;
Khói thuốc, oai nghi lễ dâng y Kathina?
Đằng sau sự việc hôn môi sư thầy đấu giá rượu là gì?
Phát sinh vấn đề từ chuyện trùng tu chùa cổ
Chùa Sùng Đức (thôn Văn Khê, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội) là ngôi chùa không có sư trụ trì mà do người dân địa phương thay nhau trông coi, quản lý. Đây là ngôi chùa cổ có tuổi thọ hơn 600 năm, trải qua nhiều biến cố của lịch sử, chùa vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, do chiến tranh, ngôi cổ tự nay chỉ còn là dấu tích. Cùng với đó, các hạng mục của chùa Sùng Đức đã bị mối mọt và xuống cấp nghiêm trọng.
Năm 2005, nhà chùa cùng các Tăng ni Phật tử tổ chức trùng tu ngôi Tam Bảo. Đây là một trong những hạng mục quan trọng nhất trong nhiều hạng mục như nhà Tổ, tháp Dược Sư, Quan Âm các, khách đường. Dự kiến thời gian khởi công trùng tu hạng mục đầu tiên (ngôi Tam Bảo) sẽ được tiến hành vào ngày 22/10/2006.
Nội dung và nguyện vọng trùng tu trên được viết trong Tờ trình số 01-TT/SĐT của chùa Sùng Đức gửi UBND xã Nghĩa Hương ngày 17/10/2006. Theo đó, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương đã nhất trí với tờ trình của chùa Sùng Đức.
Cùng ngày, UBND xã Nghĩa Hương có Quyết định số 20/QĐ-UB về việc thành lập Ban kiến thiết tôn tạo chùa Sùng Đức. Ngày 25/7/2010, chùa Sùng Đức lại tiếp tục có tờ trình lên các cấp chính quyền xin được xây dựng thêm các công trình phụ trợ khác, bao gồm nhà tổ, hai dãy nhà tả - hữu vu, nhà tăng xá.
Trao đổi với PV, sư thầy Thích Đạo Tú, người được giao trách nhiệm trông coi chùa Sùng Đức cho biết, nhà chùa tha thiết mong được trùng tu những hạng mục đã xuống cấp để ngôi chùa trở nên khang trang, bề thế, có tầm vóc trong khu vực. Chùa sẽ là nơi để toàn thể phật tử và người dân thập phương đến để chiêm bái lễ Phật cũng như tu tập theo giáo lý nhà Phật.
Sư thầy Thích Đạo Tú nói thêm: "Khi tôi và các chú tiểu về tiếp nhận, chùa Sùng Đức đang bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc hành đạo của các phật tử, du khách thập phương. Các cánh cửa của tòa nhà Tam Bảo cũ quá mục nát, hỏng từ năm 2004, có thể sập bất cứ lúc nào".
Công cuộc tôn tạo, trùng tu chùa trở nên bức thiết và nhà chùa đã trải qua rất nhiều khó khăn để hoàn thành tâm nguyện của các Phật tử. Tuy nhiên, khi nhà chùa mới hạ sân và dỡ cửa, hoành phi câu đối chờ sửa sang thì một nhóm người tự xưng là "bảo vệ chùa cổ", là "ban đại tu" chùa Sùng Đức kéo đến vu cho nhà chùa đang… phá chùa cổ. Được biết, nhóm người này là Phật tử của chùa Sùng Ân (Sùng Ân và Sùng Đức là hai ngôi chùa của thôn Văn Khê).
Theo tìm hiểu của PV, "ban đại tu" chùa Sùng Đức này hoàn toàn không được sự đồng ý của chính quyền địa phương nhưng từ đầu tháng 4/2012 đã kéo sang chùa chiếm giữ, xây dựng trái phép khiến nhà sư, Phật tử và người dân địa phương vô cùng bức xúc.
Sư thầy Thích Đạo Tú kể lại, nhóm người trên kéo đến cùng với nhiều vật liệu xây dựng vào chùa tiến hành phá dỡ chùa cổ để xây dựng lại, đồng thời xây thêm một số công trình phụ trợ khác như nhà bếp, kho, nhà vệ sinh, tường bao quanh. Sau một vài ngày, nhóm người này chiếm giữ và quản lý luôn chìa khóa của khu Tam Bảo. Từ đó, chùa chia thành hai phe, hai chủ.
Chùa Sùng Đức chỉ là ngôi chùa cổ, chưa hề được cơ quan chức năng xếp hạng nhưng nhóm người tự xưng là "ban tổ chức đại tu chùa" ngang nhiên gắn biển di sản văn hóa vào chùa. Tiếp đó, nhóm người này lấy danh nghĩa chùa cổ và di sản văn hóa xuống cấp để xin tiền ủng hộ trùng tu chùa.
Ngôi Tam Bảo sau khi tu sửa
Sư thầy Thích Đạo Tú cho biết, trong thời gian từ ngày 4/4 đến ngày 6/6/2012, ông Vương Trường Tăng và đám người trên đã huy động công đức được hơn 600 triệu đồng. Một số người còn rải truyền đơn nói nhà chùa xây hầm để chứa vũ khí, bất cứ người dân nào xâm phạm đến chùa sẽ bị bắn, chùa cổ có chôn cất vàng từ xưa, xã bán chùa 7 tỷ đồng...
Những thông tin này lan truyền gây hoang mang trong dư luận địa phương. Đỉnh điểm của vụ việc khi một vài người mặt mũi bặm trợn mang tuýp sắt, chai xăng xông thẳng vào chùa đe doạ nhà sư, đốt bụi trúc Phật bà ngoài cổng chùa.
Trước đó, ngày 25/10/2003, được sự nhất trí của người dân trong thôn, người trông coi chùa và một số phật tử làm đơn gửi các cấp chính quyền xin được thỉnh sư về để trụ trì chùa Sùng Đức. Nguyện vọng của người dân Văn Khê là được mời Đại đức Thích Minh Hiển, trụ trì chùa Thầy về.
Sau một thời gian về trụ trì chùa Sùng Đức, Đại đức Thích Minh Hiển xin thôi vì lý do sức khoẻ và giới thiệu Đại đức Thích Minh Hiền (hiện trụ trì chùa Hương Tích) về kiêm trụ trì chùa Sùng Đức.
Ngày 02/7/2008, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh hội Hà Tây đã có công văn số 055CV/BTS đồng ý cho Đại đức Thích Minh Hiền kiêm nhiệm trụ trì chùa Sùng Đức.
Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND xã mỗi người một phách
Trao đổi với PV, phật tử Nguyễn Thị Dung (45 tuổi, xóm 2, thôn Văn Khê) bức xúc: "Suốt hai tháng nay, ngày rằm, ngày lễ, các cụ, các bà lên chùa lễ thì bị phật tử chùa Sùng Ân ùa sang tranh quyền quản lý, dọa nạt, đánh đập người đi chùa. Tôi đã bị con trai bà Kiều Thị Nở (phật tử chùa Sùng Ân) đánh một lần, dù tôi đã làm đơn kêu cứu gửi chính quyền địa phương nhưng vẫn không được giải quyết".
Cũng theo người dân nơi đây, các già, các vãi trong làng khi đi lễ tại chùa Sùng Đức đã bị phía phật tử chùa Sùng Ân sang chửi bới, đuổi đánh, dùng xăng dọa nạt gây nhiều bất bình cho bà con.
Theo sư thầy Thích Đạo Tú, chùa riêng nhưng Phật là chung, tất cả mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên, việc làm của các phật tử phía chùa Sùng Ân đã xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng của nhiều người dân và phật tử khác. Tình hình mâu thuẫn trên làm nhiều người dân trong thôn Văn Khê không khỏi hoang mang, an ninh trật tự tại địa phương trở nên phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương
Trong buổi làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương khẳng định: "Việc Đại Đức Thích Minh Hiền trụ trì chùa là theo đơn thỉnh sư của nhân dân địa phương và được chính quyền các cấp đồng ý. Hiện chùa cũng chưa được đánh giá xếp hạng di sản văn hóa. Việc ông Vương Trường Tăng dẫn một số người tự ý vào xây dựng trong chùa là trái phép, sau khi kiểm tra, UBND xã đã có văn bản đình chỉ việc xây dựng và mời ông Tăng lên làm việc".
Cũng theo ông Thắng, ông Tăng vốn là một đảng viên nên bên Đảng sẽ xử lý ông theo Điều lệ Đảng.
Tiếp đó, ngày 19/10/2012, phía các ban, ngành của huyện Quốc Oai đã về làm việc với lãnh đạo xã cùng sư trụ trì chùa Sùng Đức. Tuy nhiên, ghi nhận của PV sau buổi làm việc từ phía nhà chùa và ông Đỗ Lai Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Quốc Oai lại hoàn toàn khác nhau.
Sư thầy Thích Đạo Tú băn khoăn: "Buổi làm việc dưới hình thức vận động cho phật tử chùa Sùng Ân hiểu ra vấn đề và không án ngữ tại tòa Tam Bảo, gây khó dễ cho tăng ni phật tử chùa Sùng Đức. Hoàn toàn không có hình thức kỷ luật nào được đưa ra dù chính ông Phó chủ tịch xã đã khẳng định việc làm của ông Vương Trường Tăng là sai.
Đến nay, phía ban trùng tu chùa Sùng Đức vẫn chưa biết rõ ai sẽ chịu trách nhiệm hoàn thiện nốt việc trùng tu, xây mới chùa. Phía Phật tử chùa Sùng Ân cũng chưa thông tỏ vấn đề".
Cũng theo sư thầy Thích Đạo Tú, hiện nhà chùa rất mong mỏi phía chính quyền xã, huyện giải quyết dứt điểm vụ việc để việc phục dựng, tôn tạo chùa cổ được tiến hành một cách nhanh chóng. Những mâu thuẫn kéo dài khiến cho cả sư trụ trì, các phật tử vô cùng hoang mang.
Trái ngược điều này, trao đổi với PV qua điện thoại, Phó chủ tịch UBND huyện Đỗ Lai Bình lại khẳng định, sự việc tại chùa chỉ là "mâu thuẫn nội bộ nho nhỏ", kết quả hội nghị được mọi người nhất trí cao. Cũng theo ông Bình, phía ban trùng tu chùa Sùng Đức sẽ được tiếp tục xây dựng, trùng tu chùa.
Theo thông tin từ sư thầy Thích Đạo Tú, ngay từ đầu, vụ việc của chùa không hề được phía chính quyền xã lưu tâm giải quyết. Trước đó, tháng 10/2006, nhà chùa có tờ trình xin khởi công tôn tạo và di chuyển một số mộ chí ra khỏi chùa nhưng riêng phần mộ chí dòng họ Doãn lại không chịu di chuyển đi.
Và Phó chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Lai Bình cũng chính là con rể của dòng họ Doãn.
Danh không chính, ngôn không thuận "Không dừng ở đó, ông Tăng còn tự xưng là "trưởng ban đại tu" chùa Sùng Đức, tự ý phát giấy mời rộng rãi về việc khánh thành chùa. Trong buổi lễ khánh thành, ông Tăng còn kích động bà con rằng kẻ địch đã phá chùa", sư thầy Thích Đạo Tú cho biết. Trên thực tế, ông Tăng là Phật tử của chùa Sùng Ân, việc trùng tu ngôi Tam Bảo hoàn toàn do ông Tăng tự ý làm, phía các sư thầy chùa Sùng Đức không hề được góp ý, tham gia. Khi PV tới chùa tìm hiểu thì tình hình vẫn vô cùng hỗn độn, các Phật tử chùa Sùng Đức vô cùng bức xúc khi chùa nhà bị chiếm, sư thầyThích Đạo Tú thì thường xuyên bị những thanh niên dọa nạt bằng hung khí. |
Sự thật về ngôi chùa giấu vàng và "hành" trai làng
Thôn Văn Khê, xã Nghĩa Hương (Quốc Oai, Hà Nội) gồm có hai chùa là Sùng Đức và Sùng Ân. Được mệnh danh là chùa cổ với tuổi thọ hơn 600 năm, xưa kia, chùa Sùng Đức (còn gọi là chùa Vạc, thôn Văn Khê, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội) vốn chỉ là một ngọn chùa nhỏ được xây dựng lâu đời và xuống cấp trầm trọng. Khuôn viên chùa khi đó chỉ là một vùng đất cây cối rậm rạp um tùm và lồi lõm. Ngoài ra, khuôn viên chùa vốn là nơi an táng hài cốt của người dân nên có khá nhiều mộ chí.
Được sự nhất trí của chính quyền địa phương, toàn thể nhân dân đã cùng nhà chùa vận động di dời mộ chí sang nơi an táng khác và cùng san lấp mặt bằng tại khuôn viên để trùng tu xây dựng.
Từ khi có tranh chấp về việc trùng tu và tiếp quản chùa, phía sư trụ trì và các phật tử chùa Sùng Đức đã chịu bao phen khốn khó. Thêm vào đó, còn có lời nguyền do phía đang tranh chấp với chùa Sùng Đức thêu dệt, đồn đoán rằng, hễ ai dám động vào chùa cũ thì thanh niên trai tráng trong làng chết hết. Nếu ai không theo đoàn chùa Sùng Ân sang chùa Sùng Đức gây rối thì sau chết không ai đưa tang.
Sư thầy Thích Đạo Tú, người trông coi chùa Sùng Đức
Sự việc làm cho cánh trai làng lo sợ, hoang mang bởi chùa Sùng Đức nổi tiếng là ngôi chùa linh thiêng. Sư thầy Thích Đạo Tú khẳng định, những câu chuyện này hoàn toàn chỉ là thêu dệt, chùa Sùng Đức xưa nay là nơi linh thiêng, lưu giữ những giá trị văn hóa của làng Văn Khê, không có chuyện trai làng bị hành khi có người phạm vào chùa cũ.
Phía sau chùa có tòa nhà Tam Bảo cũ xây theo kiểu kiến trúc thấp nền chừng 50cm, vin vào cớ này, những người tranh chấp chuyện trùng tu đưa tin chùa đang chôn cất vàng. Dân trong làng thấy vậy thì kéo đến xây tường bao quanh chùa cũ. Sư thầy Thích Đạo Tú khẳng định, phần được coi là hầm cất giấu vàng thực chất là tầng trệt của tòa nhà, đây là lối kiến trúc người Tàu xây dựng từ xưa, hoàn toàn không có tiền vàng như lời đồn thổi, thêu dệt.
Trước đó, năm 1963, khi lấy đất làm đường người ta phát hiện tại khu vực này có một kho nhỏ. Phía bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) đã về khảo sát, khai quật thì không hề có vàng mà chỉ có mấy chiếc chum vại thời xưa.
"Cũng có nhiều thông tin xôn xao rằng, nhà chùa xây tầng hầm để chứa bom đạn, vũ khí để hễ dân ở chùa bên (chùa Sùng Ân) sang thì bắn. Kèm theo đó là rất nhiều lời đồn ác ý được truyền đi với tốc độ chóng mặt càng làm cho tình hình rối ren. Đám người lạ còn mang cả hung khí như tuýp sắt, xăng vào chùa đe dọa, đánh đuổi nhà sư và đốt bụi trúc của chùa…", sư thầy Thích Đạo Tú kể lại.
Theo tư liệu mà thầy Thích Đạo Tú cung cấp và cũng trùng với thông tin mà ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch xã Nghĩa Hương cung cấp thì phía ban trùng tu của chùa Sùng Đức chỉ mới hạ cấp sân Tam Bảo và dỡ cánh cửa, hoành phi câu đối để trùng tu. Ngay sau khi có phản ứng gay gắt từ đại diện chùa Sùng Ân và dân làng, nhà chùa đã ngay lập tức cho lắp cửa, hoành phi câu đối, trả lại hiện trạng cũ.
Theo đó, ngôi Tam Bảo hiện nay được trùng tu theo kiểu mới toanh, lại được gắn biển di sản văn hóa một cách tùy tiện trong khi chùa chỉ là chùa cổ, chưa được công nhận di tích.
Việc những người đại diện chùa Sùng Ân ngang nhiên đi quyên góp tiền ủng hộ trùng tu chùa với danh nghĩa di sản văn hóa hoàn toàn trái phép, chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng.
Theo Yến Dương - Nguoiduatin