của ý xúc đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu có ai nói rằng: “Ý xúc là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã, ý xúc là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: “Thọ là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của thọ đã dược thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của thọ đã được thấy, nên đưa phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”. Do vậy, nếu có ai nói rằng: “Thọ là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã, ý xúc là vô ngã, thọ là vô ngã.
Nếu có ai nói rằng: “Ái là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Sự sanh và sự diệt của ái đã được thấy. Vì rằng sự sanh và sự diệt của ái đã được thấy, nên phải đưa đến kết luận: “Tự ngã sanh và diệt ở nơi tôi”.
Do vậy, nếu có ai nói rằng: “Ái là tự ngã”, như vậy là không hợp lý. Như vậy, ý là vô ngã, các pháp là vô ngã, ý thức là vô ngã, ý xúc là vô ngã, thọ là vô ngã, ái là vô ngã.
(Nguồn gốc và đoạn diệt thân kiến)
Này các Tỷ-kheo, nhưng đây là con đường đưa đến sự tập khởi của thân kiến. Ai quán mắt là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”. Ai quán các sắc … Ai quán nhãn thức … Ai quán nhãn xúc … Ai quán thọ … Ai quán ái … Ai quán tai … Ai quán mũi … Ai quán lưỡi … Ai quán thân … Ai quán ý … Ai quán các pháp … Ai quán ý thức … Ai quán ý xúc … Ai quán ái: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”.
Nhưng này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến sự đoạn diệt của thân kiến. Ai quán mắt: “” Cái này không phải là của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi”. Ai quán sắc … Ai quán nhãn thức … Ai quán nhãn xúc … Ai quán thọ … Ai quán ái … Ai quán tai … Ai quán mũi … Ai quán lưỡi … Ai quán thân … Ai quán ý … Ai quán các pháp … Ai quán ý thức … Ai quán ý xúc … Ai quán thọ … Ai quán ái: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
(Ba độc tùy miên)
Này các Tỷ-kheo, do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy do cảm xúc lạc thọ, mà hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ, mà sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy tùy tăng.
Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, mà không như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do không đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do không tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do không nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không đoạn tận vô minh, không làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy không xảy ra.
Này các Tỷ-kheo, do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức … Này các Tỷ-kheo, do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức … Này các Tỷ-kheo, do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức … Này các Tỷ-kheo, do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức … Này các Tỷ-kheo, do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc.
Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy do cảm xúc lạc thọ, mà hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ mà sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy tùy tăng.
Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, mà không như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do không đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do không tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do không nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không đoạn tận vô minh, không làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy không xảy ra.
(Ðoạn tận ba độc)
Này các Tỷ-kheo, do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy cảm xúc lạc thọ, mà không hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc khổ thọ, mà không sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, mà như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, đoạn tận vô minh, làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy xảy ra.
Này các Tỷ-kheo, do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức … Này các Tỷ-kheo, do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức … Này các Tỷ-kheo, do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức … Này các Tỷ-kheo, do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức…
Này các Tỷ-kheo, do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên cảm xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy cảm xúc lạc thọ mà không hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy không tùy tăng.
Vị ấy cảm xúc khổ thọ mà không sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy không tùy tăng. Vị ấy cảm xúc bất khổ bất lạc thọ mà như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy không tùy tăng.
Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, đoạn tận vô minh, làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy xảy ra.
(Giải thoát)
Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly mắt, yếm ly các sắc, yếm ly nhãn thức; yếm ly nhãn xúc, yếm ly thọ, yếm ly ái. Vị ấy yếm ly tai, yếm ly các tiếng…; yếm ly mũi, yếm ly các hương…; yếm ly lưỡi, yếm ly các vị…; yếm ly thân, yếm ly các xúc…; yếm ly ý, yếm ly các pháp; yếm ly ý thức, yếm ly ý xúc, yếm ly thọ, yếm ly ái.
Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát là sự hiểu biết: “Ta đã được giải thoát”. Và vị ấy tuệ tri: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi sự thuyết giảng này được nói lên, tâm của sáu mươi Tỷ-kheo ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
(Nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu)
Bốn bài giảng liên tiếp được trích dẫn trên đây thuộc vào nhóm các bài giảng có chiều dài trung bình gọi là Majjhima Nikaya / Trung Bộ Kinh. Bài thứ nhất là Bài thuyết giảng về sự buông bỏ / Salekha Sutta - MN 8, bài thứ hai là Bài giảng về viên mật ngọt / Madhupindica sutta - MN 18, hai bài này nằm trong bài số 6 ; bài thứ ba là Bài giảng về cội nguồn của mọi hiện tượng / Mūlapariyāya Sutta - MN 1, bài giảng này nằm trong bài số 7 ; bài thứ tư là Bài giảng về sáu lần sáu thành phần / Chachakka Sutta - MN 148, là bài giảng trên đây, trong bài số 8. Các bài giảng này khá khúc triết và quan trọng nêu lên nền tảng chung của giáo lý Phật giáo, đòi hỏi một sự chú tâm cao độ trong việc tìm hiểu.
Tiếp theo dưới đây chúng ta sẽ trích dẫn các bài giảng ngắn hơn trong nhóm Samyutta Nikaya / Tương Ưng Bộ Kinh, mở ra một khung cảnh khác lạ hơn đôi chút và cũng có thể là dễ theo dõi hơn chăng ? Dưới đây là bài thứ nhất :
Bài giảng về cách vượt ngang dòng nước lũ
Ogha-taraṇa Sutta - SN 1:1
(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Sujato, Bhikkhu Bodhi, Bhikkhu Anīgha, Piya Tan và bản tiếng Pháp của Rémy)
Trong bài giảng này Đức Phật sẽ giảng cách vượt thoát dòng nước lũ của sự thèm khát. Bài giảng này như sau :
Tôi từng được nghe như vầy. Vào dịp khi Đấng Thế Tôn ngụ gần thị trấn Sāvatthi (Xá Vệ), nơi khu rừng nhỏ của vị Jeta (vị Kỳ Thọ, một vị hoàng thân giàu có, vì vậy nơi này còn được gọi là Jetavana / Khu rừng Kỳ thọ hay Kỳ viên), trong tịnh xá của vị Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc, một vị phú hộ rất hào phóng thường chu cấp cho những người nghèo đơn chiếc. Anāthapiṇḍika / Cấp Cô Độc là biệt danh, là một chữ dịch từ tiếng Pali sang tiếng Hán, tên thật là Sudatta / Tô-đạt-đa. Vị này đứng ra mua lại khu rừng của hoàng thân Jeta và xây dựng một tịnh xá to lớn để hiến dâng Đức Phật và Tăng đoàn. Sự kiện này đánh dấu giai đoạn bắt đầu định cư của Phật giáo).
Giữa đêm khuya thanh vắng hiện ra một nữ thiên nhân (devatā là nữ thiên nhân, có thể hiểu là một vị tiên nữ, deva là nam thiên nhân, các vị thiên nhân đó là các chúng sinh như tất cả các chúng sinh khác, thế nhưng thuộc một cấp bậc tinh tế hơn con người về một số khía cạnh tâm thần và thể xác nào đó. Trong kinh điển Pali có nhiều bài giảng dành cho họ) tỏa ánh hào quang chiếu sáng cả khu rừng của vị Jeta. Vị tiên nữ (devatā) tìm gặp Đấng Thế Tôn, khi gặp được Ngài thì vái chào và đứng sang một bên. Sau khi đứng sang một bên thì cất lời với Đấng Thế Tôn như sau : « Kính thưa Ngài (trong nguyên bản là chữ Mārisa và chữ này có thể tạm dịch là ‘Ngài’ / Dear Sir. Trong kinh điển Pali, các vị thiên nhân và vua chúa thường sử dụng cách gọi này để thưa gởi với Đấng Thế Tôn), xin Ngài giải thích cho tôi phải làm thế nào để vượt ngang dòng nước lũ ».
« Ta vượt ngang dòng nước lũ nhưng không cần vượt lên phía trước, nhưng cũng không đứng yên tại chỗ »
« Thưa Ngài, vậy là thế nào, không cần vượt lên phía trước, nhưng cũng không đứng yên tại chỗ, mà Ngài lại vượt ngang được dòng nước lũ ? »
« Nếu ta vượt lên phía trước thì ta sẽ bị cuốn trôi. Nếu ta đứng yên tại chỗ thì ta sẽ bị chìm. Đấy là cách mà ta vượt ngang được dòng nước lũ không cần phải vượt lên phía trước, nhưng cũng không đứng yên tại chỗ ».
Lời của vị tiên nữ :
« Từ lâu tôi mới được trông thấy một vị hiền nhân đã hoàn toàn đạt được sự giải thoát.
Không cần vượt lên phía trước,
Cũng không đứng yên tại chỗ,
Thế nhưng vị ấy đã vượt khỏi được mọi sự vướng mắc trong thế giới này ».
Trên đây là những lời nói của vị tiên nữ. Vị Thầy (tức là Đức Phật) chấp thuận những lời nói ấy (Thật ra thì Đức Phật giữ yên lặng, và sự yên lặng ấy là một cách gián tiếp nêu lên một sự chấp nhận nào đó của mình thế thôi.
Đức không hề tìm cách tranh biện với ai cả). Sau khi hiểu được ‘Vị Thầy chấp nhận những lời nói ấy của tôi’, thì vị tiên nữ gập người vái lạy Đấng Thế Tôn, sau đó thì đi một vòng, luôn giữ vị trí của Đấng Thế Tôn về phía bên phải của mình, và sau đó thì biến mất.
Vài lời ghi chú
Một nàng tiên yết kiến Đức Phật trong một khu rừng, giữa một đêm khuya thanh vắng, tạo ra một khung cảnh huyền bí, êm ả và thiêng liêng. Đức Phật giải đáp thắc mắc của vị tiên nữ bằng một câu giảng ngắn, nêu lên một sự nghịch lý thật bất ngờ : vượt ngang dòng được nước lũ không cần phải vượt lên, cũng không đứng yên tại chỗ. Vậy cách hành xử ấy mang ý nghĩa như thế nào ?
Trong Phật giáo dòng nước lũ (ogha / flood, current / dòng nước lũ, dòng thác lũ) biểu trưng cho sự cuốn trôi trong thế giới. Sự cuốn trôi đó gồm có bốn thứ : 1- sự thèm khát dục tính (kāma / sự say mê các thú vui dục tính qua các thể dạng hình tướng, âm thanh, mùi, vị, sự đụng chạm trên thân thể và các sự ám ảnh tính dục trong tâm thần), 2- sự mong ước được trở thành (bhava / mong muốn được tiếp tục hình thành và hiện hữu, dù là dưới thể dạng nào), 3- sự bám víu vào các quan điểm (diṭṭhi / bám víu vào lòng tin, đức tin, các giáo điều, các quan điểm của mình), 4- sự u mê (avijjā / tình trạng tâm thần lầm lẫn, thiếu sáng suốt, vô minh).
Không vượt lên có nghĩa là dừng lại, không để cho bốn sự bám víu và thèm khát cuốn trôi và nhận chìm mình trong dòng nước lũ của sự trở thành và sự hiện hữu trong thế giới. Khi đã rơi vào dòng nước cuồn cuộn đó của thế giới thì dù có vùng vẫy cách mấy đi nữa thì sớm muộn cũng sẽ bị nhận chìm mà thôi.
Dhamma của Đấng Thế Tôn không hướng con người vào một sự mong cầu nào hay một niềm hy vọng nào cả, mà chỉ giúp con người nhìn vào chính mình để biến cải tâm thức mình từ bên trong chính mình. Vì vậy, sự biến cải đó không hề là một sự đứng yên mà là một sự nỗ lực phi thường, biến dòng thác lũ trong tâm thức mình trở thành một đại dương mênh mông, một bầu không gian vô tận, không có một sự ngăn cách nào để vượt qua, cũng không có vị thế cố định nào để đứng yên tại chỗ. Đấy là ý nghĩa hàm chứa trong lời khuyên của Đức Phật cho vị tiên nữ.
Hiểu được lời khuyên đó, vị tiên nữ gập người vái lạy Đấng Thế Tôn, đứng dịch sang phía tay phải của Đấng Thế Tôn, đi một vòng chung quanh Ngài để tỏ lòng kính phục của mình đối với Ngài, sau đó thì biến mất. Vị tiên nữ trả lại cho Đấng Giác Ngộ sự êm ả của đêm thâu trong một khu rừng vắng lặng.
Dưới đây chúng ta sẽ tiếp tục trích dẫn một bài giảng khác nêu lên một cuộc gặp gỡ khác, và lần này là giữa một nhà sư trẻ tuổi và một cô tiên nữ. Bài giảng này như sau :
Bài thuyết giảng cho Samiddhi
Samiddhi sutta - SN 1.20
(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Maurice O’Connel Walse, Thanissaro Bhikkhu, Bhikkhu Bodhi, Bhikkhu Sujato, Bhikkhu Anīgha và Piya Tan)
Tôi từng được nghe như vầy. Lúc đó Đấng Thế Tôn đang ngụ gần kinh thành Rājagaha (Vương Xá) nơi tịnh xá Tapodā (Tapodā cũng là tên gọi của một chiếc hồ nước giá buốt nằm dưới chân núi Vebhara, nơi ngoại thành Rājagaha, đổ vảo hồ là một con suối nước nóng).
Lúc đêm vừa tàn thì Ngài Samiddhi thức giấc, tìm đến con Suối Nước Nóng Tapodā để rửa ráy chân tay (nhưng cũng có thể hiểu là để ‘tắm’, thế nhưng kinh sách thường tránh dùng chữ này, có lẽ là vì chữ này có thể gợi lên sự trau chuốt thân thể chăng ?). Sau khi rửa ráy chân tay thì vị Samiddhi bước ra khỏi con suối, nhưng vẫn còn đứng đó chờ cho chân tay khô ráo, trên người vẫn còn mặc quần áo bên trong.
Cũng vào lúc đó, khi đêm vừa tàn, hiện ra một vị tiên nữ (devatā / nữ thiên nhân, nam thiên nhân thì gọi là deva. Chữ devatā có thể hiểu là một nàng tiên, một tiên nữ, thế nhưng trong bản dịch của HT. Thích Minh Châu thì vị tiên nữ này lại được gọi là một vị ‘Thiên’, một vị ‘Hiền giả’ ‘với dung sắc thù thắng’.
Dường như chữ ‘hiền giả’ trong Hán ngữ là dùng để chỉ nam giới ?) với ánh hào quang rạng rỡ tỏa sáng toàn vùng con suối nước nóng Tapodā, vị tiên nữ tiến về phía Ngài Samiddhi. Sau khi đến gần, nhưng vẫn còn đứng lơ lửng giữa không trung, thì vị tiên nữ cất lời với Ngài Samiddhi bằng một tiết thơ như sau :
« Này bạn tỳ-kheo, sao không thụ hưởng thú vui [dục tính],
Mà lại đi khất thực như thế.
Không nên khất thực (bước vào con đường tu hành) trước khi thụ hưởng thú vui [dục tính].
Này bạn tỳ kheo, hãy thụ hưởng thú vui [dục tính],
Sau đó thì mới nên bước theo con đường khất thực.
Chớ nên đánh mất thời gian (của tuổi thanh xuân).
(Qua các câu trên đây vị tiên nữ khuyên người tỳ-kheo hãy thụ hưởng thú vui [dục tính] trước khi bước vào con đường tu tập, không nên đánh mất khoảng thời gian quý báu của tuổi thanh xuân)
Lời của nguời tỳ-kheo Samiddhi :
« Tôi nào có biết được thời gian (ngày tháng còn lại) của tôi đâu (ý nói tôi không sao biết trước được là tôi sẽ chết lúc nào)
Thời gian [còn lại] của tôi thật mù mờ,
Nào có ai trông thấy được nó (không biết trước lúc nào thì mình sẽ chết).
Chính vì vậy, tôi không thụ hưởng [thú vui dục tính],
Mà bước vào con đường khất thực :
Tôi nào có để thời gian trôi đi (không lãng phí thời gian tuổi trẻ của mình trong hiện tại).
(Trên đây là cách đối đáp giữa một nàng tiên và một nhà sư, nêu lên một cách chơi chữ thật thú vị về hai ý nghĩa của chữ thời gian : ‘thời gian đang tiêu hao’ và ‘thời gian còn lại của kiếp người’)
Vị tiên nữ sau đó bèn đáp xuống đất và cất lời với Ngài Samiddhi như sau : « Này bạn tỳ-kheo, bạn ra đi [khất thực] từ những ngày còn trẻ – tóc còn xanh, vào giữa tuổi thanh xuân trong kiếp sống – không biết thụ hưởng các thú vui dục tính. Này bạn tỳ kheo, hãy cứ thụ hưởng các thú vui dục tính của con người.
Chớ đánh mất (phí phạm) những gì ‘trông thấy được tại nơi này và trong lúc này’ để đuổi bắt những gì lệ thuộc với thời gian (những gì lệ thuộc với thời gian là sự già nua và cái chết. Vị tiên nữ chê trách người tu hành trẻ tuổi không biết hưởng những gì cụ thể trong hiện tại mà lại nghĩ đến những gì còn chờ đợi mình trong tương lai. Câu này cho thấy cô tiên nữ hiểu ‘những gì trông thấy được tại nơi này và trong lúc này’ là các thú vui dục tính. Trái lại trong câu dưới đây thì vị tỳ-kheo trẻ tuổi cho biết là ‘những gì trông thấy tại nơi này và trong lúc này’ là Dhamma của Đấng Thế Tôn, giúp mình thoát ra khỏi các thú vui dục tính trong hiện tại).
« Này cô bạn tiên nữ, nào tôi nào có đánh mất những gì ‘trông thấy được tại nơi này và trong lúc này’ để đuổi bắt những gì lệ thuộc với thời gian đâu. [Sở dĩ] tôi đang đánh mất những gì ‘lệ thuộc vào thời gian’ (tính dục) là để mong cầu những gì ‘trông thấy được tại nơi này và trong lúc này’(tức là Dhamma của Đức Phật, đó là những gì có thể trông thấy được trong lúc này và tại nơi này).
Đấng Thế Tôn bảo rằng dục tính lệ thuộc với thời gian (không kéo dài), mang lại thật nhiều âu lo (stress / lo buồn, sợ hãi, ‘bất toại nguyện’), thật nhiều tuyệt vọng và tai hại ; trong khi đó thì Dhamma (Đạo Pháp) do Đấng Thế Tôn thuyết giảng lại [là những gì] ‘trông thấy được tại nơi này và trong lúc này’, nhưng không hề mang tính cách thời gian (vượt thoát khỏi thời gian), có thể xác nhận được, hoàn toàn thích đáng, và người tu tập có thể chứng nghiệm được bởi chính mình (đây lại thêm một cách chơi chữ khác về ý nghĩa của chữ thời gian: Dhamma là những gì có thể ‘trông thấy được tại nơi này và trong lúc này’, do đó không nên đánh mất nó mà phải ra đi khất thực để mong cầu tìm thấy nó, trước khi những gì liên hệ với thời gian – tức là là sự già nua và cái chết – sẽ xảy đến với mình một lúc nào đó trong bóng tối mù mịt của tương lai.
Vị tiên nữ tuyệt đẹp, vị tu hành trẻ tuổi thật quyết tâm, khung cảnh một con suối nước nóng vào lúc rạng đông khi đêm vừa tàn thật thơ mộng, các câu đối đáp giữa một nàng tiên và một nhà sư trẻ tuổi thật tuyệt vời, tương tự như một bài thơ, nêu lên hai ý niệm tương phản về ý nghĩa của chữ thời gian, phản ảnh hai quan điểm đối nghịch trong cuộc sống của con người nói chung, và trong trường hợp này là giữa một ‘nàng tiên’ rất thế tục và một ‘chàng tỳ-kheo’ rất can trường và lý tưởng).
« Thế nhưng, này bạn tỳ kheo, Đấng Thế Tôn cho biết là dục tính lệ thuộc với thời gian, mang lại thật nhiều âu lo, thật nhiều tuyệt vọng và những điều tai hại, vậy điều ấy mang ý nghĩa như thế nào ? Và tại sao Dhamma thì cũng được trông thấy tại nơi này và trong lúc này, [thế nhưng] không hề mang tính cách thời gian (timeless), có thể kiểm chứng được, hoàn toàn thích đáng, và người tu tập có thể tự mình thực hiện được cho mình ? ».
« Này cô bạn tiên nữ, tôi chỉ là một người ra đi không lâu (mới bắt đầu bước vào con đường tu tập), chỉ mới khởi sự học hỏi Dhamma và Giới luật. Tôi không đủ sức giải thích các thắc mắc ấy một cách chi tiết được. Thế nhưng Đấng Thế Tôn, một Vị Giác ngộ đáng kính và đích thật, đang ngụ không xa kinh thành Rājagaha, tại tịnh xá Tapodā. Vậy cô bạn hãy cứ đến đấy để hỏi Đấng Thế Tôn chi tiết hơn về các thắc mắc ấy. Dù Ngài giải thích như thế nào thì cô bạn cũng nên ghi nhớ đúng như vậy.
« [Thế nhưng], này bạn tỳ-kheo, yết kiến Đấng Thế Tôn không phải là chuyện dễ, bởi vì Ngài rất đa đoan với các bậc thiên nhân (các vị thánh nhân) mang tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn tôi nhiều (thuộc các cấp bậc cao hơn tôi). Vì vậy, nếu bạn tỳ-kheo có thể tìm gặp Đấng Thế Tôn để hỏi về các thắc mắc ấy thì tôi sẽ xin đi theo để được nghe giảng Dhamma ».
Ngài Samiddhi đáp lại vị tiên nữ : « Này cô bạn tiên nữ, tôi sẽ làm theo ý của cô bạn ». Ngài Samiddhi bèn tìm gặp Đấng Thế Tôn. Khi gặp được Ngài thì cúi đầu vái chào và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì Ngài Samiddhi [thuật lại với Đấng Thế Tôn từ đầu đến cuối cuộc gặp gỡ và đối thoại vừa rồi giữa vị tiên nữ và mình]…(đoạn này được cắt bớt nhằm tránh sự dài dòng)... « Thưa Thế Tôn, nếu những lời do vị tiên nữ nói lên là đúng, thì vị ấy cũng không phải là ở quá xa nơi này » (câu này cho thấy trước mặt Đấng Thế Tôn vị tiên nữ dường như tỏ vẻ khép nép, nấp sau lưng người tỳ-kheo trẻ tuổi Samiddhi ?).
Sau khi nghe nói thế thì vị tiên nữ bèn nói với Ngài Samiddhi : « Này bạn tỳ-kheo, cứ hỏi đi ! Cứ hỏi Đấng Thế Tôn đi ! Tôi đang ở bên cạnh bạn đây này ». Đấng Thế Tôn bèn nói với vị tiên nữ bằng các tiết thơ như sau :
Lời Đức Phật :
« Chúng sinh chỉ nhận thấy được những gì diễn đạt bằng các ký hiệu (signs / các cách biểu trưng, các hình thức biểu thị, có nghĩa là những gì có thể hình dung được, hiểu được bằng cách dựa vào một ký hiệu, một hình thức biểu trưng, một sự diễn đạt cụ thể),
Và tự đặt mình vào khung cảnh của các ký hiệu ấy (chẳng hạn như thời gian, tính dục, tuổi thanh xuân, sự thích thú, sự thụ hưởng…).
Khi nào chưa hoàn toàn thấu triệt được thật sâu xa [ý nghĩa] của các ký hiệu ấy (các sự diễn đạt, các sự hình dung ấy),
Thì chúng sinh sẽ không sao tránh khỏi rơi vào gông cùm của cái chết (cách nhìn qua trung gian của các ký hiệu tự nó là một sự bám víu, sự bám víu sẽ đưa đến sự trở thành, và sự trở thành sẽ đưa đến sự sinh, sự già nua và cái chết).
Thế nhưng một chúng sinh khi đã hoàn toàn thấu triệt được các ký hiệu ấy (tuổi trẻ, thời gian, các thú vui dục tính…) [thật sự] là gì,
Thì chúng sinh ấy sẽ không còn căn cứ vào các ký hiệu để hình dung (suppose/ tạo dựng, thiết đặt, tưởng tượng) ra bất cứ một sự diễn đạt (signifier / ý nghĩa, sự xác định, sự tạo dựng) nào khác cả (chẳng hạn như đối với ‘tuổi thanh xuân’ thì ‘ký hiệu’ của nó là sự ‘thụ hưởng tính dục’).
[Khi nào không có bất cứ một thứ gì hiện hữu [trong tâm thức của] một chúng sinh,
Thì người ta có thể bảo rằng :
‘Trong tâm thức của chúng sinh ấy sẽ không có bất cứ một tư duy (ý nghĩ, sự liên tưởng) nào hiển hiện (không có một ký hiệu nào được tạo dựng) :
Này vị thánh linh (spirit / thần linh, vị thiêng liêng, trong trường hợp này là vị tiên nữ. Đây là cách mà Đức Phật gọi vị tiên nữ. Trong bản dịch của HT. Thích Minh Châu thì vị tiên nữ này được xem là một nam giới, và được gọi là ‘Ông’, ‘Hiền giả’ hoặc ‘Dạ-xoa’. Chữ ‘Hiền giả’ dường như chỉ dùng để chỉ một nhân vật nam giới. Chữ ‘Dạ-xoa’ (夜叉) là một từ tiếng Hán, dịch âm từ chữ Yakkha trong tiếng Pali), nếu hiểu được điều ấy (những lời giải thích ấy) thì hãy nói lên (cho biết là mình đã hiểu) (1).
(1)- Lời giải thích trên đây của Đức Phật rất khúc triết và sâu sắc. Thông thường chúng ta chỉ hiểu một hiện tượng hay một sự kiện nào đó bằng cách dựa vào một ký hiệu, một biểu thị, một sự diễn đạt cụ thể, chẳng hạn như vị tiên nữ nhìn vào người tỳ-kheo thì nhận ra tuổi thanh xuân của người tỳ-kheo và sau đó thì liên tưởng đến sự thụ hưởng dục tính của người tỳ kheo này.
Thế nhưng nếu người tỳ kheo không hình dung, tạo dựng, diễn đạt hay tưởng tượng ra một hình thức biểu thị (signifier) nào cả, thì đấy sẽ là một sự dừng lại, và sau đó sẽ không có bất cứ một thứ gì xảy ra với mình. Ngược lại nếu một biểu thị, một ký hiệu, được tạo dựng và liên tưởng thì tự nó sẽ trở thành một sự bám víu, và sự bám víu thì sẽ đưa đến sự hình thành, từ sự hình thành sẽ đưa đến khổ đau, sự già nua và cái chết.
Lời giải thích ngắn gọn của Đức Phật rất sâu sắc, do vậy Ngài đã hỏi lại vị tiên nữ xem có hiểu hay không. Đúng như sự tiên đoán của Ngài, vị tiên nữ không hiểu và xin Dức Phật giải thích cho mình bằng cách khác).
Lời tiên nữ :
« Thưa Ngài (xin nhắc lại : trong kinh điển Pali, các thiên nhân và vua chúa gọi Đức Phật là Ngài / Dear Sir), tôi không hiểu được chi tiết ý nghĩa trong những lời phát biểu ngắn gọn của Thế Tôn. Tốt hơn hết, xin Thế Tôn giải thích thêm bằng một cách khác, hầu giúp tôi có thể hiểu được chi tiết về ý nghĩa trong những lời phát biểu ngắn gọn của Thế Tôn ».
Lời Đức Phật :
« Khi nào còn hình dung ra các [ý niệm] ‘ngang hàng’, ‘cao hơn’ hay ‘thấp hơn’ (nói chung là một sự phân biệt nào đó, chẳng hạn như trong trường hợp này, thì sự phân biệt là người tỳ kheo còn trẻ hay đã già, là người thế tục hay người tu hành, thụ hưởng tính dục hay ôm bình bát khất thực, v.v.
Đó là sự nhận định và diễn đạt trong tâm trí mình khi nhìn vào một sự kiện hay một hiện tượng nào đó)
Thì tất sẽ sinh ra sự tranh luận (tranh cãi, bất đồng chính kiến).
Thế nhưng đối với một chúng sinh không còn bị chi phối bởi ba thứ ấy : các sự ‘ngang hàng’, ‘cao hơn’ hay ‘thấp hơn’,
Thì sẽ không còn bất cứ một thứ gì xảy ra với chúng sinh ấy nữa.
Này vị thánh linh (vị tiên nữ), nếu hiểu được điều ấy thì hãy nói lên (cho biết là mình đã hiểu)».
Lời tiên nữ :
« Thưa Thế Tôn, tôi không hiểu được chi tiết trong những lời phát biểu ngắn gọn của Thế Tôn. Xin Thế Tôn hãy giải thích cho tôi bằng cách khác, hầu giúp tôi có thể hiểu được chi tiết về ý nghĩa trong những lời phát biểu ngắn gọn của Thế Tôn ».
Lời Đức Phật :
« Khi nào thoát ra khỏi sự phân loại (sự xác định) vô tích sự (shed classifications / sự đánh giá vô nghĩa, vô ích, không cần thiết), [giúp mình] vượt lên trên sự tự kiêu (conceit / sự tự phụ, tự mãn, cho rằng các quan điểm, các ý niệm, các biểu thị, các sự suy diễn của mình là đúng)
Thì chúng sinh ấy sẽ cắt đứt được sự thèm khát các thứ danh xưng và hình tướng (có nghĩa là chận đứng được từ gốc rễ của những gì được tạo dựng bằng ngôn từ và hình tướng, là những gì mang tính cách cụ thể / name and form ».
« Đối với chúng sinh ấy khi đã cắt đứt được các mối dây trói buộc, giúp mình thoát ra khỏi mọi sự thèm khát,
Thì sẽ không có bất cứ ai – dù họ là con người hay thiên nhân – có thể tìm thấy được chúng sinh ấy ,
Tại nơi này hay nơi khác, trong cõi thiên đường hoặc trong bất cứ một cảnh giới nào khác.
Này vị thánh linh, nếu hiểu được điều ấy thì hãy nói lên (cho biết là mình đã hiểu).
Lời tiên nữ :
« Thưa Ngài, sau đây là cách mà tôi hiểu chi tiết ý nghĩa trong những lời phát biểu ngắn gọn của Thế Tôn :
Trong toàn thể thế giới (trong mọi lãnh vực), dù là thế giới nào (lãnh vực nào) cũng vậy,
Bạn không được phép gây ra những điều tồi tệ (xấu xa, tai hại),
Trên phương diện ngôn từ, thân thể và tâm thần.
Buông bỏ [sự đam mê] tính dục,
Tạo được cho mình sự tỉnh thức và cảnh giác,
Không làm bất cứ một điều gì mang lại khổ đau và lo buồn,
Và cả những gì không phương hại đến mục đích [mang lại sự Giải thoát](2).
(2)- Đức Phật ba lần thuyết giảng cho vị tiên nữ về sự hiểu biết của con người, chịu ảnh hưởng từ các sự tạo dựng, các ký hiệu, các sự liên tưởng mang tính cách công thức : lần thứ nhất trừu tượng, sâu sắc và bao quát, có thể hiểu là cấp bậc hiểu biết sâu xa nhất về sự vận hành của tâm thức con người nói chung ; lần thứ hai đơn giản và trực tiếp hơn, thế nhưng vị tiên nữ vẫn không hiểu ; lần thứ ba Đức Phật giải thích cụ thể hơn nữa, thế nhưng vị tiên nữ cũng vẫn không hiểu.
Sau đó thì vị tiên nữ đành phải cố gắng diễn đạt sự hiểu biết thực dụng của mình bằng cách nêu lên các cung cách hành xử đạo đức nói đến trong khái niệm về ‘Con đường gồm tám yếu tố cao quý’ / ‘Bát chánh đạo’, do đó cấp bậc hiểu biết này của vị tiên nữ có thể xem là cấp bậc hiểu biết thứ tư. Sau những lời giải thích với ít nhiều gượng ép đó của vị tiên nữ, thì bài giảng chấm dứt bằng sự yên lặng của Đức Phật, một sự yên lặng mang thật nhiều ý nghĩa.
Vài lời ghi chú
Bài giảng thật tuyệt vời, ‘từ đoạn đầu đến đoạn giữa và cả đoạn cuối’. Câu chuyện gặp gỡ giữa một nàng tiên và một người tu hành trẻ tuổi, vào lúc trời mờ sáng, bên bờ một con suối nước nóng, thật hết sức lý tưởng, thế nhưng cuộc đàm thoại giữa họ với nhau thì lại rất thiết thực và mang đầy ý nghĩa.
Trong cuộc sống nói chung, biết đâu trong số chúng ta cũng có nhiều người từng gặp gỡ nhau trong một bối cảnh tương tự như vậy, thế nhưng giữa chúng ta thì chúng ta cùng bàn thảo với nhau về các chủ đề như thế nào ? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu những gì ‘trông thấy tại nơi này và trong lúc này’ hoặc giải thích cho nhau những gì ‘vượt thoát thời gian’ và ‘những gì lệ thuộc với thời gian’ ?
Hay chúng ta nhìn nhau với ánh mắt của sự thèm khát và bám víu thúc đẩy bởi ‘những gì lệ thuộc với thời gian’ ? Bài giảng kết thúc bằng những lời giải thích mở rộng của Đức Phật và sự yên lặng mênh mông của Ngài.
Nhà sư Thanissaro Bhikkhu, trong phần giới thiệu bản dịch của ông về bài giảng này, có nêu lên các lời giải thích và nhận xét rất sắc bén. Người chuyển ngữ không có gì để nêu thêm, do vậy xin mạn phép chuyển ngữ toàn bộ các lời giải thích và nhận xét của nhà sư Thanissaro Bhikkhu dưới đây, hầu độc giả có thể tìm hiểu thêm về bài giảng rất đẹp và sâu sắc này. Các lời giới giải thích và nhận xét của nhà sư Thanissaro Bhikkhu như sau :
[Trong số tất cả các kinh điển tín ngưỡng] duy nhất chỉ có kinh điển Pali [của Phật giáo] là đề cập đến thế giới linh thiêng (spirit world / thế giới của các thần linh, thánh nhân, thiên nhân. Trong kinh điển Pali có rất nhiều bài giảng cho các chúng sinh cao hơn và tinh tế hơn con người. Trên dòng tiến hóa của sự sống, từ các sinh vật thô sơ đến các sinh vật phức tạp là con người. Thế nhưng con người không nhất thiết là các chúng sinh cao nhất trên dòng tiến hóa đó. Ngay cả đối với con người cũng có các thành phần mang các đặc tính, khả năng, xu hướng khác biệt nhau, từ thể xác đến tâm thần và cả tâm linh).
Dù công nhận sự hiện hữu của các chúng sinh linh thiêng cùng một số các chúng sinh tinh tế khác, thế nhưng kinh điển Pali cũng cho biết thêm là không phải vì thế mà các chúng sinh [linh thiêng] ấy đáng được tôn thờ (kinh điển Pali không những nêu lên các vị thiên nhân, các chúng sinh cao quý, mà còn nói đến các quỷ đói, ma vương …, thuộc vào các cấp bậc hiện hữu thấp hơn con người, ít nhất là qua một số khía cạnh nào đó. Ngay cả đối với con người cũng có các nhà lãnh đạo và những người làm chính trị biển lận và hung bạo một cách kinh hoàng, nhưng cũng có những người tu hành từ tâm, hy sinh đời mình vì hạnh phúc của con người).
Đức Phật dầu sao thì cũng là vị Thầy không những đối với con người mà cả các thiên nhân (heavenly beings), và phần đông trong số họ, dù được thừa hưởng một thể dạng [hiện hữu] tinh tế, nhưng không nhất thiết là họ được học hỏi, hoặc có một trình độ thật cao trong lãnh vực tâm linh.
Đối với họ, thì kinh điển Pali nêu lên không thiếu các câu chuyện mỉa mai và dí dỏm (gentle satires), chẳng hạn như trong bài giảng nổi tiếng là Kevaṭṭa Sutta (Bài giảng cho Kevaṭṭa / Kevaṭṭa Sutta - DN 11) nêu lên sự châm biếm (lampoon) đối với sự đần độn (ignorance) và bản tính phô trương (pomposity) của một vị sáng tạo được xem là toàn năng (all-knowing creator).
Bài giảng trên đây cũng còn nêu lên một sự dí dỏm khác cùng một thể loại trên đây, đó là sự khó khăn khi phải giảng dạy Dhamma ở các cấp bậc cao cho một chúng sinh nào – dù là con người hay một thánh nhân cũng vậy – khi mà họ vẫn còn bị ám ảnh bởi các thú vui dục tính (Đức Phật thuyết giảng Dhamma liên quan đến dục tính ba lần ở ba cấp bậc khác nhau, qua các khía cạnh khác nhau, thế nhưng vị tiên nữ vẫn không hiểu). Dù được nghe các tiết thơ có thể đánh thức tâm thức mình trước những gì ‘không lệ thuộc vào thời gian nhưng có thể nhận thấy được tại nơi này và trong lúc này’ (tức là Dhamma), thế nhưng vị tiên nữ không hiểu được các điều ấy, mà chỉ đủ sức nắm bắt các nguyên tắc tu tập sơ đẳng nhất trong việc học hỏi Dhamma (tức là Con đường gồm tám yếu tố cao quý / Bát chánh đạo).
Đây là một trường hợp ngoại lệ (hiếm hoi) cho thấy Đức Phật cố ý nêu lên những lời [thuyết giảng] cao hơn đầu (head / tâm trí) người nghe. Và đấy cũng có thể là cách – chẳng hạn như bài giảng SN 1.1– mà Đức Phật dìm bớt (subdue / dằn xuống bớt) sự kiêu căng của một vị tiên nữ (giảng Dhamma thật cao khiến vị tiên nữ không hiểu để phải tự mình đè nén sự tự kiêu của mình).
Dầu sao đi nữa thì điều đó cũng cho thấy vị tiên nữ cũng đã tạo được cho mình một niềm hy vọng : theo những lời Bình giải (Commentary) (trong Luận tạng) thì dù khả năng hiểu biết của mình chỉ loanh quanh ở cấp bậc sơ đẳng trên Con đường gồm tám yếu tố cao quý (Noble eightfold path / Bát chánh đạo), thế nhưng nếu cố gắng tiếp tục tìm hiểu thêm, thì một ngày nào đó vị tiên nữ cũng sẽ đạt được các cấp bậc thực hiện cao hơn.
Ngoài ra bài giảng còn nêu lên một cách chơi chữ [thứ hai], đó là các chữ ‘thời gian’ (kāla) và sự ‘lệ thuộc vào thời gian’ (kālika). ‘Thời gian’ không chỉ có nghĩa là thời gian qua ‘ý nghĩa tổng quát’ của nó, mà còn có nghĩa là ‘thời gian còn lại của một kiếp người’ – người ta thường nói một người chết là một người ‘đã làm chấm dứt thời gian của mình’ (done his/her time / hoàn tất thời gian của mình).
Hai ý nghĩa này [của chữ thời gian] là chủ đề thứ nhất nêu lên trong cuộc đối thoại giữa Ngài Samidhi và vị tiên nữ. [Trái lại khi nói lên] ‘lệ thuộc vào thời gian’ thì đấy có nghĩa là [những gì ] ‘chỉ có thể đạt được (thực hiện được) trong một khoảng thời gian [nhất định] nào đó’ hoặc ‘chỉ có thể kéo dài trong một khoảng thời gian [giới hạn] nào đó’ mà thôi, và cách hiểu này [là chủ đề] thứ hai trong cuộc đối thoại giữa hai vị ấy. Ngoài ra cũng còn có thêm một cách chơi chữ khác nữa về ý nghĩa trong câu phát biểu ‘trông thấy được (đạt được) tại nơi này và trong lúc này’.
Vị tiên nữ cho rằng Ngài Samiddhi sở dĩ chối bỏ [thú vui] dục tính của con người để mong cầu đạt được một phần thưởng xứng đáng (cao quý) hơn sau khi chết, do đó đã sử dụng ý nghĩa trong câu phát biểu trên đây (‘đạt được tại nơi này và trong lúc này) để chỉ các thú vui dục tính của con người (vị tiên nữ hiểu các thú vui dục tính là những gì thiết thực và cụ thể ‘tại nơi này và trong lúc này’).
[Thế nhưng] Ngài Samiddhi, từng tận hưởng hương vị của sự bất tử, thì lại sử dụng ý nghĩa trong câu phát biểu ấy (‘đạt được tại nơi này và trong lúc này’) để nói lên chủ đích chính đáng của mình là sự giải thoát (tức là Dhamma, trong khi đó thì vị tiên nữ lại hiểu ‘những gì đạt được tại nơi này và trong lúc này’ là các thú vui dục tính). Vị tiên nữ không đủ sức hiểu được ý nghĩa mà Ngài Samiddhi muốn nói lên. Những lời phát biểu của Ngài Samiddhi nêu lên thật rõ ràng : dù được sinh ra trong thể dạng của một chúng sinh nhiều phúc hạnh (một thiên nhân), thế nhưng vẫn còn có nhiều điều khác cần phải học hỏi thêm.
Dưới đây là bản dịch của bài giảng Samiddhi Sutta trong Tam Tạng Kinh :
Chương 1: Tương Ưng Chư Thiên
II: Phẩm Vườn Hoan Hỷ
1.20. Samiddhi
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Vương Xá tại Tapodārāma (Tịnh xá Suối nước nóng).
Tôn giả Samiddhi, khi đêm đã gần tàn, thức dậy và đi đến suối nước nóng để tắm rửa tay chân. Sau khi tắm rửa tay chân, ra khỏi suối nước nóng, Tôn giả đứng, đắp một tấm y để phơi tay chân cho khô.
Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng suối nước nóng, đi đến Tôn giả Samiddhi, sau khi đến, đứng giữa hư không, nói lên bài kệ với Tôn giả Samiddhi:
Không hưởng, Ông khất thực,
Nay khất thực, không hưởng,
Hãy hưởng rồi khất thực,
Chớ uổng phí thời gian.
(Samiddhi):
Thời Ông, ta không biết.
Thời ta, ẩn không hiện.
Không hưởng, ta khất thực,
Không uổng thời gian ta.
Rồi vị Thiên ấy đứng xuống đất và thưa với Tôn giả Samiddhi:
—Này Tỷ-kheo, Ông còn trẻ tuổi mà đã xuất gia, niên thiếu, tóc còn đen nhánh trong tuổi thanh xuân. Trong thời trẻ thơ của tuổi đời, Ông không thọ hưởng các ái dục. Này Tỷ-kheo, hãy thọ hưởng các ái dục của người đời. Chớ có bỏ hiện tại mà chạy theo những gì bị thời gian chi phối.
—Này Hiền giả, ta không bỏ hiện tại và chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Hiền giả, chính ta bỏ những gì bị thời gian chi phối để chạy theo hiện tại. Này Hiền giả, Thế Tôn đã nói, các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não (Upàyàsà); nguy hiểm ở đấy càng nhiều hơn. Còn pháp này thuộc về hiện tại, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu.
—Và này Tỷ-kheo, như thế nào mà Thế Tôn đã nói các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não, nguy hiểm ở đấy càng nhiều hơn? Như thế nào thuộc về hiện tại là pháp này, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu?
—Này Hiền giả, tôi là người mới xuất gia, mới đến đây không bao lâu. Tôi không thể giải thích rộng rãi cho Ông pháp và luật này. Nhưng Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nay ở Rājagaha (Vương Xá) tại tịnh xá Tapoda (Suối nước nóng). Hãy đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời cho Ông như thế nào, hãy như vậy thọ trì.
—Này Tỷ-kheo, không dễ gì cho chúng tôi được đến gặp bậc Thế Tôn ấy, một bậc được chư Thiên khác, có đại uy lực đoanh vây. Này Tỷ-kheo, nếu Ngài đi đến bậc Thế Tôn ấy và hỏi ý nghĩa này, chúng tôi có thể đến để nghe pháp.
—Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Samiddhi vâng đáp vị Thiên ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Samiddhi bạch Thế Tôn:
—Ở đây, bạch Thế Tôn, sau khi đêm đã gần tàn, con thức dậy và đi đến suối nước nóng để tắm rửa tay chân. Sau khi tắm rửa tay chân, ra khỏi suối nước nóng, con đứng đắp một tấm y để phơi tay chân cho khô. Bạch Thế Tôn, rồi một vị Thiên, sau khi đêm vừa mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng nước nóng, đi đến con, sau khi đến, đứng giữa hư không và nói lên bài kệ này:
“Không hưởng, Ông khất thực,
Nay khất thực, không hưởng,
Hãy hưởng rồi khất thực,
Chớ uổng phí thời gian.”
Khi nghe nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời với vị Thiên ấy bằng bài kệ:
“Thời Ông, ta không biết,
Thời ta, ẩn không hiện,
Không hưởng, ta khất thực,
Không uổng thời gian ta.”
Bạch Thế Tôn, rồi vị Thiên ấy đứng xuống đất và thưa với con:
“—Này Tỷ-kheo, Ông còn trẻ tuổi mà đã xuất gia, niên thiếu, tóc đen nhánh, trong tuổi thanh xuân. Trong thời trẻ thơ của tuổi đời, Ông không thọ hưởng các dục. Này Tỷ-kheo, hãy thọ hưởng các dục lạc của người đời. Chớ có bỏ hiện tại để chạy theo những gì bị thời gian chi phối.”
Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với vị Thiên ấy:
“—Này Hiền giả, ta không bỏ hiện tại để chạy theo những gì bị thời gian chi phối. Và này Hiền giả, chính ta bỏ những gì bị thời gian chi phối để chạy theo hiện tại. Những gì thuộc thời gian, này Hiền giả, là các dục, được nói đến là nhiều khổ đau, nhiều phiền não (upàyàsa), nguy hiểm ở đấy lại nhiều hơn. Còn pháp này thuộc hiện tại, không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu.”
Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, vị Thiên ấy nói với con:
“—Và này Tỷ-kheo, như thế nào mà Thế Tôn đã nói các dục bị thời gian chi phối, nhiều khổ đau, nhiều phiền não, nguy hiểm ở đây càng nhiều hơn? Như thế nào thuộc về hiện tại là pháp này không bị thời gian chi phối, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, chỉ người trí mới tự mình giác hiểu?”
Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với vị Thiên ấy:
“—Này Hiền giả, tôi là người mới xuất gia, mới đến đây không bao lâu. Tôi không thể giải thích rộng rãi cho Ông về pháp và luật này. Nhưng Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nay ở Rājagaha (Vương Xá), tại tịnh xá Tapoda (Suối nước nóng). Hãy đi đến Thế Tôn và hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời cho Ông như thế nào, hãy như vậy thọ trì.”
Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, vị Thiên ấy nói với con:
“ —Này Tỷ-kheo, không dễ gì cho chúng tôi được đến gặp bậc Thế Tôn ấy, một bậc được các chư Thiên khác có đại uy lực đoanh vây. Này Tỷ-kheo, nếu Ngài đi đến bậc Thế Tôn và hỏi ý nghĩa ấy, chúng tôi cũng sẽ đến và nghe pháp.”
—Bạch Thế Tôn, nếu vị Thiên ấy nói sự thật, thời vị ấy ở đây, không xa bao nhiêu.
Khi được nói vậy, vị Thiên ấy nói với Tôn giả Samiddhi như sau:
—Hãy hỏi đi, Tỷ-kheo! Hãy hỏi đi, Tỷ-kheo! Tôi đã đến rồi.
Rồi Thế Tôn nói lên bài kệ với vị Thiên ấy:
Chúng sanh được hiểu biết,
Những điều được nói lên,
Và chấp trước thái độ,
Trên những điều được nói.
Nếu họ không liễu tri
Những điều được nói lên,
Họ đi đến trói buộc.
Do thần chết chi phối,
Nếu họ liễu tri được
Những điều được nói lên,
Họ không có tưởng tri,
Những điều được nói ra.
Ðối với vị như vậy,
Lỗi lầm nhất định không.
Nếu các Ông có biết,
Hãy nói lên Dạ-xoa.
—Bạch Thế Tôn, con không có hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt. Lành thay, nếu Thế Tôn nói lên cho con để con có thể hiểu một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt.
(Thế Tôn):
Bằng, thắng hay thua Ta,
Nghĩ vậy đấu tranh khởi;
Cả ba không dao động,
Bằng, thắng không khởi lên.
Nếu như Ông có biết,
Hãy nói lên, Dạ-xoa.
—Bạch Thế Tôn, con không có hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt. Lành thay, nếu Thế Tôn nói lên cho con để con có thể hiểu một cách rộng rãi những điều Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt.
(Thế Tôn):
Hãy từ bỏ tính toán,
Không chạy theo hư tưởng,
Từ bỏ mọi tham ái,
Ðối danh sắc ở đời,
Vị ấy đoạn triền phược,
Không lo âu, không ái.
Chư Thiên và loài Người,
Ðời này hay đời sau,
Ở cảnh giới chư Thiên,
Hay tại mọi trú xứ,
Tìm cầu nhưng không gặp,
Vết tích của vị ấy.
Nếu Ông biết người ấy
Hãy nói lên, Dạ-xoa.
—Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa rộng rãi như sau:
Khắp thế giới chớ làm,
Ðiều ác thân, miệng, ý,
Từ bỏ mọi ái dục,
Chánh niệm, tâm tỉnh giác,
Không khổ hạnh ép xác,
Vô bổ, không lợi ích.
(Nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu)
Điểm lưu ý sau hết là trong những lời giới thiệu về bài giảng trên đây của nhà sư Thanissaro Bhikkhu có nêu lên một bài giảng khác mang tựa là Bài giảng cho Kavaṭṭa / Kevaṭṭa-Sutta - DN.11. Bài giảng này rất nổi tiếng, mang tính cách dí dỏm cùng một thể loại với Bài giảng cho Samiddhi - SN 1.20 trên đây. Độc giả có thể xem bài giảng này bằng cách gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ : ‘Bài kinh giảng cho Kevatta – Hoang Phong’.
Bures-Sur-Yvette, 29.11.24
Hoang Phong (còn tiếp)