;
>HT.Thích Thiện Tâm: Nếu chỉ vì mục đích giáo dục
>Giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội có nhiều lựa chọn, nhưng tại sao..?
Trong bài này, chúng ta tiếp tục câu chuyện với HT Thích Thiện Tâm về “quyền lực mềm giáo dục”. Mặc dù hòa thượng coi từ “học thuyết” là lời nói vui, nhưng quả thực điều hòa thượng nói ra quá mới, ít ra là đối với tôi, tuy đã đọc một số sách về giáo dục, cũng
đã được đào tạo trong ngành giáo dục, nhưng chưa đọc thấy, nghe thấy “quyền lực mềm giáo dục” bao giờ (chỉ đọc thấy cụm từ “sức mạnh giáo dục”). Vì vậy, nếu từ góc độ tiếp nhận, mà coi “quyền lực mềm giáo dục” là một học thuyết về giáo dục của Hòa thượng Thích Thiện Tâm, thì lại là một chuyện nghiêm chỉnh. Mở đầu cuộc nói chuyện, Hòa thượng đã nhắc lại việc hòa thượng trả lời phỏng vấn trong cương vị cá nhân một chuyên gia giáo dục, không phải từ vị trí một nhà lãnh đạo tôn giáo.
Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch Hòa thượng (HT), về quyền lực mềm thì con có đọc thấy cụm từ quyền lực mềm văn hóa trên các sách về chính trị, lịch sử đương đại, quan hệ quốc tế hay cả sách về văn hóa, nhưng chưa đọc thấy cụm từ “quyền lực mềm giáo dục”. Xin HT giải thích vền thuật ngữ này.
HT Thích Thiện Tâm (HT TTT): Vì như đạo hữu nói nên tôi mới ký tên phía dưới thuật ngữ, thành ra là “học thuyết” của mình (cười). Chứ nếu là điều ai nấy cũng biết, thì làm sao tôi dám nói, dù nói đùa, là “học thuyết” (!).
Nhưng nói chơi thôi, tôi xin đi vào giải thích cụ thể.
Qua sách vở, báo chí, chúng ta thường gặp cụm từ “sức mạnh mềm văn hóa”, nhưng không thấy nói đến “sức mạnh mềm giáo dục”, vì thường là người ta đã bao gồm giáo dục trong sức mạnh mềm văn hóa.
Thí dụ, những nền giáo dục có sức hấp dẫn cao, được toàn cầu ngưỡng mộ, là mục tiêu nhắm đến du học của sinh viên toàn thế giới dù học phí rất cao, như nền giáo dục đại học Mỹ, Úc, Anh, Đức… đều là những biểu tượng của quyền lực mềm.
Việc Trung Quốc triển khai dạy tiếng Trung trên phạm vi toàn cầu qua các Viện Khổng Tử cũng như thu hút sinh viên thế giới đến Trung Quốc du học, dĩ nhiên là dùng tiếng Trung đều được coi là triển khai quyền lực mềm.
Người ta nói đó là quyền lực mềm văn hóa, nhưng theo tôi phải gọi chính xác là quyền lực mềm giáo dục.
Thí dụ, sức hấp dẫn của phim Holywood, của nhạc Jazz, của thức ăn nhanh Mỹ là sức mạnh mềm văn hóa. Còn sức hấp dẫn của nền giáo dục và những tác động tạo ra sau khi tiếp nhận nền giáo dục Mỹ là quyền lực mềm giáo dục.
Tôi méo mó nghề nghiệp giáo viên tiếng Anh một tí. Đạo hữu có học tiếng Anh qua bộ sách “English for today” không?
CS MT: Kính bạch HT, có học cuốn 1 ạ.
HT TTT: Bộ sách đó là sách giáo khoa tiếng Anh ở trường trung học miền Nam trước năm 1975. Tôi đã học tiếng Anh theo bộ sách đó và cảm nhận quyền lực mềm giáo dục ở đó rất rõ.
Người ta thường nói quyền lực mềm văn hóa qua truyền thông, thí dụ quyền lực mềm của Mỹ qua kênh truyền hình CNN. Nhưng truyền thông và giáo dục có điểm rất giống có thể nói là phần giao nhau, đó là có gắng ảnh hưởng đến tình cảm, suy nghĩ của người khác. Ở truyền thông đó là đối tượng nhận tin. Còn ở giáo dục là học sinh, sinh viên. Cho nên nếu nghiên cứu đến một mức nào đó thì ắt người ta phải phân biệt quyền lực mềm văn hóa và quyền lực mềm giáo dục.
Nhưng đạo hữu hiểu thế nào về quyền lực mềm? Thầy có đọc một số bài của đạo hữu về đề tài này, đạo hữu có thể chia sẻ lại với bạn đọc.
CS MT: Kính bạch HT, con hiểu là tất cả mọi hoạt động nhằm ảnh hưởng đến các đối tượng buộc làm theo ý chủ thể tiến hành ngoài trường hợp dùng vũ lực, cưỡng bức bằng đe dọa, sử dụng tài chính để mua chuộc, đều là quyền lực mềm. Có người hiểu thẳng quyền lực mềm là quyền lực văn hóa, ngoại giao…
HT TTT: Người ta không nói quyền lực mềm giáo dục vì tác động giáo dục thường chậm và có vẻ gián tiếp. Thực ra, quyền lực mềm giáo dục tuy không tác động tức thời, như chuyển biến tâm tư tình cảm sau khi tiếp xúc với những tác phẩm văn học nghệ thuật, nhưng quyền lực mềm giáo dục có tác động lâu dài và bền vững. Thế hệ trước của thầy có một số trí thức Pháp học nói tiếng Pháp trôi chảy như trí thức Pháp, sinh hoạt theo kiểu giới thượng lưu Pháp, giải trí chủ yếu bằng văn hóa Pháp (nhưng có thể vẫn không theo hẳn Pháp về chính trị) là những kết quả sống động của quyền lực mềm giáo dục từ nhà trường Pháp. Mất 80 năm giáo dục quyền lực mềm giáo dục Pháp tại Việt Nam mới tạo ra những trí thức như thế.
Từ đầu thế kỷ XIX, khi đưa những người Việt Nam tiếp cận với nền giáo dục Pháp thì người Pháp đã ý thức rất rõ về mục tiêu này, trong đó, những trí thức Việt thân Pháp, ủng hộ sự cai trị của Pháp, như những người trong Chính phủ Nam kỳ tự trị, đòi tách Nam bộ khỏi Việt Nam là những kết quả của quyền lực mềm giáo dục đó theo tiêu chuẩn của người Pháp. Vì vậy, nhận thức về quyền lực mềm giáo dục đã có từ rất lâu. Bây giờ thầy trò ta nói đến quyền lực mềm giáo dục thực sự chỉ là tìm hiểu vấn đề từ một gợi ý mới của học giả Joseph Nye. Mới là mới ở thao tác, thuật ngữ, tham chiếu, chứ không mới về nhận thức.
CS MT: Kính bạch HT, xin HT nói qua về những diễn tiến của quan niệm về quyền lực mềm giáo dục?
HT TTT: Sẽ mất nhiều thì giờ lắm, nhưng qua một số ví dụ lịch sử, chúng ta cũng có thể tiếp cận vấn đề. Thầy xin phép không trình bày vấn đề theo thời gian, mà chỉ chọn một số cột mốc điển hình để minh họa.
Nói quyền lực, là phải nói đến động cơ, có thể tốt, có thể không tốt. Nói đến quyền lực là nói đến sự áp chế (ở quyền lực mềm thì không dùng vũ lực nhưng có thể có sự hỗ trợ gián tiếp của cưỡng chế) và đương nhiên phải áp chế.
Khổng Tử là một nhân vật tiêu biểu của quyền lực mềm giáo dục. Học giả này được coi là thánh là thầy của muôi đời (vạn thế sư biểu), xuất thân trước hết chỉ là một nhà giáo mong muốn dạy người không mỏi mệt.
Vì đây là một thứ quyền lực, nên để chế áp nó có kết quả ngay lập tức, phải dùng đến quyền lực cứng (bạo lực với lực lượng vũ trang). Đó là trường hợp Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò (phần thư khanh nho). Việc dùng vũ lực có tính hủy diệt chống lại một hình thái giáo dục cho thấy giáo dục đã được khẳng định là một loại quyền lực.
Trong Đại Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, Khổng Tử lại được đưa ra đấu tố trong một hoạt động bán vũ trang. Đại Cách mạng Văn hóa cũng dựa vào một lực lượng giáo dục khác (sinh viên đại học Trung Quốc nửa sau thập niên 1960).
Ở nước ta, thời Bắc thuộc, nền giáo dục Hán học đã được triển khai như một thứ quyền lực mềm, nhằm phục vụ việc đô hộ lâu dài nước ta.
Vào thời Ngô Đinh Tiền Lê và nhất là đời Lý, để củng cố nền đôc lập non trẻ, nhà nước phong kiến đã dựa vào quyền lực mềm giáo dục từ nhà chùa. Giáo dục Phật giáo thời này, nơi đào tạo trí thức, đã đóng vai trò nền giáo dục quốc gia, một dạng quyền lực thúc đẩy tiến trình độc lập tự chủ của dân tộc. Nhà Lý sau đó là nhà Trần, là kết quả của quyền lực mềm giáo dục đó.
Nhận thức tác động của quyền lực mềm giáo dục trong việc xây dựng quốc gia trung ương tập quyền, mà giáo dục Phật giáo vẫn là giáo dục phi công lập, nên từ nhà Trần, nền giáo dục công, giáo dục nhà nước đã được xây dựng. Quyền lực mềm giáo dục từ đây, không chỉ là quyền cung cấp tiến trình giáo dục, mà còn là quyền công nhận học vị qua các khoa thi do nhà nước tổ chức.
Nhận thấy sự đóng góp của giáo dục trong việc tạo thành sức mạnh dân tộc, nhà Minh, trong cuộc xâm lược dân tộc, đã đánh vào giáo dục bằng cách tịch thu, tiêu hủy sách vở, công cụ của giáo dục. Nhiều sử gia coi đây là một kiểu chiến tranh văn hóa, nhưng thiệt hại do mất mát sách vở của Đại Việt trước tiên là thiệt hại giáo dục.
Nhà nước phong kiến Đại Việt sau khi khôi phục độc lập vẫn giữ quyền điều hành giáo dục bậc cao (quốc tử giám được coi là đại học của Đại Việt) và quyền công nhận học vị.\
Việc xóa bỏ khảo thí truyền thống, du nhập nền giáo dục Pháp, triển khai giáo dục chữ quốc ngữ là hoạt động chế áp quyền lực mềm giáo dục phong kiến Việt Nam, nằm trong kế hoạch cai trị lâu dài Việt Nam.
Sau Cách mạng Tháng Tám, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận thức sức mạnh của giáo dục, tuy chưa có khái niệm quyền lực mềm giáo dục, đã tổ chức phong trào bình dân học vụ, là hoạt động giáo dục toàn dân. Những thành quả giáo dục đã góp phần tạo nên sức mạnh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giáo dục toàn dân được coi là mục tiêu của nền độc lập, đồng thời cũng là một giá trị của nền độc lập, tạo nên động lực huy động sức mạnh toàn dân bảo vệ nền độc lập.
Từ năm 1954, cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện chuyên chính đối với hoạt động giáo dục. Có quan điểm như thế tức là đã có nhận thức về quyền lực mềm giáo dục. Hoạt động giáo dục ngoài công lập bị xóa bỏ. Giáo dục chỉ có duy nhất một thành phần giáo dục công. Một quá trình như thế cũng đã diễn ra ở miền Nam từ năm 1975.
Trên thế giới, ở cao điểm những cuộc cách mạng, khi có sự đối kháng giữa nhà nước và giáo hội, thì giáo dục là lãnh vực bộc lộ xung đột, nhà nước tách nhà trường ra khỏi nhà thờ, nhà nước độc quyền điều hành giáo dục.
CS MT: Kính bạch HT, như thế thì quyền lực mềm giáo dục đã là một thứ quyền lực chính trị?
HT TTT: Quyền lực mềm giáo dục không phải là quyền lực chính trị. Nhưng, vì là một thứ quyền lực, nên chính trị đương nhiên sử dụng quyền lực đó để phục vụ hoat động chính trị. Cho nên thời kỳ chính trị nào thì sẽ có nền giáo dục đó. Ngược lại, giáo dục ở từng thời kỳ nhất định sẽ tạo ra những mẫu người tương ứng, thể hiện rõ nhất ở giới trí thức và rõ hơn nữa ở tầng lớp tinh hoa. Như đối với anh, thì đọc cách viết văn của anh, tôi chắc chắn là lớp trí thức được đào tạo chủ yếu từ nền giáo dục sau năm 1975, là sản phẩm của nền giáo dục này.
CS MT: Kính bạch HT, như vậy, khi tôn giáo sở hữu, tổ chức điều hành hoạt động giáo dục, thì tôn giáo có quyền lực mềm giáo dục?
HT TTT: Tất nhiên rồi. Đề tài của chúng ta là giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội rốt cuộc để đi tới kết luận này.
Phật giáo Việt Nam chúng ta bắt đầu suy thoái kể từ khi mất vai trò nắm giữ hoạt động quốc gia, mất vai trò cơ chế đào tạo trí thức tinh hoa cho đất nước. Sinh hoạt học thuật từ đó cũng biến đổi theo. Đọc bộ sách đồ sộ “Thơ văn Lý – Trần” của Viện Văn học sẽ thấy điều trên. Các tác giả từ thế kỷ X càng về sau chuyển dần từ những trí thức Phật giáo, những người do nhà chùa đào tạo, sang những trí thức Nho học, những người được đào tạo ngoài nhà chùa.
Phật giáo Việt Nam suy thoái cho đến khi nhận thức đúng vai trò của giáo dục. Quá trình chấn hưng Phật giáo là quá trình Phật giáo ráo riết xây dựng hoạt động giáo dục của mình, từ hoạt động giáo dục tu sĩ đến giáo dục hướng ra xã hội. Đỉnh cao của quá trình này là Viện Đại học Vạn Hạnh.
Trước năm 1975, ở miền Nam định chế Phật giáo thành công nhất chính là Viện Đại học Vạn Hạnh. Chính đây là cơ sở làm nên sức mạnh Phật giáo Việt Nam giai đoạn trước năm 1975, thể hiện đẳng cấp tôn giáo hàng đầu tại Việt Nam và là tôn giáo của trí tuệ, học thuật.
Trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất còn có sự chia rẽ thì Viện Đại học Vạn Hạnh là hình ảnh thật sự và sống động của Phật giáo miền Nam thống nhất thành công, là định chế có tiếng tăm quốc tế, là cơ sở đào tạo học thuật Phật giáo gồm đủ các tông phái. Quyền lực mềm giáo dục Phật giáo đều từ Viện Đại học Vạn Hạnh mà có, thể hiện từ ban điều hành, ban giảng huấn đến cơ sở thư viện.
Đạo Thiên chúa La Mã là tôn giáo đứng đầu về ý thức giáo dục. Cuối thế kỷ XIX, họ đã đào tạo được một số trí thức trước tác bằng chữ quốc ngữ, mở đầu cho nền văn học chữ quốc ngữ. Có thể coi đây là ảnh hưởng quan trọng của quyền lực mềm giáo dục đạo Thiên Chúa.
Đầu thế kỷ XX, họ đã xây dựng được hệ thống các trường học trong các giáo xứ theo hình thái vết dầu loang. Trường học giáo xứ là biểu tượng bước phát triển mới quyền lực mềm giáo dục đạo Thiên Chúa, thể hiện tác động mạnh mẽ của nhà thờ đến giáo dân, đóng một vai trò quan trọng hình thành nên những giáo xứ toàn tòng biệt lập (bên cạnh biệt lập về cư trú đã có biệt lập về giáo dục).
Ở miền Nam vào năm 1975, đó là tôn giáo thành lập, sở hữu, điều hành đại học tư đầu tiên và đến thập niên 1970 đã nắm trong tay 2 đại học tư.
Nhận thức về quyền lực mềm giáo dục ở đạo Thiên chúa không chỉ là thế mạnh của hàng giáo phẩm, linh mục và tu sĩ mà là nhận thức phổ biến ở tín đồ. Nhận thức này có lúc đi tới cực đoan như sau 1954 ở miền Bắc, nhiều giáo dân không cho con vào học ở trường công lập. Họ sợ quyền lực mềm giáo dục có thể dẫn đến việc thay đổi tôn giáo.
Ở miền Nam, sau 1954, hệ thống trường trung tiểu học do đạo Thiên Chúa sở hữu điều hành được coi là hệ thống giáo dục phổ thông có chất lượng tốt nhất và là hệ thống giáo dục tư thục lớn nhất.
Kết quả của quyền lực mềm giáo dục tôn giáo này là một tầng lớp trí thức tinh hoa, đặc biệt trong giới quan chức chính quyền và sĩ quan quân đội nếu không theo đạo, thì khi đã qua hệ thống giáo dục Thiên chúa giáo, cũng có khuynh hướng ưu đãi tôn giáo này. Ông Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống chế độ Sài Gòn là một người tiêu biểu theo khuynh hướng này. Dù gốc gia đình Phật giáo, do đi học trường Thiên Chúa giáo nên dễ dàng đi tới cải đạo. Từ bên đạo Thiên chúa gọi là “đạo theo”, phân biệt “đạo gốc”, “đạo dòng”.
CS MT: Kính bạch HT, như vậy nếu tái lập hệ thống giáo dục hướng ra xã hội của tôn giáo là sẽ gia tăng quyền lực mềm giáo dục tôn giáo?
HT TTT: Đó là chuyện đương nhiên. Có trong tay hệ thống giáo dục là có trong tay một loại quyền lực mềm, như là hoạt động truyền thông, thường được xếp trong lãnh vực văn hóa.
Có tôn giáo, để tăng cường quyền lực của họ, nên từ khi đổi mới đến nay, đã liên tục đưa ra yêu cầu này. Vào những năm 1990, khi nhà nước cho phép tôn giáo tổ chức điều hành giáo dục cấp mầm non, thì bên cạnh việc xây dựng trường lớp, hoạt động giáo viên mầm non hóa đội ngũ nữ tu sĩ đã được hết sức chú trọng.
Bên cạnh việc liên tục yêu cầu tái lập giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội là việc đào tạo nhân sự giáo dục, với quan điểm tu sĩ phải là nhà sư phạm. Đối với họ, giáo dục là phương tiện không thể thiếu trong hoạt động tôn giáo.
Trường hợp khi tôn giáo sở hữu và điều hành hệ thống giáo dục riêng, thì trong vai trò là một loại quyền lực, với sự nhận thức đầy đủ về quyền lực đó, thì quyền lực mềm giáo dục sẽ vận hành thế nào, chúng ta sẽ tìm hiểu trong một cuộc nói chuyện sau.
Điều lưu tâm là chắc chắn quyền lực mềm giáo dục cũng sẽ tác động đến Phật giáo Việt Nam chúng ta.
Trong khi đó, Phật giáo Việt Nam chúng ta trong gần 40 năm qua, đã không còn nhận thức về quyền lực mềm giáo dục.
Quan điểm “quên” hẳn giáo dục hướng ra xã hội đã trở thành phổ biến. Nhu cầu về giáo dục hướng ra xã hội không còn trong hoạt động hoằng pháp, hóa đạo. Nếu có dịp, chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề này, xem do tại sao, tình trạng đã đến mức như thế nào, cần làm những gì.
Nhưng cần nhớ rằng, khi một tôn giáo, vốn đã sở trường sử dụng quyền lực mềm giáo dục, khi khôi phục được quyền lực mềm này, thì ắt sẽ tác động mạnh mẽ đến Phật giáo Việt Nam chúng ta. Điều này là rõ ràng, hiển nhiên, nếu ta nhìn sự việc với quan điểm quan hệ nhân duyên, toàn diện, vận động và lịch sử cụ thể.
Tác động là phải có, không thể tránh được. Tình trạng sẽ trở về như ở miền Nam sau năm 1957, năm mà một tôn giáo đã có hệ thống giáo dục hướng ra xã hội gồm cả đại học.
Nói đến quyền lực mềm là nói đến ảnh hưởng, đến tác động lên một đối tượng. Với tư cách là một tôn giáo, Phật giáo Việt Nam chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng. Mà không chỉ Phật giáo mà còn là toàn xã hội. Rồi chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp.
Đạo hữu cũng nên nhớ một điều, Khi tìm hiểu quyền lực mềm, thì chúng ta phải tìm hiểu nó trong hệ thống khái niệm của Joseph Nye, tức là trong mối liên hệ với quyền lực thông minh và do đó quyền lực cứng. Quyền lực thông minh là sự phối hợp sử dụng cả quyền lực mềm và quyền lực cứng để đạt được mục đích. Một nhà lãnh đạo được coi là biểu tượng của quyền lực mềm, là giáo hoàng, thì mới đây cũng lại bộc lộ những dấu hiệu của quyền lực thông minh, qua việc bày tỏ ủng hộ hoạt động quân sự của Mỹ chống nhà nước Hồi giáo đang giao tranh với chính quyền Iraq. Vì nhà nước Hồi giáo giết hại tín đồ Ca tô La Mã. Vấn đề của quyền lực thông minh là ráp nối khéo léo, phối hợp nhịp nhàng với quyền lực cứng.
CS MT: Kính bạch HT, như vậy quyền lực mềm giáo dục tôn giáo cũng có những vấn đề mặt trái?
HT TTT: Đã là quyền lực thì tùy theo người sử dụng nó mà tính chất của nó sẽ như thế nào. Quyền lực cũng như kiến thức, hay kể cả vũ khí, tự nó không xấu, không tốt, mà phụ thuộc vào mục đích sử dụng. Đã xác định giáo dục là một loại quyền lực mềm, thì người nắm nó trong tay chỉ nên trao cho đối tượng đáng tin cậy, hay là tạo nên một tình thế nắm quyền lực mềm giáo dục cân bằng, tránh việc chỉ tập trung loại quyền lực này vào một phía nào đó. Đây là điểm nhấn mạnh trong hệ thống các quan điểm của tôi về quyền lực mềm giáo dục trong điều kiện đặc thù ở Việt Nam.
CS MT: Xin thành kính cảm ơn HT. Kính chúc HT an lạc.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.
(thực hiện)