Ảnh: Bảo Toàn
Trong những năm gần đây, trước yêu cầu mới, cơ hội mới đồng thời cũng là thách thức mới được đặt ra với tất cả tôn giáo, trong đó có Phật giáo Việt Nam. Chẳng hạn sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, tốc độ phát triển như vũ bão của internet và các ứng dụng vô cùng linh động từ đó đã tạo nên một thế giới ảo, những giá trị ảo, khả năng lan truyền và tác động của thông tin gần như tức thì đến tận ngõ ngách trên toàn cầu…
Từ những năm đầu 1990, một số cộng đồng Phật giáo ở Úc đã ý thức được công cụ hoằng pháp mới, nhanh chóng hình thành những “ngôi chùa điện tử”, “giảng đường điện tử”, “giáo dục Phật giáo điện tử”… Một số cộng đồng, tổ chức Phật giáo ngoài báo in theo truyền thống đã có các phương tiện hoằng pháp nhắm đến số đông như truyền hình phủ sóng toàn cầu, truyền thanh các bài thuyết giảng, hướng dẫn, chia sẻ chuyện đời, chuyện đạo và thực nghiệm tâm linh có ý nghĩa hết sức thiết thực, căn bản.
Thế nhưng, chúng ta thường có những bước đi rất chậm, thụ động và nhiều dè dặt không đáng có trước lời mời gọi của tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Ở nước ta, mấy năm trở lại đây, ý thức cần có giải pháp mang tính đồng bộ, thống nhất chỉ đạo theo Hiến chương Giáo hội và Pháp luật của Nhà nước, ngành hoằng pháp đã tổ chức nhiều hội thảo khu vực và toàn quốc.
Ấn tượng về quy mô, hoành tráng để lại trong lòng nhiều người, đó là Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc tại Kiên Giang năm 2010.
Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2011 được tổ chức ở Bình Dương, với sự phong phú trong các chương trình hoạt động ngoại vi như triển lãm văn hóa, hội trại họp mặt Gia đình Phật tử Việt Nam mang danh hiệu Nguyên Hùng, đại nhạc hội, diễu hành cho một môi trường xanh - sạch - đẹp, giúp người nghèo nơi ăn chỗ ở, chữa bệnh hiểm nghèo…, một số chương trình quan trọng được truyền hình trực tiếp qua sóng BTV, hy vọng sẽ góp phần sinh động làm nên một minh họa rất cụ thể cho nội dung của Hội thảo, đặc biệt là đối với chương trình tập huấn hoằng pháp viên, xem đây như là những mô hình tham khảo.
Có ý kiến cho rằng, những hoạt động như Hội thảo thường được tổ chức theo kiểu hình thức, đến hẹn lại lên, mang tính phong trào, có hội mà thiếu… thảo (luận), nên thường không có các giải pháp cụ thể, mang tính thiết thực, khả thi cho các yêu cầu mới đòi hỏi ngành phải nhận thức lại, có sự đổi mới toàn diện. Vì vậy, sự trông chờ vào Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc tại Bình Dương, vào tâm lực và trí lực của chư tôn đức giáo phẩm, các giảng sư đến từ ba miền đất nước lại càng tha thiết hơn bao giờ cả.
Tín hiệu hứa hẹn một kỳ Hội thảo, trong thực tế có tính chất như một Đại hội ngành hoằng pháp toàn quốc thành công, để lại những dấu ấn sâu sắc về hình thức và đúc kết các giải pháp căn bản cho hoạt động truyền bá Chánh pháp, được phát đi từ những phát biểu của chư vị giáo phẩm lãnh đạo ngành, đặc biệt là từ đơn vị đăng cai tổ chức năng động: Ban Trị sự PG Bình Dương.