;
Vợ chồng doanh nhân Phật tử Đặng Thị Kim Oanh – Tổng giám đốc công ty cổ phần địa ốc Kim Oanh. Tại chương trình “Hoa mặt trời” kỳ 14 với chủ đề “Duyên”. (Hình ảnh minh họa, nguồn chùa Hoằng Pháp)
HỎI:
Tôi quy y Tam bảo và đi chùa đã gầm 10 năm nay. Mấy năm trước, tôi đi chùa lễ Phật sám hối vào các ngày 14 và 30. Hai năm trở lại đây, tối nào tôi cũng đi tụng kinh. Anh bạn trai của tôi cứ đỗ thừa là do tôi đi chùa nên khó làm ăn, la rầy và cấm tôi không được đi chùa nữa. Mấy người bạn của tôi cũng nghe người ta nói như vậy nên hoang mang. Vậy xin hỏi là đi chùa có liên quan đến công việc làm ăn không? Mong được giải thích để tôi và các bạn yên tâm.
ĐÁP:
Là người Phật tử, ngoài công việc xã hội, gia đình thì tu học để trưởng dưỡng đạo tâm, tăng phần phước đức, trau dồi nhân cách và phát triển đạo đức là trách nhiệm quan trọng, cần phải thực thi trong đời sống hàng ngày. Trong một tháng, ít nhất người Phật tử phải đến chùa tu học vào hai ngày quan trọng giữa và cuối tháng (14 và 30 âm lịch) để lễ Phật, sám hối tội lỗi, nghe pháp, bố thí, cúng dường v.v…
Những Phật tử có điều kiện hơn, thì việc đến chùa tu học mỗi ngày là điều đáng quý, không phải người con Phật nào cũng hội đủ phước duyên để làm được việc này.
Đối với vấn đề đi chùa tu học và công việc làm ăn, theo chúng tôi có liên quan mật thiết và vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh suy thoái đạo đức nghiêm trọng của một bộ phận xã hội, biểu hiện cụ thể như tham nhũng, tiêu cực, hút chích, mại dâm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lừa đảo, gian tham v.v… mà các báo đài kịch liệt phê phán mỗi ngày thì việc tu dưỡng đạo đức cho cá nhân và xã hội là điều tối cần. Một người biết đến chùa tu học, tin nhân quả, sợ tội phước, biết bố thí sẻ chia… trong chừng mực nào đó là người có đạo đức và xã hội lúc nào cũng cần những con người có đạo đức như thế cả.
Vậy thì, vấn đề một người có đạo đức (nhờ tu học) khó làm ăn như quan niệm thiển cận của một số người cần phải xem xét, phê phán. Vì thấy cái lợi trước mắt mà quên đi cái tai hại về sau; vì quyền lợi của cá nhân mà bất chấp thiệt hại của xã hội v.v… chắc chắn không phải là cách nghĩ, cách làm của những người làm ăn chân chính, hiện đại. Theo Phật giáo, vạn sự vạn vật đều liên hệ mật thiết với nhau. Do đó, lợi ích trước mắt phải gắn liền với lợi ích lâu dài, lợi ích cá nhân đồng thời phải gắn liền lợi ích của xã hội mới thực sự gọi là lợi ích và bền vững.
Mặt khác, quan niệm một người có đạo đức (Phật giáo) sẽ bị thui chột khả năng cạnh tranh, một yếu tố cực kỳ quan trọng trong làm ăn (do từ bi, bao dung, không tham…) lại càng sai lầm. Phật giáo chủ trương không đấu tranh, bạo động nhưng luôn khuyến khích đấu tranh nội tâm để diệt trừ xấu ác.
Trong lãnh vực làm ăn, người Phật tử không đấu tranh, giành giật một cách khốc liệt, tạo ra sự nghiệt ngã kiểu “thương trường là chiến trường” nhưng sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh. Bởi cạnh tranh lành mạnh là đạo đức kinh doanh, phù hợp với quy luật thị trường. Cạnh tranh lành mạnh chính là động lực để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ đời sống tốt hơn, đem lại lợi ích nhiều hơn cho cá nhân và xã hội. Vì thế, cạnh tranh lành mạnh là điều mà Phật tử được làm và nên làm.
Ngoài vấn đề đạo đức, tâm linh, tăng trưởng phước báo (một nhân duyên quan trọng trong làm ăn) thì đến chùa tu tập còn có tác dụng thư giản, cân bằng, thoải mái tâm hồn, giải tỏa stress, sáng suốt và tỉnh táo giúp giải quyết và xử lý công việc làm ăn tốt hơn.
Như vậy, “đi chùa khó làm ăn” là một sự quy kết thiếu cơ sở đồng thời quan niệm cổ hũ, thiển cận, thực dụng này cần được khắc phục, thay thế bằng quan niệm đi chùa tăng phước. Tuy nhiên, có một vấn đề khác liên quan đến đi chùa và làm ăn, đó là thời gian. Nếu việc đi chùa mỗi ngày ảnh hưởng đến thời gian dành cho công việc làm ăn thì bạn nên xem xét và điều chỉnh sao cho phù hợp. Có nhiều pháp tu dành cho nguời bận rộn, một người đã biết tu thì thời gian không phải là vấn đề.
Ngoài ra, vấn đề “đi chùa khó làm ăn” theo chúng tôi được biết hiện là một luận điệu xuyên tạc nhằm làm lung lạc ý chí của những người mới phát tâm theo Phật. Vì vậy, các bạn phải cảnh giác trước những “tin vịt” vu vơ, không có cơ sở và cần nghiên cứu, học tập giáo lý để giữ vững niềm tin của mình.