;
Chùa Quang Sơn là địa điểm rất lý tưởng cho các Phật tử đến sinh hoạt học tập giáo lý và các cụ cao niên đến vãng cảnh thưởng ngoạn và hòa mình vào với cảnh sắc thiên nhiên nơi đây.
Quang Sơn Cảnh Đẹp Uy linh
Mái cong ngói đỏ đậm tình quê hương
Chuông chiều mõ sớm du dương
Lời kinh tiếng kệ chỉ đường tu thân.
Chùa Quang Sơn không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn đẹp về kiến trúc nghệ thuật cùng đạo hạnh của vị tổ khai sơn. Chùa tọa lạc trên khu đất diện tích gần 6000 m2, tại thôn Tân Thượng, xã Quang Sơn, Thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Chùa Quang Sơn do liệt vị tiền bối sáng lập vào cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19, chùa nằm tại thôn Tân Trung xã Quang Sơn. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử chùa bị phá sập hoàn toàn vào năm 1968, đến năm 1989 chùa được nhân dân và Phật tử địa phương phục dựng và vị trí ban đầu đã được sử dụng vào việc xây dựng trường học cấp II của xã nên chùa được nhân dân xây dựng tại vị trí hiện nay: Cạnh Đền Mẫu thượng thôn Tân Thượng xã Quang Sơn thị xã Tam Điệp tỉnh Ninh Bình. Nơi đây xưa kia là một cánh rừng lau lách rậm rạp. Trải qua nhiều đời trụ trì nhưng do hoàn cảnh xưa kia dân cư thưa thớt nơi đây lại là một vùng rừng thiêng nước độc, nên các vị trụ trì cũng chỉ lưu dấu một thời gian rồi lại vân du nơi khác, chùa lại vắng bóng tăng ni. Trong đó phải kể đến Cố Hòa thượng Thích Thanh Tích vị trụ trì Chùa trong khoảng thời gian 17 năm từ năm 1920 đến 1937, cố Hòa Thượng cũng đã đặt tên cho chùa là Viên Quang Tự. Sau đó Hòa thượng đã nhận lời thỉnh cầu của Phật tử Thôn Sinh Dược xã Gia Sinh Huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình về Nhận và trụ trì chùa Bái Đính.
Cũng từ đây ngôi chùa không có trụ trì mà do nhân dân Phật tử địa phương trông coi quản lý.
Trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những năm 1952 - 1953 Nơi đây đã từng là Bệnh viện Kháng chiến tiền phương. Đã đóng góp to lớn vào chiến dịch Tây Nam Ninh Bình và mặt trận liên khu 4. Cũng tại nơi đây là trụ sở hội họp của Ban Chấp hành Đảng Bộ quân khu 3, điểm giao liên nối liền chiến khu Quỳnh Lưu huyện Nho Quan và chiến khu Ngọc Trạo tỉnh Thanh Hóa. Trải qua thời gian chiến tranh cộng với sự tàn phá của thời tiết khắc nghiệt cộng thêm yếu tố khách quan con người nên thời kỳ 1969 chùa bị phá hủy hoàn toàn. Theo các cụ cao niên kể lại khi chùa bị phá tượng Phật và đồ thờ thì bị đốt, cháy nghi ngút hàng tuần liền, các loại vật liệu như kèo, cột, cánh cửa và một số vật liệu khác nhân dân địa phương tận dụng làm nhà văn hóa và các công trình công cộng.
Với tấm lòng hướng về Phật Pháp của một số Phật tử mà chủ sướng là Cụ Trần Thị Nhỉ hiệu Diệu Nhì cùng với sự tín tâm của các Phật tử trong và ngoài xã đã vận động và xin phép các cơ quan chức năng cùng nhân dân và Phật tử thập phương phục dựng lại ngôi chùa trên vị trí khu đất cạnh đền mẫu Thượng như hiện nay. Do điều kiện kinh tế lúc bấy giờ còn quá khó khăn mặt khác số lượng Phật tử cũng còn khá khiêm tốn chỉ trên dưới 200 người nên ngôi chùa được phục dựng nhưng rất đỗi đơn sơ chỉ xây tạm được 1 gian hậu cung để thờ Phật, sau đó tiếp tục bổ sung thêm 3 gian tiền đường bằng tranh tre lứa lá với cấu trúc nhà cấp 4. Đến năm 1999 có một gia đình ở Thanh Hóa sau khi đến chiêm bái thấy cảnh vật nơi đây thật hùng vĩ và uy linh nhưng ngôi Tam Bảo thì lụp sụp nên đã phát tâm xin được xây dựng lại cho khang trang với tổng kinh phí thời điểm đó là 167 triệu đồng.
Cũng từ đây Phật tử ở các thôn trong xã, các tổ dân phố ở các phường như Nam Sơn, Tây Sơn, Bắc Sơn và Phật tử Thanh Hóa cũng như thập phương đều đặn lui tới để lễ bái cầu nguyện và học tập Phật Pháp. Số lượng Phật tử ngày một tăng dần.
Thể theo nguyện vọng của đông đảo Phật tử là có quý tăng Ni để hướng dẫn giảng giải giáo lý đạo. Năm 2003 và 2004 Ban trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình và các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình và Thị xã Tam Điệp đã tạo điều kiện để Đại Đức Thích Thanh Phú (Click vào tên Đại Đức để biết thêm tiểu sử) lúc đó đang là Ủy Viên Thường tực Ban trị Sự, trưởng Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Phật tử tỉnh, trụ trì chùa Lý Nhân xã Yên Bình đi về phục vụ lễ bái đời sống tâm linh cho Phật tử và nhân dân địa phương đồng thời tổ chức các buổi thuyết giảng Phật Pháp cho tín đồ và nhân dân Phật tử địa phương.
Ngày 12 tháng 04 năm Ất Dậu 2005 Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh có quyết định bổ nhiệm Đại đức chính thức nhận và trụ trì chùa Quang Sơn.
Theo quy luật phát triển tự nhiên, số lượng Phật tử đã tăng dần lên và hiện nay là trên 1500 người. Do đó ngôi chùa cũ không còn đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử trong vùng.
Được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền Tỉnh Ninh Bình, thị xã Tam Điệp và xã Quang Sơn cũng như sự tín tâm của các Phật tử và các nhà hảo tâm gần xa, ban Kiến thiết xây dựng được thành lập và tiến hành xây dựng lại ngôi Chánh điện.
Ngày mùng 2 tháng 12 năm Bính Tuất 2006 buổi lễ khởi công được chính thức tổ chức với sự tham dự của Cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Thức (Click vào tên Hòa Thượng để biết thêm tiểu sử) nguyên Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, trưởng Ban trị sự tỉnh Hội Phật giáo Ninh Bình, Chánh đại diện Phật giáo huyện Kim Sơn, viện chủ Tổ đình Yên Bình huyện Kim Sơn là Tôn sư của Đại Đức Thích Thanh Phú trụ trì chùa, buổi lễ còn có sự hiện diện của Hòa thượng Thích Thanh Đàm thành viên hội đồng chứng minh, ủy viên hội đồng trị sự GHPG Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình, Chánh Đại diện Phật giáo huyện Kim Sơn hiện nay.
Bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm cao cả, với bàn tay khối óc của các Phật tử đã sát cánh cùng Thầy trụ trì vượt qua mọi gian nan vất vả chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Sau 20 tháng thi công, ngôi chùa mới đã hoàn thành vào cuối năm 2008
Ngôi chánh điện mới được xây dựng bằng gạch tuynen Tam Điệp, hai tầng mái ngói theo hình chữ Đinh mặt tiền xoay về hướng chính Nam, với kết cấu Ximăng cốt thép, rui, vì bằng gỗ, mái lợp ngói giếng đáy Hạ Long.
Ngôi Chánh Điện mới có chiều ngang 8,3m, chiều dài 16m, hậu cung Tam Bảo chiều ngang 7,2m, chiều sâu 12,8m tổng diện tích xây dựng là 224,96m2, kiến trúc theo lối chữ “Đinh”. Tuy hình thức có mới nhưng vẫn mang dáng vẻ cổ kính của chùa miền Bắc với góc đao cong vút, 02 tầng mái ngói màu đỏ. Toàn bộ nền móng, đà, cột, đều đúc bêtông kiên cố, tường xây gạch, mặt trong sơn nước. Nền lót gạch granite. Toàn bộ cánh cửa, bao lam, án thờ đều làm bằng gỗ quý, chạm trổ rất tinh vi.
Hai bên bậc cấp dẫn lên thềm tiền đường Chánh điện là hai con rồng lớn bằng đá xanh do thợ đá làng nghề Ninh Vân thi công và lắp đặt. Chánh điện chia làm 3 gian, gian trong trên cao thờ Tam Thế Phật và Chính giữa gian trong Chánh điện thờ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ngự trên tòa sen trong tư thế mỉm cười tay cầm bông sen giơ lên, chiều cao khoảng 3,50m. Gian thứ 2 thờ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi tọa trên lưng Sư tử xanh và Bồ Tát Phổ Hiền ngồi trên lưng Bạch Tượng
Bên Phải của Chánh điện là nhà thờ Tổ: thờ Tổ Đạt Ma, cố Hòa Thượng Thích Minh Thức và cố Hòa thượng Thích Thanh Tích cùng liệt vị tổ sư khai sơn chùa Quang Sơn. Hai bên tả hữu là bàn thờ chư hương linh hữu công.
Ngoài việc tu hành, xây dựng ngôi Tam Bảo, Đại Đức Trụ trì Thích Thanh Phú luôn quan tâm đến việc hoằng truyền chánh pháp tại bản tự, Đại đức đã thành lập một Ban Hộ tự tại địa phương và 15 chúng Phật tử ở các nơi, với hơn 1.500 Phật tử. Hằng tháng vào những ngày trai sám hối 08, 14, 23, 29, , Đại Đức Trụ trì đều lên lễ Sám Nguyện hoặc thuyết giảng Phật Pháp cho Phật tử tại địa phương. Riêng 15 chúng ở các nơi về chùa sinh hoạt, tu học vào lúc 08 giờ sáng những ngày mùng 1, 15 và 23 âm lịch hàng tháng. Riêng ngày 23 tổ chức khóa tu. Đại Đức cũng cưu mang nuôi dưỡng một số cụ già neo đơn, hoặc hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt Đại Đức rất quan tâm đến các em mồ côi, hiện có 3 em đang được nuôi dưỡng tại chùa. Ngoài việc hướng dẫn Phật pháp cho các Phật tử, hàng năm vào các ngày lễ, tết Đại Đức còn đi thăm tặng quà cho các gia đình chính sách, các cụ già neo đơn, các Phật tử cao tuổi, các cháu mồ côi và các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Dịp tết Canh Dần 2010 năm nay đại đức đã tổ chức chúc thọ cho các Phật tử cao tuổi và có buổi lễ cầu nguyện chúc phúc an lành cho trên 300 Phật tử là những cụ từ 70 tuổi trở lên.
Đặc biệt vào dịp Đại lễ Phật Đản năm nay đại đức cũng đã phối hợp với Ban Hộ tự và Hội Phật tử của chùa tổ chức lễ mừng tuổi đạo cho các Phật tử có thâm niên quy y Tam bảo từ 10 năm trở lên trong đó có những thanh thiếu niên Phật tử tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có tuổi đạo lên đến 15 năm và cũng có những Phật tử đã có trên 50 năm tuổi đạo.
2 năm trở lại đây vào dịp rằm tháng 7 Chùa Quang Sơn đã tổ chức lễ Vu Lan Thắng Hội đã có hàng ngàn Phật tử tham dự và đồng thời tổ chức lễ Phả độ gia tiên cho cửu huyền thất tổ cho hàng ngàn gia đình trên địa bàn Thị xã. Tổ chức khám bệnh miễn phí cho các cụ già neo đơn hoàn cảnh khó khăn tại khắp các xã trên địa bàn thị xã Tam Điệp và các huyện Hoa Lư, Yên Mô, Gia Viễn Nho Quan và Kim Sơn...
Đặc biệt hiện nay cùng với sự tham gia tình nguyện của đội ngũ Phật tử tại Thành Phố Ninh Bình. Đại đức Trụ trì Thích Thanh Phú đang duy trì quán cháo Thiện Tâm để hàng ngày phát cháo miễn phí cho các bệnh nhân đang nằm điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Ninh Bình, hàng ngày có từ150 đến 300 bệnh nhân đến nhận cháo.
Chùa Quang Sơn hiện nay đang trên đà xây dựng kiến thiết nhưng cũng có khuôn viên rộng lớn với nhiều cây cao bóng mát quanh năm, nhất là vào dịp tết đến xuân về nhìn khung cảnh bốn bề sương phủ, nghe tiếng nhạc niệm Phật du dương thanh thoát, khiến người đến vãng cảnh du xuân như lạc vào bồng lai tiên cảnh và tưởng như đang được đi thăm Đà Lạt, SaPa. Chùa Quang Sơn là địa điểm rất lý tưởng cho các Phật tử đến sinh hoạt học tập giáo lý và các cụ cao niên đến vãng cảnh thưởng ngoạn và hòa mình vào với cảnh sắc thiên nhiên nơi đây.Để tạo điều kiện cho Phật tử tại gia cắt bớt trần duyên, hầu thúc liễm thân tâm, tinh tấn tu tập, cầu giải thát khổ đau trong hiện tại cũng như tương lai, Đại Đức đã tổ chức Khóa tu bát quan trai và một ngày an lạc tại chùa Quang Sơn vào ngày 23 hàng tháng. Số lượng Phật tử tham dự khóa tu khi mới tổ chức là 30 người, thời gian tu tập 01 ngày đêm. Đến nay, số lượng Phật tử về tham dự mỗi khoá trên dưới 300 người. Ngoài ra, mỗi mùng 1 đầu tháng và 15 giữa tháng đều có thuyết giảng giáo lý với số lượng Phật tử tham dự ngày càng đông, có từ 300 đến 500 người.Chùa Quang Sơn thuộc hệ phái Lâm Tế Chính tông, đã trải hàng chục đời trụ trì :
1. Từ khi mới xây dựng cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19 do chiến tranh nên không còn tư liệu chỉ nghe qua ý kiến các cụ cao niên thuật lại.
2. Từ 1920 đến 1937 Cố Hòa thượng Thích Thanh Tích.
3. Từ 2003 đến 2007 Cố Hòa thượng Thích Minh Thức chứng minh đạo sư và đến mùng 1 tháng 2 năm Đinh Hợi 2007 Hòa thượng viên tịch.
4. Từ 2005 đến nay : Đại Đức Thích Thanh Phú là trụ trì chùa Quang Sơn.
Hàng năm vào ngày mùng 1 tháng 02 âm lịch, chùa Quang Sơn tổ chức ngày húy kỵ cố Hòa Thượng Thích Minh Thức và liệt vị tiền tổ rất trọng thể.