;
Con số thống kê về lượng người đi lễ tại những đền, chùa, phủ những ngày đầu năm mới năm sau thường cao hơn năm trước. Buổi tối trước Rằm tháng Giêng, chùa Phúc Khánh tổ chức lễ cầu an, giải hạn. Để có thể tham dự, Phật tử phải chầu chực giữ chỗ... từ chiều. Vỉa hè, lòng đường cả khu vực quanh chùa chật kín. Hàng trăm người không tìm được chỗ đã ngồi ngay trên cầu vượt tại nút giao thông Ngã Tư Sở gần chùa bái vọng. Chùa Hương, trong hai ngày khai hội, có gần 10 vạn lượt khách hành hương...
Đi lễ đầu năm là phong tục đẹp. Song dường như giữa giữ phong tục đẹp, nhân lên những hủ tục hay bày ra những tục quái lạ là một khoảng cách mong manh.
Các bậc quân vương xưa khi đi lễ ở các đền chùa thường nhắc nhở quần thần về công lao của các bậc tiền nhân, song song với cầu quốc thái, dân an. Sau này, mỗi khi đến thăm các di tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ôn lại công lao của người đi trước, nhắc nhở nhân dân giữ gìn di tích. Câu nói : ''Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước'' của Người vừa khái quát công trạng của người xưa, vừa nói đến trách nhiệm của chúng ta hôm nay.
Nhưng ngày nay, không phải ai cũng quan tâm đến nơi mình đi lễ thờ phụng ai. Thử hỏi, trong số hàng ngàn người đi 'cướp lộc' ở đền Trần, có những ai có thể kể sơ lược công tích của các vị vua đời Trần ? Trong khi mải mê xin ấn để cầu quan, có ai nhớ đến xưa kia danh tướng nhà Trần, Trần Hưng Đạo đã nói, phải lấy dân làm kế sâu rễ, bền gốc ? Người ta thường chỉ nghĩ đến xin (hoặc cướp) lộc thánh, chứ người ta ít nghĩ đến tri ân tổ tiên.
Với người Việt, lễ Thánh luôn song hành với lễ Phật. Xuyên suốt giáo lý nhà Phật đó là quy luật nhân - quả. Nhà Phật có câu: 'Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại'. Đạo Phật luôn dạy con người sống hướng thiện.
Nhìn vào một lượng lớn khách đến chùa, ta không thể không tự hỏi rằng giá như tất cả mọi người khi đi lễ Phật, ai cũng tâm niệm làm theo Phật dạy. Có lẽ chỉ cần thực hiện một số lời dạy của Ngài như : không trộm cắp, không nói dối, mọi người ai cũng giúp đỡ người khác (bố thí)... thì ắt xã hội sẽ có nhiều thay đổi. Nhưng trên thực tế, ngay cả việc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là ai, cũng không phải ai cũng biết. Thích Ca Mâu Ni vốn là một con người - con người giác ngộ, đề ra triết lý sống từ bi hỷ xả. Điều Ngài mang lại cho thế giới, không phải là ban phát tài lộc, mà là triết lý sống hướng thiện. Nhà Phật khuyến khích mọi người cúng dường. Một phần của cúng dường sẽ được cơ sở thờ tự sử dụng, một phần đem giúp đỡ người khác. Trước khi Phật tịch diệt, Đức Phật dạy cái cúng dường tốt nhất là thực hành những điều Ngài dạy.
Chẳng hiểu do đâu, hiện nay, tồn tại quan niệm 'tốt lễ, dễ bay' trong cúng dường. Người ta biến các bậc thánh, Phật thành những kẻ 'ăn hối lộ', vì cho rằng lễ hậu sẽ nhận lộc nhiều. Đi lễ chùa, người ta hiếm khi nói sẽ thực hiện lời Phật dạy thế nào, mà thường hỏi nhau là đi chùa để cầu, xin cái gì. Người cầu bình an, sức khoẻ, người cầu quan cao, lộc hậu, buôn may, bán đắt... Có người đi lễ chùa xin Đức Phật... làm hại người khác, để thuận đường buôn bán hay thăng quan tiến chức của mình. Không biết trong lúc ấy, có bao nhiêu người nghĩ đến luật nhân - quả ? Có bao nhiêu người nghĩ đến việc giúp đỡ người khác như lời kinh Phật, thay vì tìm mọi cách cầu xin, hoặc tranh giành 'lộc' về tay mình?
Chính người Việt từ xa xưa đã dạy 'Phật tại tâm'. Lễ Phật trước hết ở tấm lòng thành. Đó là một cách thể hiện khác của lời Phật dạy, về lối sống hướng thiện, từ bi, hỷ xả, thay vì biến Ngài thành một đối tượng để rồi đưa ra những 'thoả thuận' về 'xin - cho'.
Nguồn: Nhân Dân điện tử -Chí Dũng