;
Sau khi đọc được công văn số 594/NV ngày 12 tháng 4 năm 2023, do Phòng Nội vụ Ủy ban Nhân dân Quận 11 ban hành “về việc phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn”, ở góc độ một Phật tử, tôi xin được có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất: Việc vận động đưa các đối tượng ăn xin, người lang thang trên địa bàn
Thành phố (không riêng gì ở các chùa chiền, tự viện) là công việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng nhà nước bởi vì họ quản lý các cơ sở công lập, ngoài công lập có nuôi dưỡng trẻ em, người lang thang cơ nhỡ…
Việc vận động cần được phối hợp từ nhiều ban ngành đoàn thể trong hệ thống chính trị để phân loại và đưa các đối tượng đó về những nơi phù hợp, chỉ có cơ quan chức năng mới có thẩm quyền về mặt pháp luật để vận động các đối tượng đó thực thi theo đúng khuôn khổ pháp luật, đảm bảo về mặt mỹ quan, an sinh, trật tự an toàn xã hội…
Để hạn chế và không còn tình trạng trẻ em ăn xin, người lang thang, người sống nơi công cộng…thiết nghĩ cơ quan chức năng cần phối hợp với các Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em, người lang thang, người già neo đơn của các Sở ngành, cùng với các Sở ngành đến trực tiếp nơi có đối tượng để tìm hiểu, vận động, phân loại và đưa họ về các cơ sở, trung tâm sẽ phù hợp và hiệu quả hơn là đề nghị các cơ sở Tôn giáo thực hiện.
Thứ hai: Chùa chiền, tự viện vốn được xem là nơi hướng thiện trên tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”, là nơi từ bi, sẵn sàng giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn và không mang tính xung đột. Trong nhà Phật không có sự phân biệt sang hèn, cao thấp, cho nên việc xua đuổi hay vận động để loại trừ thành phần nghèo khó, cơ nhỡ ra khỏi phạm vi chùa, tự viện mà bản thân các chùa chiền, tự viện cũng không biết sẽ đưa họ về đâu là một việc làm không đúng trên tinh thần Phật giáo, gây khó khăn cho các chùa chiền, tự viện và có thể gây phản cảm đối với cái nhìn dư luận.
Những người ăn xin, họ đến chùa để xin ăn, bán vé số…họ chỉ ngồi đó, ai cho thì họ nhận, không cho thì họ cũng không có những hành vi nào gây tổn hại đến người khác, họ không vi phạm pháp luật thì về phía chùa, các Sư cũng không thể nào ra để xua đuổi hay cấm cản họ được bởi vì cửa Phật thì luôn rộng mở đón mọi chúng sinh và lòng từ bi của đạo Phật cũng không cho phép một người tu hành làm việc đó.
Bên cạnh đó, những rủi ro và ấn tượng không tốt sẽ xảy ra với các chùa chiền, tự viện, các Tăng, Ni khi họ ra tham gia vào quá trình vận động với cơ quan chức năng vì nếu lỡ có trường hợp ai đó chụp hình, quay phim lại rồi tung lên mạng xã hội với lời chỉ trích “Chùa này xua đuổi và cấm người ăn xin, không cho người nghèo ở trước cổng chùa, xua đuổi người sống lang thang nơi công cộng” thì vô tình điều này sẽ làm ảnh hưởng đến ngôi chùa đó, ảnh hưởng đến nhà Sư đó vì người ta cho rằng chùa đó thiếu tinh thần từ bi bác ái của nhà Phật.
Việc khất thực đó cũng không có gì xấu và ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đến an ninh trật tự, người đi khất thực cũng không bắt buộc ai cho thì Phật tử chúng tôi lấy thẩm quyền gì để bước ra cấm cản, không cho họ đi khất thực?
Đối với việc đi khất thực, ở một số quốc gia, các Sư không còn đi khất thực vì nhiều nguyên nhân, vì thói quen sống của người bản địa là không tiếp xúc với người lạ, vì đặc thù kiến trúc xây dựng ở quốc gia đó không phù hợp cho người đi khất thực, ví dụ như ở Mỹ, các ngôi nhà luôn có khoảng sân cách biệt với đường đi bên ngoài, ở Hàn Quốc thì người dân đa số sống ở các nhà cao tầng…nên các Sư cảm thấy việc khất thực ở các quốc gia đó sẽ không phù hợp nên họ tự xóa bỏ pháp tu của mình chứ chính phủ nơi sở tại không ngăn cấm họ trong việc đi khất thực. Việc khất thực cũng giống như các nội dung thuyết pháp của các Sư, tùy vào thời cuộc, tùy vào đối tượng để thay đổi cách giảng cho phù hợp chứ không ai ra văn bản bắt Sư này, Thầy này phải giảng theo cách này mà không được giảng theo cách khác.
Nếu trường hợp các chùa chiền, tự viện vận động không hiệu quả để ngăn chặn tình trạng ăn xin trước cổng chùa vì các sư hiền quá, người ăn xin, lang thang cơ nhỡ họ không nghe, họ vẫn ở quanh quẩn trong khu vực đó, người sống lang thang ở khu công cộng họ không đi nơi khác thì các Sư biết làm sao và làm cách nào, khi đó chúng ta có phê bình chùa đó, tự viện đó là không thực hiện hiệu quả việc vận động theo đúng tinh thần công văn chỉ đạo trong khi chức năng nhiệm vụ này không phù hợp với bản chất của nhà Phật hay không?
Về nội dung của công văn, chùa chiền, tự viện có thể phối hợp với cơ quan chức năng dưới góc độ “Đồng thuận với chủ trương của văn bản đưa ra”, đồng thuận chủ trương nghĩa là không chống đối, không cản trở quá trình thực hiện của cơ quan chức năng trong việc bảo vệ khẩn cấp đối tượng nhưng chùa, tự viện sẽ không thể trực tiếp tham gia bằng biện pháp nào để ngăn cản việc ăn xin hay đi khất thực, sinh sống nơi công cộng của người khác được vì nó không đúng với chức năng, nhiệm vụ và tinh thần đạo giáo của các chùa…
Đối với người ăn xin thì bản thân mỗi người Phật tử chúng tôi, khi đã cho người nghèo thì chúng tôi sẽ không đặt câu hỏi hay sự hoài nghi nào về việc giúp đỡ đó, không băn khoăn lòng tốt của mình dành cho ai đó “có bị họ lừa hay không?”, đặc biệt là đối với người ăn xin, chúng tôi cho vì hình ảnh của họ chạm đến lòng trắc ẩn của mình nên chúng tôi thương, chúng tôi cho một cách tự nguyện chứ người ăn xin đó cũng không ép buộc nên trong công văn yêu cầu Phật tử không để họ ăn xin, không để tu sĩ lợi dụng lòng tốt đi khất thực thì bản thân chúng tôi vốn đã không nặng nề những vấn đề đó, không để nó trong lòng mình và tự nhận thấy mình cũng không có thẩm quyền gì để mà được phép “cho hay không cho” đối với những người đó cả.
Vì vậy, là một Phật tử, tôi nhận thấy rằng nội dung đề ra trong công văn số 594/NV ngày 12 tháng 4 năm 2023, của Phòng Nội vụ Quận 11 là chưa thực sự khả thi vì chưa đúng với chức năng nhiệm vụ của cơ sở tôn giáo, ngược lại, nội dung sẽ gây ra những khó khăn cho chùa chiền, tự viện trong quá trình thực hiện.
Để những người lang thang cơ nhỡ cần được giúp đỡ khẩn cấp, bên cạnh đó nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, phát triển kinh tế xã hội…thì Ủy ban Nhân dân Quận 11 nên lắng nghe, quan sát những nơi nào có xảy ra tình trạng đó để kịp thời chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội cùng tham gia thực hiện, kết nối với các cơ sở xã hội để tiếp nhận các đối tượng, giải quyết hiệu quả tình trạng ăn xin, lang thang cơ nhỡ nêu trên.
Mong rằng Phòng Nội vụ Quận 11 nên tham mưu lại nội dung để việc thực hiện trên phù hợp và đúng với tinh thần từ bi, bác ái của nhà Phật, đúng với chức năng nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền, từ đó sẽ mang lại hiệu quả và tạo sự đồng thuận hơn trong quá trình phối hợp.
Trân trọng!
Phật tử An Tường Anh