;
Lời thanh minh của bà tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai
Theo từ điển tiếng Việt:
"Học hàm" là cấp bậc của người nghiên cứu giảng dạy ở bậc đại học. như "Học hàm giáo sư."
"Học vị" là danh vị cấp cho người có trình độ học vấn nhất định, thường là trên đại học. ví dụ học vị "tiến sĩ".
"Kiến thức" là những điều hiểu biết có được do từng trãi, hoặc nhờ học tập (nói chung).
Như vậy, một người có "học hàm" hoặc "học vị" tất yếu phải có một số kiến thức nhất định, không kiến thức phổ thông cũng phải có kiến thức chuyên môn.Thế nhưng, gần đây, trên các trang mạng xã hội, xuất hiện khá nhiều các vị học hàm học vị phát biểu linh tinh, đặc biệt phát biểu về chuyên môn của mình, chẳng hạn lĩnh vực tôn giáo, lĩnh vực xã hội...Rất may, những hiện tượng như thế được biết khá ít trên các trang mạng, dĩ nhiên, vẫn còn mà chưa có dịp xuất hiện. Thời gian rất ngắn , gần đây, sau chuyến thăm của Tổng Thống Obama, được Giáo sư tôn giáo học Dương Ngọc Dũng hướng dẫn, giải thích cho Tổng Thống về tập quán và giáo luật tại chùa Ngọc Hoàng (Phước Hải tự). Đến bà tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai, viện nghiên cứu Tôn giáo giải thích tập tục lễ Vu Lan, rồi giảng viên đại học Luật nói về lịch sử các Tôn giáo tại Việt Nam, dĩ nhiên, vị giảng viên nầy phải là chuyên gia nghiên cứu tôn giáo mới đứng trên bục giảng nói về Tôn giáo. Tất cả biểu lộ một kiến thức khiếm khuyết đáng ngại về lịch sử Tôn giáo, bà Tiến sĩ Đoàn Hương, chương trình Cafe sáng VTV3 " ngày 23/9/2016, nói, 50% trên Facebook là vô công rồi nghề ". Bà nói 50% như thế cũng còn may, nếu bảo toàn lũ vô công rỗi nghề thì nguy quá. Rất nhiều những sai lầm của các vị gọi là trí thức đến độ tạo ngỡ ngàng cho người nghe. Có lẽ, những vị nầy chưa học được nghệ thuật đối biện.
Trong phạm vi bài viết nầy, chỉ đặt riêng lĩnh vực Tôn giáo đối với những chuyên gia Tôn giáo. Tôn giáo là bộ phận nhạy cảm, không chỉ xét về lực lượng tín đồ,uy tín của một Tôn giáo,vị thế khả kính trong xã hội, mà còn thuộc lĩnh vực tâm linh. Chính tâm linh đã khuyến giáo, chuyển hóa tín đồ trên nền tảng đạo đức, giúp cho xã hội ổn định trật tự một phần nào đó, giảm thiểu tội phạm mà luật pháp,nhà giam, lực lượng an ninh không thể giải quyết triệt để. Tôn giáo trong một xã hội chưa phát triển rất cần thiết, ngoại trừ một xã hội có trình độ kiến thức và giáo dục cao, đất nước phát triển thật sự (không phải phát triển theo kiểu bề mặt ) người dân ý thức sự tôn trọng luật pháp, thì Tôn giáo cũng chưa phải là thừa. Xã hội Việt Nam hiện nay, từ gia đình, học đường, kinh tế, thực phẩm, giáo dục...đều ở mức báo động về thực chất và bất an về bản chất.
Thời gian qua, khi một số say mê với chủ thuyết, xem Tôn giáo là vật cản trở tiến hóa xã hội, là thế giới quan đảo ngược, là loại thuốc phiện ru ngủ loài người...bị xem nhẹ và đôi khi cần loại trừ khỏi cuộc sống, ít nhất là hạn chế sự phát triển, thì hệ quả tất yếu, đạo đức xã hội băng hoại nhiều thập kỷ sau đó, tội ác phát triển như thiếu tình người, mọi thứ đi xuống quá mức bình thường. Khi ý thức Tôn giáo là một phần của loài người, không thể thiếu, bấy giờ có hai thế giới để Tôn giáo tồn tại - một thế giới tư bản, tôn giáo phát triển song hành với sự phát triển của đất nước, một thế giới chủ nghĩa Xã hội sử dụng tôn giáo để phục vụ cho nền tảng chính trị của đất nước; nằm trong Mặt trận Tổ quốc, Tôn giáo là một thành phần trong cấu trúc vệ tinh của nhà nước.Thông qua Tôn giáo, nhà nước huy động nguồn lực và tài lực của tín đồ để thực hiện chính sách chung. Một khi ý thức được giá trị và sức mạnh tinh thần của Tôn giáo, Tôn giáo nào tương thích với chủ trương đường lối lãnh đạo thì sẽ được nâng đỡ, sự nâng đỡ quá mức thiếu hiểu biết đưa tôn giáo đó đến chỗ tự hủy, tai tiếng và suy thoái phẩm chất đạo đức, trong một số nhân sự của tôn giáo thiếu ý thức khi có nhiều quyền lực trong tôn giáo mình, điều nầy đang xẩy ra với Phật giáo.
Về hiện tượng, Phật giáo đang phát triển mạnh về cơ sở vật chất,và từ thiện xã hội, bề mặt nổi cho nhiều sinh hoạt tổ chức, nhưng về phẩm chất, các bậc chân tu thu mình trong ốc đảo tự thân khi nhìn thấy có quá nhiều tiêu cực trong cộng đồng tu sĩ thiếu đào tạo.Tu sĩ tốt nghiệp từ các học viện, trường Phật học hiện nay khắp ba miền chưa đủ đáp ứng và lấp đầy những khiếm khuyết đáng tiếc ấy.Thậm chí, có những Tăng sĩ thực dụng, xem nhẹ học vấn, bảo: "tiến sĩ không bằng tiến linh", quả vậy, tiến sĩ ra trường phục vụ trong học viện, lương chỉ đủ tiền đổ xăng, trong khi thầy đám một buổi cúng linh hơn tháng lương tiến sĩ Phật giáo. Giáo hội khó mà kiểm soát tất cả khi Phật giáo trở thành chiếc bóng của xã hội. Thế thì chả trách những cán bộ nghiên cứu Tôn giáo, dù có học hàm học vị, cũng chỉ là người đứng bên ngoài nhìn vào tòa cao ốc thâm u.
Tôn giáo không chỉ là một tổ chức có giáo phẩm, có chức sắc, có giáo quy, giáo luật, có kinh điển giáo lý, có tôn ti trật tự mà còn có phần tinh thần cao thượng, uyên áo, nhất là đạo Phật. Một tu sĩ cho dù ở chùa suốt đời, học nhiều kinh điển, giáo lý uyên thâm mà thiếu phần hàm dưỡng tâm linh thông qua tu tập, thì chưa đủ yếu tố con người Phật giáo thật sự, chưa nói đến việc giải thoát. Một người đặc trách nghiên cứu tôn giáo, khó mà hiểu trọn vẹn tôn giáo như một hành giả, nhưng ít ra, với nghiệp vụ, cần phải hiểu đúng lịch sử, giáo lý, giáo luật của một tôn giáo chứ không thể hiểu qua loa như cửi ngựa xem hoa, để rồi phải va vấp những sai sót khi đứng trước quần chúng. Cái vỏ của tôn giáo là lịch sử hình thành và truyền thừa, là giáo lý cơ bản, tôn chỉ của từng tông phái, và tổ chức giáo hội, hiểu được như thế đã là cơ bản cho việc nghiên cứu chuyên ngành; nếu những cơ bản ấy không nắm vững thì đừng nói đến thâm nhập cốt lỏi của tôn giáo. Phật giáo khác với các tôn giáo về giáo lý đa tầng. Khổng giáo, Kito giáo ở mức nhân thừa, Phật giáo thông qua ngũ thừa, từ thấp lên cao. Một người chuyên về Phật giáo, không chỉ đủ thời gian bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Tôn giáo mà còn cần miệt mài thâm nhập Phật giáo bằng cả kiến thức và tâm linh, sống bằng cả tâm tư tình cảm như một nhân vật thực thụ của phật giáo mới mong hiểu đúng thế nào về Phật giáo. Tiếc thay, những trí thức được coi là "tôn giáo học, viện nghiên cứu tôn giáo.." mà không thâm nhập được bề sâu của Tôn giáo như đạo Phật, quả là chưa đúng danh xưng. Nếu những vị trên đây, ngoài việc được đào tạo từ sư phạm, viện nghiên cứu, cần dành nhiều thời gian cho vấn đề chuyên sâu trong đạo phật, thông qua các học viện, các cao Tăng, giáo phẩm, hoặc ít nữa là vụ Phật giáo để chuyên ngành đang theo, có lẽ sẽ không va vấp đáng tiếc như vậy.
Việc đào tạo một học vị hiện nay, hình như mục đích trao truyền và thu thập chiếc vỏ của vấn đề, ngoại trừ rất ít vị dốc tâm chuyên sâu vào nội chất. Những học giả xưa kia, khi đi sâu vào những tôn giáo phương Đông, cuộc sống và sự hiểu biết của họ chuyển đổi hẳn như một ẩn sĩ thâm hậu; triết lý sống từ những tôn giáo đó đã giúp họ thâm trầm hơn, uyên áo hơn, từ tốn khiêm cung hơn, và hiểu rõ luật nhân quả, luật cung cầu, luật sinh tồn của thế giới sinh vật. Với tầm nhìn tổng quát và sự hiểu biết thâm hậu đó, đễ giúp họ vượt qua những ách tắc, những mâu thuẩn thường hằng trong cuộc sống. Đối trước nhiều vấn nạn, họ biết đâu là đầu mối của vấn đề, lúc nào cần thì xắn tay nhập cuộc, không phải thời thì lẳng lặng im hơi. Tinh thần và vật chất của họ hình như hài hòa hợp lý.
Một tu sĩ hay một chuyên gia, khi phát biểu, phong cách, âm điệu, kiến thức toát hiện một nội chất nhất định. Rất may, trong Ban Tôn giáo chính phủ, một vài vụ trưởng đã thể hiện được kiến thức chuyên môn và nhân cách chịu ảnh hưởng của tôn giáo mình đang đảm trách. Cái chững chạc, thâm thúy, từ tốn đó, không phải do đứng ở vị thế chuyên ngành mà ít nhiều do thâm nhập tinh thần giáo lý của tôn giáo đó. Cái mĩm cười tự mãn của một giảng viên nói về tôn giáo trên bục giảng đại học luật đã thể hiện sự nông cạn không nên có. Một thái độ vung vẩy, bươn bả của một phụ nữ đại biểu cho một đất nước trước ống kính quốc tế đã nói lên một nội chất tâm linh và kiến thức chuyên môn hụt hẩng. Một giáo sư Tôn giáo học chỉ nắm bắt chung chung về luật nghi của tôn giáo chứng tỏ chưa thực sự hòa nhập vào tinh thần tôn giáo để tránh được những khiếm khuyết vụng về mang tính lý thuyết suông. Một Tiến sĩ thuộc viện nghiên cứu Tôn giáo xem nhẹ giáo lý hoặc truyền thuyết cơ bản của phật giáo nên truyền đạt cho mọi người thấy những mâu thuẩn sơ đẵng thậm chí mê tín của đạo Phật Bắc truyền.
Trong cuộc sống của đất nước ta hiện nay, ngành nghề nào thiếu lương tâm chức nghiệp đều phạm phải những độc hại chết người. Thực phẩm độc hại do lương tâm nhẹ hơn lợi nhuận, học đường trao truyền kiến thức xem nhẹ đạo đức lễ giáo đưa học sinh đến chỗ loạn đả; kinh tế không căn bản đưa con người vào manh động. Đạo đức xã hội, đạo đức tôn giáo trống chân thì cuộc sống sanh nhiều tội phạm. Cán bộ chỉ thấy chiếc ghế lớn hơn lợi ích xã hội thì tiêu cực phát sanh; càng nhiều báo cáo đạt chỉ tiêu thì không lâu sau đó cơ quan chuyên ngành hao hụt ngân sách; chạy theo chỉ tiêu như đếm xác địch để đánh giá thắng cuộc; học hàm học vị phạm nhiều sai lầm do chạy theo danh nghĩa,...Tóm lại, tát cả do thiếu hàm dưỡng nội chất từ giáo dục đến tôn giáo và chuyên ngành. Việc phải chỉnh đốn từ đâu? có lẽ những ai có trách nhiệm đều phải thấy.
Nhân cách biểu lộ cho trí thức và đạo đức nhân thân,trí thức là đại biểu cho trình độ của một dân tộc, trình độ dân tộc thể hiện qua nếp sống trong xã hội. Hy vọng rút ra những hụt hẩng để chỉnh đốn lại những ưu điểm và thực chất mà một học vị đang thủ đắc.
12/10/2016
Hoang Phuoc Dai
Tôi chỉ nêu vài ý sau đây để bổ sung theo quan điểm của tôi. Thứ nhất học hàm là danh hiệu được phong tặng cho người có kiến thức ở một ngưỡng nào đó. Ví dụ được phong hàm giáo sư, phó giáo sư là một ví dụ. Học vì là bằng cấp đạt được ngang với kiến thức yêu cầu, tiến sỹ, thạc sỹ… Thứ hai, nói gì thì nói, nếu một người tu hành đúng theo lời dạy của Phật thì vị đó phụng sự vì Phật pháp, phụng sự vì chúng sinh, không để chính trị chi phối, dù vị đó ở Mỹ hay ở Việt Nam. Đạo Phật không có màu sắc chính trị thì mới gọi là đạo Phật.
Nguyễn Minh Tâm
Bà Tiến sĩ Đoàn Hương, chương trình Cafe sáng VTV3 " ngày 23/9/2016, nói, 50% trên Facebook là vô công rồi nghề " Kiếp trước chắc chúng tôi có tu nên kiếp này được hưởng phước là nhàn nhã nên vào mạng để nghiên cứu xem chơi... Còn Tiến sỹ Đoàn Hương kiếp trước không tu nên kiếp này vất vả phải làm quần quật để kiếm miếng ăn và phải học hành vất vả luồn lọt đút lót mới được cái học vị Tiến sỹ giấy... thế mà vẫn bị người đời coi khinh vì lời phát ngôn như trên. Đúng là ở Việt Nam hơn một ngày lại cho ra lò một tiến sỹ. Thật đáng buồn cho nền học vấn của chúng ta!!!
Thích Trả lời 10/13/2016 4:38:58 PM