;
Trong bài trả lời phỏng vấn trước đây, Thượng tọa Thích Chơn Không, một vị tôn đức đã tu học tại Việt Nam Quốc Tự, vô cùng yêu
quý Việt Nam Quốc Tự, khía cạnh giữ gìn tôn nghiêm cho ngôi quốc tự đã được xem xét, bằng giải pháp chánh điện trên đỉnh một tòa cao tầng.
Đến bài này, vẫn trong vấn đề giữ gìn sự tôn nghiêm, nhưng sẽ được nhìn từ góc độ khác, trong đó sẽ nổi bật lên yêu cầu giữ gìn sự thanh tịnh cho một trung tâm tâm linh tín ngưỡng tầm vóc ở thành phố.
Việc xây chùa ở trung tâm thành phố thường làm nảy sinh ra các vấn đề về giữ gìn thanh tịnh. Đó là việc tất nhiên, ắt sẽ gặp phải nên cần hết sức chú ý.
Trong bài phỏng vấn này, tuy cùng một giải pháp là chánh điện trên đỉnh nhà cao tầng, nhưng sẽ có những phân tích mới từ Thượng tọa Thích Chơn Không về những vấn đề sẽ không tránh khỏi, từ cái nhìn của một vị tu sĩ tu học ở thành phố, khi còn là một vị học tăng trẻ.
Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Bạch thượng tọa (TT), vấn đề tôn nghiêm cho chùa ở thành phố, nhà cao nhà thấp xen kẽ đã là một vấn đề lớn, thưa còn vấn đề thanh tịnh thì theo thượng tọa sẽ ra sao, đặc biệt là trong trường hợp Việt Nam Quốc Tự?
Thượng tọa Thích Chơn Không (TT TCK): Sau khi chúng ta bàn việc giữ gìn sự tôn nghiêm cho Việt Nam Quốc Tự, nay bàn đến việc giữ gìn sự thanh tịnh là điều rất hợp lý.
Trước hết, chúng ta xem xét những yếu tố gì làm mất thanh tịnh:
Có thể làm mất thanh tịnh một ngôi chùa, không kể là ở đâu khi từ bên ngoài có những yếu tố tác động lên các giác quan của chư Tăng và Phật tử trong chùa.Vì tác nhân là ở bên ngoài chùa, nên nhà chùa sẽ hoàn toàn bị động, rất khó giải quyết. Tác động từ bên ngoài sẽ gây mất thanh tịnh cho ngôi chùa, khi mật độ dân cư xây dựng dày đặc, không gian khoảng cách bị thu hẹp, có rất nhiều trường hợp chỉ còn cách có một tấm vách, nhất là kiến trúc chùa không có độ cao, chỉ ngang tầm hay thấp hơn nhà xung quanh. Đây là mối lo của thầy nếu Việt Nam Quốc Tự chỉ có khoảng 4 tầng, tức xấp xỉ đa số kiến trúc hiện, và sẽ rất thấp nếu phía sau đó xây dựng cao ốc, mà dư luận đang đồn đãi.
CS MT: Bạch TT, xin thầy nói rõ hơn về tác động vào các giác quan của chư Tăng và Phật tử trong chùa?
TT TCK: Vấn đề thanh tịnh được nói đến ở đây rất nhiều dạng, nhưng tựu trung lại tác động vào các giác quan của chư Tăng và Phật tử như sau:
1. Tác động thị giác: Không gian lân cận không chênh lệch lớn về độ cao sẽ gây ra nhiều vấn đề liên quan đến tầm nhìn. Thí dụ từ chùa nhìn thấy sinh hoạt các gia đình ở quanh chùa, hay từ những ngôi nhà quanh chùa có thể nhìn vào bên trong chùa qua các cửa sổ.
Thí dụ, như chùa Thiên Tôn hiện nay có độ cao thấp hơn hoặc xấp xỉ với các nhà chung quanh, dù cách một khoảng sân, nhưng trên lầu vẫn nhìn vào chùa rất rõ và ngược lại, từ chùa cũng có thể nhìn thấy cảnh sinh hoạt trong các ngôi nhà qua cửa sổ. Nếu chiều cao của chùa vượt lên độ cao trung bình thì không có việc này xảy ra đối với chánh điện, đặt trên tầng cao nhất.
Tác động thị giác không chỉ là cảnh quan mà muôn hình vạn trạng, giới chuyên môn còn gọi là “rác thị giác”, “ô nhiễm tầm nhìn” như trong bài trước, chúng ta đã nói đến “ô nhiễm ánh sáng”, phản chiếu từ mặt tiền các tòa nhà lắp kính.
- Tác động thính giác: là đủ loại tiếng ồn, như âm thanh: TV, ca nhạc CD, tiếng cười, tiếng khóc, tiếng cãi cọ…, nói chung là các loại âm thanh. Nguồn âm thanh càng gần chùa thì cường độ âm thanh càng lớn.
- Tác động khứu giác: là ô nhiễm mùi, gây khó chịu cho nhà chùa, và khách thập phương đến chùa dâng hương lễ Phật, ảnh hưởng đến sự thanh tịnh không kém gì ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm rác thị giác. Ống khói nhà bếp một quán ăn tầng trệt chẳng hạn có thể đưa mùi chiên xào thịt cá khô mắm lên tận tầng 3, tầng 4 ở một ngôi chùa gần đó. Chùa thầy đã từng bị ảnh hưởng và thầy rất xấu hỗ với khách viếng chùa.
CS MT: Bạch TT, nhưng sống ở thành phố thì việc chịu những ảnh hưởng đủ loại từ những ngôi nhà lân cận là chuyện đương nhiên. Như nhà con tuy không kế cận quán ăn, nhưng trên lầu cách xa vẫn phải chịu mùi từ ống khói bếp đã là việc bình thường?
TT TCK: So với đời sống thế gian bình thường, thì đời sống người tu hành có yêu cầu cao về sự thanh tịnh, nên cần cách ly ở mức độ cao hơn.
Thí dụ, người đời có nghe những bài hát tình cảm yêu đương quá lớn vọng đến thì chỉ khó chịu về tiếng ồn. Còn đối với người tu hành, thì ảnh hưởng cả 2 mặt: tiếng ồn và nội dung bài hát.
Vì vậy, nhà chùa trước đây thường tìm đến những nơi thanh vắng, xa xôi, nhất là rừng núi. Nếu chùa đã ở núi, thì cũng chưa đủ. Nhà chùa thường phải xây là trên đỉnh núi, hoặc ở vị trí đẹp nhất, thích hợp nhất, cách xa khu dân cư. Còn ở thôn quê thì chùa thường cách xa xóm làng thị tứ. Ngày nay, do nhu cầu hoằng pháp độ sinh, nhiều chùa phải xây ngay trong khu phố, do vậy phải chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, ngôi chùa nào có khuôn viên rộng, có đủ duyên lành thì cũng nên xây cao tầng, một lần xây là một lần khó khăn, nên phải tính toán nhiều phương diện.
CS MT: Bạch TT, với Việt Nam Quốc Tự thì dù xây 4,5 tầng, vẫn có nhiều cách giữ thanh tịnh, như xây tường cao. Các tu viện Thiên Chúa giáo vẫn thường dùng cách này?
TT TCK: Theo quy định hiện nay, tường rào cao tối đa là 2,6m, trong đó có phần song sắt thông thoáng, nên không thể ngăn cách tiếng ồn được. Có một cách nữa là đóng kính các cửa sổ và dùng máy lạnh. Nhiều ngôi nhà, nhất là cao ốc, thường dùng giải pháp này. Nhưng đây là giải pháp rất tốn kém, tù túng khó chịu và thiếu cả không khí tự nhiên kéo dài cũng là điều không tốt cho sức khỏe. Nhưng đối với chùa, đây là giải pháp không khả thi, vì không lẽ đóng kín cửa chánh điện để dùng máy lạnh, vì chúng ta còn thắp đèn thắp nhang nữa!
CS MT: Bạch TT, như vậy chỉ còn cách xây chùa thật cao?
TT TCK: Đạo hữu lên đỉnh một cao ốc thì sẽ thấy, do nhà có nhiều tầng thì những tầng trên cao sẽ ít bị chung quanh tác động. Độ cao của Việt Nam Quốc Tự cũng cần như thế.
CS MT: Bạch TT, nếu như thế thì chùa trên đỉnh một cao ốc sẽ là chùa trên một quả đồi nhân tạo giữa lòng thành phố?
TT TCK: Đúng vậy đó đạo hữu. Việc ngăn cách tuy nhân tạo này lại là việc ngăn cách rất tự nhiên. Có ngăn cách, nhưng không như trên một ngọn đồi xa xôi, mà lại ở giữa lòng thành phố.
Mà thực ra thì không có ngăn cách gì đáng kể với thang máy thế hệ mới, từ dưới đất lên trên đỉnh nhà cao tầng chỉ có vài mươi giây. Tiện lợi như thế, nhưng việc trang nghiêm thanh tịnh vẫn được bảo đảm.
CS MT: Thành kính cảm ơn và kính chào TT.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt, xin gởi về: vinasat132@yahoo.com, vn.facebook.com/cusiminhthanh.
Nguyễn Hải Đồng
Con mong các chùa mới xây, cũng như các chùa cổ, hay hiện đại...nên khuyến khích các Phật tử đến chùa không nên thắp hương, vừa ảnh hưởng đến môi trường, trật tự, vừa mang phong cách hiện đại,vừa tránh được hỏa hoạn, nhất là CÁC CHÙA CỔ, chỉ một lư hương đã thắp 3 nén hương, hay là hương vòng, hay trầm là đủ...
tuan anh
theo con nghĩ VN QUỐC TỰ là một ngôi chùa đẹp tòa tháp của chùa rất đẹp nếu có xây dựng thì cũng nên giữ lại tòa tháp này mà chỉ xây thêm thôi ,chùa nên tham khảo kiến trúc của chùa kì quang 2 ở gò vấp ở đây kiến trúc rất đẹp
Thích Trả lời 1/1/2015 10:10:13 AM