;
Sau hơn 30 năm thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã có những bước phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, cùng đất nước hội nhập và khẳng định vị thế của Giáo hội trong thời kỳ hội nhập. Xin Thượng tọa cho biết một số nét chính trong quan hệ giữa GHPGVN với giáo hội Phật giáo các nước? Thượng tọa Thích Gia Quang: Cùng với xu thế hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước, trong những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội VI, mối quan hệ giữa GHPGVN với giáo hội các nước luôn được đề cao, đặc biệt là với Giáo hội Phật giáo các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar... Hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay không chỉ tập trung riêng một lãnh vực nào mà cả hội nhập ở lĩnh vực tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Bởi thế, GHPGVN luôn coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và vì vậy trong nhiệm kỳ qua, đã có nhiều hoạt động tích cực để triển khai nhiệm vụ này. Đại hội GHPGVN lần thứ VII này sẽ có các đoàn Giáo hội Phật giáo các nước tham dự như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Nhật Bản và Ấn Độ… Để triển khai hiệu quả hoạt động hội nhập quốc tế, thì chắc hẳn hoạt động hoằng dương Phật pháp của GHPGVN ở nước ngoài, đối với bà con phật tử kiều bào là một trong những trọng tâm hoạt động của GHPGVN, thưa Thượng tọa? Thượng tọa Thích Gia Quang: Việc hoằng dương Phật pháp cho bà con ta ở nước ngoài luôn được xác định là một nhiệm vụ rất quan trọng của GHPGVN. Kiều bào ta nói chung và kiều bào phật tử dù ở đâu cũng là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Hiện nay, kiều bào ta ở nước ngoài rất đông, nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của bà con ta cũng rất lớn. Cho nên GHPGVN luôn quan tâm công tác hoằng dương Phật pháp, đem Phật giáo đến với bà con ta ở nước ngoài. Hiện nay, đã có 6 Hội Phật tử Việt Nam được thành lập tại các nước Ukraine, Đức, Séc, Ba Lan, Hungary và Nga. Các Hội này đang hoạt động rất tốt và có mối quan hệ chặt chẽ với trong nước. Hàng năm, GHPGVN có các đoàn sang các nước nói trên để phục vụ hoằng pháp cho bà con… Để mở rộng hoạt động hoằng pháp ra nước ngoài như vậy, GHPGVN cần phải có các tăng ni phật tử được đào tạo bài bản, Xin Thượng tọa cho biết công tác đào tạo cho tăng ni, phật tử và hợp tác trong lĩnh vực này với Giáo hội các nước? Thượng tọa Thích Gia Quang: GHPGVN có cử một số chư tăng đã được đào tạo ở trong nước sang phục vụ bà con Phật tử trong các chi hội ở nước ngoài. Ngoài ra, GHPGVN cũng quan tâm đào tạo chính các Phật tử kiều bào có đủ điều kiện, có trình độ, giúp họ học hỏi thêm về Phật pháp để có thể hướng dẫn cho nhau khi các chư tăng trong nước chưa được gửi sang, để kiều bào Phật tử cũng tự làm công tác Phật sự, cùng nhau hướng về Đất nước, làm cho đời sống tâm linh, tôn giáo của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày một tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, GHPGVN cũng phối hợp với giáo hội Phật giáo các nước, các tổ chức đào tạo Phật giáo quốc tế để hàng năm gửi sinh viên phật tử trong nước đến đào tạo. GHPGVN đã phối hợp như vậy với một số trường đại học, trung tâm Phật giáo quốc tế tại các nước Ấn Độ,Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc. Cụ thể như Ấn Độ, mỗi năm đã cấp cho chúng ta từ 3 đến 5 xuất học bổng. Mỗi năm, có tới vài ba chục sinh viên trong nước ra nước ngoài du học về Phật giáo. Đại hội toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ 7 là một sự kiện quan trọng của Phật giáo Việt Nam, Xin Thượng tọa cho biết một số nội dung chính của Đại hội này? Thượng tọa Thích Gia Quang: Đại hội lần này có nhiều nội dung, nhưng có 3 nội dung lớn, thứ nhất là việc suy tôn Hội đồng Chứng minh, suy cử Hội đồng Trị sự để làm sao phù hợp với tình hình thực tế của Giáo hội, của Đất nước và của thời đại. Thứ hai là sẽ sửa đổi Hiến chương của Giáo hội sao cho phù hợp với tình hình của đất nước, tình hình của Phật giáo, phù hợp với xu thế hội nhập toàn diện hiện nay. Nội dung lớn thứ ba là tăng cường, nâng cấp thêm một số ban mới của Hội đồng trị sự. Cụ thể là nâng cấp từ Ủy viên kiểm soát thành Ban kiểm soát, Ủy viên Pháp chế thành Ban Pháp chế và chính thức thành lập Ban Thông tin và Truyền thông. Mặc dù Ban Thông tin và Truyền thông được thành lập từ năm 2011 nhưng chưa được thông qua trong Hiến chương nên kỳ này sẽ đưa vào Hiến chương và thông qua tại Đại hội lần này. Mục đích của việc nâng cấp, phát triển và thành lập thêm các ban này là nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của Hội đồng Trị sự cho phù hợp với tình hình và bối cảnh chung của Giáo hội và đất nước. Về Ban Quốc tế, như tôi đã nói, hiện nay, đất nước ta chủ trương hội nhập một cách toàn diện, vì thế không chỉ hội nhập riêng một lĩnh vực, một mảng nào của xã hội. Chính vì thế, đòi hỏi Ban Quốc tế của GHPGVN cũng phải điều chỉnh để đảm bảo phân công, phân nhiệm cụ thể. Ví dụ như vị nào phụ trách vùng châu Âu, châu Mỹ, châu Á hay Châu Á - Thái Bình Dương hoặc châu Úc. Có phân công phân nhiệm cụ thể như vậy mới tạo thuận tiện cho hoạt động, cho đề xuất các chương trình hoạt động lên thường trực Hội đồng Trị sự, đáp ứng được tình hình hội nhập quốc tế của GHPGVN cũng như của đất nước giai đoạn hiện nay. Xin Cảm ơn Thượng tọa và Chúc cho Đại hội thành công! Hải Bằng - Đức Khải (thực hiện) - TG & VN |