;
Hình ảnh mô tả loài Ngạ quỷ
Sự nguy hiểm của bài viết đó, là khiến mọi người sanh tâm ỷ lại, tha hồ lãng phí thực phẩm, không cần tập thói quen biết đủ, tiết kiệm, cũng như tạo ác nghiệp bố thí thực phẩm xấu đến loài Ngạ Quỷ mà mong được phước báo hữu lậu. Điều này hoàn toàn trái với kinh điển, nên đây tức là lời nói của ma.
Theo Kinh Trung A-hàm, phẩm Phạm chí, kinh Tu-đạt-đa, số 155, Đức Phật dạy:
“Này Cư sĩ, nếu bố thí những thức thô xấu, không tín mà bố thí, không cố tâm bố thí, không tự tay bố thí, không tự mình đến bố thí, không tư duy mà bố thí, không do tín mà bố thí, không quán nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, tâm không muốn được nhà đẹp, không muốn được xe đẹp, không muốn áo chăn đẹp, không muốn được đồ ăn thức uống ngon, không muốn được ngũ dục công đức tốt. Vì sao? Vì không chí tâm mà hành bố thí. Này Cư sĩ, nên biết rằng, sẽ thọ báo đúng như thế”.
Nghĩa là với tâm niệm thiếu cung kính, đem thức ăn dư thừa của mình, thay vì bỏ đi, đem đổ ra nơi đất trống, mà cầu nguyện chư Phật, Bồ tát khắp mười phương, chứng minh công đức cho sự bố thí tàn thực, tức thức ăn xấu đến loài các loài ngạ quỷ, mà mong cầu được quả báo tốt là điều không thể xảy ra.
Vì đó là không tín mà bố thí, không tư duy mà bố thí và không cố tình bố thí, không vì lòng thương tưởng các vong linh người đã khuất chịu khổ đau trong cõi quỷ đói mà cúng dường, dù họ có thể là quyến thuộc nhiều đời của mình. Nên đó là sự bố thí bất tịnh, từ động cơ sợ quả báo lãng phí thức ăn, sẽ chiêu cảm sự nghèo đói trong tương lai mà cho. Chứ không giống như lời Phật dạy.
Theo Kinh Du Già Tập Yếu Cứu A Nan Diệm Khẩu Quỹ Nghi (Hán dịch: Đời Đường_ Tam Tạng Sa Môn Bất Không phụng chiếu dịch, Huyền Thanh Việt dịch), khi Đức Phật ở thành Ca La, ngài A Nan thấy một ngạ quỷ tên là Diệm Khẩu bạch với A Nan rằng: “Ba ngày sau thời mệnh của ông sẽ chấm dứt, liền sinh ở trong nẻo Quỷ Đói (Ngạ Quỷ)”.
Khi đó, ngài A Nan hỏi quỷ vương có cách nào, để thoát khỏi quả báo ấy. Diệm Khẩu nói:” Nếu ông có thể bố thí cho trăm ngàn vạn ức na do tha hằng hà sa số vô lượng quỷ đói, Bà La Môn Tiên, Diêm La Sở Ty, Nghiệp Đạo, Minh Quan với các Quỷ Thần, Thị Tòng Quyến Thuộc, Vong linh người chết đã lâu…bình đẳng bố thí khắp cho quỷ đói được ăn uống thời ông sẽ được tăng thọ”.
Ngài A Nan hoảng hốt, cầu xin Đức Phật chỉ dạy, đức Phật dạy vì A Nan dạy Đà La Ni tên là Vô Lượng Uy Đức Tự Tại Quang Minh Như Lai Đà La Ni Pháp, để cứu bạt cho loài Ngạ Quỷ. Tuy nhiên, Đức Phật dạy phải “dùng thực phẩm sạch, chưa từng dùng qua, giữ lấy bố thí, đựng trong đồ sạch, mà bố thí cho các loài quỷ thần”.
Được vậy, “sẽ đầy đủ vô lượng Phước Đức, ắt đồng với nhóm công đức cúng dường trăm ngàn câu chi Như Lai không có sai khác, thọ mệnh thêm dài; tăng ích cho sức khỏe, sắc đẹp, đầy đủ căn lành. Tất cả Phi Nhân, Dạ Xoa, La Sát, các Quỷ Thần ác chẳng dám xâm hại. Lại hay thành tựu vô lượng uy đức”.
“Lại khiến cho tâm của người ấy đối với chỗ thấy nghe, chính giải trong sạch, đầy đủ căn lành, mau chứng Vô Thượng Chính Đẳng Bồ Đề. Tất cả Oan Thù chẳng thể xâm hại”.
Như vậy, theo kinh “Đà La Ni vì A Nan với cứu bạt quỷ đói Diệm Khẩu, tất cả chúng sinh”, đức Phật đã khẳng định công đức cúng dường cho loài Ngạ quỷ cũng như cúng dường cho trăm ngàn hằng hà sa Như Lai. Như vậy, thì sao có thể lấy thức ăn dư thừa mà đổ đi, rồi cầu nguyện chư Phật, Bồ tát mười phương khiến tàn thực ấy biến thành vị cam lộ cung hiến cho loài ngạ quỷ.
Huống chi, bố thí như thế sẽ đem lại quả báo nghèo đói, bệnh tật, tai nạn, trong đời hiện tại vì lãng phí thực phẩm và xúc phạm quỷ thần, còn vị lai thì sẽ sanh vào các loài quỷ đói, ăn tàn thực, hoặc sanh làm người nghèo cùng, khốn khổ, chỉ ăn đồ thừa vì tâm ích kỷ, hẹp hòi, luôn chịu sở cầu bất như ý, do bố thí không thanh tịnh.
Tốt nhất đối với thực phẩm dư thừa nên đổ xuống ao, hồ, sông, suối bố thí cho loài cá; hoặc nơi gốc cây, bố thí cho chim, chó, mèo, trùng kiến. Nếu đó là loại thực phẩm mà loài súc sanh có thể ăn được. Ngoài ra, nên tập hạnh “ít muốn, biết đủ”, “tiếc phước, kiệm đức”, để tránh lãng phí thực phẩm. Mỗi ngày, quý vị có thể ít hơn một chút, để hồi hướng cho những người đang hứng chịu nạn đói trên toàn cầu.
Hoặc đối với các thực phẩm thanh tịnh, quý vị hãy khởi niệm cúng dường Tam Bảo trước khi ăn và hồi hướng cho tất cả chúng sanh trong pháp giới đều no đủ, sung mãn cả tài, pháp nhị thí.
Đối với cư sĩ tại gia, vào mùa Vu Lan, Tết Nguyên Đán, Giỗ Chạp, hay làm bất cứ pháp sự gì nên thỉnh chư tăng hoặc tự mình y theo nghi thức Mông Sơn Thí Thực mà cúng dường cho loài Ngạ Quỷ. Như thế, mới thuận với lòng từ bi của chư Phật.
Nhìn chung, cúng thí thực có bảy công đức:
1. Quỷ thần phù hộ.
2. Tránh khỏi các tai nạn bất ngờ.
3. Không bị người âm quấy nhiễu.
4. Tuổi thọ, sắc lực, tài sản sung mãn.
5. Oan gia, oán thù không thể hại, nhẹ nhàng tháo giải oan kiết.
6. Gieo duyên rộng lớn với chúng sanh. Ân đức trùm khắp muôn loài.
7. Rốt ráo thành Phật.
Dù trong Kinh Tu Đạt Đa, Đức Phật dạy:”Nếu bố thí những thức thô xấu nhưng có tín mà bố thí, có tâm bố thí, tự tay bố thí, tự mình đến bố thí, tư duy mà bố thí, do tín mà bố thí, quán nghiệp và quả báo mà bố thí, thì nên quán rằng sẽ thọ báo đúng như thế, là do tâm muốn được nhà đẹp, muốn được xe đẹp, muốn được áo chăn đẹp, muốn được đồ ăn thức uống ngon, muốn được ngũ dục công đức tốt đẹp. Vì sao? Vì chí tâm mà bố thí”.
Tuy nhiên, hãy nhìn tấm gương của Vua A Dục, cũng nhờ lòng chí thành trong tiền kiếp khi còn là một đứa bé cúng dường một nắm cát cho đức Phật rải trên đường đi kinh hành mà tái sanh lại làm vua, nhưng do đất cát là vật thí xấu, nên tuy được làm vua mà có thân hình đen xấu. Đó là kết quả lòng chí thành bố thí vật xấu. Huống chi cố tình đem tàn thực ra mà bố thí cho loài ngạ quỷ? Quả thật là tà kiến vô minh. Vì vậy, muốn hưởng quả báo tốt trong đời vị lai, nên đem vật thí tốt nhất ra mà bố thí, cúng dường.
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.