;
Chùa Thượng khởi công xây dựng từ tháng 5/2009, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các hạng mục công trình phụ trợ trong khuôn viên Chùa. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2011, du khách và Phật tử thập phương đã về đây chiêm ngưỡng, dâng hương lễ Phật rất đông, nhất là vào các ngày mùng một, ngày rằm, ngày lễ, Tết.
Bà Nguyễn Thị Vân, Thư ký Ban ĐDPG TP Hòa Bình cho biết: Ông Sáng cho rằng UBND tỉnh Hòa Bình thu hồi đất, rừng của gia đình ông giao cho Ban ĐDPG xây dựng Chùa, nhưng Ban ĐDPG TP Hòa Bình chưa trả tiền đền bù cho gia đình ông. Vì vậy ông rào đường lên Chùa Thượng, những đoạn đường đi qua đất nhà ông.
Thực tế, Ban ĐDPG TP Hòa Bình đã trả tiền đền bù cho gia đình ông Sáng lần 1 với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Lần 2, ông Sáng lại “đòi” Ban ĐDPG TP Hòa Bình bồi thường tiếp diện tích đất, rừng còn lại mà ông Sáng nói là của gia đình ông. Để chứng minh đất, rừng “hợp pháp” của mình, ông Sáng đã “trình” Hội đồng Bồi thường Giải phóng mặt bằng TP Hòa Bình “Sổ giao đất, giao rừng” số 216, do UBND thị xã Hòa Bình, tỉnh Hà Sơn Bình cấp ngày 16/1/1991. Tuy nhiên, đây là “sổ” không có đủ căn cứ pháp lý (PV sẽ có bài phản ánh về vụ việc này).
Bức tường rào ngay đầu đường lên Chùa Thượng
Chưa hết, ba hộ là: Đoàn Kim Bình (con trai ông Thạc), Đặng Thị Sáu (con dâu ông Thạc), Trần Văn Hoành (cháu ông Thạc) đã nhận tiền bồi thường từ tháng 5/2009 nhưng đến nay vẫn chây ỳ không giao mặt bằng cho Ban ĐDPG Hòa Bình. Và cho đến tận ngày 4/4/2012, 3 bức tường rào vẫn ngang nhiên ngăn cản du khách và Phật tử thập phương đến Chùa Thượng. Ba gia đình nhà ông Thạc vẫn tiếp tục cản trở công tác xây dựng công trình Khu văn hóa tâm linh Đền Mẫu.
Du khách, Phật tử lên Chùa phải luồn rừng tìm lối đi
Theo Hồng Bà - Th.tra