;
Một người phụ nữ ở Trung Quốc đã cấp dưỡng một vị sư hơn 20 năm. Bà đã làm một chòi nhỏ cho sư và lo việc ăn uống khi sư thiền định. Cuối cùng bà thắc mắc là không biết vị sư đã tiến bộ được gì trong suốt bao nhiêu năm. Để tìm câu trả lời, bà nhờ một cô gái đầy ham muốn giúp một tay. “Vào ôm ông,” bà bảo cô gái, “rồi hỏi đột ngột: ‘Làm gì bây giờ?’ ”
Cô gái vào gặp sư và, chẳng nề hà gì, đến vuốt ve sư, hỏi sư phải làm thế nào về việc đó.
“Một cây mọc trên tảng đá trong mùa đông,” vị sư trả lời đầy thi vị. “Chẳng nơi đâu có hơi ấm.”
Cô gái trở về và báo cáo lại điều sư nói.
“Nghĩ đến việc tôi nuôi ông này cả 20 năm!” bà than một cách giận dữ. “Ông ta chẳng tỏ vẻ gì quan tâm đến nhu cầu của cô, chẳng hề muốn giải thích tình trạng của cô. Ông ta không cần phải đáp lại ham muốn, nhưng ít ra ông ta cũng phải tỏ lộ được một tí từ tâm.”
Bà liền đi ngay đến chòi của vị sư và đốt nó.
Lời bình:
• Đoạn nhà sư nói thế này:
Cô gái vào gặp sư và, chẳng nề hà gì, đến vuốt ve sư, hỏi sư phải làm thế nào về việc đó.
“Một cây mọc trên tảng đá trong mùa đông,” vị sư trả lời đầy thi vị. “Chẳng nơi đâu có hơi ấm.”
Ý nhà sư nói: Tôi như là một cây mọc trên đá trong mùa đông, rất lạnh lùng, chẳng có hơi ấm nào nơi tôi, chẳng có xúc cảm nào nơi tôi, cô đừng mất công vô ích.
Đây là thái độ mà ta gọi là con tim chai đá chẳng còn một tí cảm xúc nào hết. Và đây là lầm lỗi rất nhiều người có về Thiền, kể cả một số “thiền sư”. Tức là họ tập “Thiền” để chỉ làm cho con tim không còn bị xúc động bởi tất cả mọi điều trên đời.
Nhưng nếu thế thì tâm từ bi của Bồ tát làm sao mà có được?
Bồ tát có tâm từ bi, cảm xúc được từng nỗi đau rất nhỏ của con người. Vì vậy mà Bồ tát luôn luôn hộ trì, độ người qua khổ nạn.
Tâm Thiền là tâm cực kỳ nhậy cảm, nhậy cảm với những nỗi đau nỗi khổ dù là rất nhỏ của sinh linh.
Ở đây ta có một cô gái muốn một nhà sư (dù là bên ngoài). Trong bài có nói đây là một cô gái “đầy ham muốn”. Đó là một cái khổ. Thích một nhà sư là một điều rất khổ cho một cô gái. Nhà sư không thích cô gái theo kiểu nam nữ, nhưng ít ra phải cảm xúc được cái khổ của cô, để mà có một tí từ tâm. Biểu lộ từ tâm đó với cô ta bằng cách nào thì tùy theo trường hợp, nhưng có lẽ không phải là cách kiêu kỳ, chẳng nói một lời về cô ta, mà chỉ tự ví mình là cây mọc trên tảng đá giữa mùa đông. Một lối trả lời rất nhắm vào “cái tôi” thay vì lo lắng cho người kia.
Ở đây ta thấy sự liên hệ giữa tâm chai đá và cái tôi (ngã mạn). Người có tâm chai đá chỉ quan tâm đến họ và chẳng quan tâm đến ai khác.
Bồ tát không quan tâm đến mình, mà quan tâm đến người khác. Đó là Thiền thật sự.
• Người ta thường nhầm lẫn tâm tĩnh lặng của Thiền và tâm chai đá. Tâm tĩnh lặng là mặt nước hồ thu tĩnh lặng, không phải là một tảng đá chết lặng.
Một viên sỏi rất nhỏ cũng làm mặt hồ gợn sóng. Tâm tĩnh lặng rất nhạy cảm với mọi cảm xúc ở đời, nhậy cảm hơn tâm trung bình rất nhiều.
Nhưng Tâm tĩnh lặng có thể tự kiểm soát mình rất tốt, cho nên dùng các xúc cảm đó để làm điều thiện, làm thăng hoa cuộc đời.
Mặt khác, chạy ồ ạt theo xúc cảm buồn vui giận ghét của mình không phải là nhậy cảm, mà là không chỉ huy được cảm xúc và là nô lệ cho cảm xúc.
• Bà lão nổi giận vì tốn công nuôi ông sư này 20 năm mà ông ta chẳng hiểu gì về Thiền, về tĩnh lặng, và từ tâm cả. Sự nổi giận của bà lão và con số 20 năm là để nhấn mạnh điều là có rất nhiều vị sư bị lạc về điểm này cả đời họ.
(Trần Đình Hoành dịch và bình)