;
“Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika dạy các Tỷ kheo:
- Này các Tỷ kheo, có hai hội chúng này. Thế nào là hai? Hội chúng tôn trọng tài vật, không tôn trọng diệu pháp và hội chúng tôn trọng diệu pháp, không tôn trọng tài vật.
- Này các Tỷ kheo, thế nào là tôn trọng tài vật, không tôn trọng diệu pháp? Ở đây, này các Tỷ kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ kheo trước mặt các gia chủ áo trắng, tự tán thán (hoặc chê trách) lẫn nhau như: “Tỷ kheo này là bậc Giải thoát, …, Tỷ kheo này là bậc có giới hạnh, theo thiện pháp.
Tỷ kheo này là kẻ ác giới, theo ác pháp”. Do vậy, họ được các lợi dưỡng. Sau khi được các lợi dưỡng, họ hưởng thọ, bị trói buộc, mê say, đắm trước, không thấy các sự nguy hại, không hiểu rõ sự giải thoát các lợi dưỡng ấy. Này các Tỷ kheo, đây là hội chúng tôn trọng tài vật, không tôn trọng diệu pháp.
- Và này các Tỷ kheo, thế nào là hội chúng tôn trọng diệu pháp, không tôn trọng tài vật? Ở đây, này các Tỷ kheo, tại hội chúng nào, các Tỷ kheo trước mặt các gia chủ áo trắng, không tự tán thán (hoặc chê trách) lẫn nhau như: “Tỷ kheo này là bậc Giải thoát, …, Tỳ kheo này là bậc có giới hạnh, theo thiện pháp. Tỷ kheo này là kẻ ác giới, theo ác pháp”. Do vậy, họ được các lợi dưỡng. Họ hưởng thọ các lợi dưỡng ấy nhưng không bị trói buộc, mê say, đắm trước, thấy các sự nguy hại, hiểu rõ sự giải thoát các lợi dưỡng ấy. Này các Tỷ kheo, đây là hội chúng tôn trọng diệu pháp, không tôn trọng tài vật.
- Này các Tỷ kheo, hội chúng tối thắng trong hai hội chúng này là hội chúng tôn trọng diệu pháp, không tôn trọng tài vật”.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Hội chúng [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.140)
LỜI BÀN:
Theo Pháp và Luật của Phật, hàng áo trắng (cư sĩ) không can dự hay chi phối bất cứ điều gì liên hệ đến Tăng sự. Sự tham mưu, góp ý xây dựng của hàng áo trắng về việc Tăng (nếu có) thì cũng chỉ đề đạt lên chúng Tăng, nhờ chúng Tăng xem xét và quyết định mà thôi. Đây là biểu hiện cụ thể của tinh thần “tôn trọng diệu pháp” mà bất cứ hội chúng đệ tử Phật nào, muốn chính danh Tăng-già, cũng phải tuân thủ và nghiêm chỉnh thực hành.
Không phải Thế Tôn quan ngại về “chuyện trong nhà chưa rõ mà ngoài ngõ đã hay”. Bởi người thế tục mà can thiệp hoặc xen vào chuyện Tăng nhiều quá, hoặc một vài chư Tăng vì các nguyên do nào đó mà cần sự hỗ trợ và tác động của người thế tục để được việc cho mình thì chắc chắn việc Tăng trong hội chúng đó chỉ thành tựu về mặt hình thức mà thôi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến Tỷ kheo chê trách hay tán thán lẫn nhau trước hàng cư sĩ, người thế tục. Nếu làm việc này chỉ vì lấy lòng, để được lợi dưỡng và hư danh thì quá tầm thường. Tỷ kheo luôn biết ơn thí chủ, nguyện đem sự tu tập của mình để hồi hướng phước báu cho họ. Nếu được hộ trì thì luôn tâm nguyện “muốn ít và biết đủ”. Hãy tự nỗ lực để dự phần vào hội chúng tôn trọng diệu pháp.
Khi Thế Tôn nhập Niết bàn, di huấn tối hậu của Ngài cho các Tỷ kheo là “Hãy lấy Pháp và Luật làm thầy” và “Hãy nương tựa hòn đảo chính mình”. Do đó, tuân thủ tuyệt đối Pháp và Luật hay “tôn trọng diệu pháp” là nhiệm vụ trọng yếu của mỗi Tỷ kheo.