;
Bé nhà tôi 10 tuổi, bé rất ngoan và dễ thương. Chỉ có điều bé thật thà quá, thật đến mức làm mếch lòng người khác. Ví dụ chú của bé mua tặng bé một món đồ chơi, khi chú hỏi “Con có thích không?” thì bé không ngần ngại đáp: “Con không thích, đồ chơi đó dởm
lắm chú ạ”. Nhiều lần vợ chồng tôi đã nhắc bé nếu con không thích thì cũng đừng nói ra kẻo người khác buồn, nhưng cháu lại bảo chúng tôi: “Như vậy là nói dối, bố mẹ vẫn dạy con không được nói dối cơ mà”. Chúng tôi phải làm sao đây? Làm thế nào để dạy cháu đâu là nói dối, đâu là nói khéo để không làm mếch lòng người khác?
(Trương Tùng Lâm, Hà Nội)
Xem ra, lời dạy về lối sống “chân thật” từ anh chị đã có tác dụng “chân phương” đối với cách hành xử của bé. Đó là điều đáng mừng, thay vì là nỗi lo. Ở lứa tuổi thiếu nhi, quan trọng nhất vẫn là lòng chân thật, từ lời nói cho đến việc làm. Đức tính này sẽ giúp cho bé trở thành bậc “chân nhân” về sau.
Điều mà anh chị lo ngại đối với cháu là làm thế nào để có sự tương nhượng của “lòng chân thật” đối với “sự ngoại giao” khéo léo để không làm mếch lòng người khác. Điều đó có thể thực hiện dễ dàng đối với một người đã trưởng thành, có sự cân nhắc giữa đắc và thất nhân tâm trong các quan hệ gia đình và xã hội. Nhưng đối với một bé vị thành niên đây quả là điều khó làm, nếu không nói là không thể làm được. Anh chị không phải quá lo lắng về việc bé chưa được khéo léo trong ngoại giao, nhất là trong chối từ hoặc tiếp nhận.
Đối với các cháu vị thành niên, ứng xử “yes hoặc no” hay “thích hoặc không” là một hành vi phản ứng khá phổ biến. Không có gì phải quá bận tâm. Khoảng 4 – 5 năm sau, khi cháu bắt đầu vào tuổi cặp kê, sự khéo léo, do tác động của sự phát triển ý thức xã hội, sẽ giúp cháu điều chỉnh dần những sự vụng về trong giao tế, nhất là khi cháu có được hai bậc cha mẹ lịch thiệp trong giao tế và quan tâm đến cháu như anh chị.
Đối với người lớn, không nói dối vẫn chưa đủ. Tiêu chí quan trọng trong truyền thông giữa các tương quan xã hội là phải biết nói những lời phù hợp với chân lý khách quan, thể hiện sự hòa hợp đoàn kết, giữ được phong cách văn hoa và văn hóa trong giao tế nhằm mang lại giá trị và lợi ích. Thêm nữa, nên dạy cho trẻ cách giao tiếp và ứng xử lịch sự, đặc biệt là những điều “tế nhị”. Đối với trẻ thơ, sự hồn nhiên và chất phác vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu, cần được khích lệ. Do đó, anh chị đừng quá lo lắng về tiêu chí làm thế nào để giáo dục cho cháu nắm bắt được nghệ thuật “đâu là nói dối, đâu là nói khéo” trong giao tế với mọi người nói chung và người thân nói riêng. Thời gian, sự trải nghiệm của bản thân, tấm gương ứng xử từ cha mẹ dần sẽ làm cháu biết cách ứng xử, nói năng sao cho phù hợp nhất.
Nguồn: Đạo Phật Ngày Nay