;
Thời gian qua, chúng tôi liên tục nhận được đơn khiếu nại của sư thầy Thích Tuệ Hạnh - Trụ trì chùa Sùng Bảo (tức chùa Xuân Nhân - di tích lịch sử cấp quốc gia, tại xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) về việc Ban giải phóng mặt bằng huyện Mỹ Hào và UBND xã Xuân Dục đã chỉ đạo thi công san lấp diện tích ao trồng sen, thả cá của nhà chùa (500m2) mà không thông báo, không có quyết định thu hồi, cưỡng chế đất cũng như không có phương án hỗ trợ bồi thường.
Chùa Sùng Bảo với truyền thuyết "Tượng đất hoá tượng vàng” có từ cách đây 1.500 năm. Trong phong trào "Cần vương yêu nước”, ngôi Sùng Bảo cổ tự cùng với cây đề cổ thụ gắn liền với tên tuổi nhà ái quốc - Tướng công Nguyễn Thiện Thuật, người con quê hương Xuân Dục, lãnh tụ nghĩa quân Bãi Sậy. Ngày 5-2-1994, Chùa Sùng Bảo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Theo biên bản sơ đồ khuôn viên khu chùa Xuân Nhân ngày 3-5-1998 của chính quyền xã Xuân Dục và nhà chùa, thì chùa có tổng diện tích sử dụng là 8.116 m2 ( Trong đó có 4.516 m2 là đất để xây dựng chùa, đất vườn và 3.600 m2 là đất ao), sử dụng ổn định, không tranh chấp với ai. Năm 2011, huyện Mỹ Hào và UBND xã Xuân Dục nâng cấp tuyến đường vào khu di tích lịch sử nhà bia tưởng niệm tướng công Nguyễn Thiện Thuật đã chỉ đạo bên thi công san lấp khoảng 500 m2 diện tích ao của nhà chùa đang sử dụng, không thông báo cho nhà chùa, không có quyết định cưỡng chế thu hồi của cơ quan có thẩm quyền, không có phương án bồi thường hỗ trợ. Đặc biệt, tại cuộc họp ngày 10- 6- 2011, ông Vũ Văn Yên, Chủ tịch UBND xã Xuân Dục còn tuyên bố toàn bộ diện tích 3.600 m2 đất ao không phải của nhà chùa.
Theo sư thầy Thích Tuệ Hạnh, ngày 20-9-2011 UBND huyện Mỹ Hào đã có văn bản số 222/CD - UBND giao đích danh cho Chủ tịch UBND xã Xuân Dục giải quyết vụ việc. Ngày 27-7-2011 xã triệu tập cuộc họp. Ông Phó Chủ tịch xã Hoàng Văn Bộ đã xin lỗi và thừa nhận những sai sót: Do cán bộ xã trước đó đã nghỉ chế độ nhưng không bàn giao giấy tờ nên không biết có sơ đồ đo đạc khuôn viên đất chùa của UBND xã Xuân Dục đã giao cho nhà chùa sử dụng ngày 3-5-1998, dẫn đến những sai sót trên và mong nhà chùa bỏ qua. Đồng thời hứa sẽ nhanh chóng mời cấp trên về đo đạc, triển khai việc hoàn tất hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa Sùng Bảo cũng như sẽ cho phá bờ đập, trả lại nguyên trạng ban đầu cho nhà chùa. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chính quyền chưa có động thái gì để khắc phục.
Phần đất ao ( 500 m2) chùa Sùng Bảo
đang sử dụng bị san lấp để làm đường dân sinh
Vậy mà làm việc với chúng tôi, ông Vũ Văn Yên, Chủ tịch UBND xã Xuân Dục lại khẳng định: "Diện tích đất ao trên là đất công ích, thuộc quyền quản lý của UBND xã Xuân Dục. Đó chỉ là tờ sơ đồ khảo sát chứ không phải là giấy chứng nhận hay quyết định giao đất cho nhà chùa. Nếu nhà chùa khẳng định diện tích đó là đất của nhà chùa thì cứ trình ra quyết định giao đất của UBND tỉnh thì UBND xã sẽ công nhận”. Trong khi đó, theo sơ đồ khuôn viên chùa Xuân Nhân do chính quyền xã Xuân Dục lập ngày 3-5-1998, có chữ ký của Chủ tịch xã, đóng dấu đã ghi rõ: "Cán bộ địa chính xã cùng ông Hồi, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã kiêm Phó ban kiến thiết chùa và ông Luyến - trưởng thôn Xuân Nhân cùng tiến hành khảo sát đo đạc hoạch định khu vực chùa Xuân Nhân sau khi có quyết định của UBND xã nhất trí cấp thêm cho nhà chùa một số diện tích ao cạnh chùa để tạo cảnh quan cho khu vực chùa”.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Khương – Trưởng văn phòng luật sư Doanh Thương (TP.Hà Nội), Chính quyền xã không thể viện dẫn nhà chùa không có quyết định giao đất của UBND tỉnh thì chính quyền cho là đất công ích của UBND xã. Theo tinh thần Luật đất đai và Nghị định 181, khi giải quyết tranh chấp trường hợp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phải căn cứ vào nguồn gốc và thực trạng sử dụng đất. Đó là cơ sở quan trọng nhất để giải quyết tranh chấp. Trong khi đó nhà chùa đang quản lý sử dụng diện tích đất đó từ năm 1998 đến nay.”
Chính quyền huyện Mỹ Hào cần kiểm tra xem xét, giải quyết một cách thấu tình, đạt lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cũng cảnh quan của chùa Sùng Bảo – một di tích lịch sử cấp quốc gia cần được bảo vệ.
Theo Anh Đức - ĐĐK
* Nhận định của Chùa Phúc Lâm online về vụ trên:
Theo Luật pháp hiện hành, đất nào mà chẳng bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi, ngoại trừ trường hợp đất có nguồn gốc do nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất.
"Việc Ban giải phóng mặt bằng huyện Mỹ Hào và UBND xã Xuân Dục đã chỉ đạo thi công san lấp diện tích ao trồng sen, thả cá của nhà chùa (500m2) mà không thông báo, không có quyết định thu hồi, cưỡng chế đất cũng như không có phương án hỗ trợ bồi thường" như báo Đại Đoàn kết nói trên đã vi phạm nghiêm trọng điều 14 (về nguyên tắc bồi thường) và điều 31 (về quy trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ đất khi nhà nước thu hồi), Nghị định số 69/2009 ngày 13/08/2009 của Chính phủ.
Có đến 99,99% khả năng tiền bồi thường, hỗ trợ về đất, vật kiến trúc, công cải tạo đất của nhà nước cho ngôi chùa này đã bị mấy ông quan huyện và quan xã ở đây nuốt chửng rùi. Nuốt trôi mất toi rồi thì lấy đâu ra mà giải quyết, mà ông Vũ Văn Yên, Chủ tịch UBND xã Xuân Dục chẳng ăn nói theo kiểu "miệng lưỡi không xương nhiều đường lắt léo."
Kể ra thì các quan huyện, quan xã ở đây thuộc dạng "điếc không sợ súng". Theo luật đất đai 2003 và các quy định hiện hành của Chính phủ, đất đai do các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo quản lý, sử dụng, chỉ cấp tỉnh mới có đủ thẩm quyền thu hồi. Riêng đối với đất của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo thuộc di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trước khi cấp tỉnh ban hành quyết định thu hồi.
Ở những nơi xa "mặt trời", đây đó vẫn nổi lên vài đám "cường hào, thổ địa mới", làm việc bất chấp pháp luật, xem thường kỷ phép nước, khiến dân ngu khu đen thấp cổ bé họng khốn đốn lầm than.
Quả là:
"Đất nước bốn ngàn buồn cảm khái,
Sa-bà sáu nẻo xót xa đau."
Chùa Phúc Lâm online sẽ có bài đề cập đến việc bồi thường, hỗ trợ đất tôn giáo theo pháp luật hiện hành như thế nào khi nhà nước thu hồi. Mời bạn đọc theo dõi.