;
Mấy hôm trước nhìn tấm hình một bé oanh vũ trong gia đình Phật tử quỳ trước di ảnh của Ngài, hôm nay lại nhìn thấy Đức Đại Lai Lạt Ma cầm chân dung của Ngài nhìn và áp vào vai, lòng người như ấm lại trước những niệm trong lành.
Hình ảnh xúc động, Đức Đại Lai Lạt Ma cầm chân dung Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ nhìn và áp vào vai
Bồ tát Quán Âm có thể ứng hiện 32 biến hoá thân để làm lợi ích an lạc cho chúng sinh. Từ thân Phật, thân tỳ kheo, thân vua quan, trưởng giả, cư sĩ đến thân đồng nam đồng nữ…
Các thân ấy đồng lực kết thành một chiếc bè mà trở thành ơn cứu độ. Mình tự độ mình vì chính mình cũng đã là một mắt xích vững chắc trên chiếc bè ấy. Nếu mình liên kết với những mảng lớn khác sẽ tạo nên ơn cứu độ rộng lớn hơn.
Nói Bồ tát có thần lực chính là nói thần lực của 32 ứng hoá thân kia, vừa riêng mà vừa chung, tương quan không thể tách rời. 32 ứng hoá thân ấy hình thành Đức lớn vô uý. Một niệm khởi muôn niệm mà tạo ra an vui, giải thoát.
Bồ tát vừa là mình vừa là người cho nên 32 thân cũng như vô uý thân, vô ngã thân, Đức tuy cao vời mà vẫn thị hiện sự khiêm cung, nhỏ bé.
Một rừng cây bao giờ cũng có tầng lớp cao thấp khác nhau, nương dựa vào nhau. Cho nên thiền sư Pháp Thuận mới nói “quốc tộ như đằng lạc” (vận nước như dây quấn).
Đức Đạt Lai Lạt Ma phải rời khỏi Tây Tạng nhưng với 32 ứng hóa thân Bồ tát, hoá thân Ngài đã ở khắp các quốc độ. Hoá thân Thầy Tuệ Sỹ đã đến bên Ngài, cũng như một nguyên thủ, một tỳ kheo, một em bé, một bà lão đến bên Ngài.
Pháp thân Ngài đang có mặt trong những niệm hướng về Ngài. Ngài ở trong tim của họ. Chủng tánh Bồ tát cũng là chủng tánh Đại thừa được khơi dậy trong mỗi niệm mà tứ chúng, thất chúng đệ tử hướng về nhau.
Thập phương Tăng chúng là một tập thể hoà hợp thanh tịnh, không phân quốc gia, tổ chức, vùng miền. Đó cũng gọi là tăng thân khắp chốn. Đó cũng gọi là Đức tăng như biển.
Một viên đá to nặng đến mấy bỏ vào biền cũng chìm, nhưng kết thành chiếc bè nâng đỡ thì nổi. Đức tăng trong mười phương có thể kết thành chiếc bè ấy. Niệm lành của thất chúng đệ tử có thể kết thành chiếc bè ấy. Chớ khinh mạn ai mà cho rằng Đức họ chưa bằng mình. Một cây to đứng giữa khoảng trống cũng dễ gẫy đổ vậy.
Đức Tăng như biển, có thể hiểu phẩm hạnh, công đức của chư Tăng lớn như biển cả. Có thể hiểu nước biển chỉ có một vị mặn, giáo pháp chỉ có một vị là vị giải thoát.
Tăng bảo trong mười phương là tập thể thanh tịnh, không bị ràng buộc bởi một người không thanh tịnh. Tăng bảo vừa là phẩm mạo tăng tướng hữu hình ở thế gian, vừa là nguồn năng lượng của pháp thân vô lượng.
Trong kinh điển Nguyên thuỷ có ví Tăng bảo - một tập thể thanh tịnh như nước hồ trong mát. Tỳ kheo không thanh tịnh như người mang bùn đất. Người mang đầy bùn đất ấy lội xuống hồ nước rồi đi lên, không kì cọ tắm rửa, vậy thân thể có hết dơ dáy không?
Đương nhiên là không! Vậy thân thể vị tỳ kheo kia không hết dơ dáy, lỗi ấy thuộc vị tỳ kheo hay lỗi tại cái hồ nước trong?
Có người sẽ bảo trách nhiệm của Tăng đoàn là phải chọn người tốt để cho đi xuất gia thì sẽ bớt đi những tỳ kheo dơ dáy. Nhưng khổ nỗi có người ban đầu vào rất tốt nhưng sau lại xấu, có người khi vào xấu nhưng ngày lại thêm tốt hơn lên. Văn tư tu nhiều đời nhiều kiếp và nghiệp lực của mỗi người vốn rất khác nhau, nhân quả mới cũ liên hoản không lường hết được.
Vì thế trong kinh nói hành nghiệp và môi trường cũng có tương quan. Nhưng với một người dính đầy bùn dơ muốn xuống hồ tắm, không cái hồ nào lại bảo người đó hãy về nhà tắm rửa sạch sẽ trước đi rồi hãy xuống tắm hồ này.
Nếu thế hồ này không phải hồ gạn đục khơi trong, không phải là nơi chứa nước công đức gột rửa tam nghiệp.
Người xuất gia hoàn tục sớm giống như người dính đầy bùn đất vừa lội xuống hồ đã vội đi lên. Người xuất gia hoàn tục muộn như người trầm mình xuống hồ nhưng không kì cọ bùn đất, thân thể chưa sạch đã vội đi lên...
Người xuất gia thanh tịnh thì sẽ đồng nhất với hồ nước mát trong, có công năng làm sạch hết bụi bặm, xa lìa cấu tịnh. Vì thế Tăng bảo còn có ý nghĩa là Đức, là Lực, là Niệm là xuất thế gian.
Hiểu được tính của nước vốn là hoà, là rửa trôi, là làm sạch..., thì sống trong đức Tăng mới hưởng được vị của giải thoát, an lạc vậy!
Tam bảo là tự lực cũng là tha lực, là ảnh tượng Phật, là ban thờ, là xá lợi, là vòng chuỗi, là khăn trắng là bất cứ biểu tượng gì hướng tới cái đẹp, cái thiêng, cái thiện, để mỗi khi trong tâm khởi niệm tham sân si, quỳ trước Tam bảo (thập phương tăng) khởi niệm sám hối, sẽ lấy ngay lại được quân bình nơi thân tâm.
Chỗ nào không có ảnh tượng ban thờ thì hướng về nơi có ánh sáng, quán tưởng đạo tràng thánh chúng mười phương, hướng tâm sám hối, tâm tĩnh lại thì thân sẽ an. Tâm tĩnh thì dưỡng thần, thân động thì lợi khí. Cứ đem nguyên tắc ấy mà điều chỉnh động tĩnh thì sẽ nhanh lấy lại quân bình mà thôi.
Đời người như ánh chớp, nhưng pháp thân như ngọn đèn, từ ngọn đèn ấy mà mồi lửa thắp sáng cho nhiều ngọn đèn khác.
*Tựa đề do Người Phật tử đặt