;
Gần đây, tại một số địa phương có xuất hiện tình trạng một số người giả danh nhà sư đi khất thực để xin tiền của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, khi liên hệ nơi quản lý thì không có nhà sư nào như vậy.
Nhà sư chân chính không đi hành khất, xin tiền
Trả lời VOV.VN, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, việc các nhà sư đi hành khất ở ngoài nơi thờ tự của mình là không đúng với Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Đức Thiện
Chương XI về Khuyến cáo, kỷ luật, tuyên dương công đức trong Nội quy ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quy định: “Tăng, Ni, Tự, Viện xây dựng nếp sống Đạo chân chính, lành mạnh, lấy lao động sản xuất tự túc hợp pháp, đúng chánh pháp làm nền tảng giải quyết các nhu cầu về vật chất trong đời sống thường nhật.
Cương quyết ngăn chặn hành vi khất thực phi pháp, lợi dụng hình thức Tu sĩ Phật giáo để làm trái với truyền thống của Đạo Phật. Tăng, Ni nào cần duy trì hạnh khất thực để biểu hiện một hạnh nguyện truyền thống đúng Chánh pháp, phải được Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo cấp Tỉnh chấp thuận cho phép bằng 1 giấy chứng nhận.
Các thành viên Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến chương Giáo hội, Nội quy Tăng sự Trung ương và Pháp luật Nhà nước”.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, nếu thực hiện việc hành khất ở ngoài nơi thờ tự mà không xin phép và có giấy tờ chứng nhận là đã vi phạm pháp luật và vi phạm Nghị định 92 của Chính phủ 2012.
“Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định đây là một vấn nạn và đã có các công văn gửi chính quyền các địa phương để ngăn chặn vấn nạn này. Tuy nhiên, đến nay vẫn có một số kẻ lợi dụng sự tín ngưỡng của người dân, giả danh nhà sư đi khất thực để trục lợi”- Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã thành lập Ban Kiểm tăng để kiểm tra việc giả danh nhà sư đi khất thực. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng rất mong các cơ quan báo chí tuyên truyền để người dân cùng cảnh giác trước những vị sư giả đi khất thực này.
Giả mạo nhà sư để lừa đảo tiền bạc là vi phạm pháp luật
Vậy dưới góc độ pháp luật, hành vi khất thực của những người giả danh nhà sư được nhìn nhận như thế nào?
Thạc sỹ-Luật sư Vũ Hồng Hoa, HTX Luật Đống Đa cho rằng, hành vi giả mạo nhà sư đi khất thực với mục đích lợi dụng lòng tin của mọi người để lừa đảo tiền bạc là vi phạm pháp luật. Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người phụ nữ giả sư khất thực gần Bệnh viện Từ Dũ (ảnh: NLĐ)
Theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định “Một số người dùng thủ đoạn giả mạo nhà sư và lợi dụng lòng tin của người dân để chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng”.
Nhà sư giả: Coi chừng ngồi tù
Theo Luật sư Vũ Hồng Hoa, trong trường hợp một số người giả danh nhà sư đi khất thực mà có một trong các yếu tố cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Cụ thể, nếu có một trong các tình tiết sau thì “nhà sư giả mạo” sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng trở lên; Chiếm đoạt tài sản dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý mà lại tiếp tục vi phạm.
Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nêu rõ: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-7 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng.
Phạt tù từ 7-15 năm đối với các trường hợp: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Luật sư Vũ Hồng Hoa cho biết, trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân”./.
Phạm Hà/VOV.VN