;
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Con kính bạch Sư Phụ! Con kính bạch quý thầy!
Mùa an cư kết hạ đến cũng là thời gian các em nhỏ được đến chùa tu học mấy tháng hè. Con cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được nhìn thấy các em được về chùa tu học, vui chơi lành mạnh, được rèn luyện đạo đức, phát triển nhân cách,.. làm nền tảng giúp các em hoàn thiện bản thân để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước, có ích cho xã hội.
Con thầm ước, giá như có thật nhiều ngôi chùa trên đất nước Việt Nam cũng tổ chức khóa tu cho các em nhỏ như thế này thì tốt biết mấy. Bởi vì khi vào chùa, các em được học những điều hay lẽ phải, được vui chơi lành mạnh, trau dồi thiện căn, thay vì ở bên ngoài chơi những trò chơi bạo lực như game, điện tử, tiếp xúc với bạn xấu, nói tục nói bậy,… khi không có bố mẹ thường xuyên giám sát.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, khi con tham gia vào việc dọn dẹp vệ sinh nơi ngủ nghỉ của các em nữ, con nhận thấy có những điều vẫn còn bị hạn chế, cụ thể là không có người lớn (ví dụ như: các cô bảo vệ hoặc các bạn hộ pháp chẳng hạn) giám sát, nhắc nhở theo dõi sát sao việc sinh hoạt của các em, để rèn luyện cho các em tính tự giác, có ý thức trách nhiệm với những việc làm của mình.
Tình trạng như hiện nay mà con nhận thấy là: Các em chỉ nghe lời khi có quý thầy, còn khi ở trên phòng ngủ nghỉ, không có ai giám sát thì các em không có ý thức vào việc mình làm, ví dụ như: buổi sáng ngủ dậy các em không tự xếp chiếu, mền, gối ngăn nắp; không dậy ngay để vệ sinh cá nhân của mình, tạo điều kiện cho các cô công quả thường xuyên làm việc dọn dẹp vệ sinh, mà các cô phải nhắc nhở các em rất nhiều (khiến cho các cô làm không kịp thời gian để dùng bữa sáng cùng đại chúng, không được nghe pháp thoại buổi sáng của Sư Phụ); một số bạn ăn kẹo bánh xong thì để bừa bãi trong phòng, các gói dầu gội dùng xong không bỏ vào thùng rác mà để ngay trong nhà tắm, nhà vệ sinh hoặc có bạn thì đi vệ sinh ở cả nhà tắm, rác vệ sinh xả ngay ở ngoài chứ không cho vào thùng, mà những loại rác đó rất dễ gây tắc cống thoát nước; giặt đồ xong không để chậu đúng nơi quy định mà để ngay tại chỗ bừa bãi…
Nói chung các em chưa có ý thức, trách nhiệm trong việc mình làm. Ngoài ra, một số em còn sử dụng cả điện thoại nữa (con không biết quý thầy có cấm các em dùng điện thoại không). Khi nhìn thấy tình trạng này, con thiết nghĩ, khi các em đến chùa ngoài việc được quý thầy dạy giáo lý, đạo đức, kỹ năng sống,.. ở trên giảng đường, trai đường, hay các giờ ngoại khóa,.. thì các em cũng cần phải học để thay đổi bản thân mình trở nên tốt hơn bằng chính việc các em tự làm cho chính mình ở nơi mình ngủ nghỉ. Chẳng hạn như, tập các thói quen thức dậy là dậy liền, không nằm nướng, tập gấp chiếu, mền và xếp lại cho ngay ngắn, để rác vào thùng rác, cất chậu giặt đúng nơi quy định sau khi sử dụng,…
Con thấy trẻ em Việt Nam nên học tính tự lập của trẻ em Nhật Bản. Dưới đây là bài viết mà con đọc được về trẻ em Nhật Bản:
Người Nhật Bản rất yêu thương con cái của mình, nhưng không có nghĩa là họ chiều con cái của mình. Mà ngược lại họ có cách giúp trẻ rèn luyện kỹ năng tự lập từ rất sớm. Điều này có thể lý giải vì sao trẻ em ở Nhật Bản có thể tự tin, kiên cường đến vậy.
Tự làm mọi việc thay vì nhờ người khác giúp.Rèn luyện ngay từ những việc nhỏ, đó là việc xách cặp đến trường. Ở Việt Nam khi các bé đến trường thì khi bước xuống xe người xách túi đồ cho bé là bố mẹ, nhưng ở Nhật Bản thì khác, các bé phải tự mang balo của mình, và những vật dụng kèm theo. Các giáo viên cũng nhắc nhở các bậc phụ huynh tuyệt đối không mang đồ giúp bé vì đây là cách tốt nhất để giúp bé trưởng thành.
Xách đồ chỉ là chuyện nhỏ, ở Nhật Bản các bé 6-7 tuổi có thể tự đi học một mình bằng tàu điện ngầm lên tàu điện và tự tìm chỗ cho mình. Nhưng điều này chỉ có thể để trẻ làm khi mà đất nước đó có tình hình an ninh trật tự tốt.
Những bé nhỏ đi học thường mang theo rất nhiều đồ, và đồ của chúng phải đựng được trong những chiếc túi có kích cỡ khác nhau, túi nhỏ được đựng trong túi lớn cứ theo thứ tự như vậy sẽ giúp các bé dễ tìm đồ của mình, đồng thời đây là cách dạy trẻ tính ngăn nắp từ rất sớm.
Học cách tự phục vụ bản thân và phục vụ mọi người.Không chỉ tự mình làm vệ sinh cá nhân từ rất sớm từ mẫu giáo như: đánh răng, rửa mặt, trải đầu, thay quần áo, các bé ở Nhật Bản đã phải tự phục vụ bữa trưa ở trường thay vì ỷ lại cho cô giáo phục vụ, và thay nhau dọn dẹp vệ sinh sau khi ăn điều này giúp các em nhận thức được trách nhiệm của bản thân với tập thể cũng như bảo vệ môi trường.
Khi dạy các bé thì chúng ta không chỉ nói suông được, điều quan trọng là phải dùng thực tiễn để chứng minh, giúp trẻ nhận thức một cách đúng đắn nhất. Ở Nhật Bản trẻ được tham gia các hoạt động thực tiễn như: Leo núi, làm nội trợ dọn dẹp vệ sinh, khám phá về văn hóa, lễ hội… tất cả các địa điểm thực tế đều được gắn với những bài học riêng mà các cô giáo sẽ giảng dạy theo ngôn ngữ của trẻ để trẻ dễ hiểu hơn.
Chính vì lẽ đó, các bà mẹ Việt Nam cũng nên rèn luyện tính tự lập của con em mình để sau này chúng sẽ tự tin, tự lập và phát triển bản thân được thành công, nhanh chóng hơn.
Con nghĩ, hình như khi ở nhà các em quen được cha mẹ nuông chiều rồi nên mới vậy. Con nghĩ đây là cơ hội để dạy tính tự lập, tự giác cho các em, để sau khóa tu ở chùa, các em về nhà sẽ có nhiều thay đổi tích cực. Có như vậy, tình yêu thương và công sức mà Sư Phụ và quý thầy đã dành trọn cho các em sẽ không uổng phí.
Con kính bạch Sư Phụ! Kính bạch quý thầy, trên đây là những thực trạng mà con nhìn thấy ở các em tham dự khóa tu. Con kính mong quý thầy sẽ có nhiều phương pháp giúp cho các em tu học và rèn luyện tốt nhất để hoàn thiện bản thân và có khóa tu ở chùa vui, khỏe, ý nghĩa và hạnh phúc.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Dưới đây là một bài thơ con viết tặng các em để gửi gắm, nhắc nhở các em một số điều cơ bản. Con kính xin Sư Phụ và quý thầy hoan hỷ bố thí chỉ dạy cho con ạ:
GỬI CÁC EM NHỎ
Hè về em đến chùa tu.
Gặp thầy gặp bạn quá ư vui rồi!
Tu học, ăn ngủ, vui chơi,
Rèn luyện đạo đức trau dồi thiện căn.
Buổi sáng dậy lên hãy nhớ nghen
Gấp gọn mùng, mền với chiếu chăn,
Vệ sinh sạch sẽ nơi mình ở,
Đồ đạc cá nhân xếp gọn gàng.
Đánh răng, rửa mặt, rồi chải tóc,
Tắm giặt, vệ sinh hoặc uống ăn,
Có rác nhớ đem gom lại hết,
Giữ cho nơi ở được sạch trong.
Đến giờ tu học ngồi ngay ngắn,
Không nên bàn tán nói chuyện riêng,
Chăm chú lắng nghe Thầy giảng dạy,
Để học thật nhiều những điều hay.
Đến giờ ngoại khóa, lúc vui chơi
Vui vẻ, giao lưu với mọi người
Tinh thần đoàn kết, chơi lành mạnh,
Giúp bạn cùng chơi mới thực vui.
Đi đến trai đường em hãy nhớ
Nói cười nhỏ nhẹ, bước an nhiên,
Áo quần tề chỉnh, tay sạch sẽ
Lần lượt bước đi theo lối hàng.
Lặng yên đứng đợi, đôi tay chắp
Thầm niệm Nam Mô, đón quý thầy
Lắng nghe tiếng khánh đồng xá xuống,
Nhẹ nhàng nhấc ghế ngồi thẳng ngay.
Lấy cơm ra chén cúng quá đường
Nhất tâm hồi hướng đến mười phương
Uống ăn từ tốn trong chánh niệm,
Tam đề, ngũ quán niệm trong tâm.
Đoạn ác, làm thiện, độ chúng sinh,
Biết ơn người cúng với tâm thành,
Nguyện tu cho xứng phần thọ dụng
Dứt trừ tham dục lúc uống ăn.
Khi ăn, chén bát không khua động,
Cũng không nói chuyện kẻo tán tâm,
Dùng xong ngồi đợi, đồng đi nghỉ,
Thu dọn bàn ăn thật gọn gàng.
Đến giờ ngủ nghỉ hãy lặng im
Làm việc cá nhân thật nhẹ nhàng
Tránh âm thanh lớn gây động chúng
Nhớ ngủ đúng giờ sức khỏe tăng.
Ở chùa tu học trong nề nếp
Về nhà cũng vậy nhớ nghe em
Học hành, ăn, ngủ, chơi đúng mức
Lễ phép, biết ơn mới là ngoan.
Diệu Thu