;
Trước việc một số cơ quan truyền thông phương Tây cố y loan truyền lặp đi lặp lại hình ảnh các nhà sư Campuchia có liên hệ đến việc đốt cờ Việt Nam trong các cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh, gây tổn hại cho quan hệ Việt Nam – Campuchia, chúng tôi đã hỏi Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia về vấn đề này.
Là một người tu hành, Hòa thượng không muốn đề cập đến một vấn đề chính trị quá nhạy cảm, là việc biểu tình đốt quốc kỳ nước nhà, nhưng với tư cách một công dân yêu nước, khi được hỏi, Hòa thượng không thể không lên tiếng.
Trong mấy tháng gần đây, thỉnh thoảng tin tức về quan hệ Campuchia – Việt Nam lại nóng lên vì những cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Campuchia, đặc biệt với những hình ảnh và video đốt quốc kỳ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Những cuộc biểu tình như vậy được nói là do người Khmer Krom (người Khmer ở Tây Nam bộ Việt Nam). Còn hình ảnh việc đốt cờ Việt Nam bao giờ cũng gắn liền với một nhà sư Phật giáo.
Đốt quốc kỳ một quốc gia có quan hệ ngoại giao đã là việc cực đoan, quá khích. Hơn nữa, Việt Nam là một quốc gia làng giềng và có quá trình đoàn kết, hữu nghị lâu bền với Campuchia. Việc này cần được nhận định như thế nào? Thực chất vấn đề là ở đâu? Tại sao có liên quan đến Phật giáo? Làm gì để đối phó, hóa giải, nhằm giữ gìn và phát triển tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia trước những thách thức như thế?
Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch HT, như vậy trong thực tế đã có một âm mưu chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia lấy Phật giáo Campuchia làm điểm bắt đầu và không gian thực hiện?
Hòa thượng Thích Thiện Tâm (HT TTT): Dù vẫn không phải là không nhắc đến, thông tin chính thức trên báo chí trong nước về những cuộc biểu tình đốt cờ Việt Nam như thế rất hạn chế.
Do vậy, những bình luận chung của chúng tôi không thể tránh khỏi phần nào chủ quan. Tuy nhiên, nếu xem xét trong khuôn khổ một hướng nghiên cứu để tham khảo, thì chắc chắn sẽ có những đóng góp nhất định trong việc đi tìm những giải pháp cho vấn đề.
Các cơ quan truyền thông phương Tây vẫn có khuynh hướng không thiện cảm với Việt Nam thường nhấn mạnh yếu tố Khmer Krom (người Khmer sinh sống ở Tây Nam Bộ Việt Nam). Việc nhấn mạnh như thế là bất thường, cho phép công chúng nghĩ đến một sự cố ý và có thể không trung thực. Thực chất, họ không thể xác định chính xác có phải là người Khmer xuất xứ Tây Nam bộ biểu tình hay không?
Trong khi đó, khuynh hướng bài Việt Nam, chia rẽ tình đoàn kết Campuchia-Việt Nam, vẫn là một trong những khuynh hướng chủ đạo của một thiểu số trong chính trường Campuchia, trước kia chủ yếu ở Đảng Sam Rainsy, và nay ở Đảng hợp thành từ Đảng Sam Rainsy là Đảng Cứu Quốc Campuchia, đứng đầu là ông Sam Rainsy, cựu lãnh đạo Đảng Sam Rainsy.
Những cuộc biểu tình làm tổn thương tình hữu nghị Campuchia – Việt Nam có một nét chung giống như những cuộc biểu tình chống chính phủ Hoàng gia Campuchia do Đảng Cứu Quốc Campuchia tổ chức, là đưa những tu sĩ Phật giáo trẻ đi đầu, làm những việc cực đoan, như la hét, vung tay, và khai thác truyền thông triệt để những hình ảnh liên quan đến tu sĩ Phật giáo đó (trong trường hợp biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tu sĩ Phật giáo giữ vai trò chính yếu trong những hình ảnh đốt cờ).
Tu sĩ Phật giáo với những việc làm quá khích, đã có phần nào thiên về yếu tố bạo lực như vậy, có thể là tu sĩ giả, cũng có thể là một vài tu sĩ nào đó cá biệt. Nhưng rõ ràng, những người tổ chức cuộc biểu tình nhắm tới mục tiêu chia rẽ quan hệ hữu nghị Campuchia – Việt Nam đã cố ý khai thác yếu tố Phật giáo. Đây là điều chúng tôi quan tâm.
Bên cạnh nhiều ý đồ khác, như đưa người mặc y phục tu sĩ Phật giáo làm những việc cực đoan có thể gây khó khăn cho chính quyền Campuchia trong việc truy cứu trách nhiệm, lợi dụng hình thức tu sĩ để tạo nên những điểm nhấn kích động mang yếu tố tôn giáo, theo chúng tôi, việc khai thác hình thức ảnh người tu sĩ Phật giáo trong những cuộc biểu tình chia rẽ tình đoàn kết, hữu nghị Campuchia – Việt Nam là người ta đã chọn Phật giáo làm không gian trọng điểm hình thành tâm lý mâu thuẫn dân tộc. Đây là điều chúng tôi thấy cần thiết phải ghi nhận, để từ đó tìm kiếm những giải pháp để kịp thời ngăn chận, hóa giải, phá vỡ mưu toan lợi dụng Phật giáo làm nơi nhen nhóm mồi lửa mâu thuẫn.
Điều mà người ta đang hướng đến, là gây nên sự đối lập giả tạo giữa Phật giáo với nhà nước Việt Nam, cả tu sĩ tín đồ Phật giáo Campuchia lẫn tu sĩ, tín đồ Phật giáo Khmer tại Tây Nam Bộ Việt Nam. Chúng tôi, từ điểm nhìn của người Phật giáo, thấy đây là điều rất có hại cho Phật giáo nói chung, cả Phật giáo Campuchia lẫn Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ, là một bộ phận của Phật giáo Việt Nam.
Khai thác việc truyền thông hình ảnh tu sĩ Phật giáo Campuchia ở các việc làm cực đoan, quá khích chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị Campuchia – Việt Nam, không gì khác hơn là nhằm đánh vào tâm lý tôn giáo ở tu sĩ, tín đồ Phật giáo ở cả 2 nước và trên thế giới.
Vì vậy, quan tâm bảo vệ tình đoàn kết hữu nghị Campuchia – Việt Nam, quan hệ đặc biệt Phật giáo Việt Nam – Campuchia, nhất là vì lợi ích Phật giáo nói chung, tu sĩ tín đồ Phật giáo ở cả 2 nước và trên thế giới cần thấy rõ toan tính rất độc ác này, giữ gìn không để hình ảnh người tu sĩ Phật giáo bị lợi dụng vì mục tiêu của một thiểu số chính trị nào đó, không để Phật giáo là nơi người ta tổ chức, hình thành những mâu thuẫn có tính chất chia rẽ tình hữu nghị dân tộc, làm tổn hại đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Phật giáo Campuchia với nhà nước Việt Nam, cũng như quan hệ đoàn kết thống nhất của Phật giáo Nam tông Khmer Tây Nam Bộ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức luôn gắn bó, đồng hành với Tổ quốc Việt Nam.
Tình thế Phật giáo bị lợi dụng trở thành điểm nóng gây chia rẽ dân tộc, tôn giáo sẽ là tình thế gây thiệt hại lớn lao cho Phật giáo nói chung cả ở hai nước. Đây là điều mà tất cả mọi tu sĩ tín đồ Phật giáo phải thấy rõ là nguy cơ, từ những toan tính có hại cho Phật giáo, cần phải ngăn chận từ trong trứng nước, không thể để diễn ra ở bất kỳ hình thức nào, với bất kỳ mức độ nào.
Trong mọi hoàn cảnh, theo đúng lời dạy của Đức Phật, hành động cực đoan, quá khích, gây ra tổn hại, dù là về mặt tinh thần hay thể chất, đều hoàn toàn không phù hợp với lời dạy của Đức Phật.
Hơn nữa, việc khai thác truyền thông với dụng ý xấu hình ảnh người tu sĩ Phật giáo Campuchia cho thấy có thể đây là một sự dàn dựng với chỉ những người trong y phục Phật giáo, mà không phải là tu sĩ Phật giáo Campuchia thật sự. Đây là điều chúng tôi nghĩ rằng các cơ quan truyền thông Việt Nam chúng ta có thể đặt ra.
Thuyền thống Phật giáo ở những quốc gia theo hệ phái Nguyên thủy, trong đó có Campuchia, là Phật giáo không tham gia vào các hoạt động chính trị.
Việc các tu sĩ đi biểu tình chính trị đã là một điều vô cùng bất thường và khả nghi, huống nữa là đến mức gào thét, vung tay, đốt cờ như những hình ảnh cũng được cố ý khai thác hết sức bất thường, nếu không muốn nói truyền thông có dụng ý xấu, xuyên tạc sự thật.
Đối với đạo Phật, những người cố ý tạo ra và ra sức quảng bá những hình ảnh tu sĩ Phật giáo hành xử dữ tợn, kích thích hận thù dân tộc, là tác giả thật sự của những cuộc biểu tình như vậy thực chất bôi xấu hình ảnh của người tu sĩ Phật giáo trước công chúng thế giới. Người xuất gia tu hành chân chính trong Phật giáo không bao giờ có lời nói và việc làm mang tính hung hãn đưa tới chia rẽ và thù hận, vì những thế có thể nói đã phạm giới.
CS MT: Bạch HT, như thế quan hệ Phật giáo Việt Nam – Campuchia có vai trò quan trọng trong việc xây đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Campuchia, làm thế nào để phát triển mối quan hệ đặc biệt này?
HT TTT: Nếu một thiểu số làm chính trị ở Pnom Pênh có dụng ý xấu muốn khởi đầu sự chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Campuchia từ Phật giáo, với toan tính lấy Phật giáo làm nơi khơi màu mâu thuẫn chia rẽ, thì để đối lại, chúng ta cần xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Campuchia từ quan hệ khăng khít giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo Campuchia.
Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quan hệ với Phật giáo Campuchia cần được xác định là mối quan hệ trọng điểm, đặc biệt trong hoạt động hợp tác quốc tế cả về nhiều mặt, vượt lên trên những kết quả đã đạt được hiện nay. Ngoài hình thức thăm viếng, hành hương chùa chiền lẫn nhau của tăng ni Phật tử, có thể tìm kiếm những hình thức hợp tác mới trên những lãnh vực như giáo dục, hoằng pháp, truyền thống, văn hóa.
Việc giáo dục truyền thống quan hệ tốt đẹp Phật giáo Việt Nam với Phật giáo Campuchia cần là điểm nhấn, với nhiều hình thức nghi lễ, truyền thông, văn hóa nhằm đánh dấu, hồi ức các sự kiện nổi bật như Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam giúp đỡ chư tăng Phật giáo Campuchia khôi phục giới năm 1979, cũng như ảnh hưởng của Phật giáo Vương quốc Campuchia đối với việc thành lập hệ phái Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam thập niên 1940.
Nhân đây, chúng tôi dành sự quan tâm cho hoạt động truyền thông nhắm vào đối tượng là công chúng truyền thông Campuchia.
Từ năm 1979, chúng ta có đài phát thanh sóng trung bình tiếng Khmer hướng vào thính giả Campuchia, nhưng sau đó không còn.
Theo chỗ chúng tôi được biết, hiện nay các buổi phát hình tiếng Khmer đều của các đài địa phương Tây Nam Bộ chỉ hướng vào khán giả ở đây (Tây Nam Bộ), không phải khán giả ở Campuchia. Vì vậy, có lẽ lỗ hổng truyền thông Việt Nam hướng vào công chúng Campuchia là một vấn đề.
Trong bối cảnh đó, thì các nước Đông Nam Á lục địa như Thái Lan, Myanmar, Việt Nam đều có kênh truyền hình chuyên nội dung Phật giáo, nhưng Lào và Campuchia là chưa có những kênh truyền hình Phật giáo chuyên biệt như vậy, mà chỉ có chương trình Phật giáo trên các kênh truyền hình tổng hợp.
Một phương án được đề xuất ở đây: Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN, đơn vị đã có kinh nghiệm và nhân sự tham gia xây dựng kênh truyền hình An Viên có nội dung Phật giáo, xin phép cơ quan có thẩm quyền, nghiên cứu khả năng giúp Phật giáo Campuchia phái Maha Nikaya (Đại phái), dưới sự lãnh đạo của Đức Tăng thống Tep Vong, xây dựng và vận hành một kênh truyền hình Phật giáo Campuchia có nội dung tương tự kênh An Viên. Việc giúp xây dựng và vận hành một kênh truyền hình Phật giáo Campuchia sẽ tạo cơ hội truyền thông những nội dung mang đến lợi cho quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam – Campuchia và Phật giáo hai nước.
Trên đây là một phương án giải quyết những vấn đề về truyền thông chia rẽ làm tổn thương quan hệ giữa 2 nước Campuchia – Việt Nam như đã nói ở trên, nhất là trong bối cảnh nhóm đối lập ở Campuchia đang đòi hỏi và có kế hoạch xúc tiến thành lập một kênh truyền hình riêng của họ.
Nhu cầu của Phật giáo Campuchia, tôn giáo là quốc giáo có một kênh truyền hình là một nhu cầu hợp lý. Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN rất thích hợp trong vai trò hỗ trợ Phật giáo Campuchia xây dựng và vận hành một kênh truyền hình như thế. Điều đó sẽ mở ra cơ hội những chương trình truyền hình hợp tác, trong mối quan hệ giao lưu nhân dân, ngoài quan hệ nhà nước, nhưng khi cần sẽ có những nội dung thích hợp, có lợi cho quan hệ hai nước.
Truyền hình là một ngành truyền thông phát triển mạnh, chi phí ngày càng thấp, kỹ thuật và kỹ năng nghiệp vụ ngày càng phổ biến, nên phương án đề xuất như trên, cần được nghiên cứu.
Kênh truyền hình Phật giáo Đại phái Campuchia chắc chắn sẽ thu hút được một số khán giả Phật tử. Đó là sự chuẩn bị một số lượng lớn công chúng truyền thông để qua những chương trình hợp tác sản xuất giữa Phật giáo 2 nước, truyền thông và cổ động cho việc phát triển tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam – Campuchia.
CS MT: Xin chân thành cảm ơn HT. Kính chúc HT vạn an.
Minh Thạnh (thực hiện)