;
Hỏi đáp Phật Pháp 2 - Phật Thích Ca và Phật A Di Đà
Tôi đã biết đến hình nầy khoảng 20 năm trước. Một đạo hữu ở Bắc Mỹ gửi cho tôi bản photocopy kèm lời giải thích. Về sau, tình cờ tôi thấy được hình nầy trong trang cuối của một cuốn sách Phật học cũ, xuất bản tại VN trước 1975 (tôi không nhớ tên cuốn sách nầy). Như thế, có thể nói tấm hình và lời giải thích về xuất xứ đã được truyền bá trong 30, 40 năm qua.
Xin có vài nhận xét sau:
1) Gương mặt giống như người Tàu (giống dân Mông Cổ), không có vẻ là người Ấn Độ.
2) Râu tóc xồm xoàm, không giống như các Tỳ-khưu PG (phải cạo râu tóc)
3) Đeo bông tai, một loại trang sức, trái nghịch với giới luật Tỳ-khưu.
4) Trong kinh điển, mặc dù có đề cập đến ngài Phú Lâu Na, nhưng không thấy nói Ngài có tài hội họa, vẽ chân dung.
5) Ấn Độ vào thời Đức Phật chưa chế ra giấy để viết hay vẽ (giấy là do người Tàu sáng chế).
6) Vào thời Đức Phật cho đến khoảng 500 năm sau khi Ngài nhập diệt, người Ấn Độ không có truyền thống vẽ hay tạc tượng các vị đạo sư. Để tưởng nhớ hay để tôn kính Ngài, họ chỉ nắn, tạc hoặc khắc vào đá hình bánh xe Pháp hoặc hình cây và lá bồ đề. Đến khi đoàn quân Hy Lạp xâm lăng và định cư tại miền Tây Ấn, nghệ thuật tạc hình của Hy Lạp mới được truyền vào Ấn Độ, và từ đó, có hình tượng Đức Phật.nguoiphattu.com
7) Tôi tìm tòi trên mạng, về các cổ vật PG trưng bày tại các viện bảo tàng Anh quốc, chưa bao giờ tìm thấy hình vẽ nầy. Thật ra, tôi chưa bao giờ tìm thấy một hình vẽ nào của Đức Phật – trên giấy hay trên vải – trong thời kỳ cổ xưa đó tại Ấn Độ.
8) Nếu quả thật đây là hình vẽ Đức Phật, lại được lưu giữ tại viện bảo tàng Anh quốc, ắt hẳn đây phải là một di tích quan trọng mà nhiều học giả PG trên thế giới biết đến. Tuy nhiên cho đến nay, qua những sách báo tài liệu về lịch sử và văn hóa PG (bằng tiếng Anh) của các học giả Phật học và các chuyên san Phật học có uy tín, tôi không thấy ai đề cập đến tấm hình này.
Vì thế, cho đến khi nào tôi có được những bằng chứng, hay kiến giải, có tính thuyết phục, tôi vẫn cho rằng đây là một hình giả mạo, xuất xứ nguồn gốc không rõ ràng, giải thích không có căn cứ. Chúng ta không nên tiếp tay truyền bá sự giả mạo đó./.
Binh Anson
*****************************************************
VỀ MỘT BỨC TRANH CỦA PHẬT THÍCH CA
Trước hết, người viết bài này xin trân trọng cám ơn những nhận xét đầy khích lệ của tác giả Vương Như Dương Chuyết Lão về “Mùi Hương Trầm“. Những phê bình tốt đẹp đó đem lại thêm cho người viết lòng tri ân về những nhân duyên sâu kín đã tạo tác nên tác phẩm này, trong đó người viết chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là viết lại những gì mình từng thấy, từng nghe, từng đọc.
Trong bài viết, tác giả Vương Như Dương Chuyết Lão nêu nghi vấn về một tấm hình của đức Thích-ca trích đăng trong “Mùi Hương Trầm“. Tác giả nêu câu hỏi, phải chăng bức hình này đích thực là từ thời lúc Phật còn tại thế truyền lại, do đệ tử của Ngài là Phú-lâu-na (Purna) vẽ lúc Ngài khoảng 41 tuổi. Nghi vấn này cho ta thấy cặp mắt sắc bén của tác giả Vương Như Dương Chuyết Lão, nó đòi hỏi một câu trả lời thành tâm và nghiêm túc.
Phật Thích-ca lúc 41 tuổi ?
Trước hết, bức hình này gây nhiều sự kinh ngạc và thú vị cho người xem, trong đó có tác giả của “Mùi Hương Trầm”. Tất cả những hình tượng khác của Phật Thích-ca đều có tính chất tượng trưng. Chỉ duy nhất bức hình trên đây trình bày Ngài như một con người bằng xương bằng thịt. Bức hình này có thật không ?
Về bức hình này cũng như về nhiều chi tiết khác trong “Mùi Hương Trầm“, tác giả phải dựa vào các nguồn thông tin khác, nhất là kinh sách, tư liệu của các tác giả khác, chứ không được thấy tận mắt. Ta có thể tìm thấy thông tin về bức hình trên của Phật Thích-ca trong hai tài liệu sau đây. Một là, trong tác phẩm Vrai Zen của thiền sư Taisen Deshimaru (1914-1982). Thiền sư Deshimaru đến Pháp năm 1967 và xuất bản tác phẩm đầu tay nói trên vào năm 1969. Tác phẩm này cũng đã được Ngô Thành Nhân/Trần Đình Cáo dịch ra Việt ngữ dưới tên “Chân Thiền“ và xuất bản năm 1992. Tài liệu thứ hai là của thiền sư Tinh Vân (Hsing Yun). Thiền sư Tinh Vân, sinh năm 1927 tại Trung Quốc, là tổ thứ 48 của dòng Lâm Tế. Thiền sư Tinh Vân là tác giả của gần 30 tác phẩm, sáng lập hội Buddha's Light International Association (BLIA) và hiện nay đi du hóa trên toàn thế giới.
Trong các tác phẩm của Tinh Vân ta tìm thấy một tài liệu mang tên Seeing the Buddha[1][1]. Trong tác phẩm này Tinh Vân luận giải rất hay về các loại “thân“ của Phật, từ tranh tượng thông thường đến các dạng “hiện tướng“ khác nhau của Pháp thân Phật. Đặc biệt, dựa trên kinh A-hàm, Tinh Vân cho hay, bức tượng đầu tiên của Phật là do nhà vua Udayana của nước Kausambi cho tôn tạo lúc Ngài còn tại thế. Truyền thuyết kể lại, lúc Phật đến cung trời Tam thập tam để giảng pháp cho mẹ, nhà vua cho đẽo bức tượng bằng gỗ chiên đàn để tưởng nhớ đến Phật. Sau ba tháng, lúc Phật trở lại thế gian, bức tượng trở nên sống động và đến “chào“ Ngài. Phật mỉm cười nhìn tượng và nói: “Ba tháng qua chắc ngươi mệt lắm nhỉ!“. Sau nhà vua Udayana, vẫn theo Tinh Vân trích kinh A-hàm, nhà vua Ba-tư-nặc của nước Kiều-tát-la và trưởng giả Cấp Cô Độc cũng cho đúc tượng của Phật.
Cũng trong tác phẩm này, Tinh Vân viết thêm: “Trong những năm qua, chúng ta được nghe có một bức tranh của Phật còn xưa hơn cả bức tượng đầu tiên. Viện Bảo tàng Anh quốc tại Luân Đôn có một sưu tập gồm nhiều bức tranh của Phật. Trong những bức tranh đó có một bức mà viện bảo tàng tôn quí nhất. Đó là một bức tranh vẽ Phật lúc Ngài 41 tuổi. Bức tranh do Phú-lâu-na vẽ, một vị đệ tử của Phật và màu sắc (của bức tranh) ngày nay vẫn còn sinh động. Hình chụp của bức tranh này hiện nay được lưu hành tại Nhật và Đài Loan“.nguoiphattu.com
Như thế, thiền sư Tinh Vân cũng chỉ nghe nói đến bức tranh này chứ chưa được thấy tận mắt. Người viết bài này cũng chưa có dịp đến viện bảo tàng British Museum để tìm kiếm bức tranh nọ, nhưng đã lục lọi trên Internet, vào trong các bộ sưu tập tranh của viện bảo tàng nhưng cũng không thấy bức tranh nọ được trưng bày trong mạng. Vì thế lai lịch bức tranh, liệu nó có thật hay không, vẫn còn là một nghi vấn. Người ta chỉ biết chính xác là rất nhiều cổ vật của Ấn Độ được mang về Anh vì Ấn Độ một thời là thuộc địa của Anh, và không phải cổ vật nào cũng được trình bày cho công chúng xem. Do đó, nghi vấn này không biết bao giờ mới giải đáp chính xác được. Độc giả nếu có ai đã từng xem được bức tranh hay có thông tin gì về nó, xin thông báo cho chúng ta được biết chung.
Trong bài này, ta hãy thử tìm hiểu thêm các nguồn tài liệu khác để có một cái nhìn khách quan về niên đại của tranh tượng về Đức Phật. Một nguồn thông tin cho hay, tượng Phật cổ nhất được tìm thấy là tại Tích Lan, với niên đại của thế kỷ thứ ba trước công nguyên. Theo những tài liệu khác, tại Gandhara (Tây bắc Ấn Độ, ngày nay thuộc về Afghanistan), lúc vùng này bị Hy Lạp chiếm đóng trong khoảng thế kỷ thứ nhất trước công nguyên đến thế kỷ thứ sáu sau công nguyên, con người bắt đầu trình bày Đức Phật với nhân trạng, theo truyền thống Hy Lạp. Theo nhà Phật học W.Schumann[2][2], hình ảnh đức Phật bắt đầu được tôn tạo khoảng 450 năm sau ngày Ngài diệt độ. Theo L.M.Joshi thì bức tượng Phật cổ nhất được tìm thấy tại Mathura (Bắc Aán) với niên đại của thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Nói chung các nhà nghiên cứu khoa học đều thừa nhận là không thể biết đích xác và cũng không hoàn toàn thống nhất về niên đại của tranh tượng đầu tiên của Đức Phật.
Ngoài vấn đề niên đại, các nhà nghiên cứu phương Tây có những lời giải thích hữu lý về vai trò của tranh tượng. Theo họ, ngày xưa đối tượng để thờ cúng không phải là tranh tượng mà là xá lợi và các tháp chứa đựng xá lợi. Theo thời gian, quan niệm thờ cúng xá lợi và bảo tháp hẳn không thể tồn tại được lâu, nhất là với sự phát triển rộng khắp của đạo Phật. Ngày nay người ta phát hiện một văn bản du nhập vào Trung quốc năm 148 sau công nguyên, trên đó có ghi: “...đệ tử đích thực của Phật cần đảnh lễ tranh tượng của Ngài mỗi sáng mỗi tối và thường xuyên đốt đèn để tỏ lòng tôn kính Ngài...“[3][3].
Với những lẽ trên, ta có thể chắc chắn tranh tượng đức Phật đã hình thành chậm nhất từ đầu công nguyên. Đó là điều khoa học có thể chứng minh. Còn các bức tượng bằng gỗ và bằng vàng mà Tinh Vân nói đến, bức tranh vẽ đức Phật của Phú-lâu-na mà cả hai thiền sư khả kính Taisen Deshimaru lẫn Tinh Vân nhắc nhở thì sao? Nói một cách nghiêm túc, các tác phẩm nghệ thuật đó chưa được chính thức khẳng định và thừa nhận. Liệu một ngày nào đó, bảo tàng viện của Luân-đôn sẽ trình bày bức tranh và Phật tử có thể chiêm bái bảo vật vô giá nói trên, điều đó cần một nhân duyên lớn.
Thế nhưng, trong lúc chờ đợi, có lẽ ta nên nghĩ như Tinh Vân trong tác phẩm Seeing the Buddha. Theo đó, Thân Phật chỉ là Ứng thân của Ngài, bức tranh (nếu có) lại càng là một phần của Ứng thân. Còn Pháp thân của Ngài là đang ở khắp nơi và hiện hữu trong từng khoảnh khắc.
Nguyễn Tường Bách
NTB (16.1.03)
Nguồn: http://thuvienhoasen.org/a14488/ve-mot-buc-tranh-cua-phat-thich-ca
Bhikkhu Buddha Dhatu
Như bài viết và lịch sử đi liền với GIỚI LUẬT thì bức tượng nầy 100% không phải của đức THIỆN THỆ THẾ TÔN, vì Ngài làm bậc mẫu mực của PHẠM HẠNH sống với gương sáng của LUẬT TẠNG. Hình trên của một Họa Sĩ nào đó vẽ với óc tưởng tượng hay do người nào đó kể lại, thế như cái SƠ HỞ và LẦM LẪN LỚN là lỗ TAI ĐEO VÒNG KHOEN là GIỚI mà một Phật tử chỉ THỌ BÁT QUAN TRAI đã không được ĐEO VÒNG hay KHOEN TAI.
TRẦN LÊ ĐÔNG CÁT
CON ĐÃ THẤY HÌNH CỦA ĐỨC PHẬT THÍCH CA QUA TRANH RỒI NHƯNG KHÔNG BIẾT TRANH ĐÓ VỚI TRANH NÀY LÀ 1 HAY 2 LÀ THẬT HAY GIẢ NHƯNG CON THÍCH ĐỨC PHẬT THÍCH CA NHƯ BÌNH THƯỜNG HƠN LÀ TRANH NÀY,VÀ CON TIN CHÂN DUNG ĐỨCPHẬT MÀ MÌNH THƯỜNG THẤY MỚI LÀ CHÂN DUNG THẬT CỦA ĐỨC PHẬT,BỨC TRANH NÀY THÌ KHÔNG PHÙ HỢP LẮM.
Thích Trả lời 10/16/2017 6:04:57 PM