;
Thượng tọa Thích Thanh Phong, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Chùa Vĩnh Nghiêm TPHCM cho biết, nhiệm kỳ qua, các cấp giáo hội trong cả nước đã vận động các nguồn lực trong xã hội đóng góp được số tiền lên đến trên 2.500 tỷ đồng. Số tiền không nhỏ nói trên đã nói lên tấm lòng của những người con Phật với mong muốn đóng góp tiền bạc và công sức của mình để lo cho đồng bào nghèo cùng những mảnh đời bất hạnh có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bằng nhiều mô hình và phương thức vận động khác nhau, các cấp giáo hội đã khơi gợi được sự sẻ chia tài lực, vật lực của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như quần chúng nhân dân, kiều bào đang sinh sống trên toàn thế giới. Đặc biệt, sự chung tay góp sức từ tinh thần đến vật chất của các Tăng, Ni đồng bào Phật tử với các cấp chính quyền nhân dân đến các vùng bão, lũ… đã thật sự giúp đồng bào vượt lên nhiều khó khăn trở ngại xây dựng cuộc sống ấm no. Sự chung tay góp sức giữa nhà nước và quần chúng nhân dân Phật tử đã góp phần to lớn cải thiện đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào nghèo,
Có thể thấy rõ qua những con số đầy ấn tượng mà các cấp giáo hội trong cả nước đã làm được nhiệm kỳ qua. Trong đó, chỉ riêng hoạt động cứu trợ với số tiền và hàng hóa giúp đỡ đồng bào vùng bão lũ thiên tai ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, ĐBSCL… tổng giá trị đã lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, đã có gần 3.000 gia đình nghèo, gia đình chính sách được về ở trong những ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; 22.028 người mù nghèo thấy được ánh sáng; hàng ngàn em học sinh được đến lớp trong những ngôi trường mới; hơn 100 bà mẹ Việt Nam anh hùng được nuôi dưỡng.
Đặc biệt, người dân ở nhiều vùng nông thôn, vùng khó khăn đi lại được thuận tiện hơn nhờ có 250 cây cầu bê tông và hàng chục kilômét đường giao thông được xây dựng. Còn nhiều chương trình khác như xe lăn cho người tàn tật; phương tiện đi lại, máy vi tính, học bổng, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo… được thực hiện trong những năm qua, đã nói lên ý nghĩa cao đẹp của đạo Phật và đạo lý dân tộc Việt Nam “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”…
Tình thương xoa dịu nỗi đau
Hiện nay, trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam có hơn 1.000 lớp học tình thương, 36 cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật và hàng trăm Tuệ tĩnh đường Đông - Tây y kết hợp. Những năm qua, các cơ sở từ thiện trên đã phát huy được năng lực và thế mạnh của mình, không chỉ làm nhiệm vụ dạy dỗ, nuôi dưỡng, các cơ sở còn thăm nuôi khám và cấp phát thuốc cho hàng ngàn bệnh nhân.
Tuy nhiên để duy trì và làm tốt tất cả công việc từ thiện mang ý nghĩa cao cả nhân văn trên cần phải nói đến sự hằng tâm, hằng sản của không chỉ giới Phật tử nói chung mà còn là của toàn thể các tầng lớp nhân dân trong xã hội, đặc biệt là giới doanh nhân, các nhà hảo tâm đã đóng góp một cách thiết thực về tài chính và vật lực cho các hoạt động từ thiện xã hội.
Đây là những việc làm mang ý nghĩa nhân văn cao cả, như lời Hòa thượng Thích Như Niệm, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, còn là trách nhiệm và tình thương trong xã hội, khơi gợi tấm lòng nhân ái của nhiều người cùng tham gia chăm lo, xoa dịu nỗi đau, nỗi bất hạnh cho những con người không may mắn trong cuộc sống.
Một ý nghĩa xã hội to lớn khác thể hiện tinh thần Phật giáo gắn với dân tộc Việt Nam, đó là nét nhân văn sâu sắc qua những hoạt động xã hội, từ thiện đạt được những năm qua, đã hướng đến những con người bất hạnh. Những hoạt động hành thiện, giúp người, cứu đời của Phật giáo Việt Nam cũng đã góp phần cùng chính quyền các cấp quan tâm, chăm lo đời sống dân sinh và sự phát triển của cộng đồng, vì mục tiêu không còn người nghèo khó, bất hạnh trong xã hội.
|
Theo: Hoài Nam (SGGP