;
Những hình ảnh Phật giáo được gọi là “Chế vui”
Hồn nhiên thể hiện... cái tôi thiếu hiểu biết
"Chế" vui đạo Phật được khởi nguồn từ trào lưu vẽ minh họa những hình ảnh biểu trưng trong Phật pháp. Đây được coi là một "mảnh đất màu mỡ" để các "họa sỹ vườn" thể hiện mình. Quốc Dũng (học sinh lớp 11, trường THPT Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) là một cao thủ trong làng vẽ tranh "chế" cho biết, từ lâu trào lưu này đã trở thành sở thích của mình. Trước đây, cậu thường "chế" phỏng theo truyện tranh Doremon với những điệu bộ, lời nói hài hước để dành tặng bạn bè.
Được một thời gian thì thú vui này trở nên nhàm, cậu liền quay sang minh họa các hình ảnh Phật pháp nhưng biến tấu đi cho hài hước. Để chứng minh cho lời mình nói, cậu hào hứng khoe những bức hình đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng bằng việc hóa trang cho ngài như một bản sao của "Tiểu Yến Tử".
Hay hình ảnh Đường Tăng thay vì cưỡi ngựa trèo đèo, lội suối đi thỉnh kinh sẽ được "chế" thành cưỡi dê, còn gậy vàng để cứu độ chúng sinh được thay bằng cây chổi quét nhà... Dường như chỉ minh họa thôi chưa đủ, nhiều bạn trẻ còn thay mặt những nhân vật tôn kính của Phật giáo để "chế" thành những phát ngôn mang tính hài hước, gây cười.
Thành Nam (sinh viên năm thứ hai, trường đại học Luật Hà Nội) tỏ ra khoái chí khi "chế" lời đức Phật về nội dung câu thần chú thành việc giải mã những mật khẩu "sặc mùi" công nghệ thông tin: "Pass Wifi là Taythien nhé! Con nén vào rồi dùng USB copy hay phone để ta gửi qua email cho rồi về giải nén. Khổ thân, cần gì phải sang tận đây cho mất công...".
Trái ngược với thái độ hài lòng của chủ nhân bức vẽ, cô bạn Ngọc Anh (bí thư chi đoàn một lớp của trường THPT Xuân Đỉnh tỏ ra bất bình, gọi những bức tranh "chế" này với nội dung của người không hiểu biết. Ngạc nhiên hơn, tốc độ lưu truyền tác phẩm của các "họa sỹ vườn" này lại khá chóng mặt trên diễn đàn và các trang mạng xã hội!.
Tuy nhiên, theo sự bật mí của Thành Nam, việc vẽ truyện tranh minh họa xuyên tạc chủ đề Phật pháp đã trở nên "xưa như diễm". Ngày nay, với công nghệ photoshop, nhiều bạn chỉ cần liếc qua cách làm là đã có thể thỏa sức cắt dán tùm lum và coi đó là "sự sáng tạo nghệ thuật đẳng cấp".
Chỉ cần kích chuột vào bất cứ một Facebook cá nhân hay trên các diễn đàn đều dễ dàng thấy một bức ảnh mô phỏng cảnh thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh nhưng khuôn mặt lại là những người nổi tiếng, cụ thể là những thành viên ban giám khảo của một gameshow giải trí đang ăn khách "Vietnam's Got Talent".
Thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh được "thay hình đổi dạng" bằng những gương mặt người nổi tiếng, gây phản cảm cho người xem.
Thậm chí, nhiều người còn hào hứng với vai trò stylist (sáng tạo thời trang) theo trường phái Phật giáo có cách điệu biến tấu. Mục sở thị trang Facebook cá nhân của một cô bạn trong danh sách bạn bè của cô cháu gái, phóng viên không khỏi ngạc nhiên bởi chủ nhân của Facebook là một bạn gái xinh xắn với nich name Cún Xinh cũng khá dễ thương. Để giới thiệu về bạn mình, cô cháu gái hào hứng khoe: Nhiều người không khỏi bật cười bởi hình đại diện "độc" của chủ nhân.
Mục sở thị tận mắt bức hình của Cún Xinh với bộ dạng mình choàng khăn tắm chéo vai giả làm áo cà sa, tay cầm chổi thay vì cầm trượng vàng, còn mũ đội đầu được thay bằng chiếc rổ. Nữ chủ nhân này đang "tọa" với tư thế ngồi thiền quen thuộc, nhưng từ nét mặt đến nụ cười đều không thấy toát lên vẻ nghiêm túc mà cười cợt rất phản cảm. Đáng ngạc nhiên hơn khi phóng viên hỏi, cô cháu gái còn hồn nhiên khoe: "Nhiều bạn nam ở lớp cháu còn tạo dáng mô phỏng Nữ thần tự do, đức chúa Giê su hay bất cứ một nhân vật nổi tiếng nào...".
Trò đùa trở thành... trò lố nguy hại đáng lên án
Mới đây, hàng ngàn cư dân mạng xôn xao, không ít người tỏ ra phẫn nộ khi được xem những hình ảnh ghi lại trong clip "thầy trò đường tông đi thỉnh bao cao su". Nội dung clip dài hơn 1,5 phút được xây dựng dựa trên cốt truyện thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh ở Tây Thiên trong bộ phim dài tập Tây Du Ký của Trung Quốc. Có điều, mục đích thỉnh kinh được chế thành đi tìm phương thuốc hiệu nghiệm giúp dân tình thoát khỏi đại nạn HIV và AIDS.
Trên đường đi gặp nhiều gian nan thử thách và phải chiến đấu với nhiều thế lực xấu nhưng cuối cùng họ cũng đến được Tây Thiên và gặp Phật tổ Như Lai. Kết quả của chuyến thỉnh kinh là một dụng cụ bảo vệ cho người dân của vương quốc khỏi HIV/AIDS mang tên bao cao su... Dường như không hài lòng với thông điệp "thiếu muối" của clip trên, nhiều nick name tỏ ra phẫn nộ thực sự khi hình ảnh Phật pháp vốn trang nghiêm bị bôi nhọ.
Nick name Tuanbi201 chia sẻ trên diễn đàn yeuphatgiao.com: "Dùng hình ảnh Phật pháp và biểu tượng văn hóa tinh thần của con người mà đem gán ghép một thông điệp dung tục. Phật mà đưa bao cao su. Đó là hành động vô lễ đáng lên án, sao có thể gọi là thông điệp...".
Trong khi đó, nhiều bạn còn tỉ mỉ ngồi cắt ảnh từ chính clip này để đăng tải trên Facebook cá nhân và coi đó như một thông điệp mình san sẻ cho bạn bè. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, không ít người tỏ ra bất bình thực sự trước sự hồn nhiên quá đà của ekip làm clip này.
Đại đức Thích Thanh Nguyện (trụ trì chùa Linh Ứng - Từ Liêm - Hà Nội) cho biết: "Hình ảnh của các vị Phật, Bồ Tát những hình tượng tiêu biểu của đạo Phật, được được hàng triệu người trên khắp thế giới nghiêng mình tôn kính. Việc một số người là thế hệ tương lai rất thiếu ý thức, đem ra giễu cợt một cách thậm tệ khiến những người tu hành như chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm nặng nề...".
Phụ huynh loay hoay đối phó cho con cái Chị Minh Lan (Mai Dịch - Hà Nội) lại kiên quyết bày tỏ sự phản đối bằng chính hành động của mình áp dụng cho "cục cưng": "Mình đã yêu cầu con hủy kết nối với những người bạn thiếu ý thức trên mạng ảo, bởi việc hồn nhiên đem những hình ảnh tôn giáo, tâm linh để "chế" vui một cách quá đà thể hiện sự hiểu biết nông cạn cũng như thiếu ý thức của một bộ phận giới trẻ. Các trang mạng xã hội cần thắt chặt sự quản lý về những hình ảnh cá nhân được tung lên, tránh gây hoang mang và phẫn nộ với tín đồ của các tôn giáo...". |
Linh Nhi - nguoiduatin.vn