;
Xin gởi sự chia buồn sâu sắc của con đến với Ni Sư trụ trì thiền viện
* Khi người tu bị bệnh hay gặp tai nạn thì có người cho rằng do… tu không đàng hoàng mới bị vậy, Hòa thượng có ý kiến gì về
“quan niệm” đó?
- Vào thời Phật còn tại thế, Đức Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất song vẫn bị kẻ xấu giết chết khi nghiệp duyên đã đến.
Hay tháng 12-2003, Ni trưởng Thích nữ Trí Hải là vị Ni trưởng đức độ, ngoài hoạt động giáo dục, hoằng pháp, Ni trưởng còn dành nhiều thì giờ cho việc phiên dịch, biên soạn và in ấn kinh điển để giúp Tăng Ni, Phật tử có thêm tài liệu nghiên cứu học tập. Năm đó, Ni trưởng lo việc Phật sự, đi cùng 3 vị thị giả từ Phan Thiết về TP.HCM, trên đường trở về đều bị tại nạn giao thông.
Song, một số người chưa hiểu biết tận tường về Nghiệp lực nên mỗi khi thấy người tu bị ốm hay bị tai nạn là họ cho do tu không đàng hoàng. Như vậy là không đúng!
Có những người tạo các công đức lớn, nhưng chỗ thọ thân và điều kiện sống ở đây không xứng đáng nên họ bỏ thân mạng để chuyển sang nơi cảnh giới tốt đẹp, nhận cuộc sống an lạc hơn. Hay cũng có những người làm tội ác quá lớn, cũng bị chết ngay, rời bỏ cảnh giới này để đọa vào cách giới khác trả nghiệp. Theo tôi, việc ra đi (chết) do bệnh tật hay tai nạn đều là một quá trình thay đổi - rũ bỏ cuộc đời này để bước sang cuộc đời mới - căn cứ trên hành trạng và nghiệp lực của từng cá nhân.
Ở đây tôi chỉ đề cập đến bệnh tật, thường người tu bị bệnh hoạn do nhiều nguyên nhân khác nhau: do kham khổ quá đáng, tu mà không nghĩ đến việc bồi dưỡng cơ thể; do phương pháp tu tập chưa phù hợp, ngồi thiền lấy hơi không đúng cách cũng dễ dàng sinh bệnh tật; do cơ địa hành giả ốm yếu, gặp hoàn cảnh tu tập, môi trường tu tập thiếu thốn, khắc khổ; do nghiệp lực và dư báo của mỗi người… Qua đó có thể thấy, việc bệnh tật phụ thuộc hoàn cảnh sống, bản thân và nghiệp quả của mỗi người mà phát sinh. Đó là một mối quan hệ đan xen với nhau, mà thật sự trên đời này không ai lại không bệnh hoạn cả.
* Vừa rồi, có một tai nạn ở biển, một số vị Ni đã viên tịch, nghe tin ấy, cư dân mạng nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm, với những bình luận ác ý, thiếu hiểu biết, đã bình phẩm những nội dung như “tại sao người tu lại đi tắm biển”? Vậy tu sĩ tắm biển có được không thưa Hòa thượng?
- Một sự việc tốt hay xấu diễn ra trong thời đại kỹ thuật số hiện nay cũng đều được mọi người quan tâm, chú ý, nhận định trái chiều. Cho nên, tôi thấy đã là dư luận xã hội thì nó rất phức tạp, đa chiều, vì đó là những nhận định và ý kiến của nhiều nhóm, thành phần xã hội khác nhau khi họ cùng nói về cùng một vấn đề, hiện tượng xã hội nào đó.
Việc tắm biển của chư Ni gặp nạn vừa qua đang được dư luận chú ý là điều cũng rất bình thường như bao hiện tượng xã hội khác. Tuy nhiên, việc gặp nạn của các sư cô là việc rủi ro mà bản thân các nạn nhân lẫn lãnh đạo thiền viện không muốn chút nào. Vì thế, chúng ta cũng không cần phải nói năng, trách cứ nhiều nữa mà làm tổn thương đến người gặp nạn cũng như những người chịu trách nhiệm liên quan. Ngay giờ phút này hãy nhất tâm cầu nguyện, xem đó là bài học cuộc sống cho bản thân, dành tình thương về sự mất mát cho những người đồng tu.
Dư luận cho rằng người tu hành không được tắm biển thì e là hơi quá! Nếu chúng ta để ý xem việc Tăng Ni tắm biển là đặc thù của một số chùa, tự viện có địa hình gần bờ biển, hoặc có một số Tăng Ni xem việc tắm biển là một hình thức, phương pháp trị liệu, rèn luyện sức khỏe cho bản thân... thì mọi người cũng nên rộng lượng.
Theo tôi, việc tắm biển là một trong những phương pháp rèn luyện thân thể, thay đổi không khí trong quá trình tu tập, chứ không phải ra đó để khoe khoan hình thể, đùa giỡn um sùm. Song, vấn đề đồng ý hay không đồng ý cho Tăng Ni tắm biển thì sau vụ việc này còn cần phải thảo luận nhiều hơn trong lĩnh vực Tăng sự.
Vấn đề đặt ra ở đây: khi tắm biển là nên chú ý đến hình thức (y phục) và oai nghi (hành động) của người tu phải làm sao đúng phép, phù hợp với vai trò của người xuất gia và một điều đặc biệt nữa là địa điểm tắm (bãi tắm) phải an toàn và có hệ thống cứu hộ kịp thời khi có sự cố.
Hiện trường vụ tai nạn đuối nước thương tâm - Ảnh: Dân Trí
* Trên mạng xã hội, nhiều cá nhân đọc thông tin liên quan đến người tu, dù chưa được kiểm chứng - mới chỉ nghe một chiều, đã không kìm được cảm xúc, có những lời thô tục - về mặt nào đó những vị này cũng đang tạo ra nghiệp không lành. Đối với vấn đề này, Hòa thượng có thể cho biết cách kiểm soát cảm xúc và đánh giá thông tin?
- Khi có một sự kiện xảy ra mà mình không rõ thông tin, cư dân mạng thường có những bình phẩm, phát ngôn không hay là bởi họ không đặt mình vào hoàn cảnh, sự việc và vai trò của những nạn nhân. Hơn nữa họ là nhóm người thuộc nhiều ngành, lứa tuổi, giới tính và tâm thế khác nhau, nên việc phản ứng như thế do hiệu ứng đám đông, mang tính chất ảo và thiếu tính chính xác.
Vì thế, một số Phật tử mới biết đạo khi dùng mạng xã hội cũng bị ảnh hưởng của dư luận và có những phản ứng thiếu chính kiến, tình thương. Đối với người học Phật, nên hết sức bình tĩnh và tư duy thêm từ nhiều góc độ khác nhau về mọi vấn đề rồi mới phản hồi, để tránh những sai lầm, cũng như những lời nói không lành mạnh, làm tổn hại đến bản thân và những người xung quanh.
Trong luật có dẫn chứng về việc nói xấu mà mắc quả báo, như là một vị Sa-di chê bai thầy Tỳ-kheo tụng kinh giống tiếng chó sủa, vị này sau khi mãn báo thân phải đọa 500 kiếp làm chó. Điều này cho thấy, việc học phương pháp chánh ngữ trong tiếp nhận và xử lý thông tin vô cùng quan trọng với mọi người.
* Hòa thượng có khuyến cáo gì cho các chùa trong công tác quản lý Tăng Ni?
- Qua vụ việc trên tôi cũng khuyến cáo mọi người, tại nạn chết chóc sẽ không loại trừ một ai, tất cả chúng ta đều phải quý trọng sinh mệnh của mình. Dù là vô tình hay cố ý, thì đây là sự cố cảnh báo đến công tác quản lý đời sống sinh hoạt Tăng Ni tại các tự viện, cũng như việc bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm các hoạt động cá nhân tu sĩ đối với bản thân và tập thể Tăng đoàn.
Về mặt quản trị, quản lý Tăng Ni cần phải cẩn trọng hơn, không nên lơ là đối với sinh hoạt nội viện và ngoại viện, đối với hoạt động tập thể và cá nhân, những sự cố xảy ra khiến dư luận quan tâm cũng cần bổ sung thêm vào quy chuẩn thiền môn để phù hợp với đời sống hiện tại.
Về mặt cá nhân của Tăng Ni phải cố gắng tuân thủ theo đời sống tập thể. Những việc làm, quyết định cá nhân của mình trong việc ăn mặc, đi đứng, ngủ nghỉ, học tập, thư giãn… đều phải đặt lợi ích Tăng đoàn lên hàng đầu. Hiện nay, có những sự việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát của thầy tổ, Ban quản chúng, Ban quản viện ở một số tỉnh thành trên cả nước, đã làm ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh mô phạm của người xuất gia - sống như thế là thiếu tinh thần trách nhiệm với bản thân của mình và với Phật giáo nói chung.
* Kính cảm ơn Hòa thượng!
Minh Thuận - N.An thực hiện
------------------------------------
SÓNG DỮ CHIỀU XUÂN
Chiều nay.
Trong cơn gió đầu Xuân,
tôi chợt giật mình khi hay tin dữ.
Một con sóng xa bờ,
đã cuốn vài hiền hữu ra khơi.
Hỡi ơi!
Phận người nổi trôi,
dù chưa rõ hình dong,
nhưng tôi được biết rằng,
đó là hàng Ni lưu Thích nữ,
ham học, siêng tu,
chỉ biết ẩn cư,
ngày hai thời,
thiền tư sớm tối,
danh vọng cuộc đời,
như giọt nắng bên hiên.
Vậy mà!
Cơn sóng đảo điên,
đã biến thành cơn tang thương, dâu biển.
Một phút tẩy trần,
bỗng hóa thành khúc đồng vọng tử sanh.
Giọt lệ vờn quanh,
tôi đã kềm tiếng khóc.
Khóc cho người,
và cho cả chính tôi.
Trong xào xạc trùng dương,
giữa buồn thương chất ngất.
Tôi tỉnh hồn,
khi chợt thấy.
Một giọt sương trên cành,
đang hóa thân vào buổi sớm mai.
Chợt trong tôi!
Một thoáng bình yên len lén tìm về,
khi chợt nhớ đến lời Phật dạy.
Đó là...
Niềm tin vững chãi,
về một cội cây,
khi bị ngã
thì cây sẽ ngã xuống,
về hướng mà xưa nay,
nó đã nghiêng về.
Nghi Lâm
(Viết để tưởng niệm quý thiền sinh Ni vừa tử nạn tại biển Long Hải, Việt Nam, ngày mùng 7 Tết Mậu Tuất.
Nguồn: https://giacngo.vn/thoisu/sukienvande/2018/02/25/77F090/
Tuệ Giác
Cám ơn tác giả của bài báo ! bài viết rất ý nghĩa
Thích Trả lời 3/18/2018 9:14:19 AM