;
Đại sư Trí Quang có công làm cho chân lý Phật ở miền Nam tiếp tục tỏa sáng, nhờ đó, hàng chục triệu người biết đến Phật giáo, nhờ đó, sống an vui, hạnh phúc và hữu ích cho đời.
1. KỶ NIỆM KHÓ QUÊN VỚI ĐẠI SƯ TRÍ QUANG
Vào lúc 21h45, ngày 8/11/2019, cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước và trên thế giới vô cùng đau xót khi biết tin Đại sư Trí Quang đã về cõi Phật.
Ngày 8/11/2019, tôi hoàn tất 13 ngày hướng dẫn đoàn hành hương Đạo Phật Ngày Nay bao gồn 159 thành viên chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ và Nepal. Tối cùng ngày, tôi bay từ Delhi đến Seoul, và hay tin Đại sư Trí Quang viên tịch vào tối ngày 8/11. Vì trong thời điểm đó, tôi đang cùng đoàn Phật tử 82 người phải di chuyển liên tục trong 5 ngày (9–13/11/2019) nên không có thời gian để chia sẻ về những đóng góp to lớn của Đại sư Trí Quang để lại cho Việt Nam.
Sáng 10/11/2019, tôi cùng với phái đoàn lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) chứng minh Lễ ra mắt Đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay ở Hàn Quốc. Trước khi lễ ra mắt diễn ra, lãnh đạo GHPGVN và 500 Phật tử đại diện cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc làm Lễ tưởng niệm Đại sư Trí Quang.
Dù trong thâm tâm rất muốn nhưng tôi không có thời gian để dành một buổi chia sẻ về “Di sản Đại sư Trí Quang để lại cho Việt Nam”. Hôm nay, ngày 15/11/2019, sau 8 ngày về cõi Phật của Đại sư Trí Quang, tôi giới thiệu những đóng góp to lớn của Đại sư Trí Quang cho việc bảo vệ Phật giáo Việt Nam, điển hình là trong Pháp nạn 1963. Sau mùa xuân 1975, Đại sư Trí Quang dành trọn thời gian còn lại vào việc phiên dịch và chú giải hơn 40 tác phẩm Phật học, làm kim chỉ nam thực tập chân lý Phật, đạo đức Phật và thiền tập Phật giáo cho cộng đồng Phật giáo Việt Nam.
Vào ngày 29/9/1984, tôi được bổn sư là HT. Thích Thiện Huệ thế phát xuất gia tại Chùa Giác Ngộ, Q. 10, TP. HCM. Một ngày sau đó, tôi được TT. Thích Nhật Trí hướng dẫn đi đảnh lễ 10 vị Cao tăng Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ. Người đầu tiên là Đại sư Trí Quang, lúc bấy giờ, ngài đang hành đạo tại Chùa Ấn Quang. Tôi còn nhớ rất rõ, ngài xoa đầu tôi trong ngày xuất gia thứ 2 của tôi và nhắc nhở tôi nỗ lực hành trì, giới luật tinh nghiêm, làm các Phật sự để đóng góp cho Phật giáo.
Trong mấy chục năm qua, tôi được vinh dự tiếp kiến Đại sư Thích Trí Quang hơn 20 lần tại chùa Ấn Quang, nơi Đại sư Trí Quang hành đạo và 3 lần tại Chùa Già Lam, Quận Gò Vấp, Tp. HCM. Lần cuối cùng, tôi đến thăm ngài là năm 2016 tại Chùa Từ Đàm, TP. Huế.
Trong bài nói chuyện này, tôi chia sẻ ba di sản quan trọng mà Đại sư Trí Quang đã để lại cho đất nước và con người Việt Nam nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Trước khi nói về các di sản quan trọng này, tôi xin điểm lược đạo nghiệp của Đại sư Trí Quang, lễ tang đặc biệt của ngài và xá-lợi đầu tượng trưng cho trí tuệ, rất đặc biệt và duy nhất trên thế giới.
2. TIỂU SỬ CỦA ĐẠI SƯ TRÍ QUANG[2]
Sáng 11/11/2019, hàng trăm Tăng Ni và hàng nghìn Phật tử trong nước và nước ngoài đã đến chùa Từ Đàm từ 5h sáng. Sáng hôm đó, trời đổ cơn mưa lớn nhưng dòng người khắp nơi đổ về mặc áo mưa, che ô, đứng ngoài đội mưa đọc kinh, để có được cơ hội tiễn đưa Đại sư Trí Quang đến nơi làm lễ hỏa thiêu.
Dọc theo đoạn đường 11km, các Phật tử đã quỳ bên vệ đường dưới trời mưa để tiễn đưa Đại sư Trí Quang về nơi an nghỉ cuối cùng. Kim quan của Đại sư Trí Quang được làm lễ hoả thiêu tại Công viên Vĩnh Hằng, Vườn Địa Đàng (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, cách Tp. Huế khoảng 11km).
Ngài quê gốc Hải Dương, sinh tại tỉnh Quảng Bình vào 21/12/1923. Xuất gia năm 1936 tại Chùa Phổ Minh (Quảng Bình), được Bổn sư đặt pháp danh Nhật Quang, pháp tự Trí Hải, pháp húy Thiền Minh, đạo hiệu Trí Quang.
Đại sư Trí Quang không chỉ là bậc danh Tăng của Phật giáo thế giới trong thời hiện đại, mà còn là bậc cao Tăng và là một trong những nhân vật Phật giáo có những đóng góp rất to lớn cho lịch sử Phật giáo Việt Nam đương đại.
Về thân thế
Đại sư Trí Quang, thế danh Phạm Quang, sinh vào giờ Thìn, ngày 21 tháng 12 năm 1923 (Quý Hợi) tại làng Diêm Điền, tỉnh Quảng Bình. Ngài là người con thứ tư trong gia đình gồm 6 anh chị em. Thân phụ của Ngài pháp danh Hồng Nhật, Thân mẫu pháp danh Hồng Trí, đều là hai Phật tử rất thuần thành.
Về xuất gia tu học
Ngài xuất gia năm 1938 (Mậu Dần, có nơi nói là năm 1936) với Đại sư Hồng Tuyên ở Chùa Phổ Minh, Quảng Bình, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Thiên Đồng Đạo Mân.
Từ năm 1939 đến 1944, học tại Trường An Nam Phật Học do Hội An Nam Phật Học thành lập từ năm 1932 tại Cố đô Huế, được Đại Sư Giác Tiên làm Giám đốc và Đại Sư Trí Độ làm Đốc giáo, Giáo thọ tại trường Phật học còn có Cư sĩ Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.
Đại sư Trí Quang là người đậu thủ khoa, vượt trội hơn các bạn đồng tu lúc bấy giờ bao gồm Đại sư Thiện Hoa, Đại sư Thiện Hoà, Đại sư Trí Tịnh, Đại sư Thiện Siêu, Đại sư Trí Minh và nhiều vị đại sư khác…
Về thời kỳ hành đạo
Sau khi tốt nghiệp chương trình Phật học vào năm 1944, Đại sư Trí Quang được Đại sư Trí Độ đặt pháp hiệu Trí Quang.
Năm 1946 – PL. 2490 (Bính Tuất), Đại sư Hồng Tuyên tổ chức truyền thọ giới Tỳ-kheo và đặt pháp hiệu cho Ngài là Thiền Minh. Từ đó, ngài bắt tay vào soạn thảo đề án thống nhất Phật giáo Việt Nam trên toàn quốc để tạo ra sức mạnh hành chính và thống nhất về việc tu trì, và cách thức làm đạo, vốn đã bị yếu kém do chính sách vị Thiên Chúa giáo trong thời kỳ Pháp thuộc (1884 – 1945).
Năm 1947, ngài trở về quê nhà Quảng Bình, chính thức thọ Bồ-tát giới vào ngày 28/02/1947.
Năm 1948 – PL. 2492 (Mậu Tý), Đại sư Trí Quang trở thành giảng viên Phật học tại Phật học đường Báo Quốc.
Năm 1949 – PL. 2493 (Kỷ Sửu), ngài được bầu làm Hội phó Tổng Trị sự Hội Phật Học do HT. Thích Đôn Hậu làm Hội chủ đích thân mời.
Năm 1950 - PL. 2494 (Canh Dần) Đại sư Trí Quang vào Sài gòn góp sức vận động thống nhất ba Phật học viện lúc bấy giờ: Phật Học Đường Liên Hải, Mai Sơn và Ứng Quang (về sau đổi thành Ấn Quang), nhằm thành lập Phật học đường Nam Việt. Đồng thời chung sức vận động thành lập Hội Phật học Nam Việt có uy tín thời bấy giờ.
Sau đó, ngài về Huế, làm chủ bút của Tạp chí Viên Âm. Cuối 1950, Đại sư Trí Quang được cử làm chủ tọa phiên họp sơ bộ để thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, do Đại sư Tố Liên đề xướng sau khi tham dự Đại hội Phật giáo Thế giới tại Tích Lan (Sri Lanka). Đại sư Trí Quang bắt đầu vận động thống nhất Phật Giáo Việt Nam, một phần do các tác động toàn cầu của phong trào chấn hưng Phật giáo do “Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới” khởi xướng tại Tích Lan vào năm 1950, một phần do nguyện vọng chính đáng của cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước, và đó là nhu cầu cấp bách, thiết yếu nhằm làm lớn mạnh Phật giáo Việt Nam sau thời ký Pháp thuộc.
Năm 1952, Đại sư Trí Quang tham dự Đại hội kỳ 2 của Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới tại Nhật Bản.
Năm 1955, ngài làm Hội Trưởng Tổng Trị Sự Hội Phật Học, Ngài đã vận động đổi tên Hội Phật Học thành Hội Phật Giáo, và đưa Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đặt trụ sở ở Sài Gòn để phát triển Phật giáo ngày một lớn mạnh hơn.
Năm 1963, Đại sư Trí Quang lãnh đạo phong trào đấu tranh Phật giáo bất bạo động chống chính sách kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chính quyền Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm. Anh của Ngô Đình Diệm là Giám mục Ngô Đình Thục vì muốn Thiên Chúa giáo có vai trò độc tôn hướng đến quốc đạo ở Việt Nam và bản thân sớm được làm Hồng Y, nên ông Diệm đã xuống tay đàn áp Phật giáo một cách khốc liệt.
Đạo Dụ số 10 được xem Dụ bổ túc, nhằm tăng cường sự hạ giá và kỳ thị Phật giáo vốn là một ứng xử bất công và vi phạm luật pháp lúc bấy giờ. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho sửa điện Thái Hòa trong Hoàng Thành Huế, có lưỡng long mà không có nhật nguyệt để cắm cây Thánh Giá vào vị trí đó. Mọi việc suôn sẻ thì tòa Hồng Y sẽ đặt ở vị trí này.
Cao trào là mùa Phật đản 1963, Ngô Đình Diệm chính thức ra lệnh triệt hạ cờ Phật Giáo để Vatican có thể nhìn thấy tại Việt Nam, đặc biệt là dân Huế đều theo đạo Thiên Chúa. Điều này đã tạo ra những ứng xử rất bất công, đàn áp Phật giáo, bắt bớ Tăng Ni dẫn đến cái chết của một người vô tội.
Chính phong trào đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm đã trở thành cơ hội để Phật giáo đấu tranh bất bạo động đòi lại sự bình đẳng tôn giáo mà luật pháp lúc bấy giờ hứa hẹn nhưng không thực thi. Vai trò lãnh đạo Phật giáo đấu tranh bất bạo động của Đại sư Trí Quang là yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công bảo vệ Phật giáo khỏi sự đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm vốn thiên vị Thiên Chúa giáo.
Năm 1964, Đại sư Trí Quang được bầu chọn làm Chánh Thư ký Viện Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Năm 1966, Ngài bị bắt và bị quản thúc tại Sài Gòn. Ngài đã tuyệt thực 100 ngày[3]. Trong thời gian đó, ngài dành thời gian cho thiền định, thực tập tâm từ bi và viết 2 tác phẩm Phật học, đồng thời, kêu gọi mọi người hoá giải hận thù, cầu nguyện hoà bình tái lập tại Việt Nam.
Đại sư Trí Quang có một câu tuyên bố nổi tiếng như sau: “Chúng tôi nguyện đem xương máu để trang trải cho Phật Pháp và nếu chết là chết như cái chết của chân lý trước bạo lực, chứ không phải bạo lực này chết vì kém bạo lực khác”. Đó là một trong những tuyên bố hùng hồn của Đại sư Trí Quang vào năm 1966 và thể hiện được một phần nào quan điểm của Ngài trong cuộc đấu tranh bất bạo động từ 1963 – 1966 nhằm tìm lại công bằng xã hội cho miền Nam Việt Nam cũng như công bằng tôn giáo mà chính quyền Ngô Đình Diệm đã đàn áp.
Sau vụ Sắc Luật 23/67, Đại sư Trí Quang đã trở về ẩn tu, nỗ lực phiên dịch kinh điển Phật giáo và hướng dẫn Tăng Ni tu học. Từ 1975 - 2012, Đại sư Trí Quang tịnh tu, nỗ lực trước tác, biên dịch, chú giải hơn 40 tác phẩm Phật học tại Chùa Ấn Quang và Tu Viện Quảng Hương Già Lam.
Năm 2013, ở tuổi 91, sau hơn 50 năm lưu trú hành đạo tại Tp. HCM, Đại sư Trí Quang về thăm quê nhà Quảng Bình, nơi chôn nhau cắt rốn và được Bổn sư thế độ xuất gia, Ngài đã thăm lại mộ phần của song thân. Sau đó, quyết định lưu lại chốn cũ là Tổ đình Từ Đàm, tiếp tục việc dịch thuật kinh điển và chuyên tâm hành trì giới luật tới ngày viên tịch.
Sau vài ngày pháp thể khiếm an Đại sư Trí Quang đã thuận thế vô thường an nhiên viên tịch tại phương trượng Tổ đình Từ Đàm, Cố đô Huế lúc 21 giờ 45 phút, ngày 8 tháng 11 năm 2019 (nhằm ngày 12 tháng 10 năm Kỷ Hợi), trụ thế 97 năm, 72 hạ lạp.
3. LỄ TANG ĐẶC BIỆT CỦA ĐẠI SƯ TRÍ QUANG
Di nguyện của Đại sư Trí Quang về lễ tang của mình rất đơn giản. Di nguyện ấy đã được HT. Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Trụ trì Chùa Từ Đàm công bố. Trong công bố này, di nguyện của Đại sư Trí Quang gồm có 6 điều[4] như sau:
(i) Sau giờ chết rồi, độ 6 giờ là liệm
Tức ngài mong mỏi việc liệm của ngài là 6 giờ sau khi về cõi Phật. Điều này vượt lên trên các mặc định của Tịnh độ tông cho rằng phải chờ sau 8 tiếng không được đụng vào cơ thể, vốn đó chỉ là quan niệm dân gian chứ không phản ánh được lời Phật dạy về thời gian sau khi chết bao lâu thì được liệm và làm lễ hoả thiêu.
Đối với những người theo Phật giáo Ấn Độ thì lễ hoả thiêu thường được diễn ra trong vòng 8 giờ kể từ lúc qua đời và hoàn toàn không lệ thuộc vào ý niệm 8 giờ sau khi chết, vì sợ rằng làm trước thì tâm thức của người chết chưa rời khỏi cơ thể có thể khởi dậy tâm lý bất thiện, ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh giới tái sinh và thái độ sống của người tái sinh sau đó.
(ii) Sau khi liệm xong, các pháp tử chỉ lạy 3 lạy rồi đưa ra xe tang
Nguyện vọng của ngài là muốn tổ chức một lễ tang thật đơn giản, không nhiều hoa quả, đèn đuốc, nhang dầu v.v... như các tang lễ Phật giáo thường thấy. Cụ thể, HT. Thích Hải Ấn thay mặt cho Tổ đình Từ Đàm đã phương tiện, thay vì ban đầu di nguyện rằng sau 6 giờ kể từ giờ liệm thì các pháp tử chỉ cần lạy 3 lạy rồi đưa ra xe tang. Ban tổ chức đã để 3 ngày để chư Tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử xa gần có cơ hội đến chiêm bái Ngài trước khi lễ hoả thiêu chính thức được diễn ra.
(iii) Không bàn thờ, bát nhang, báo tang, thành phục, đưa đám và phúng điếu
Ban tổ chức đã tuân thủ theo di huấn của Đại sư Trí Quang làm đúng phần này, mà mục đích để cho người tu học Phật nhớ về nguyên lý vô thường là một quy luật chi phối tất cả mọi người. Dù là ai, vị thế xã hội nào, sau khi chết thì tất cả chúng ta đều trở về với cát bụi. Là người tu học, chúng ta nhớ lời dạy của đức Phật: Thi thể này, gia tài, sự nghiệp, động sản, bất động sản, mọi thứ trên đời và những gì chúng ta tạo dựng được không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi không phải là sở hữu của tôi.
Đại sư Trí Quang đã nhắc nhở chúng ta về thực tập phi ngã để không quan trọng hoá thi thể, cũng như lễ tang mà thông thường người tại gia vướng bận vào tình cảm, mối quan hệ huyết thống thường để lại những giọt nước mắt trong sinh ly tử biệt. Ở đây, Đại sư Trí Quang đã vượt lên trên tất cả những giới hạn thông thường đó.
(iv) Chuyển đến lò thiêu. Thiêu rồi đem về chùa làm tuần, chung thất, trăm ngày, tiểu tưởng và đại tường.
Ban tổ chức đã làm đúng với di nguyện này. Việc tiến hành các tuần thất cũng như là những dịp kỵ giỗ chủ yếu để nhắc lại cho tất cả Tăng Ni và Phật tử về những đóng góp to lớn của Đại sư Trí Quang trong việc bảo vệ Phật giáo khỏi nạn diệt vong của chính quyền Ngô Đình Diệm vào năm 1963, cũng như tấm gương sáng ngời, giới hạnh thanh cao và phụng sự Phật giáo để làm kim chỉ nam tu học cho cộng đồng Phật tử trong nước và nước ngoài.
(v) Mỗi lễ chỉ tụng một trong các Kinh: Địa Tạng, Kim Cương, Bồ-tát giới, Pháp Hoa và Thủy Sám
Đây là những bản Kinh, Sám văn và giới luật được Đại sư Trí Quang đã dày công phiên dịch, chú giải. Ngài gợi ý cho các pháp tử của Ngài cứ mỗi một tuần thất hoặc vào những ngày kỷ niệm chọn một trong các bài Kinh quen thuộc đó để đọc tụng, nhắc nhở cho tứ chúng về chân lý Phật, đạo đức Phật, đưa vào cuộc sống hành trì để được an vui hạnh phúc.
Cách làm tuần thất, tiểu tường và đại tường như thế này hoàn toàn khác với việc làm đám, cúng dường trai tăng tại các chùa. Chủ yếu đọc lại các bài kinh quan trọng của Phật giáo Bắc truyền để nhắc nhở sự hành trì của chúng đệ tử xuất gia và các Phật tử tại gia.
(vi)Mỗi lễ đều không thông báo và không mời ai dự cả
Ý nghĩa thâm sâu của di nguyện này là xem sự chết như điều hiển nhiên, sự ra đi của một bậc Đại sư âu cũng là quay trở về với cái quy luật vốn có của mọi sự vật. Đó là mọi vật có điều kiện được hình thành, tồn tại, phát triển một thời gian rồi đều phải có thời điểm kết thúc. Điểm khép lại của sự sống ở kiếp này đối với cơ thể của chúng ta không phải là dấu chấm cuối cùng của cuộc đời.
Đại sư nhắc nhở chúng ta điều đó, cho nên không nên quan trọng hoá việc làm lễ cúng thất, cúng 100 ngày, lễ tiểu tường, lễ đại tường và cũng không nên quan trọng hoá việc đưa kim thân của Ngài vào trong bảo tháp.
Vào thời đức Phật thì việc nhập bảo tháp được Ngài dạy trong Kinh Đại Bát Niết-bàn chỉ áp dụng cho 3 đối tượng: (i) Bậc Giác ngộ viên mãn (Phật), (ii) Thánh A-la-hán, và (iii) Chuyển luân thánh vương. Sau này các Chùa có khuynh hướng nhập bảo tháp các bậc cao tăng để các thế hệ đời sau nhớ đến công lao to lớn của các bậc tiền bối. Đó là phần phương tiện, mặc dù chư Tổ không hề có dụng ý như thế. Đại sư Trí Quang hoàn toàn không muốn các vị pháp tử làm tháp cho mình mà chọn giải pháp thiêu.
Lễ tang của Đại sư Trí Quang được xem là đơn giản nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tư duy sâu sắc hơn, những giá trị đóng góp của Ngài không thể bị giới hạn trong một bảo tháp, không giới hạn ở trong một buổi lễ, mà chúng mang ý nghĩa bất tận, bất khả tư nghì.
Cho đến lúc nào, chúng ta còn nghĩ đến việc bảo vệ Phật giáo, truyền bá Phật giáo, đưa Phật giáo vào trong cuộc sống như tinh thần phụng sự và đóng góp của Đại sư Trí Quang, thì đến lúc đó chúng ta còn gặp được Ngài dưới hình thức biểu tượng.
Lễ tang của Đại sư Trí Quang được xem là một “đại lễ” theo nghĩa bóng, mà trên thực tế là một lễ rất giản dị, không bê tích, lọng che, trống, kèn... Tất cả dựa trên sự tự giác, vì không hề có thông báo cùng vân tập về Tổ đình Từ Đàm tham dự lễ tang. Chư Tôn đức trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự GHGPVN, lãnh đạo 13 ban ngành Trung ương, 63 Ban Trị sự GHPGVN tại các tỉnh, thành, hàng nghìn Tăng Ni trên toàn quốc và hàng vạn các Phật tử vì lòng tôn kính bậc Đại sư có công lao to lớn trong suốt một đời tận tụy vì đạo mà đến viếng tang.
4. XÁ-LỢI XƯƠNG ĐẦU ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT TRÊN THẾ GIỚI
Sau lễ hoả thiêu một ngày, vào ngày 12/11/2019, khi mở nắp lò hoả thiêu ra toàn bộ gỗ của quan tài chứa đựng nhục thân Đại sư Trí Quang đã trở thành tro bụi, toàn bộ các xương lớn và cứng như xương sườn, xương tay, xương chân, đã trở thành các mảnh xương rất nhỏ, vở vụn.
Rất ngạc nhiên khi nhìn thấy toàn bộ xương đầu của Đại sư Trí Quang, còn gọi là “Xá-lợi thượng thủ” hay “Xá-lợi đỉnh cốt”[5] vẫn còn y nguyên với màu trắng tinh nổi trội và trở thành tiêu điểm quan tâm của đông đảo Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong nước và nước ngoài. Xá-lợi của Ngài đã được chia làm 3 phần dành cho 3 ngôi Chùa[6] phụng thờ: (i) Chùa Đại Giác, đường Lê Lợi, phường Hải Đình, Tp. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, (ii) Chùa Từ Đàm, số 1 đường Liễu Quán, phường Trường An, Tp. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế và (iii) Tu Viện Quảng Hương Già Lam, 498/11 Lê Quang Định, phường 01, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh (nơi Ngài đã có khoảng 15 năm tu tập và dảo đính lại các tác phẩm dịch thuật & chú giải của Ngài).
Tôi rất lấy làm tiếc là Chùa Ấn Quang, nơi Đại sư Trí Quang đã có mấy chục năm hành đạo. Có lẽ đó là ngôi chùa mà Ngài gắn kết đời của mình nhiều nhất, dài nhất và các tác phẩm do Ngài phiên dịch & chú giải được ra đời tại Chùa Ấn Quang, lại không nằm trong danh sách được nhận xá-lợi của Ngài để tưởng niệm và tôn thờ. Giá như Ban tang lễ và các pháp tử dành thêm một phần xá-lợi cho Chùa Ấn Quang thì sẽ trọn tình đạo lý hơn
Khi mở lò hoả thiêu ra, "Xá-lợi thượng thủ" của Đại sư Trí Quang như một khối ngọc trắng giữa một đống tro tàn. Những phần xương khác đều đã cháy vỡ và xỉn màu. Đối với những người, Hội, Đoàn theo Việt Nam Cộng Hòa, hay chống phá Phật giáo, thiếu thiện cảm với đạo Phật, muốn phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm thì nhân dịp này họ đưa ra những ngụy thuyết rằng đầu là phần xương cứng nhất của thân thể, do đó, còn lại xương đầu là bình thường. Thực ra, sau khi thiêu 24h, tất cả xương cứng trở thành các mảnh vụn, xương đầu tuy cứng, nhưng không cứng hơn xương đùi mà còn nguyên vẹn. Đó là chưa nói đến gỗ áo quan cháy rồi sập xuống mà không làm bể xương đầu của ngài. Đó là điều hiếm thấy và trở thành biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo.
Những người muốn phục hưng tinh thần độc tài của Ngô Đình Diệm nhân dịp này thường dùng hình ảnh đầu lâu để nói về cái chết, nỗi sợ hãi để xuyên tạc, làm mất đi giá trị đóng góp của Đại sư Trí Quang trong Pháp nạn Phật giáo 1963, cũng như các di sản của Ngài về phiên dịch kinh sách và hướng dẫn Tăng Ni tu học.
Những người muốn phục hưng tinh thần của Ngô Đình Diệm đã cố tình dựng lên những lý giải sai lầm, các thuyết ngụy biện để làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng của Việt Nam lần đầu tiên có “xá-lợi xương đầu”.
Đối với hàng nghìn người Việt Nam vô tội và hàng ngàn người Campuchia bị chủ nghĩa Khmer Đỏ[7] diệt chủng thì các nạn nhân đã để lại xương đầu, xương tay, xương chân, xương sườn là vì tất cả các loại xương này không qua hỏa thiêu, nên còn sót lại nhiều xương âu cũng là chuyện thường. Còn nhục thân của Đại sư khi đã qua trà tỳ 24h mà xương đầu vẫn còn nguyên là một điều vô cùng đắc biệt.
Xá-lợi (P=S. Śarīra) thường được phiên âm bằng những từ khác nhau, từ thông dụng nhất là xá-lợi hay thật-lợi (實利), thiết-lợi-la (設利羅), thất-lợi (室利)… Sarīra cũng có nghĩa là tử thi đối với người vừa mới chết hay di cốt còn sót lại sau lễ hỏa thiêu.
Đối với đức Phật, sau lễ hoả thiêu thì di cốt của Ngài được gọi là “Phật cốt” hay gọi là “Phật Xá-lợi”, được chia làm 8 phần để trao tặng cho 8 vị vua là đệ tử tại gia của đức Phật dựng tháp đá thờ ở tại nước của họ. Vào thời Đức Phật thì Ấn Độ là nước liên bang cộng hoà gồm 16 tiểu bang. Cho đến thời điểm hiện nay (2019), các nhà khảo cổ học mới khai quật được 3/8 tháp thờ xá-lợi thật của Đức Phật. Các xá-lợi Phật không có màu của các loại đá quý như ma-ni, mã não, trân châu, hổ phách, lưu ly như các phái đoàn Phật giáo Tây Tạng, Việt Nam đã trưng bày và triển lãm trong mấy thập niên qua. Thực ra xá-lợi thật không có màu ngọc đá. Xá-lợi thật trải qua giám định AND để xác định gien di truyền của Đức Phật Thích-ca và trải qua thử nghiệm C14 để đo được niên đại tương thích với Đức Phật Thích Ca.
Còn xá lợi được triển lãm bởi cộng đồng Phật giáo thế giới bao gồm Việt Nam và Tây Tạng trong thời gian qua, tạm gọi là “xá-lợi niềm tin”, chứ không phải là xá-lợi thật. Đó là những viên đá có màu sắc mà người ta đã mạo nhận làm xá-lợi của Đức Phật với mục đích vận động tài chính cho các Phật sự. Điều đó không được khích lệ vì nó sai với bản chất sự thật lịch sử. Để làm Phật sự thì chúng ta có nhiều cách để vận động chứ đừng đem những viên đá màu mà mạo nhận là xá-lợi thật của Đức Phật.
Trong Kinh Trường A-hàm, quyển 4, kinh Du hành; Bồ-tát xử thai Kinh (Kinh Trường A-hàm, quyển 3, phẩm Thường, Vô thường); Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Đề-bà-đạt-đa, có đề cập đến 2 loại xá lợi gồm xá-lợi toàn thân và xá-lợi toái thân.
Về toàn thân xá-lợi, sau khi viên tịch, một số Tăng sĩ Phật giáo dù không trải qua bất kỳ nghệ thuật ướp xác nào như trường hợp của các vua Pharaoh ở Ai Cập nhưng thân thể của các Ngài có thể tồn tại từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.
Ở Trung Quốc có xá-lợi toàn thân của Lục tổ Huệ Năng, Đại sư Hám Sơn… Tại Việt Nam, chúng ta có xá-lợi toàn thân của Thiền sư Vũ Khắc Minh, Thiền sư Vũ Khắc Trường, Thiền sư Trương Chuyết và Thiền sư Như Trí. Ít nhất cho đến thời điểm hiện nay cộng đồng người Việt Nam trong nước có được 4 xá-lợi toàn thân của bốn vị Thiền sư.
Tại Thái Lan thì cộng đồng Việt Nam có thêm xá-lợi toàn thân Thiền sư Bảo Soái là người có công phát triển cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại xứ sở chùa vàng, thành lập ra Tông An Nam, mà hiện nay các nhà sư Thái Lan kế thừa. An Nam Tông giữ truyền thống Phật giáo Việt Nam, mặc áo nhật bình của Phật giáo Việt Nam, tụng linh Hán - Việt của Phật giáo Việt Nam, sinh hoạt theo tập tục của Phật giáo Việt Nam. Thiền sư Bảo Soái khi qua đời đã để lại toàn thân xá-lợi, đó là hiện tượng rất quý, rất lạ của cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước. Về phương diện “xá-lợi toàn thân” thì Phật giáo Việt Nam phá kỷ lục trên thế giới là nước có xá lợi toàn thân nhiều nhất (gồm 5 nhục thân).
Về xá-lợi một phần (toái thân xá-lợi): Xá lợi này là kết quả của tiến trình hỏa thiêu hoặc trong vòng 8 – 24h bằng lò thiêu củi gỗ, hoặc lò thiêu đện tử. Tất cả những phần xương còn lại sau khi lễ hoả thiêu kết thúc thì được gọi là toái thân xá-lợi. Sự kiện Bồ-tát Quảng Đức tự thiêu, phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm với những đạo luật khắc khe, phân biệt đối xử tôn giáo, đàn áp Phật giáo, sau khi hỏa thiêu lần thứ nhất tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là CMT8 và Nguyễn Đình Chiểu) và thiêu lần thứ hai tại lò thiêu với nhiệt độ 4.000 độ C vẫn còn lưu giữ lại “xá-lợi trái tim” là một dấu ấn gây chấn động Phật giáo Việt Nam và toàn thế giới. Hiện nay, “trái tim bất diệt” của Bồ-tát Quảng Đức (trái tim từ bi) đang được tôn trí tại Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, được bảo vệ rất là cẩn mật.
Tại Trung Hoa, Đại sư Cưu-ma-la-thập, người có công phiên dịch Kinh điển Phật giáo Đại thừa từ tiếng Sanskrit qua tiếng Hán để lại “xá-lợi lưỡi”. Đại sư phát nguyện rằng nếu các công trình của tôi phiên dịch kinh điển ra tiếng Trung Hoa trung thực với những gì đức Phật đã dạy thì hãy để lại cái gì đó làm bằng chứng cho những điều này. Cái lưỡi là cơ quan để phát ngôn tạo ra ngôn ngữ, mà tinh hoa của ngôn ngữ là chân lý (nói như sự thật). Như vậy xá-lợi lưỡi của Đại sư Cưu-ma-la-thập tượng trưng cho việc Ngài phiên dịch các kinh điển của Ngài trung thực và chuẩn xác với lời Phật dạy.
Tương tự, Bồ-tát Thích Quảng Đức vì lòng từ bi lớn, trước cảnh tượng Phật giáo bị đàn áp, Tăng Ni bị bắt bớ, Phật tử bị chính quyền Ngô Đình Diệm giết chết, và Phật giáo có thể bị diệt vong khỏi bản đồ văn hoá - tôn giáo - chính trị Việt Nam, nên Ngài đã phát nguyện tự thiêu và để lại “trái tim bất diệt”. Trái tim đó được gọi là “trái tim từ bi”.
Như vậy, xá-lợi sau khi thiêu tuỳ theo hình thù và bộ phận còn lại mà ý nghĩa biểu tượng và giá trị thông điệp tạo nên nhiều niềm tôn kính như trường hợp của xá-lợi lưỡi của Đại sư Cưu-ma-la-thập và xá-lợi tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức.
Trong trường hợp của Đại sư Trí Quang thì chúng ta thấy là “xá lợi đầu”, mà đầu là nơi mà bộ não hoạt động. Khi ta nói người nào đó có “cái đầu thông minh”, “cái đầu trí tuệ”, “cái đầu sáng suốt” thì đều lấy cái đầu làm biểu tượng để đề cập đến. Do đó, không phải tình cờ do thiếu lửa hay lửa thiêu không đủ nóng mà xương đầu của Đại sư Trí Quang còn lại, trong khi toàn bộ các xương cứng khác trở thành vỡ vụn và xỉn màu.
Đại sư Trí Quang là linh hồn, là chìa khoá, là nhân vật quan trọng nhất của phong trào Phật giáo năm 1963, với phương thức đấu tranh bất bạo động, làm thức tỉnh chính thể Thiên Chúa giáo của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Giám mục Ngô Đình Thục về việc đàn áp Phật giáo, vi phạm luật pháp lúc bấy giờ, dẫn đến nỗi khổ niềm đau của cộng đồng Phật giáo ở miền Nam Việt Nam. Đại sư Trí Quang là đạo diễn chính để lại “xá-lợi đầu” và Bồ-tát Thích Quảng Đức là diễn viên xuất sắc nhất để lại “xá-lợi trái tim”. Bồ-tát Quảng Đức để lại trái tim từ bi bất diệt thì Bồ tát Trí Quang để lại xá lợi đầu, tượng trưng cho trí tuệ.
Trí tuệ và từ bi được xem là hai giá trị cốt lõi, quan trọng nhất đối với sự tu tập và hành trì của người Phật tử. Trí tuệ là tinh hoa, trí tuệ là mẹ sinh ra các Đức Phật, tức là sự giác ngộ toàn mãn. Trí tuệ được miêu tả trong kinh điển Pali là “ngọn đuốc soi sáng thế giới” và trong kinh điển Đại thừa, trí tuệ được xem là sự nghiệp quan trọng nhất của mỗi con người (duy tuệ thị nghiệp). Hễ ai có trí tuệ thì người đó thành tựu được sự nghiệp với sự lập nghiệp bền vững và thành công.
Đối với người tu học Phật, có được trí tuệ thì chặt đứt tất cả mọi phiền não, khổ đau, giải phóng tâm khỏi các trói buộc từ tham ái, sân hận, hoài nghi, hôn trầm, thuỵ miên, trạo cử, để đạt được sự giải thoát đích thực. Trí tuệ và giải thoát là mục tiêu hướng đến của tất cả những người tu học Phật.
Về màu sắc, xá-lợi thật có màu xương chứ không có màu của các loại ngọc đá. Đối với xá lợi xương thì có màu trắng hoặc màu xám xương, còn đối với tóc thì xá lợi tóc có màu đen. Đức Phật Thích-ca đã tặng cho hai thương gia vào tuần lễ thứ 7 sau khi Ngài giác ngộ dưới cội Bồ-đề những sợi tóc của Ngài để kỷ niệm, sau khi ngày tiếp nhận bánh sữa từ họ. Tại đây đánh dấu việc Đức Phật thành lập “Nhị Bảo”, bao gồm Phật Bảo và Pháp Bảo (những học thuyết quan trọng được Ngài thành lập trong 7 tuần lễ đầu sau khi giác ngộ dưới cội Bồ-đề).
Xá-lợi tóc của đức Phật hiện nay đang được tôn thờ tại bảo tháp cao 100m ở thủ đô Yangon của nước Miến Điện, được xem là bảo vật thiêng liêng nhất của cộng đồng Phật giáo Miến Điện. Không phải ai cũng có cơ hội nhìn thấy được “xá-lợi tóc” đó.
Theo Kinh Kim Quang minhdo Đại sư Trí Quang chú giải (quyển 4, phẩm Xả thân) có đoạn: “Xá-lợi là kết quả của quá trình huân tu Giới, Định, Tuệ rất khó đạt được, cho nên nó là ruộng phước tối thượng trên đời”. Đoạn kinh này cho chúng ta thấy rằng các xá lợi biểu tượng như là xá-lợi lưỡi của Đại sư Cưu-ma-la-thập, xá-lợi trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức, xá-lợi đầu tượng trưng cho trí tuệ của Đại sư Trí Quang…
Xá-lợi là kết quả của việc tu tập thanh tịnh về giới đức, hoàn thiện về thiền định và cao siêu về trí tuệ đạt được. Cho nên Tăng Ni và Phật tử phải tôn thờ các xá-lợi hình thù lục phủ ngũ tạng đó, mang tính cách biểu tượng đó như là ruộng phước để chúng ta chiêm bái, đảnh lễ, cúng dường, có giá trị như là việc chúng ta tạo phúc cho đời vậy.
Luận Đại Trí Độ, quyển 59 có đoạn như sau: “Xá-lợi là kết quả tu tập sáu pháp ba-la-mật”. Sáu pháp Ba-la-mật bao gồm bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ. Khi hoàn thiện được 6 toàn thiện mà các vị Bồ-tát thực tập thì sau khi viên tịch, làm lễ hoả thiêu, các bậc cao Tăng thường để lại xá-lợi, tạo niềm tin cho quần chúng nương vào tu tập, để phát huy nhiều hơn nữa sự hành trì Phật pháp, truyền bá chân lý Phật, mang lại lợi ích cho mình và cho nhân sinh.
Luận Đại Trí Độ tiếp tục dạy: “Cúng dường xá-lợi Phật, được phước báu vô lượng”. Tương tự các bậc đại sư hay cao Tăng thì xá-lợi của các Ngài trở thành niềm tin bất động về việc hành trì chân lý Phật đối với cộng đồng Tăng Ni và Phật tử trên toàn cầu.
Việc chúng ta tôn kính xá-lợi trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức, xá-lợi lưỡi của Đại sư Cưu-ma-la-thập, xá-lợi thượng thủ của Đại sư Trí Quang tượng trưng cho trí tuệ, xá lợi toàn thân của Thiền sư Vũ Khắc Minh, Thiền sư Vũ Khắc Trường, Thiền sư Trương Chuyết và Thiền sư Như Trí, Thiền sư Bảo Soái của Việt Nam, Đại sư Huệ Năng, Đại sư Hám Sơn của Trung Hoa thì đạt được phước báu thật khó tính đếm.
Như vậy, đối với cộng đồng Phật giáo Việt Nam, ngoài 5 xá-lợi toàn thân, chúng ta có 2 xá-lợi biểu tượng rất đặc thù trong vòng 56 năm qua. Năm 1963, khắp thế giới này sửng sốt trước xá-lợi trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức còn nguyên sau lễ tự thiêu lần thứ nhất tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt vào ngày 11 tháng 6 năm 1963, lần thứ hai tại lò hoả thiêu lên đến 4000 độ C suốt mấy tiếng đồng hồ mà trái tim vẫn còn nguyên, tượng trưng cho tinh thần từ bi, xoá bỏ hận thù, mong cho chính quyền Ngô Đình Diệm không nên phân biệt đối xử thiên vị Thiên chúa giáo để chà đạp lên nền Phật giáo, để mang lại niềm tin yêu đời sống hài hoà giữa những người theo các Tôn giáo khác nhau theo luật định.
Ngày 12 tháng 11 năm 2019, cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước và trên thế giới vui mừng vì Việt Nam có xá-lợi đầu duy nhất và đầu tiên trên toàn cầu, tượng trưng cho trí tuệ. Phật giáo Việt Nam trong phong trào đấu tranh năm 1963 với sự lãnh đạo tài tình của Đại sư Trí Quang có 2 biểu tượng xá-lợi rất là đặc biệt: xá lợi trái tim tượng trưng cho sự từ bi của Bồ-tát Quảng Đức và xá-lợi đầu tượng trưng cho trí tuệ của Đại sư Trí Quang.
Trí tuệ là giải pháp cho tất cả mọi vấn nạn, từ chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo, xã hôi… ở phạm vi toàn cầu, phạm vi châu lục, phạm vi khu vực, phạm vi quốc gia, phạm vi cộng đồng, phạm vi gia đình hay là phạm vi cá nhân. Áp dụng trí tuệ như giải pháp chúng ta sẽ khép lại toàn bộ nổi khổ và niềm đau.
5. ĐẠI SƯ TRÍ QUANG LÀ NHÀ CHÍNH TRỊ HAY NHÀ TU HÀNH?
Đại sư Trí Quang là bậc chân tu,[8] người có công làm đạo diễn lèo lái toàn bộ phong trào bất bạo động của Phật giáo hướng đến sự thành công.
Ngày 02/11/2019, cộng đồng những người Thiên Chúa giáo ở nước ngoài và trong nước trọng thể làm lễ tưởng niệm cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm. Những người theo Thiên Chúa giáo với tinh thần cực đoan ,cố tình xuyên tạc, vu cáo lịch sử, thoá mạ Bồ-tát Thích Quảng Đức bằng nhiều hạ sách khác nhau. Những thủ đoạn dở nhất, tệ nhất, lưu manh nhất họ cũng có thể sử dụng. Họ cho rằng Bồ-tát Thích Quảng Đức không hề có ý nguyện tự thiêu và Ngài bị người ta thiêu. Đây là lý thuyết mà bà Trần Lệ Xuân đã từng tuyên bố ngay sau sự tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức vốn làm chấn động trên toàn cầu.
Lịch sử bao giờ cũng là lịch sử, sự thật bao giờ cũng là sự thật. Cho nên những người phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm dù có muốn vu cáo, xuyên tạc, thoá mạ Bồ-tát Thích Quảng Đức đi nữa thì việc mà Ngài tự thiêu để lại “trái tim từ bi” soi sáng cho thế giới thấy rõ về chính sách đàn áp của ông Diệm là điều mà chúng ta không thể phủ định.
Các nỗ lực tiêu cực, đánh lừa lịch sử của nhóm phục hưng tinh thần độc tài Ngô Đình Diệm hòng làm cho quần chúng Việt Nam hiểu sai về pháp nạn năm 1963 vốn do gia đình của Ông Ngô Đình Diệm tạo ra và bắt đầu là Tổng thống Ngô Đình Diệm và Giám mục Ngô Đình Thục. Những người phục hưng tinh thần của Ngô Đình Diệm đặt ra một số câu hỏi mà nói đúng hơn đó là nguỵ biện để làm giảm đi ý nghiã cao quý thiêng liêng từ việc tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức.
Nguỵ biện thứ nhất, những người phục hung tinh thần Ngô Đình Diệm cho rằng Đại sư Trí Quang là một nhà tu hành hoạt động chính trị mà cụ thể là theo Cộng Sản hoặc theo CIA.[9]
Như chúng ta biết, Cộng đồng Việt Nam tị nạn ở nước ngoài do bất đồng chính trị, bỏ đất nước ra đi cho nên họ rất là thù hận Cộng sản. Ở nước ngoài khi người ta ghét một người nào đó, chỉ cần gán cái mác Cộng sản lên nhân vật đó là có thể làm cho nhân vật đó bị cô lập bởi xã hội thậm chí bị chống đối và gặp rất nhiều khó khăn. Cho nên đội cái nón cộng sản lên cho Đại sư Trí Quang là một việc làm thiếu lương thiện.
Cũng có một số người cho rằng Đại sư Trí Quang là thuộc hạ của CIA. Có khi người ta nói Đại sư theo cộng sản để chống lại thể chế Việt Nam Cộng Hoà đệ nhất. Có khi thì cho rằng Ngài là thuộc hạ hay con cờ của chính trị Mỹ, để làm rối thêm nền chính trị tại Việt Nam. Đó là những luận điệu rất sai trái mà người ta cố tính gán ghép lên Đại sư Trí Quang để hòng làm cho đóng góp to lớn của Ngài cho sự cứu nguy Phật giáo mất hết ý nghĩa cao quý của nó. Mục đích nó nằm ở chỗ này.
Đại sư Trí Quang suốt mấy thập niên qua hầu như không đính chánh về các ngụy thuyết mà người ta đã tấn công và vu cáo ngài. Có một lần Ngài chỉ tâm sự: “Khi người ta cho tôi cái nón cối hay là nón sắt hoặc là đi theo Cộng sản hoặc theo CIA thì trên thực tế, tôi không có một cái mũ nào hết.” Người ta càng gán nhiều cái mũ lên đầu ngài thì chứng tỏ rằng Ngài không có đội một cái mũ nào hết. Ngài giữ được truyền thống cao quý của Tăng sĩ đó là đội Đức Phật, Chân lý Phật và Tăng đoàn Phật lên đầu. Không theo bất kỳ thể chế chính trị nào.
Ngay sau khi chính thể chế Việt Nam cộng hoà đệ nhất bị sụp đổ, tôi đặt một giả thuyết, nếu lúc đó Đại sư Trí Quang ứng cử Tổng thống của miền Nam Việt Nam thì Ngài có thể đắc cử đấy. Thực tế, Đại sư Trí Quang đã không làm việc đó. Công việc của Ngài không phải là đi tìm kiếm vị trí chính trị, quyền lực, thế lực mà vốn người Phật giáo mà đặc biệt người xuất gia chúng tôi xem nó như xọt rác thôi.
Đức Phật Thích Ca là người đầu tiên chối bỏ cơ hội làm Vua, chọn con đường làm nhà tâm linh vĩ đại để mang lại lợi lạc cho nhân sinh, tức là giải quyết các vấn nạn khổ đau của con người. Đại sư Trí Quang đã noi theo tấm gương cao quý của Đức Phật Thích Ca cho nên Ngài đã vượt lên trên tất cả ý thức hệ chính trị bao gồm chính trị theo hươngs Cộng sản Chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam, chính trị theo hướng Tư bản Chủ nghĩa ở miền Nam Việt Nam, chính trị của Việt nam cộng hoà hay chính trị của Mỹ.
Tất cả những giới hạn chính trị của các thể chế chính trị đó là điều mà Đại sư Trí Quang đã nhìn thấy và nỗ lực vượt lên trên. Cho nên không nên bịa đặt, vu cáo Đại sư là đội nón cối theo Cộng sản hay đội nón sắt theo Hoa Kỳ. Đó là những luận điệu sai trái. Những luận điệu đó ra rả trong mười mấy ngày qua trong Cộng đồng chống Phật giáo ở nước ngoài. Đặc biệt, Thiếu ta Liên Thành trong 3 tác phẩm mang tính ngụy biện lịch sử của ông và những người đang nỗ lực phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm cố tình nói sai sự thật và gán tội cho đại sư Trí Quang. Trong khi trong lịch sử với 9 năm cai trị (1954-1963), Ngô Đình Diệm được chứng minh là người tàn ác, phân biệt đối xử tôn giáo, vi phạm luật pháp, đàn áp tăng ni, dẫn đến cố pháp nạn Phật giáo năm 1963.
Nguỵ biện thứ hai: Những người phục hung tinh thần Ngô Đình Diệm cho rằng Đại sư Trí Quang là ngườitiếp tay hỗ trợ làm sụp đổ chế độ Việt Nam Cộng hòa?[10]
Tôi cho rằng đây là điều rất là khôi hài, cũng giống như là “Cắm râu ông nọ vào cầm bà kia”, hoàn toàn không phù hợp, không có chút sự thật lịch sử. Chỉ là sự tưởng tượng khôi hài.
Toàn bộ phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 độc lập hoàn toàn với các ý thức hệ chính trị của những người đi theo ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục, cũng như độc lập hoàn toàn với các thế lực đối đầu với chế độ ông Diệm dẫn đến sự ám sát ông ấy vào ngày 02-11-1963.
Trong suốt mấy tháng pháp nạn Phật giáo năm 1963, từ chủ trương đến các thông cáo báo chí, các hoạt động tuyệt thực, ngồi thiền, đấu tranh bất bạo động mà Đại sư Trí Quang đã lãnh đạo cộng đồng Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ, hoàn toàn không hề đề cập đến ý thức hệ chính trị Việt Nam cộng hoà, không hề nỗ lực lật đổ chính thể. Phật giáo năm 1963 không làm chính trị nhằm lật đổ chế độ.
Ám sát ông Ngô Đình Diệm và lật đổ thể chế Việt Nam cộng hòa đệ nhất là công việc của các đảng phái chính trị và quyết định của chính phủ Hoa Kỳ, đồng minh của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Đệ nhị Việt Nam cộng hoà lên thay là do những người đó bất đồng với ông Ngô Đình Diệm lật đổ ông bởi sự tàn ác của ông ấy, sự đàn áp Phật giáo một cách bất công của ông ấy và nhiều chính sách sai lầm của ông ấy trong 9 năm cai trị, hoàn toàn không có liên hệ gì đến phong trào bất bạo động của Phật giáo cả.
Phật giáo năm 1963 không làm chính trị lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Chúng ta phải xác định rõ điều đó để thấy rõ được cái nguỵ biện của những người theo tinh thần phục hưng Ngô Đình Diệm, nhất là thiếu tá Liên Thành và các phương tiện truyền thông của người Việt Nam ở hải ngoại vốn do người theo Thiên chúa giáo nắm, đã cố tình ngụy biện lịch sử trong 56 năm qua.
Pháp nạn kết thúc cuối năm 1963. Việt Nam Cộng hòa sụp đổ 1975, trải qua vài chính thể Việt Nam cộng hòa lên thay thế. Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa thuộc về các đảng phái chính trị trong đó có việc quyết định tẩy chay, thay ngựa giữa dòng của chính phủ Hoa kỳ đối với chính quyền Ngô Đình Diệm và các tổng thống Việt Nam cộng hòa sau đó.
Tự thân Đại sư Trí Quang và phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963 không hề có mục tiêu dù chỉ là trong ý niệm, chứ đừng nói đến những hoạt động cụ thể nhằm lật đổ chính quyền Việt Nam cộng hòa lúc bấy giờ. Tôi khuyên ông Liên Thành và những người Thiên chúa giáo đang phục hưng tinh thần độc tài, độc ác Ngô Đình Diệm đừng nhập nhằn 2 vấn đề về bản chất vốn đã khác nhau làm một để đổ lỗi và quy trách nhiệm hết cho Đại sư Trí Quang. Đó là cái ác ý xấu xa của những người muốn phục hưng tinh thần Ngô Đình Diệm.
Hơn ai hết, nhóm ngụy biện lịch sử này biết rõ rằng Cộng đồng Việt Nam tị nạn ở nước ngoài ghét Cộng sản trong nước, phải gán ghép sự lãnh đạo của Đại sư Trí Quang mang lại hoà bình cho Phật giáo, công bằng cho Phật giáo làm sụp đổ chính quyền Ngô Đình Diệm để cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại căm thù Đại sư Trí Quang. Cái thâm ý của những người đưa ra thuyết nguỵ biện này nằm ở chỗ này.
Đáng tiếc nhất, gây phẫn nộ trong cộng đồng Phật tử chân chánh nhất là vụ việc ông thầy tự xưng, tự mặc áo tu sĩ Thích Thông Lai ở Hoa Kỳ là người tội lỗi nhất, kém văn hóa, thích nổ nhất, đã copy thuyết ngụy biện của thiếu tá Liên Thành, một người theo Thiên chúa giáo đóng vai Phật tử, đặc biệt lập lại ngụy thuyết này trong 2 quyển sách của Liên Thành gồm “Biến động miền Trung” xuất bản năm 2009 và “Thích Trí Quang, thần tượng hay tội đồ dân tộc” xuất bản năm 2014, đã hổn xược vu cáo và thóa mạ Đại sư Trí Quang là cộng sản, làm sụp đổ chế độ Việt Nam cộng hòa để những người chống cộng ở nước ngoài căm phẫn Đại sư Trí Quang.
Về bản chất, phong trào đấu tranh bất bạo động đầu năm 1963 của Đại sư Trí Quang là theo đường hướng của Thánh Gandhi của Ấn Độ, mà Thánh Gandhi học đường lối bất bạo động (Ahimsa)[11] của đức Phật Thích Ca. Mục tiêu đấu tranh bất bạo động của Phật giáo năm 1963 do đại sư Trí Quang lãnh đạo là để mang lại công lý, công bằng xã hội cho đạo Phật. Đồng thời, nhắc nhở chính quyền Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm và giám mục Ngô Đình Thục không nên vi phạm luật pháp mà chà đạp Phật giáo, ra lệnh cấm Phật giáo không được quyền treo cờ Phật giáo vào ngày Đại lễ Phật đản năm 1963, cũng như bắt bớ Tăng Ni một cách vô tội và giết chết 8 thiếu nhi tại đài phát thanh Huế.
Đại sư Trí Quang đã lãnh đạo phong trào đấu tranh vì công bằng cho Phật