;
1. Mở đầu
“Nói Đường Tăng được kinh qua cái nhìn Thiền tông”, không có nghĩa, đó là cái nhìn của tất cả những hành giả tu thiền. Chỉ vì trong phần luận giải, phải mượn những tình tiết liên quan đến Thiền tông mới hí luận được về nó, nên nói “Qua cái nhìn Thiền tông”. Luận ra đây, cũng không phải để chống đối hay hiển sự đúng sai đối với những quan điểm nghịch lại. Làm sao có thể khẳng định mình đúng người sai, khi mình không phải là chính tác giả? Chỉ là mượn gió đưa thuyền, mượn nôm bẫy cá … sẻ chia một chút “ngọt bùi” với những kẻ đồng duyên. Và để thấy, thực lý DUYÊN KHỞI đang chi phối thế giới này: Pháp không tánh cố định, chỉ tùy duyên hiện tướng. Tùy tâm thức của từng người mà pháp pháp thành sai biệt. Cảnh SỞ DUYÊN không còn ở vị trí của chính nó, mà đã thành SỞ DUYÊN DUYÊN qua tâm thức của từng người.
Do chỉ tập trung vào đoạn Đường Tăng được kinh, lại “Qua cái nhìn của Thiền tông”, nên đây không bàn đến quá trình thỉnh kinh gian nan ở phần trước, chỉ lạm bàn khi Đường Tăng đến được chân núi Linh Thứu trở về sau.
2. Chỉ thẳng chỗ tâm chứng
Vượt bao khổ cực sóng gió, đến được chân núi Linh Thứu, 4 thầy trò Đường Tăng được đại tiên Kim Đăng chỉ đường “Thánh Tăng! Hào quang ngũ sắc lưng chừng trời mà ngài thấy đó chính là Linh Thứu, cảnh giới của Phật Tổ”. Tôn Ngộ Không nói: “… Tuy thấy đó chứ còn xa …”.
Nguồn tâm chân nguyên vốn thanh tịnh trùm sáng, nhưng nó không phải là đối tượng để nhìn thấy được. Thứ gì còn trong vòng năng sở đối đãi, thứ đó có thể là chân, nhưng là đối với vọng mà nói, chưa phải là cội nguồn chân thật nhất tâm. Ngài Nam Tuyền nói “Không biết là vô ký. Biết là vọng giác”. So với tâm vọng động của chúng sanh, cái giác ấy tuy chân, nhưng nó chưa phải là TÁNH THỂ tột cùng, chưa phải là cái nhân PHẬT TÁNH để ta đạt được cái quả là NIẾT BÀN PHẬT, nên nói vọng giác. Vì thế, dù thân tâm không còn, chỉ hiện tiền một trạng thái thanh lương sáng khắp, nhưng là cái thanh lương mình còn cảm nhận được, thì vẫn chưa thoát được cảnh giới của thức ấm. Chỉ mới là cảnh SỞ MINH mà kinh Lăng Nghiêm đã nói. Ngài Thiết Nhãn nói “Lúc đó tâm của bạn rỗng rang như hư không. Bạn cảm thấy cả pháp giới hiện hữu trong ấy, như có cái gì thanh lương khó nghĩ… Khi trạng thái này tiếp tục một thời gian mà bạn nghĩ mình đã được giác ngộ, và thấy mình ngang hàng với Thích Ca hay Bồ Đề Đạt Ma là bạn lầm. Ngôi vị này là thể hội ấm thứ 5. Đây là điều mà kinh Lăng Nghiêm nói “Hội nhập cái tịch lặng, trở về bờ mé của thức”… Đây là thức thứ 8 của chúng sanh. Thức này chính là nguyên nhân đưa đến luân hồi… Mặc dù thức này gần giống với bản tâm nhưng không phải là bản tâm”. Chính vì vậy, “thấy rồi đó” mà vẫn “còn xa”.
3. Cầu độc mộc và thuyền không đáy
Sau khi Kim Đăng kiếu từ, 4 thầy trò tiếp tục đi và gặp một con biển đang nổi sóng. Đường Tăng hoang mang. Ngộ Không chỉ cây cầu trên biển nói “Cái cầu đằng kia, qua được mới thành Chánh giác”. Nhìn kỹ thì quả tình có một cây cầu độc mộc bắc vòng qua biển như cái mống. Đường Tăng lắc đầu “Cầu này người phàm làm sao đi được. Kiếm ngõ khác cho xong”. Tôn Ngộ Không nói “Có ngõ khác đâu mà kiếm. Đằng nào cũng phải qua cầu này”. Nói xong, Tôn Hành Giả qua cầu rồi trở lại dắt Bát Giới. Bát Giới sợ hãi, một mực đòi đằng vân. Tôn Hành Giả nạt “Chỗ này là chỗ nào mà đằng vân giá vụ? Phải qua cầu này mới thành Phật được”.
Muốn vượt biển sanh tử đến bờ giác ngộ, chỉ có cầu độc mộc và thuyền không đáy mới qua được.
Cầu độc mộc là cầu chỉ có một cây như cầu khỉ. Nhưng cầu khỉ còn thẳng, cầu này cong vòng không có điểm tựa. Muốn đi được cầu này, phải ‘độc hành độc bộ’ mới qua được cầu này. Không để tâm thức rơi vào nhị biên phân biệt, mới qua được cầu này. Muốn đến bờ giác, hành giả phải phá thẳng vào trí phân biệt của mình. Trí phân biệt là TƯỚNG ĐẦU trong LỤC THÔ của luận Đại thừa khởi tín. Trí phân biệt không phá, thì không thể nói chuyện làm Tổ thành Phật. Như không vào được cửa Đại Thừa Khởi Tín hay Trung Luận thì không bàn đến Hoa Nghiêm. Đó là con đường duy nhất để hành giả tu Phật đến được bờ kia. Chính là cửa BẤT NHỊ trong kinh Duy Ma, BÁT BẤT của Trung luận, tất cả đều PHI của Lăng Già v.v... Cầu này, thần thông không làm gì được. Dù thần thông bậc nhất như Mục Kiền Liên, cũng còn không xong, huống là thuật đằng vân của Trư Bát Giới.
Cầu tuy khó đi, nhưng nếu vững tâm quyết chí thì vẫn đi được. Một khi hành giả xác định được tinh thần và lập trường tu hành của mình cho rõ ràng: “Muốn làm Tổ thành Phật chỉ có đường này” như Ngộ Không đã từng quả quyết, thì dù khó khăn bao nhiêu mình vẫn qua được. Còn như Đường Tăng hay Bát Giới, mới buông vọng vài keo đã thấy nặng nề ức chế… rồi hoảng sợ thối lui, thì khó qua được cầu này.
Tôn Hành Giả qua được cầu này, nên có tên là Ngộ Không. Ngộ ra tánh không của vạn pháp thì đi được cầu này không mấy khó khăn. Nhân và quả không lìa nhau.
Đang phân vân thì bỗng đâu có con thuyền trôi đến, Đường Tăng cả mừng, nhưng khi nhìn lại thấy đó là thuyền không đáy, ông thất sắc nói “Thuyền không đáy đưa người sao đặng”. Người đưa đò nói “Thuyền này không phải tầm thường. Tuy là không đáy mà an vững…”. Nghe vậy nhưng Đường Tăng vẫn dùng dằng, liền bị Tôn Hành Giả xô ngay xuống thuyền. Sau khi bị xô xuống thuyền, thấy xác mình trôi lềnh bềnh trên sông, Đường Tăng qua đò đến được đất Phật, gặp được Như Lai, rồi theo Tôn giả Ca Diếp và A Nan đến chỗ để kinh.
Bàng cư sĩ nói “Khó khó khó, mười tạ dầu mè trên cây, vuốt”. Khó vì tâm mình vốn quen an trụ. Luôn phải có chỗ để bám víu nương tựa, không dễ gì chịu buông để tâm trở lại trạng thái VÔ TRỤ của nó. Sợ trống vắng, sợ mất kiến giải sở trường, sợ tan thân nát mạng… trăm ngàn cái sợ, trăm ngàn cái ngại, thành cầu đò luôn sẵn mà ít người đến được bờ kia. Nếu chưa một lần chết đi sống lại, cái mà người xưa nói “Tuyệt hậu tái tô”, thì chưa thể nào chiêm nghiệm được tánh Phật trong chính mình. Tánh Phật chưa nghiệm, thì quả Phật còn xa.
4. Văn phong của thiền sư
Sau khi cho 4 thầy trò xem tủ đựng kinh, A Nan và Ca Diếp nói với Đường Tăng “Thánh Tăng Đông Độ đến đây thỉnh kinh, có nhân sự chi tặng bọn ta chăng? Có thì đưa sớm để ta phát kinh”. Đường Tăng nói “Đường sá xa xôi, đệ tử không có sắm sửa”. Tổ sư trả lời “Giỏi! Giỏi! Giỏi! Đi tay không thỉnh kinh về lưu truyền thì kẻ đời sau chết đói”. Tôn Hành Giả thấy vậy đòi ra kiện Như Lai. A Nan liền ngăn “Đừng có rầy rà, chỗ này không phải là chỗ chơi, ra đây mà lãnh kinh”. 4 thầy trò lãnh được kinh, lên đường trở về Đông Độ.
Ca Diếp và A Nan là hai vị Tổ đầu tiên của Thiền Tông. Ca Diếp là người được Như Lai chia cho nửa tòa ngồi, vì khi Ngài đưa cành sen lên trên hội Linh Sơn, Ca Diếp là người duy nhất nhận được ý chỉ mà Như Lai đã nói. Chỉ yếu của Thiền tông là “Bất lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo, trực chỉ tâm người, thấy tánh thành Phật”. Tiếng hét của Lâm Tế, cây gậy của Vân Môn, ngón tay của Câu Chi… không hề thông qua văn tự kinh điển, nhưng không gì không phải là lời của Phật Tổ. Nó không khác cành sen trên hội Linh Sơn. Tâm tâm truyền nhau, ngay đó mà nhận, ngay đó mà tu, không qua kinh điển văn tự. Đơn giản, thẳng tắt… nhưng phải là hàng căn cơ bậc thượng mới nhận và sống được với tâm này. Ngàn kinh muôn luận, tám vạn pháp môn, chỉ với mục đích giúp người nhận được tâm này.
Nói về văn phong của người xưa, thường chỉ có văn phong của thiền sư là quái gở và khó hiểu. Tôn Túc sập cửa làm nát chân Vân Môn. Phổ Hóa vác hòm chạy khắp 4 cửa thành. Thiền sư Gessan, mặc lời biếm nhẽ chê bai của thiên hạ, luôn bắt mọi người phải trả tiền công rất cao cho những bức họa của mình v.v... Chẳng qua vì trí tuệ của chư vị không còn bị buộc ràng trong trí phân biệt, mọi hành sử không vì bản thân mà chỉ vì lợi ích của muôn người. Nên có khi, cái thấy phàm tình của người đời khó mà biện tới.
Hồng Châu Thủy Lão, lần đầu đến tham bái Mã Tổ, bị Mã Tổ đòi lễ “Ông lạy trước cái đã”. Thủy Lão liền cúi xuống lạy. Mã Tổ đạp một đạp, sư té nhào và hoát nhiên đại ngộ. Nếu khi Mã Tổ đòi lễ, Thủy Lão khởi liền cái thấy hướng ngoại như thầy trò Đường Tăng, cho thái độ đó là ngạo mạn, thì việc đại ngộ hẳn không xảy ra. Cho nên, việc A Nan và Ca Diếp trao kinh vô tự và đòi phẩm vật cúng dường - với cái nhìn của người đời là hối lộ gian lận - lại là chuyện thường tình dưới con mắt Thiền tông.
Tôn Hành Giả có thể thấy yêu ma quỷ mị biến hành, có thể thấy tướng Phật hóa hiện, nhưng tâm của chư vị Thiền Tổ thì dò không tới, mới đòi bẩm báo với Phật Tổ. Mới thấy “Đốn ngộ tuy đồng Phật, đa sanh tập khí thâm”. Dù từng một lần đặt chân lên đất Phật, từng một lần chết đi sống lại, thì phần tập khí sở tri vẫn còn. Ngay cả hàng Bồ tát ở giai vị Thập địa vẫn còn phần sở tri vi tế ngu, nên chưa thể có cái thấy thấu suốt như chư Như Lai. Thành “Chưa ngộ như đưa ma mẹ. Ngộ rồi, như đưa ma mẹ” là vậy.
Phong cách Thiền sư thì rất đơn giản: Ngay đó liền nhận, không nhận thì thôi, không có gì để bàn tiếp. Bung ra một câu mà thấy thiền khách không nhận được, chư vị liền phủi sạch. Vì thế, A Nan nói với thầy trò Đường Tăng “Đừng có rầy rà… thôi ra đây lãnh kinh”.