;
“Cả đời em chưa bao giờ làm điều gì ác, em lớn lên trong chùa, được dạy toàn những điều lành, thậm chí em còn thuộc 10 điều răn của Phật. Vậy mà…”.
Lần đầu tiên, sau bốn năm trong buồng biệt giam, có một bà mợ của Tuấn vào thăm. Lần đầu tiên, trái tim giá lạnh của nó được nghe tiếng gọi ấm áp của người thân. Nó mừng lắm. Tâm hồn cằn cỗi của nó như được hồi sinh. Nó đã nhắn lại với mợ, một câu duy nhất, hãy bảo bố vào thăm nó một lần. Nhưng không biết bao giờ, niềm mong mỏi của nó mới trở thành hiện thực. Nó là tử tù Lê Văn Tuấn, quê Diễn Kỳ, Diễn Châu, Nghệ An.
Mối duyên với cửa Phật
Tuấn kể về một người bạn tù vừa đi trả án cách đây một tháng. Người đó cũng trạc tuổi Tuấn, phạm tội hiếp dâm và cướp tài sản. Tuấn còn nhớ, đó là một đêm tối mịt mùng. Gần như đêm nào Tuấn cũng không ngủ được. Bốn năm rồi, Tuấn vẫn thức chong chong trong đêm như vậy. Cán bộ thương tình, cho Tuấn một bộ bài, Tuấn cứ ngồi bói đi bói lại về tương lai của mình, mà phía trước vẫn mịt mùng. Tuấn bảo, nó còn may mắn vì được sống. Tuấn còn nghe rất rõ lời chào tạm biệt của người bạn tù còn rất trẻ, “tôi đi nhé”, nghe ngẹn đắng cả lòng. Ngoài đời, chúng có thể là những tên tội phạm, từng gây nên những tội ác không thể dung thứ, nhưng khi vào đây, chúng trở thành những người bạn, nơi chúng có thể tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia cho những uẩn khúc của lòng mình. Tiếng chào tạm biệt run rẩy của người bạn tù trong tảng sáng hôm đó trở thành nỗi ám ảnh của Tuấn, và thêm một niềm hy vọng được sống, và thêm một nỗi sợ hãi mơ hồ, biết đâu, có một buổi sáng như thế sẽ đến.
Quản giáo ở trại giam Nghi Kim kể, hồi đầu vào đây, Tuấn bất thường lắm. Nó thường ngồi một mình u uất và có thể nổi giận bất cứ lúc nào. Đêm về, Tuấn thường la hét và mê sảng. Nhiều tiếng thảng thốt gọi bố gào lên trong đêm vắng. Phải mất một thời gian, Tuấn mới lấy lại sự bình tĩnh cho mình.
Tôi nhìn vào đôi mắt sâu hun hút của Tuấn, đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi đôi mắt hoang dại và cô đơn của một kẻ không có gia đình. Tuấn (ảnh phải) sinh ra trong một
gia đình nghèo ở Diễn Kỳ, Diễn Châu, Nghệ An. Cuộc sống khá nghèo khổ và vất vả, nhưng không thấm vào đâu so với những mất mát mà chị em Tuấn phải gánh chịu từ khi còn nhỏ tuổi. Bố Tuấn bỏ ba mẹ con nó từ khi Tuấn còn chập chững tập đi, nên trong ký ức của nó, hình ảnh người bố rất mờ nhòa. Gánh hàng ăn của người mẹ ở thị trấn Diễn Kỳ không đủ sức nuôi hai chị em Tuấn lớn lên. Năm đó, Tuấn mới tròn 5 tuổi, bà ngoại đã phải dỗ dành đưa Tuấn xuống gửi ở chùa Sư Nữ ở thành phố Vinh. Tám năm lầm lũi trong chùa, Tuấn chăm chỉ làm việc, và gần như không giao tiếp với ai. Giữa chốn cửa thiền và những bài giảng của nhà sư dường như không đủ sức níu bước chân nó lại gần với cõi Phật.
Trong nó vẫn là những nỗi trống vắng chất đầy, và khát vọng khi mỗi sớm mai, mở cánh cửa chùa nhìn ra ngoài cuộc đời, được nghe những tiếng vọng của đời sống. Tuấn vẫn mong một ngày được bước chân ra đó, vẫy vùng trong bầu trời tự do. Tám năm đánh dấu một tuổi thơ buồn, Tuấn thấm thía nỗi cô đơn của một đứa con trai lớn lên không có tình thương và sự bao bọc của bố mẹ nên mặc dù sống trong chùa, được các nhà sư tận tình dạy bảo, Tuấn vẫn như một cây non hoang dại, bơ vơ. Càng ngày Tuấn càng lầm lì ít nói. Năm Tuấn 13 tuổi, bà mẹ thương con xuống đón Tuấn về. Gánh hàng của bà ngày nắng ngày mưa, mẹ Tuấn lại thường xuyên đau ốm nên cuộc sống càng thêm cực. Không muốn trở thành gánh nặng của mẹ, năm 17 tuổi, duyên nợ với cửa Phật, Tuấn xin mẹ trở lại chùa Sư Nữ. Hình như Tuấn vẫn thấy được an lòng nhất khi trở về nơi đó, dù trong quãng tuổi thơ của mình, Tuấn đã khao khát có được cuộc sống bình thường như bạn bè. Và ước có bố, được trò chuyện với bố, được sự che chở của bố. Nhiều lúc buồn quá, Tuấn ước, giá như Tuấn có căn duyên với Phật, thì cuộc đời Tuấn đã có một ngã rẽ khác, chứ không bất hạnh như bây giờ.
“Nhưng em đã tìm thấy hạnh phúc của mình chị ạ, chính từ những ngày tháng trong chùa ấy”, Tuấn kể, mắt rưng rưng hạnh phúc, nhưng, cũng vì khát vọng hạnh phúc đó, mà nó đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng trong cuộc đời, và không bao giờ còn được có cơ hội làm lại.
Những ngày trong chùa Sư Nữ, khi đó Tuấn đã là cậu thanh niên cao lớn, hiền lành, hàng ngày vẫn lặng lẽ làm những công việc của nhà chùa. Và tâm hồn luôn hướng về cõi đời của Tuấn đã đầu tiên đập những nhịp rộn ràng, khi Tuấn nhìn thấy H. đến thắp hương ở chùa Sư Nữ. Và mối tình của họ đã nảy nở từ đó. Mối tình đã đưa Tuấn về với cuộc sống, nhen lên trong nó những khát vọng về một cuộc sống gia đình ấm áp mà cả đời nó chưa bao giờ được tận hưởng. Tôi hỏi sao Tuấn không xuống tóc đi tu. Tuấn cười buồn, em không có căn tu, vì em yêu H. và em cũng cần một tình yêu để về lại với cuộc đời. Tôi nhìn thấy ước mơ lương thiện đó trong đôi mắt hoang vu của Tuấn, khi nói về người yêu của mình. Và tôi biết, đó là một ước mơ chân thực của một kẻ cô đơn, u uất như Tuấn.
Mẹ ốm nặng. Cô em gái duy nhất của Tuấn bỏ rơi mẹ trong lúc khốn khó mang theo cả những tài sản giá trị nhất của gia đình. Tuấn biết tin, lọ mọ về Diễn Châu chăm sóc mẹ. Nhưng căn bệnh ung thư quái ác, lại không có tiền chạy chữa khiến bà mẹ sớm qua đời, trong nỗi lo lắng thấp thỏm về cậu con trai không được học hành, chịu nhiều thiệt thòi. Mẹ mất. Căn nhà Tuấn càng trở nên lạnh lẽo. Cô em gái theo chồng, đoạn tuyệt quan hệ với mẹ con Tuấn. Người bố bội bạc không một lần ghé thăm. Tuấn thấy đời tuyệt vọng. Thậm chí chả còn nghĩa lý gì để tồn tại. Nó từng nghĩ đến cái chết. Vì nó cũng mang bệnh, căn bệnh viêm cầu thận mà nếu không có tiền, thậm chí rất nhiều tiền mới chạy chữa được, lại rơi vào một người nghèo kiết xác như nó. Đời nhiều khi thật chớ trêu, dồn con người ta vào bước đường cùng. Nếu không có H. có lẽ Tuấn chả có lý do gì để tồn tại trong cõi đời. H. là sợi dây duy nhất níu Tuấn lại với cuộc sống, nhen lên trong tâm hồn băng giá của Tuấn khát vọng về cuộc sống đời thường.
Mong một lần được gặp bố
Ngày mới vào đây, Tuấn không tài nào ngủ được. Nhiều đêm Tuấn la hét. Những ám ảnh về cái chết luôn làm Tuấn hoảng sợ. Nhiều lúc Tuấn sợ cả tiếng la hét của chính mình. Nhưng 4 năm rồi, những giấc mơ không còn ám ảnh Tuấn nữa. Mà chỉ có nỗi buồn, càng ngày càng trĩu nặng. Tuấn không thể bao biện cho hành vi của mình. Nhưng đằng sau đó là cả một nỗi lòng có thể chạm vào trắc ẩn của bất kỳ ai.
Mẹ mất một thời gian, trong nỗi bơ vơ tuyệt vọng không trốn nương thân, H đã ủ ấm trái tim Tuấn. Hai đứa quyết định làm đám cưới. Nhưng cưới vợ mà trong túi không có một xu. Hồi đó bệnh viêm cầu thận của Tuấn bắt đầu dở chứng. Tuấn nghĩ đủ mọi cách mà không biết kiếm tiền ở đâu. Những tài sản có giá trị nhất thì cô em gái đã cuỗm mất theo chồng. Và Tuấn vẫn còn có một người bố. Nhưng Tuấn không dám mơ đến ông ta, ngay cả lúc tuyệt vọng nhất.
Tuấn quyết định qua nhà một người bạn ở xã bên để vay tiền. Bữa đó bạn đi vắng, Tuấn vào gặp mẹ của bạn và trình bày sự tình. Nhưng người mẹ không có thiện cảm với Tuấn và cho rằng Tuấn có ý định xấu nên rất cảnh giác, bà còn dọa, nếu Tuấn cố tình quấy rầy, bà sẽ gọi điện nói thẳng với người yêu Tuấn về căn bệnh viêm cầu thận mãn tính. Lúc đó, Tuấn sẽ không còn cơ hội được gặp H. chứ nói gì đến đám cưới. Tuấn như một con thú hoang khi thấy người khác có ý định ăn mất con mồi của mình. H. là niềm hy vọng sống cuối cùng của tâm hồn lạnh giá của nó. Nếu không có H. đời nó sẽ đi về đâu trong cõi mịt mù kia. Bà mẹ già tội nghiệp đã vô tình chạm vào vết thương của Tuấn khiến bản năng hoang dã trong Tuấn trỗi dậy. Tuấn xô bà mẹ ngã xuống, trong cơn hoảng loạn, bà đã la lên thất thanh, Tuấn vớ lấy con dao đầu giường đập vào cổ khiến bà bất tỉnh nhân sự. Nhìn thấy máu chảy, Tuấn hoảng sợ bỏ chạy, bỏ cả đám cưới, bỏ cả H. Tuấn bắt xe chạy một mạch về tìm bố ở Thanh Hóa, với hy vọng, sẽ tìm được chốn nương thân. Nhưng ông bố vô trách nhiệm đã không thèm nhìn, thậm chí còn xua đuổi mắng mỏ cậu con trai duy nhất của mình. Tuấn tuyệt vọng quay trở lại Diễn Châu và nhận được tin bà mẹ của bạn đã chết. Tuấn vô cùng ân hận. “Cả đời em chưa bao giờ làm điều gì ác, em lớn lên trong chùa, được dạy toàn những điều lành, thậm chí em còn thuộc 10 điều răn của Phật. Vậy mà…”. Nói rồi, Tuấn lại lẩm nhẩm đọc lại 10 điều răn của Phật như tụng kinh. 4 năm nay nó vẫn thế, như để sám hối với những tội lỗi mà nó đã gây ra.
Khi án tuyên tử hình, Tuấn đã đứng chết lặng người, và mong tìm một ánh mắt người thân. Nhưng không có ai bên nó vào lúc đó, như một chút an ủi cuối cùng. Cách đây hai năm, H. có vào thăm, nhưng đó là điều Tuấn không muốn, Tuấn đã khuyên H. đi lấy chồng, đừng chờ đợi một kẻ vô vọng như nó. Rồi biền biệt chả có ai. Tuấn quen dần với đám bạn tù, với những ngày tháng trôi trong đợi chờ, thấp thỏm. Mới đây, có bà mợ đột nhiên vào thăm. Tuấn như vớ được vàng. Hôm đó, Tuấn hát cả ngày. Dù sao vẫn có người nhớ đến nó. Tuấn hỏi mợ về bố, và mong ngóng. “Biết đâu ông có về Diễn Châu và biết em ở đây, vào thăm em một lần. Dù sao cũng là bố của em cơ mà chị!”. Nghe Tuấn nói mà tôi thấy đắng lòng.
“Em chỉ có một ước nguyện duy nhất là ngày đi trả án có bố ở bên cạnh. Em sẽ yên lòng nhắm mắt chị ạ”. Một ước mơ cuối cùng thật giản đơn nhưng cũng thật khó khăn đối với Tuấn. Vì có lẽ, ở một nơi nào đó, ông bố đang bình yên với cuộc sống mới, chưa từng nhớ rằng, trên đời mình từng có một đứa con, mà cũng chính vì sự bỏ rơi của ông đã gián tiếp đẩy nó vào vòng tội lỗi. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho ước mơ tội nghiệp của nó, biết đâu trở thành hiện thực, bởi dù là một tử tù, thì khi chết, họ cũng đáng được hưởng những khoan hồng của cuộc đời.
Theo Mộc Châu - CSTC