;
Hình minh họa.
Như chúng ta đã biết, thời Đức Phật chế định giới luật thì chưa có thuốc lá, bia, các chất gây nghiện... Bấy giờ chỉ có rượu, nếu uống nhiều rượu sẽ bất ổn về tâm lý, ngôn ngữ, hành vi và uống thường xuyên thì bị nghiện. Đức Phật từng dạy uống rượu có 36 lỗi nên đã chế định cho hàng Phật tử không được dùng.
Uống rượu thì vi phạm giới luật, nhưng uống rượu thuốc thì sao? Nói sai thì có khi sai mà nói đúng cũng có khi đúng. Sai là khi lấy cớ chữa bệnh, vì sức khỏe mà tự cho mình có quyền uống nhiều, thỏa thích. Đó là sai trong tư tưởng, nhận thức và làm vậy là vi phạm giới luật. Còn đúng là uống chỉ để trị bệnh, uống cho có sức khỏe thì được chứ không sai. Tuy là uống rượu nhưng vì mục đích trị bệnh và tốt cho sức khỏe nên có thể chấp nhận được.
Còn hút thuốc thì đó là sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện mà tác hại là ảnh hưởng tới phổi, tim và nhiều cơ phận khác. Hậu quả của hút thuốc không những chỉ ảnh hưởng tới mình mà còn ảnh hưởng người xung quanh, nhất là phụ nữ và trẻ nhỏ. Như vậy, hút thuốc lá cũng là đang tạo nghiệp gây hại cho sức khỏe chính mình và người khác, còn tạo nghiệp thêm nữa là gây sự khó chịu cho người xung quanh, mà đã là tạo nghiệp ắt vi phạm giới luật. Vì thế, nếu chưa bỏ được thuốc lá thì cũng nên hạn chếvà khi hút tránh xa chỗ đông người, tới chỗ ít người mà hút, tránh ảnh hưởng người xung quanh. Và nên quyết tâm từ bỏ thuốc lá, vì đó là thói quen xấu, tạo nghiệp không tốt.
Còn về bia thì lại có phần khác, nói là nước giải khát thì uống cho đỡ khát, kích thích tiêu hóa và ăn uống, làm dịu thành ruột, tốt cho dạ dày. Và tắm bia lại là làm đẹp da, hồng hào nhuận khí. Dùng ít, có mức độ thì bia lại tốt cho người sử dụng. Nhưng nếu dùng nhiều thì gây nghiện, uống quá đà thì say sưa chè chén, mê mờ tâm trí, rối loạn thân tâm. Có khi ly bia dùng để giao lưu kết tình bằng hữu, đồng nghiệp mà có khi ly bia là kết oán, kết thù, đâm chém, giết nhau vì say sưa mất tự chủ. Mà bia cũng như rượu, đều thuộc chất gây say nghiện, nên hạn chế sử dụng hay tránh sử dụng chứ đừng để bị nó sai sử, chi phối khi không có.
Vậy giới luật dùng để hạn chế những hành vi, tạo nghiệp xấu ác. Thông qua sự giữ giới, người Phật tửcàng ngày hoàn thiện bản thân trên bước đường tu hành. Và việc đúng sai, phải trái, vi phạm hay không vi phạm giới luật tùy vào tâm khởi ý tạo tác mà ra. Nên người Phật tử hãy luôn chánh tâm, an trú trong chánh niệm, biết được việc gì nên hay không nên mà từ đó nếu thấy sai thì từ bỏ thay đổi, nếu thấy không ảnh hưởng thì vẫn có thể tiếp tục. Quan trọng là những gì có ích cho sức khỏe, tu tập thì phát huy mà hại cho sức khỏe và sự tu hành thì lập tức loại trừ.
Quang Minh