;
Năm nay chị Nguyễn Hương Lan, Phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội quyết định làm lễ dâng sao giải hạn cho chồng mình tại chùa Ái Mộ quận Long Biên. Chị bộc bạch: “Chồng tôi năm nay phải sao Thái Bạch nên rất xấu. Các cụ vẫn nói “sao Thái Bạch quét sạch nhà cửa”. Thôi thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành mình cứ làm lễ dâng sao giải hạn cho yên tâm”.
Cũng giống Như chị Lan, hai mẹ con nhà bác Nguyễn Thúy Hiền ở Hàng Bột, Hà Nội cũng đến chùa Ái Mộ để đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn vào ngày 13 tháng Giêng tới. Bác tâm sự: “Năm nào cũng vậy, vào dịp đầu xuân tôi thường vào chùa làm lễ cầu an cho cả nhà. Nhà đông người nên có người sao tốt, người sao xấu. Do vậy tôi nhờ nhà chùa làm lễ dâng sao giải hạn cho yên tâm. Mọi năm tôi thường đến chùa Phúc Khánh làm lễ, nhưng đông quá nên năm nay tôi quyết định đến chùa Ái mộ để không phải cảnh chen chúc. Chùa nào cũng được, cốt là ở cái tâm của mình…”.
Khác với chị Lan và bác Hiền năm nay gia đình chị Phương Liên ở Sóc Sơn, Hà Nội lại quyết định làm lễ dâng sao giải hạn tại gia. Chị cho biết, để sắm sửa đủ lễ theo hướng dẫn của “thầy” cũng tốn kém tiền triệu. “Nhà nông nên chi tiêu cho vụ này đến tiền triệu cũng là mạnh tay lắm rồi. Sót tiền lắm chứ nhưng thôi kệ…miễn sao cả nhà mạnh khỏe, bình an vô sự là được, tiền mấy cũng không so sánh được…”- Chị Liên tặc lưỡi nói.
Còn chị Nguyễn Thúy Hải ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội lại khác. Cũng làm lễ dâng sao giải hạn cho cả nhà nhưng chị nhờ dịch vụ "giải sao trọn gói". Chị cho hay: “Thứ nhất mình không có thời gian đi đăng ký ở nhà chùa, hai nữa đến đăng ký thì không biết chờ đến khi nào mới đến lượt mình, rồi thì lễ bái nữa chứ…. Nói chung là mình “mù tịt mấy cái vụ dâng sao giải hạn này” nên nhờ đến dịch vụ cho yên tâm. Mất vài triệu đồng họ sẽ làm đầy đủ cho mình.
Thực tế cho thấy, vào dịp đầu năm mới, hầu hết các chùa đều rất đông người đến làm lễ dâng sao giải hạn. Theo quan niệm dân gian, mỗi người vào mỗi năm có một sao chiếu mệnh. Tất cả có 9 ngôi sao, cứ sau 9 năm lại luân phiên ứng với một cá nhân. Trong các ngôi sao này, có ngôi sao rất tốt, cũng có ngôi sao rất xấu. Các sao tốt mang lại bình an, sao xấu mang đến nhiều vận hạn.
Người Việt cũng quan niệm, trong năm có sao xấu thì gặp nhiều điều không may mắn, gặp những vận đen. Đặc biệt là những người có năm tuổi ứng với ngôi sao vận hạn thì đều mong muốn cúng sao giải hạn cho mình. Vì thế vào những ngày đầu xuân, người đến chùa cúng sao để cầu mong một năm an lành, khỏe mạnh rất đông.
Thực tế khi được hỏi về việc làm lễ dâng sao giải hạn, nhiều người cho rằng đó chỉ là chỉ giải quyết vấn đề tâm lý. Còn nếu như bản thân có suy nghĩ và hành vi xấu thì có tốn kém công sức, tiền của bao nhiêu cũng không cắt được sao xấu, không giải được hạn. Việc lễ chùa, cần nhất là thành tâm, bởi vậy đừng trọng lễ lạt duy tâm quá mà tự biến mình thành nạn nhân của trò bịp bợm.
Còn Thượng tọa Thích Thanh Duệ, trưởng ban Nghi lễ Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, việc dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật, và không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc hay mang tai họa. Chính vì thế mà không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Phật dạy chúng ta về nhân quả, không có quả nào từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất hiện lên, mà đều do hành động qua tâm, khẩu và ý của con người tạo ra. Nhà Phật có câu: "Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai của chúng ta ra sao cứ nhìn cái nhân mà chúng ta đang gieo hiện tại".Theo Hòa thượng Thích Thanh Dương (chùa Quán Sứ): Người dân mong muốn gặp may mắn, an bình, công việc làm ăn thuận lợi, do vậy mới có những lễ nghi để bày tỏ tấm lòng rung động đến Phật thánh. Giải sao không có trong giáo lý nhà Phật mà là tín ngưỡng của người dân Việt từ xa xưa. Khi Phật giáo vào Việt Nam gặp nghi lễ tốt đẹp của nhân dân nên hòa quyện vào nhau, nhà chùa giúp dân bày tỏ nguyện vọng nơi cửa chùa.
Vũ Hùng
Theo http://giaoducthoidai.vn/