;
Chùa Cao Linh là một quần thể văn hóa tín ngưỡng lớn nằm trong địa phận Thành phố Hải Phòng. Chùa được dòng họ Lê ở Hà Liên xây dựng từ cách đây vài trăm năm. Trong kháng chiến, chùa là nơi cất giữ lương thực, nơi đóng quân của các đơn vị phòng không pháo cao xạ. Sau hòa bình, chùa chỉ có một sư cụ và một bà vãi trông nom. Sau đó, Thượng tọa Thích Thanh Sự được bổ nhiệm về trụ trì và mất vào năm 1981.
Sau khi Hòa thượng Thích Thanh Sự viên tịch, năm 2006, Ban trị sự Thành Hội Phật giáo Hải Phòng đã ra Quyết định số 69/QĐ-BTS bổ nhiệm Đại Đức Thích Giác Nghiên, (tức Lại Văn Nghĩa) về trụ trì. Chùa đã qua 6 lần tu sửa kéo dài trong 6 năm tạo nên một quần thể khá đẹp trên diện tích lên đến trên 3.000m2.
Ngoài việc tạo ra một không gian kiến trúc sạch đẹp, thì chùa còn thu hút sự tìm đến gửi gắm tâm linh của nhân dân trong vùng cũng như khách thập phương gần xa. Từ nguồn quỹ đóng góp của người dân, hiện chùa đang nuôi 7 cụ già không nơi nương tựa, hỗ trợ hàng tháng cho 50 học sinh nghèo vượt khó, cùng các công tác từ thiện khác như nấu và cấp phát cháo thường xuyên vào sáng thứ 7 cho các Bệnh viện như Bệnh viện Tâm thần Đông Khê, Bệnh viện Vĩnh Bảo, Bệnh viện An Dương…
Việc đạo và đời ở đây đang được vận hành theo chiều hướng tốt đẹp thì bỗng nhiên Đại Đức Thích Giác Thiện nhận được Quyết định số 85/QĐ- BTS với nội dung tẩn xuất, khai trừ và không được trụ trì tại Chùa Cao Linh. Quyết định này được ban hành ngày 8-8-2012, do Thượng tọa Thích Quảng Tùng, Phó Trưởng Ban thường trực, kiêm Tăng sự Ban trị sự thành hội Phật giáo Hải Phòng ký.
Cổng tam quan chùa Cao Linh, Hải Phòng
Nhận quyết định này, không chỉ Đại đức Thích Giác Nghiên mà các Tăng ni, Phật tử cũng như bà con nhân dân trong vùng hết sức bàng hoàng. Theo đơn kêu cứu cũng như bản giải trình gửi tới các nơi, Đại đức Thích Giác Nghiên bày tỏ: Thành Hội đã có những lý do quy chụp để đuổi tôi ra khỏi chùa. Không cho tôi được sám hối nếu tôi sai. Tôi đã nhiều lần tìm đến sư phụ để tìm hiểu ngọn nguồn nhưng bị từ chối và đuổi về. Không được tham gia và không được biết bất cứ tội lỗi gì trước khi có quyết định tẩn xuất, không thành lập Hội đồng Yết Ma và cũng chưa bao giờ bị sư phụ nhắc nhở khuyết điểm và kiểm điểm của mình…
Để tìm hiểu rõ ngọn nguồn, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Bắc Sơn. Ông Lê Quốc Tuyn, Chủ tịch MTTQ xã cho biết: Chúng tôi rất tiếc khi Thành Hội Phật giáo Hải Phòng đưa ra quyết định này. Đây là một quyết định không dân chủ và từ khi có quyết định này chúng tôi đang phải giải quyết một loạt các hậu quả đi cùng.
Theo ông Tuyn, trong quyết định tẩn xuất, với 6 điều cáo buộc Đại đức Thích Giác Nghiên thì có 3 điểm cần lưu ý đó là: Chiếm đất trái phép, bán đất mồ mả và xây dựng các công trình trong không gian chùa. Nhưng qua quá trình khảo sát và làm việc thì thấy đây là những điều không đúng vì phần đất có được hiện nay của chùa đều do nhân dân hiến tặng. Riêng về phần mồ mả, nghĩa trang hay còn gọi là An lạc viên trong Chùa đều hình thành trong sự tự nguyện và đều được dân và chùa đồng thuận xây dựng. Ngay cả các công trình kiến trúc trong chùa, cũng theo ông Tuyn, kể từ khi xây dựng đến nay chính quyền và các cấp ngành nơi đây đều không nhận được bất kỳ một ý kiến hay một văn bản nhắc nhở của cơ quan nào.
Cũng về việc tẩn xuất với Đại đức Thích Giác Nghiên, thay mặt UBND xã, ông Lê Văn Thụy, Phó Chủ tịch cho biết: Từ khi Đại đức Thích Giác Nghiên về trụ trì đến nay chưa thấy người dân kêu ca hay có ý kiến gì về tư cách, lối sống cũng như việc hành đạo tại đây.
Đại đức Thích Giác Nghiên, trụ trì chùa Cao Linh
Trao đổi với ông Phạm Quốc Phòng, Phó giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng Ban Tôn giáo thành phố, ông cho biết: Nhiều chương điều trong Hiến chương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy tăng sự trong giáo hội và Pháp lệnh tín ngưỡng trong Quyết định 85 đã được viện dẫn không tính chính xác. Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị tới Thành Hội Phật giáo Thành phố Hải Phòng. Ngày 11-8-2012 vừa qua, Thành Hội Phật giáo cũng có công văn "đính chính” về những sai sót này, nhưng việc thu hồi Quyết định thì không thấy nói đến.
Theo Đơn Thương - ĐĐK
* Mời đọc thêm tin liên quan để hiểu thêm nguyên nhân vì sao:
Có ma tuý và súng ở chùa Cao Linh?
Hơn một tháng trở lại đây có nhiều thông tin lan truyền về việc Đại đức Thích Giác Nghiên - trụ trì chùa Cao Linh (xã Bắc Sơn, huyện An Dương, Hải Phòng một ngôi chùa mới được xây dựng rất hoành tráng cạnh đường Quốc Lộ 10, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng) và nhiều vị sư sãi ở đây đã bị công an bắt do buôn súng và buôn ma tuý.
Một số người còn truyền tai nhau là đã chứng kiến rất nhiều công an của Bộ và thành phố “quây” kín chùa. Khi tổ chức khám xét những ngôi mộ giả trong khuôn viên nhà chùa đã thu giữ hàng xe ôtô súng đạn, ma tuý và nhiều tài liệu làm gián điệp cho nước ngoài...
Những thông tin thất thiệt, “rất nóng” trên đã lan đi rất nhanh trên địa bàn thành phố và các địa phương khác, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho hàng ngàn tín đồ phật tử và nhân dân địa phương.
Trao đổi kiểm chứng về những thông tin này với PV, Đại tá Hoàng Bằng – Phó giám đốc phụ trách lực lượng an ninh CATP Hải Phòng cho biết: Những thông tin đồn thổi trên là hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật. Qua kiểm tra công tác nắm tình hình của lực lượng công an thành phố, từ trước đến nay các hoạt động của nhà chùa đều đảm bảo an ninh trật tự và pháp luật.
Qua xác minh ban đầu, PV được biết, những thông tin thất thiệt nói trên được âm ỉ lan truyền trong thời gian trước và sau khi Thành hội Phật giáo Hải Phòng có Quyết định số 85/QĐ-BTS ngày 8 tháng 8 năm 2012 về việc tẩn xuất (khai trừ) Đại đức Thích Giác Nghiên ra khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ông Phùng Văn Thuấn – Phó trưởng Ban Tôn giáo Sở Nội vụ Hải Phòng làm việc với PV Báo BVPL.
Làm việc với PV, ông Phùng Văn Thuấn – Phó trưởng ban Tôn giáo, Sở Nội vụ Hải phòng cho biết: “Quyết định số 85/QĐ-BTS của Thành hội Phật giáo Hải Phòng khai trừ Đại đức Thích Giác Nghiên ra khỏi Giáo hội chưa đúng về mặt hình thức, nội dung và trình tự thủ tục theo các quy định của Hiến Chương, Nội quy tăng sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và do vậy nó chưa đủ điều kiện để thực thi…”
Quyết định số 85 của Thành Hội phật giáo Hải Phòng cũng đang vấp phải sự phản ứng của đông đảo dư luận quần chúng nhân dân địa phương và bà con phật tử.
Đại đức Thích Giác Nghiên thế danh là Lại Văn Nghĩa, sinh ngày 21/5/1977 tại Thuỵ Phúc, Thái Thuỵ, Thái Bình.
Ngày 12/8/1990, ông đến chùa Sùng Khánh, Thái Bình tập sự xuất gia.
Ngày 25/10/1992, ông ra chùa Phổ Minh, 295 Lê Lợi, Ngô Quyền, Hải Phòng tập sự xuất gia và học hết Phổ thông trung học.
Ngày 12/9/1994, ông xuống chùa Phổ
Chiếu, phường Dư Hàng Kênh, Lê Chân Hải Phòng bái Thượng toạ Thích
Thanh Giác làm thầy thế độ ân sư.
Ngày 10/10/1994, ông được Thượng toạ
thế phát xuất gia, ban cho Pháp hiệu Thích Giác Nghiên. Trong thời
gian này ông theo học Trường Trung cấp Phật học và ngoại ngữ Trung
văn tại Hải Phòng.
Ngày 24/9/1996, ông được thọ giới Sa Di (sư bác).
Ngày 20/5/2002, được Thành hội phật giáo Hải Phòng cử đi du học tại Đại học Phật giáo ở Phúc Nghiên Phật Học Viện ở Tân Trúc - Đài Loan. Ngày 10/11/2006, ông hoàn tất học nghiệp về nước.Ngày 20/12/2006, ông được Thượng toạ Thích Thanh Giác bàn giao chùa Cao Linh xã Bắc Sơn, huyên An Dương, Hải Phòng tiếp quản trông coi phật sự. Ngày 10/2/2007, ông được Thành Hội Phật giáo Hải Phòng bổ nhiệm Trụ trì chùa Cao Linh. |
Theo Quang Chiến - Báo BVPL
Ý kiến của chùa Phúc Lâm online:
Về việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc tôn giáo, khoản 2, Điều 16 – Nghị Định 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo quy định: "Tổ chức tôn giáo có trách nhiệm đăng ký với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử của các chức sắc, nhà tu hành không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Còn về việc cách chức, bãi nhiệm chức sắc trong tôn giáo, Điều 17 Nghị định 22/2005/NĐ-CP ghi rõ: "Tổ chức tôn giáo khi cách chức, bãi nhiệm chức sắc thuộc quyền quản lý có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước đã đăng ký quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 16 Nghị định này, trong đó nêu rõ lý do cách chức, bãi nhiệm, kèm theo văn bản về việc cách chức, bãi nhiệm và các giấy tờ có liên quan."
Những quy định này của Chính phủ cho thấy:
1. Việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, cách chức, bãi nhiệm chức sắc của các tổ chức tôn giáo đều phải được sự chuẩn thuận của chính quyền cấp tỉnh, cụ thể là Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Mọi quyết định phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, cách chức, bãi nhiệm chức sắc của các tổ chức tôn giáo mà không được sự chuẩn thuận của UBND tỉnh đều được cho là "chưa đủ điều kiện để thực thi," nghĩa là quyết định không có giá trị về mặt luật pháp nhà nước.
Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những vị chức sắc nào cậy thế, ỷ quyền tùy tiện thương ai thì phong, ghét ai thì phế. Ngoại trừ có sự can thiệp của chính quyền, ngoài ra mọi việc hoàn toàn không hề đơn giản như các vị nghĩ.