;
Quang cảnh Lễ Tạ pháp PL 2568 - DL 2024 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh
Chứng minh lễ tạ pháp có Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ, Trưởng BTS GHPGVN Tỉnh Hà Tĩnh, ngôi Đường chủ 3 trường hạ của Phật giáo Hà Tĩnh; Chư tôn đức Tăng ni ban chức sự các hạ trường, Chư tôn tôn Tăng ni hành giả an cư, cùng đông đảo Phật tử về tham dự.
Tại Tổ đường, Hòa thượng Đường chủ niêm hương cẩn bạch lịch đại chư vị Tổ sư; cùng Chư tôn đức hành giả vân tập về đại hùng bảo điện đảnh lễ Tam bảo và Khánh tuế Hòa thượng Đường chủ, cử hành các nghi thức tâm linh truyền thống.
Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Hạnh Nhẫn – Chánh duy na Hạ trường Trung tâm Văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh thay mặt Chư tôn đức Tăng ni các hạ trường trong tỉnh có báo cáo sơ bộ về tình hình tu học trong ba tháng vừa qua, đồng thời cũng dâng lời khánh tuế mừng chư tôn đức thêm một tuổi hạ.
Thượng tọa Thích Hạnh Nhẫn thay mặt hành giả các hạ trường trong tỉnh báo cáo 3 tháng an cư
Theo đó, mùa an cư PL 2568 toàn tỉnh có toàn tỉnh có 3 trường hạ an cư tập trung do Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm ứng ngôi Đường chủ. Trường hạ Trung tâm Văn hoá Phật giáo tỉnh dành cho Chư tăng gồm 61 vị; Trường hạ chùa Cảm Sơn (phường Đại Nài, Tp Hà Tĩnh) dành cho Chư ni 20 vị; Trường hạ Thiền viện Trúc Lâm Hồng Lĩnh, (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân) 26 vị Tăng ni; tổng hành giả an cư trên toàn tỉnh trong hạ an cư này là 107 vị.
Mùa an cư PL 2568 – DL 2024 ba hạ trường Phật giáo Hà Tĩnh được sự chứng minh của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đức Pháp chủ HĐCM GHPGVN; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Phó pháp chủ HĐCM - Chủ tịch HĐTS TƯ GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm ứng ngôi Đường chủ. Cung an chức sự hạ trường Trung tâm Văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh, Chánh duy-na Thượng tọa Thích Hạnh Nhẫn; Phó Duy na TT. Thích Chánh Thành; TT. Thích Thiện Nhơn; Tại Trường hạ Thiền viện Trúc Lâm Hồng Lĩnh, Chánh duy-na Thượng tọa Thích Trưng Huệ; Tại Trường hạ Ni chùa Cảm Sơn , Chánh duy na Ni sư Thích nữ Diệu Tĩnh.
Báo cáo cho biết, trong 3 tháng hậu an cư, chư hành giả tại các trường hạ đã thực hiện nghiêm túc theo sáu thời khóa tụng kinh, niệm Phật, bái sám, quá đường.., mỗi ngày bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng và kết thúc vào lúc 21 giờ 30. Ban Chức sự hạ trường đã đề ra những chương trình, nội dung giảng dạy về Kinh - Luật - Luận cho Tăng Ni tại hạ trường như học Luật Tứ Phần do Hòa thượng Minh Thông - Luật viện Huệ Nghiêm giảng dạy.
Theo thượng tọa Chánh duy-na, nhìn chung tất cả các hành giả an cư đều đạt được tiêu chuẩn trong 3 tháng hạ an cư chỉ kết hợp giữa việc tu và học, lấy kinh văn làm tôn chỉ hành trì; duy trì thời khóa công phu lễ bái theo quy củ thiền môn và sự chỉ dạy của Hòa thượng Đường chủ.
Được biết, trong 3 ngày từ 11, 12, 13 tháng 8 (Âm lịch) tới, trường hạ sẽ tổ chức chương trình hành đạo gồm ngày thứ nhất tụng kinh Thủy Sám, ngày thứ hai tụng kinh Mục Liên Sám Pháp, ngày thứ ba tụng kinh Địa Tạng và tối ngày 13 tụng kinh Pháp Hoa thông tiêu đến 8h sáng và lễ bạch tự tứ mãn hạ.
Cũng tại đây, Thượng tọa Thích Hạnh Nhẫn đại diện cho hành giả của ba hạ trường an cư trong tỉnh đã dâng lời tác bạch thỉnh pháp và Hòa thượng Đường chủ đã có đáp từ chia sẻ cùng đại chúng thời pháp thoại nói về tinh thần hòa hợp, đoàn kết nhân dịp lễ tạ pháp.
Theo Hòa thượng, lễ tạ pháp hôm nay là đang thực hiện theo giáo luật, một tinh thần, một nghĩa vụ thiêng liêng trong mùa an cư kiết hạ hàng năm.
Hòa thượng cho biết, phương châm chủ chốt của đạo Phật là lấy tinh thần từ bi, bình đẳng, hòa hợp. Đức Phật luôn tôn trọng ý kiến của đại chúng, lấy sự hòa hợp làm căn bản.
Như việc trước khi tác pháp yết ma quyết định một việc gì của tăng già, tăng già họp tại một chốn, trong pháp yết-ma câu thứ nhất chúng trưởng hỏi, tăng đã nhóm họp chưa, đáp rằng tăng đã họp, thì câu thứ hai là tăng có hòa hợp không, khi đó mới bắt đầu chính thức cử hành phép yết-ma.
Tam tạng thánh giáo cũng dạy hòa hợp nhóm họp và hòa hợp trong giải tán. Tượng trưng cho ý nghĩa của tăng già là hòa hợp chúng, Tăng ni khi hội họp đều phải giữ tuân thủ theo phép 6 phép hòa mà chúng ta vẫn thường nhắc tới, thân cùng hòa hợp ở với nhau trong một trụ xứ, miệng luôn hòa ái. Nói lời từ ái, nói lời thân thương, nói lời khiêm cung.., ý luôn luôn cùng hợp với nhau, cùng trao đổi sẽ chia cho nhau, những hiểu biết những điều mà mắt thấy tai nghe và trong pháp lợi..
Theo kinh tạng thánh giáo, Đức Phật cũng đã dạy hòa hợp là căn bản nhất, là yếu tố quan trọng để đưa đến sự thành công của việc quyết định của đại chúng.
Hòa thượng đã kể lại câu chuyện trong kinh tạng Nykaya về câu chuyện Đức Phật im lặng khi các tôn giả vân tập vào ngày kết giới Bồ tát. Tăng chúng đã đủ mà không thấy Đức Thế Tôn thuyết giới, đại chúng im lặng ngồi yên lắng nghe muốn xem Đức Thế tôn dạy điều gì và cho đến gần cuối đêm sang ngày hôm sau tôn giả A-nan đứng ra thưa bạch hai lần thỉnh Đức Thế tôn kiết giới, chúng con thỉnh Đức Thế tôn kết giới, vẫn thấy Đức Thế tôn ngồi tọa thiền không nói gì, lúc đó tôn giả Mục Kiền Liên vận thần thông xem ý chỉ của Đức Thế Tôn hôm nay ra sao. Ngài Mục Kiền Liên thấy trong chúng Bố-tát của mình có một một vị không thanh tịnh mà vẫn ngồi Bồ-tát và mời tôn giả ra khỏi chúng để chúng tăng hòa hợp kiết giới.
Qua câu chuyện trên Hòa thượng Đường chủ muốn nói đến vấn đề thời Đức Thế Tôn còn tại thế tăng chúng phụng hành giáo pháp, kính nhường tôn trọng Đức Thế Tôn đến tột cùng. Không ai bỏ ra ngoài không ai phản kháng khi mà Đức Thế tôn không nói gì, đây là điều chúng ta phải suy nghĩ phải tôn trọng giáo pháp, tôn trọng các bậc trưởng thượng và ngày nay chúng ta có phần không làm được như vậy.
Hòa thượng lại nói về tinh thần tôn trọng ý kiến cá nhân và tập thể của Đức Phật: Hòa hợp trong khi ngay một vị tăng đã có lỗi nhưng Đức Thế tôn không la rầy, Đức Thế tôn không nói đại chúng tự tìm ra lỗi cho nhau, tự bảo ban nhau đây là tôn trọng ý kiến của đại chúng tập thể, nhắc lại cho chúng ta về tinh thần tự giác, vị tăng đó đáng lẽ biết mình có lỗi, không thanh tịnh thì không nên vào chúng để làm ảnh hưởng, hay nói cách khác là phá hòa hợp tăng. Một trong những trọng tội.
Nói về pháp tự tứ, Hòa thượng Đường chủ cho rằng, thực hành pháp đối thú, là nhờ người khác chỉ ra lỗi lầm của mình trên ba phương diện “thấy, nghe, nghi”; nếu có tội sẽ thành tâm sám hối cho thanh tịnh như vậy mới xứng đáng nhận tuổi đạo.
Qua đó cho thấy giống tinh thần “phê bình và tự phê bình” ngày nay của xã hội, đó cũng là tinh thần hòa hợp trong hội họp và hòa hợp trong giải tán, thân cùng ở, miệng cùng chung, hòa ý cũng vui với nhau, cùng nhau tu tập trong giới pháp của đức Phật cùng nhau chia sẻ điều đó rất quan trọng.
Thời pháp thoại của Hòa thượng tiếp tục với câu chuyện về vua A Xà Thế muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ và đã cử người xin ý kiến Đức Thế Tôn, Đức Thế tôn không trả lời mà hỏi tôn giả A- nan về tình hình nước Bạt-kỳ như thế nào. Ngài A nan đã nói về 7 điều tốt về đất nước này, qua đó tinh thần đoàn kết, chấp hành pháp luật, tốt với chính nghĩa và bậc trưởng thượng… Qua câu chuyện giữa Ngài A –nan và Đức Thế tôn nói về tinh thần đoàn kết của người dân nước Bạt-kỳ, vua A xà Thế thốt lên rằng, đoàn kết như thế đem quân đánh sẽ thua còn chưa nói tới 6 điều kia nữa...
Đúc kết thời pháp, Hòa thượng nhấn mạnh về tinh thần đoàn kết và hòa hợp, bốn người tu tập với nhau là Tăng thân mà không thể sống chung hòa hợp và thanh tịnh được với nhau thì không thể gọi cộng đồng ấy là Tăng. Tâm tư, ý chí, nguyện lực muốn sống hòa hợp và thanh tịnh nhằm hướng đến mục đích duy nhất là giác ngộ, giải thoát mới có thể chấp nhận sự chỉ lỗi của người khác qua các phương diện thấy, nghe và nghi. Tinh thần hòa hợp của tăng chúng được ví như nước với sữa, như vải với củ nâu, không thể tách rời ra được.
Nói về hiện tại, mặc dầu giữa mùa Phật đản đầu mùa an cư có những khó khăn, sóng gió do khách quan gây ra, tuy nhiên Tăng ni và Phật tử Hà Tĩnh vẫn kiên trì nhất tâm cùng Phật nhất tâm hướng thầy và mọi việc đã thành công tốt đẹp.
Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh là nơi có bề dày lịch sử gắn liền với lịch sử Phật giáo Việt Nam. Phật giáo Hà Tĩnh được phục hồi lại do lịch đại Chư tổ thất truyền và ngày nay Chư tôn đức đang trụ xứ nơi đây tiếp nối đều đến từ các tỉnh thành trên ba miền của dãi đất chữ S về với đất Hà Tĩnh mượn trụ xứ làm nơi tu tập, hóa duyên hướng dẫn Phật tử tu theo chính Pháp, phục vụ tín ngưỡng, dù rằng không cùng sơn môn, không cùng một tông phái nhưng đã sống chung hòa hợp, đoàn kết trong suốt thời gian vừa qua là điều rất quan trọng.
Nội dung pháp thoại của Hòa thượng Đường chủ rất đơn giản, được trích dẫn bởi những câu chuyện thực tế có trong kinh điển, dễ hiểu nhưng có ý nghĩa cực kì quan trọng trong đời sống tu tập và sinh hoạt tăng đoàn. Nhờ đó, mọi người nhìn rõ quá trình tu tập, chung sống và cách ứng xử trong mỗi khóa hạ an cư. Những gì đã được trải qua tốt đẹp cần phát huy, gìn giữ; những gì chưa đạt được cần bổ sung, rút kinh nghiệm. Sự tự đánh giá này sẽ giúp con đường đi phía trước thêm kiến thức, hoàn thiện bản thân trên con đường tu tập phụng sự và xây dựng một tăng đoàn hòa hợp vững mạnh.
Kết thúc thời pháp, Hòa thượng khuyến tấn đại chúng sau khi mãn hạ Chư tôn Đức tăng ni cần duy trì mọi thời khóa, tổ chức các khóa tu cho mọi tầng lớp để giáo pháp Phật lúc nào cũng ăn sâu bám chắc và bền vững ở trên đất Hà Tĩnh của chúng ta, vùng đất có bề dày lịch sử Phật giáo Việt nam nằm trong quá khứ.
Đại đức Thích Chúc Cường - Chánh thư ký BTS Phật giáo tỉnh đọc Thông bạch vận động cứu trợ đồng bào lũ lụt miền Bắc của TƯ GHPGVN.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cùng Tăng ni, Phật tử quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lũ.
Dịp này, thực hiện Thông bạch của Trung ương Giáo hội cũng như tinh thần từ bi yêu thương của người con Phật, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam trước nạn thiên tai khủng khiếp vừa xảy ra tại các tỉnh miền Bắc. Hòa thượng Đường chủ đã phát động toàn thể Tăng ni, Phật tử, các tự viện, các nhà hảo tâm ủng hộ tiền, hàng, vật phẩm nhằm chia sẻ cứu trợ đồng bào vùng bão lũ khắc phục khó khăn và sớm ổn định cuộc sống.
Ban TTTT Phật giáo Hà Tĩnh
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=Ye83HoEej44}