;
Trong cuộc sống, từ kho báu thường gắn liền với vật chất là những thứ quý giá đem lại cho con người chúng ta lợi về vật chất mà nó đem lại, giá trị của nó được tất cả mọi người công nhận và muốn có nó đó là những thứ như vàng, bạc, kim cương, đá quý...Nhưng đó là kho báu thuộc về vật chất. Còn một kho báu nữa mà bất cứ người tu đạo nào cũng đều muốn có, đều cố gắng để đạt được, đều muốn thấy được, hay muốn nhận biết và muốn sống với nó đó là kho báu tâm hồn.
Kho báu tâm hồn là kho báu ngược với kho báu vật chất, một bên có hạn định, một bên thì vô hạn định, một bên dùng thì hao mòn và dần hết, còn một bên dùng mãi không hết, cho đi còn sinh ra thêm nhiều nữa. Kho báu tâm hồn là giá trị chân thật của tâm, là bản chất tâm thanh tịnh, tâm giải thoát, tâm an nhiên, tâm vị tha, tâm yêu thương, tâm sẻ chia, tâm giác ngộ, tâm trong sáng, tâm bình yên hay tâm rộng mở. Tất cả đều chỉ cho tánh của tâm còn là Phật tánh, là chơn Như, chơn tâm.
Người tu đạo ngõ hầu tìm về nơi bình an, giải thoát mọi buộc ràng, thoát ly sinh tử, muốn cứu giúp đời giúp người, hay xây dựng và củng cố đạo pháp thì đều phải cần tìm được kho báu tâm hồn, kho báu tinh thần, kho báu chân thật nơi trong bản thân mình để biết mà dùng, để hiểu mà sống, để ngộ mà giải thoát, để thấy mà trân quý, để nhận lấy mà cho đi. Kho báu trong bản thân mình chính là tâm mình vậy.
Có câu tâm làm chủ, tâm tạo tác. Tâm tạo ra phước lành hay tạo ra nghiệp dữ do bị vô minh che mờ bổn tâm, do tham sân si bao phủ tánh sáng của tâm. Chỉ cần dẹp tan tham sân si thì tánh tự sáng của tâm hiện rõ, là lúc đó thấy được kho báu trong mình. Tâm thản nhiên, an tịnh khi dùng kho báu cho mình, và giúp mọi người hiểu đạo tu đạo là đem kho báu của mình cho mọi người để mọi người cảm nhận được giá trị kho báu đó, và hướng mọi người quay lại tìm ngay nơi bản thân mình cái kho báu quý giá đó lấy ra mà dùng.
Trong một câu chuyện thiền dưới đây, kể về sự tầm sư học đạo của các vị danh thiền thời trước.
Daiju tìm đến Thiền sư Baso ở Trung quốc để học đạo. Baso hỏi: "Ông tìm kiếm cái gì?"
"Đạo giác ngộ," Daiju trả lời.
"Ông đã có sẵn kho báu, tại sao còn phải tìm kiếm bên ngoài?" Baso hỏi.
Daiju thắc mắc: "Kho báu của tôi ở đâu?"
Baso trả lời: "Cái mà ông vừa hỏi là kho báu của ông đấy."
Daiju hốt nhiên thoắt ngộ! Từ đấy về sau ngài thường khuyên bạn bè: "Hãy mở kho báu của mình ra mà dùng."
Qua câu chuyện trên chúng ta biết kho báu của mình là tâm, khi thiền sư Daiju hỏi thiền sư Baso tìm kho báu ở đâu thì thiền sư Baso nói lại là "Cái mà ông vừa hỏi là kho báu của ông đấy."
Vì tâm khởi ý hỏi, ý tìm hiểu nó ở đâu, nó ngay nguồn khởi là nơi tâm mình. Ngay nơi tâm mà hành, ngay nơi tâm mà biết, ngay nơi tâm mà nghĩ suy, ngay nơi tâm mà trực ngộ kho báu của tâm thì đó là đạo giác ngộ. Vậy tìm đạo không tìm đâu xa mà quay lại bản thân mình mà tìm kho báu nơi tâm của mình vậy.