;
Kính thưa quí Phật tử:
Đêm Đầu Đà là một truyền thống quí báu thường tổ chức vào rằm tháng Giêng và ngày Phật đản, để những người con Phật có cơ hội gặp nhau Hội Luận Phật Pháp, trao đổi kinh nghiệm tu học, chia xẻ những hiểu biết về giáo lý, hoặc những kinh nghiệm áp dụng giáo pháp để giải trừ những phiền não và khổ đau ở trong cuộc sống. Phước báu thay, nếu mọi chùa VN duy trì được truyền thống tốt đẹp này.
Hiện nay qua nhiều bài báo phê bình Phật giáo trên mạng Internet, trong đó có cả mạng quốc tế BBC, nhiều Phật tử đã than phiền, sinh hoạt tín ngưỡng của Phật giáo tại nhiều chùa, đã quá nặng về tinh thần vụ lợi mà không nhắm đến tinh thần Hoằng pháp độ sanh. Đa số Phật tử đi chùa suốt đời vẫn chưa biết chút gì về Giáo Pháp của Đức Phật để áp dụng vào đời sống. Một giáo lý có thể giúp cho họ và xã hội có thêm Đạo Đức, Trí Tuệ, và Hạnh Phúc. Điều mà xã hội VN đang rất cần bây giờ.
Cho nên tôi kêu gọi và tán dương mọi chùa nên duy trì truyền thống Đêm Đầu Đà để thực hiện đúng tinh thần "Thừa tự giáo pháp, không thừa tự tài vật" mà Đức Phật đã di giáo ở trong Trung Bộ Kinh. Mỗi Phật tử đến chùa phải hiểu được ít nhất các pháp chính của Phật, như 4 Thánh đế, 8 Chánh đạo, 4 Niệm xứ là gì? Nếu Phật tử đến Chùa chỉ để cầu xin thỏa mãn các tham ái mà không được dạy về giáo pháp giải thoát, thì tăng chúng sẽ trở thành có tội đối với Phật. Vì đã gieo truyền đạo đau khổ cho thế gian, bởi tham ái là nguyên nhân của mọi đau khổ.
Đã đến lúc quí Chư Tăng đều phải nắm vững giáo pháp. Các pháp chính của Phật như như 4 Thánh đế, 8 Chánh đạo, 4 Niệm xứ phải liễu tri, thắng tri, tường tận để truyền dạy lại cho chúng sanh. Tôi nhận thấy rất nhiều Phật tử đi chùa cho đến chết vẫn chưa biết được chút gì về Phật Pháp. Một số khác, nếu biết, thì vẫn mênh mang rằng: Đạo Phật có “84,000 pháp môn”, hoặc "Vạn pháp là Phật Pháp" để viện cớ khỏi cần biết chánh pháp là gì. Đây chính là cái tinh thần tượng pháp đã truyền thừa từ Trung Hoa. Mỗi khi hàng Phật tử đi theo loại tượng pháp này thì chánh pháp sẽ càng ngày càng suy tàn, như Phật đã dạy trong đoạn kinh sau đây:
Chương 16: Tương Ưng Kassapa (Ca-diếp) Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, Jetavana, vườn ông Anāthapiṇḍika. Rồi Tôn giả Mahà Kassapa đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahà Kassapa bạch Thế Tôn: —Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, thuở trước, học giới có ít hơn nhưng các Tỷ-kheo chứng đắc chánh trí nhiều hơn? Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ngày nay học giới có nhiều hơn, nhưng các Tỷ-kheo chứng đắc chánh trí ít hơn? —Sự việc xảy ra như vậy, này Kassapa, trong thời các chúng sanh suy giảm, trong thời diệu pháp biến mất, thời nhiều hơn là các học giới, ít hơn là các Tỷ-kheo chứng đắc chánh trí. Này Kassapa, diệu pháp không biến mất cho đến khi nào tượng pháp không hiện ra ở đời. Và Kassapa khi nào tượng pháp hiện ra ở đời, thời diệu pháp biến mất. Ví như, này Kassapa, vàng (thật) không biến mất khi nào vàng giả chưa hiện ra ở đời. Và này Kassapa,khi nào vàng giả hiện ra ở đời, thời vàng (thật) biến mất. Cũng vậy, này Kassapa, diệu pháp không biến mất, khi nào tượng pháp chưa hiện ra ở đời. Và này Kassapa, khi nào tượng pháp hiện ra ở đời, thời diệu pháp biến mất. Này Kassapa, địa giới không làm diệu pháp biến mất, thủy giới … hỏa giới … phong giới không làm diệu pháp biến mất. Ở đây, khi nào các người ngu có mặt, chính họ làm diệu pháp biến mất. Ví như, này Kassapa, chiếc thuyền bị chìm vì chở quá nặng. Không phải vì vậy, này Kassapa, diệu pháp bị biến mất. Này Kassapa, có năm thối pháp khiến cho diệu pháp bị hỗn loạn và biến mất. Thế nào là năm? Ở đây, này Kassapa, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không tôn kính, không tùy thuận bậc Đạo Sư, sống không tôn kính, không tùy thuận Chánh pháp, sống không tôn kính, không tùy thuận chúng Tăng, sống không tôn kính, không tùy thuận học giới, sống không tôn kính, không tùy thuận đối với Thiền định. Này Kassapa, chính những thối pháp này đưa đến sự hỗn loạn, sự biến mất của diệu pháp. Và có năm pháp, này Kassapa, đưa đến sự an trú, bền vững, không biến mất của diệu pháp. Thế nào là năm? Ở đây, này Kassapa, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống kính trọng, tùy thuận bậc Đạo Sư (đức Phật), sống kính trọng, tùy thuận Chánh pháp, sống kính trọng, tùy thuận chúng Tăng, sống kính trọng, tùy thuận học giới, sống kính trọng tùy thuận Thiền định. Chính năm pháp này, này Kassapa, đưa đến sự an trú, bền vững, không biến mất của diệu pháp. |
Hiểu biết Chánh Pháp và thực hành Thiền Định đúng cách là 2 điều đang rất thiếu sót ở hầu hết các chùa VN. May mắn thay, hiện nay các Viện Nghiên Cứu Phật Học (hậu thân của Viện Đại Học Vạn Hạnh do ngài Thích Minh Châu sáng lập) đang đào tạo ra nhiều giảng sư có trình độ vững vàng về cả Đại Thừa lẫn Chánh Pháp Nguyên Thủy. Các chùa nên liên lạc cung thỉnh các vị giảng sư về chủa của mình để tổ chức các Khóa Tu Học cho Phật tử có sự giảng dạy đầy đủ về Chánh Pháp chứ không phải quanh năm chỉ tu Niệm Phật hay tu Bát Quan Trai Giới mà thôi. Vì 2 cách tu này không giúp cho Phật tử hiểu biết thêm Chánh Pháp .
Khi Giáo Pháp được phục hưng thì Dân tộc VN sẽ được Hòa Bình, Hạnh Phúc, và Cường Thịnh như thời Đinh, Lê, Lý, Trần. Vì Phật giáo là thành phần dân tộc rường cột để Giữ Nước và Dựng Nước. Cho nên người Phật tử yêu nước, càng phải nên chăm lo tu học và hiểu biết Chánh Pháp. Nếu các chùa đều gầy dựng được phong trào tu học Chánh Pháp thì đất nước VN sẽ có rất nhiều Phước Báu và sẽ được chư thiên hộ trì, để không một nước nào có thể xâm lăng được. Phật tử VN đang có được diễm phúc hơn các nước khác, là có đầy đủ cả 2 hệ thống giáo lý: Giáo Lý Nguyên Thủy (do ngài Thích Minh Châu phục hưng) và Giáo Lý Đại thừa.
Cầu mong quí Phật tử tinh tấn tu học.
Nam mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát
Như Không
Bài đọc thêm:
Năm pháp khiến Chánh pháp không diệt ở thời Mạt pháp (Chân Hiền Tâm):
http://thuvienhoasen.org/a20910/nam-phap-khien-chanh-phap-khong-diet-o-thoi-mat-phap
Chánh Pháp Là Gì? (HT. Tuyên Hóa):
http://thuvienhoasen.org/a9252/chanh-phap-la-gi-ht-tuyen-hoa
Suy tư về Phật Pháp qua ba thời kỳ Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp (Thích Phổ Huân):
http://thuvienhoasen.org/a22476/suy-tu-ve-phat-phap-qua-ba-thoi-ky-chanh-phap-tuong-phap-va-mat-phap
Kinh Thừa Tự Pháp:
http://thuvienhoasen.org/a21355/kinh-thua-tu-phap